Hotline 24/7
08983-08983

Thuốc nào giảm nhanh chóng triệu chứng khó chịu của viêm mũi dị ứng?

Trong buổi sinh hoạt chuyên môn tại Khoa Tai Mũi Họng - Bệnh viện Thống Nhất ngày 10/11/2022, BS.CK2 Trương Hoàng Việt khuyến cáo, viêm mũi dị ứng là căn bệnh thường gặp, với tam chứng điển hình bao gồm hắt hơi, chảy mũi, nghẹt mũi. Thuốc kháng histamin thế hệ mới với ưu điểm ít gây buồn ngủ, ít tác dụng phụ là lựa chọn đầu tay trong điều trị viêm mũi dị ứng.

1. Hầu hết các triệu chứng viêm mũi dị ứng khởi phát trước tuổi 20

BS.CK2 Trương Hoàng Việt nhấn mạnh, viêm mũi dị ứng là một thách thức với bác sĩ Mũi xoang bởi khó xác định dị nguyên và bệnh có tính tái phát dai dẳng. Đây là loại viêm mũi mãn tính phổ biến nhất, ảnh hưởng đến khoảng 10-20% dân số, làm suy giảm đáng kể chất lượng cuộc sống của người bệnh.

Ở Mỹ, tần suất mắc bệnh 10-20%, tại Việt Nam chưa có thống kê đầy đủ, nhưng những nghiên cứu nhỏ cho thấy tỷ lệ mắc bệnh khoảng 13%. Chuyên gia lên tiếng cảnh báo, ô nhiễm môi trường là vấn đề chính làm bệnh viêm mũi dị ứng ngày càng nhiều và khó điều trị.

Viêm mũi dị ứng theo mùa ở trẻ em và thiếu niên cao hơn người lớn. Hầu hết có triệu chứng trước 20 tuổi. ​Độ tuổi mắc bệnh từ 16 - 45 tuổi là phổ biến nhất, chiếm đến 83,3%, hiếm gặp ở người lớn tuổi và trẻ dưới 2 tuổi. Một nghiên cứu cho thấy, viêm mũi dị ứng 73% có tiền sử gia đình, 53% có tiền sử dị ứng (bệnh nhân có kèm theo dị ứng khác như dị ứng da, viêm kết mạc dị ứng, tiền căn dị ứng thức ăn…).

Buổi sinh hoạt chuyên môn tại Khoa Tai Mũi Họng - Bệnh viện Thống Nhất

BS.CK2 Trương Hoàng Việt cho biết, dị nguyên gây bệnh đa dạng, thường gặp nhất là bụi nhà (hỗn hợp của nhiều dị nguyên như mạt Acarien, lông chó mèo, thú nhồi bông…); côn trùng (ong, kiến, gián, nhện…); vật nuôi (ngựa, bò, chim, cá…).

Đặc biệt, trong dị ứng do nấm mốc, thường xuất hiện ở người có cơ địa suy giảm miễn dịch, ví dụ như tiểu đường (Deuteromycete Altenaria, D. Aspergillus, D. Penicillium, D. Fusarium, Phycomyce); thức ăn (thường là thức ăn có nhiều đạm như thịt gà, tôm cua, ghẹ, trứng…). Bên cạnh đó, phấn hoa cũng là dị ứng nguyên thường gặp trong bệnh viêm mũi dị ứng.

Hắt hơi, chảy mũi, nghẹt mũi là tam chứng điển hình của viêm mũi dị ứng, xuất hiện ngay sau khi tiếp xúc với dị nguyên. Chuyên gia dẫn chứng phân loại của ARIA, viêm mũi dị ứng gồm hai loại. Trong khi viêm mũi từng cơn (gián đoạn), các triệu chứng < 4 ngày mỗi tuần hay < 4 tuần, thì các triệu chứng của viêm mũi dị ứng dai dẳng ≥ 4 ngày mỗi tuần và > 4 tuần.

“Về mức độ, viêm mũi dị ứng gồm có nhẹ và vừa-nặng. Trong đó, viêm mũi dị ứng nhẹ không gây ảnh hưởng đến giấc ngủ, các hoạt động hằng ngày như thể thao, giải trí, làm tập và làm việc bình thường, không có triệu chứng khó chịu. Đối với viêm mũi dị ứng vừa-nặng, bệnh nhân có 1 hay nhiều yếu tố: rối loạn giấc ngủ; ảnh hưởng các hoạt động hàng ngày, thể thao, giải trí; ảnh hưởng công việc và học tập; có các triệu chứng khó chịu” - BS Hoàng Việt cho biết.

2. Chẩn đoán không khó, nhưng tìm nguyên nhân rất nan giải

Chuyên gia cho rằng, việc chẩn đoán viêm mũi dị ứng không khó nhưng vấn đề nan giải nhất là tìm ra nguyên nhân (dị ứng nguyên). Thông thường, triệu chứng của dị ứng sẽ là gợi ý cho chẩn đoán. Ngoài ra, có thể kết hợp thêm một số xét nghiệm, điển hình như thử IgE. Trên nội soi có thể thấy dịch xuất tiết trong, lỏng; kèm theo niêm mạc mũi phù nề, tái nhợt do phản ứng viêm kéo dài.

“Khám tai đôi khi ghi nhận tình trạng bít tắc vòi nhĩ làm giảm chức năng thông khí của vòi nhí, gây ù tai hoặc viêm xoang. Một số tình trạng còn thấy chảy dịch mũi sau, hoặc tình trạng viêm amidan quá phát. Ngoài ra, bệnh nhân có khả năng có những phản ứng dị ứng trên da” - BS Hoàng Việt gợi ý.

Đồng thời, khi thăm khám, thầy thuốc cần quan tâm đến các yếu tố cá nhân và yếu tố gia đình. Trong đó, yếu tố cá nhân bao gồm triệu chứng hắt hơi, chảy nước mũi, nghẹt mũi hoặc yếu tố liên quan đến môi trường sống (xuất hiện các triệu chứng khi tiếp xúc với một dị ứng nguyên như phấn hoa, hoặc chó, mèo, khói bụi xung quanh). Yếu tố gia đình như bệnh nhân có người thân bị hen suyễn, dị ứng, chàm…

Đặc biệt, trong khai thác tiền sử của người bệnh cũng cần lưu ý về các loại thuốc sử dụng, nhất là ở những thuốc điều trị nội