Hotline 24/7
08983-08983

Viêm đường tiết niệu, uống kháng sinh gì?

Bài viết không cung cấp các lời khuyên, chẩn đoán, điều trị bệnh, giảm nhẹ bệnh. Nôi dung chỉ có tính chất tham khảo, thuận tiện cho việc tra cứu và không thay thế cho việc chẩn đoán, các phương pháp điều trị y khoa. Thảo luận với bác sĩ để được hướng dẫn điều trị và dùng thuốc an toàn.
 Liệu có phải tôi bị viêm đường tiết niệu không? Có thể uống kháng sinh không? Tôi đọc trên một trang web thấy nói uống paracetamol hoặc indomethacin có thể khỏi. Có đúng như vậy không? Quả thực tôi rất bận, ít thời gian rảnh rỗi nên nhờ báo SK&ĐS chỉ dẫn dùng thuốc gì.

Phan Văn Hải (Tuy Hòa, Phú Yên)

Qua những biểu hiện anh kể trong thư, rất có thể anh đã bị viêm đường tiết niệu còn gọi là nhiễm khuẩn đường niệu. Đây là một bệnh thường gặp xuất hiện khi vi khuẩn gây bệnh đi vào lỗ tiểu và nhân lên trong đường tiểu hoặc do vi khuẩn từ máu đến định cư tại nơi này. Bệnh rất dễ tái phát nếu không được phòng và điều trị tận gốc. Việc đầu tiên anh nên làm là đến bác sĩ chuyên khoa thận tiết niệu để khám và điều trị ngay nếu không vi khuẩn gây bệnh sẽ tiến ngược dòng từ dưới lên trên và đi vào thận sẽ làm bệnh nặng hơn và việc điều trị sẽ phức tạp hơn. Các biến chứng thường gặp có thể là: viêm bể thận cấp, áp - xe quanh thận, nhiễm trùng huyết, suy thận cấp, mạn...

Các thuốc được dùng trong điều trị chủ yếu là các kháng sinh. Tuy nhiên, dùng loại kháng sinh nào, liều lượng bao nhiêu và dùng kéo dài bao lâu lại tùy thuộc vào từng bệnh cảnh cụ thể sau khi đã có kết quả thăm khám và xét nghiệm nước tiểu. Tuyệt đối không được sử dụng kháng sinh khi chưa có kết quả xét nghiệm nước tiểu. Các kháng sinh thường dùng là: nitrofurantoin, cephalexin, amoxicillin, trimethoprim-sulfamethoxazole (biseptol, TM), doxycycline, ciprofloxacin hoặc ofloxacin... Nếu nguyên nhân gây bệnh được xác định là do chlamydia trachomatis và mycoplasma hominis thì dùng doxycycline nhưng nếu nguyên nhân là do E.coli hay các cầu khuẩn đường ruột thì nên dùng nitrofurantoin hay bệnh do nhiễm Pseudomonas aeruginosa thì nên dùng ciprofloxacin...

Paracetamol và indomethacin là hai thuốc thuộc nhóm chống viêm, hạ nhiệt giảm đau không steroid, không phải là thuốc kháng sinh, không phải là thuốc chữa viêm đường tiết niệu. Anh không nên sử dụng các thông tin sai lệch này để tự chữa bệnh nếu như không muốn mình gặp phải những tai biến nguy hiểm.

Khám cho anh, nếu bác sĩ thấy chỉ là viêm đường tiết niệu dưới, viêm ở mức độ nhẹ, anh chỉ cần uống thuốc theo đơn trong vòng 5 - 7 ngày là bệnh sẽ khỏi. Nhưng kinh nghiệm cho thấy để phòng tái phát và ngừa viêm bể thận có thể thời gian điều trị của anh sẽ kéo dài từ 10 đến 15 ngày. Thậm chí nếu anh bị tái phát nhiều lần, việc dùng thuốc của anh có thể đến 6 tháng thậm chí cả năm. bên cạnh việc dùng thuốc, anh cần thường xuyên theo dõi bằng việc làm xét nghiệm nước tiểu thường xuyên để đánh giá hiệu quả của điều trị.

Một việc làm được khuyến khích đối với những người bị viêm đường tiết niệu như anh là uống nhiều nước và không nhịn tiểu. Uống đủ nước và đi tiểu nhiều sẽ giúp cơ thể “rửa bàng quang” được thường xuyên, tránh sự tăng sinh của mầm bệnh. Mỗi ngày anh nên uống khoảng 2 lít nước nhất là khi trời oi bức, cơ thể ra nhiều mồ hôi. Ăn hay uống nước ép các loại hoa quả giúp môi trường toan sẽ hạn chế sự phát triển của vi khuẩn gây bệnh. Và anh cũng nên tập một thói quen tốt là đi tiểu ngay sau khi quan hệ tình dục để loại bỏ các vi khuẩn đưa vào niệu đạo và bàng quang.

Alobacsi.vn
Theo ThS. Hải Sơn – Sức khỏe & Đời sống

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X