Thuốc viên điều trị đái tháo đường típ 2 có những loại nào?
Các thuốc uống điều trị đái tháo đường và biến chứng liên quan rối loạn mỡ máu là 2 trong nhiều vấn đề mà người bệnh cần quan tâm, được ThS.BS Võ Tuấn Khoa - Trưởng khoa Nội tiết, Bệnh viện Nhân dân 115 chia sẻ với hơn 350 thành viên CLB bệnh nhân đái tháo đường, nhân kỷ niệm Ngày Đái tháo đường thế giới 14/11/2024.
Sáng chủ nhật 11/10/2024, buổi sinh hoạt kỷ niệm Ngày Đái tháo đường thế giới 14/11 do Liên chi hội Đái tháo đường và Nội tiết TPHCM tổ chức đã thu hút hơn 350 thành viên của CLB bệnh nhân đái tháo đường tham dự.
Tại buổi sinh hoạt có nhiều nội dung hữu ích dành cho cộng đồng những người bệnh đái tháo đường (ĐTĐ): 2 bài chia sẻ kiến thức về các thuốc uống điều trị đái tháo đường và biến chứng liên quan rối loạn mỡ máu, tại sao người bệnh ĐTĐ típ 2 phải sử dụng insulin, hướng dẫn tập hít thở cho người bệnh ĐTĐ, hướng dẫn tập dưỡng sinh “sống vui - sống khỏe”, kết nối tạo hình biểu tượng Ngày Đái tháo đường thế giới 14/11 vòng tròn màu xanh…
Mở đầu bài chia sẻ về “Các thuốc uống điều trị đái tháo đường & Biến chứng liên quan rối loạn mỡ máu”, ThS.BS Võ Tuấn Khoa - Trưởng khoa Nội tiết, Bệnh viện Nhân dân 115 đưa ra câu chuyện từ thực tế khám chữa bệnh, có rất nhiều người bệnh ĐTĐ không nắm rõ được mình đang uống thuốc gì, chỉ biết uống theo toa. Bên cạnh đó, vẫn còn thực trạng nhức nhối là nhiều người tin vào quảng cáo trên mạng về các loại thuốc/sản phẩm chữa khỏi ĐTĐ chỉ trong vài ngày, để lại hậu quả nặng nề cho sức khỏe người bệnh, “tiền mất tật mang”.
BS Tuấn Khoa đưa ra nguyên tắc dùng thuốc trị ĐTĐ: 3D
- Đúng chỉ định của bác sĩ: Không tự ý dùng thuốc; không mua/ dùng thuốc theo quảng cáo; không dùng toa của người khác
- Đúng liều lượng theo toa: Không tự ý tăng hay giảm liều.
- Đúng cách dùng: Không bẻ thuốc dạng SR, MR, XL…; chú ý thời điểm uống (trước ăn, sau ăn, không liên quan tới bữa ăn); nên uống thuốc thường xuyên
Các thuốc điều trị bệnh đái tháo đường phổ biến hiện nay
Tiếp theo, ThS.BS Võ Tuấn Khoa đề cập lần lượt về các thuốc trị bệnh ĐTĐ phổ biến hiện nay, giải thích rõ cơ chế, tác dụng và tác dụng phụ, những lưu ý khi dùng thuốc.
Metformin
Metformin có thể tác động thông qua ba cơ chế: Ở gan: Làm giảm sản xuất glucose bằng cách ức chế tái tạo glucose và phân giải glycogen. Ở cơ: Làm tăng sự nhạy cảm với insulin bằng cách tạo thuận lợi cho sự thu giữ và sử dụng glucose ở ngoại vi. Ở ruột: Làm chậm sự hấp thu glucose. Thuốc Metformin có thể gây no hơi, buồn ói, tiêu chảy, sụt ký, dùng quá liều có thể gây toan máu nặng.
• Uống trong lúc ăn hoặc sau ăn
• Nên bắt đầu liều thấp (500mg)
• Thận trọng khi có suy chức năng thận
• Hạn chế dùng chung với nhóm acarbose
• Cần bổ sung uống vitamin B12 khi dùng metformin lâu ngày
Ức chế hấp thu glucose tại ruột
Bình thường: khi ăn vào tinh bột bị cắt nhỏ thành các phân tử glucose nhờ men α-glucosidase. Glucose từ lòng ruột sẽ vô tế bào thành ruột, từ đó sẽ vào máu. Khi uống thuốc ức chế men α-glucosidase ở người ĐTĐ, tinh bột không bị cắt nhỏ thành các phân tử glucose do men α-glucosidase bị mất tác dụng do thuốc, tinh bột không thể vào máu.
• Uống ngay đầu bữa ăn có chất tinh bột
• Hạn chế dùng chung với meformin
Thuốc sulfonulurea
• Uống trước bữa ăn tầm 30 phút
• Có thể gây tăng cân khi dùng lâu dài
• Có thể gây hạ đường huyết quá mức, nhứt là khi kết hợp với chích insulin
Thuốc ức chế men DDP4
Bình thường: khi ăn vào, ruột tiết ra GLP-1 và GIP → GLP-1 và GIP làm cho tụy tiết insulin → insulin giúp đưa glucose vào tế bào. GLP-1 và GIP sau đó bị men DDP4 phân hủy nhanh chóng. Khi uống thuốc ức chế DDP4 ở người ĐTĐ: Ruột tiết ra GLP-1 và GIP → GLP-1 và GIP làm cho tụy tiết insulin → insulin giúp đưa glucose vào tế bào. GLP-1 và GIP vẫn duy trì nồng độ cao do thuốc ức chế DDP4 không làm hủy.
• Uống thuốc không liên quan bữa ăn
• Tác dụng hạ đường huyết phụ thuộc nồng độ glucose trong máu
• Tác dụng có thể êm hơn
• Ít gây hạ đường huyết quá mức
Thuốc tăng thải glucose qua đường tiểu
Bình thường, glucose toàn bộ từ máu lọc qua thận sau đó tại thận glucose đi qua kênh SGLT2 trở ngược lại máu. Kết quả là trong nước tiểu không có hoặc có rất ít glucose. Khi uống thuốc ức kênh SGLT2 ở ĐTĐ: glucose toàn bộ từ máu lọc qua thận, sau đó tại thận phần lớn glucose thải ra nước tiểu. Kết quả là trong nước tiểu có rất nhiều glucose hiện diện → góp phần giảm glucose máu.
• Là thuốc có tác dụng hạ đường huyết mạnh, đồng thời bảo vệ tim-thận. Ngày nay, chỉ định có thể ở người không ĐTĐ nếu có suy tim hoặc bệnh thận mạn
• Các lưu ý khi sử dụng
– Uống nhiều nước
– Thay đổi tư thế chậm để tránh tình trạng chóng mặt
– Vệ sinh kỹ đường tiểu nhứt là sau khi đi vệ sinh
• Một số tác dụng phụ
– Giảm cân quá mức
– Có thể gây viêm ngứa đường tiểu, sinh dục nên cân nhắc dùng ở người tiền sử sỏi thận, viêm bàng quang, u xơ tuyến tiền liệt
– Tụt huyết áp tư thế nên cân nhắc dùng ở người huyết áp cơ bản thấp
Các thuốc uống điều trị ĐTĐ típ 2 đều có chung tác dụng là kiểm soát mức glucose huyết trong khoảng an toàn, nếu được sử dụng đúng chỉ định, đúng liều lượng, đúng cách dùng.
Biến chứng của rối loạn mỡ máu ở người đái tháo đường
Ở nội dung “Biến chứng của rối loạn mỡ máu ở người đái tháo đường”, ThS.BS Võ Tuấn Khoa nhắc lại định nghĩa mỡ máu là gì, cách phân biệt Cholesterol và Triglyceride, mỡ tốt và mỡ xấu.
Các nguyên nhân tăng LDL-cholesterol ở người ĐTĐ bao gồm: Ăn uống không lành mạnh, sử dụng một số loại thuốc, béo phì, suy tuyến giáp, nệnh gan/thận.
Tăng LDL ở ĐTD dẫn đến hậu quả: đột quỵ, tắc động mạch chân, đột quỵ tim, tăng huyết áp…
Nguyên nhân tăng triglyceride ở người ĐTĐ: Lạm dụng bia rượu; đường huyết kiểm soát kém, chế độ ăn nhiều chất đường đơn, chất béo bão hòa; thói quen ít vận động; thừa cân/ béo phì; hút thuốc lá, một số thuốc: lợi tiểu, steroid…
Tăng triglyceride ở ĐTĐ dẫn đến hậu quả: Viêm tụy cấp; hội chứng tim mạch - chuyển hóa, bệnh tim mạch…
Cuối bài chia sẻ, BS Tuấn Khoa đúc kết:
Rối loạn lipid máu ở người bệnh ĐTĐ típ 2 có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm đặc biệt là tim mạch. Do đó việc phòng ngừa là quan trọng nhất.
Bài viết có hữu ích với bạn?
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình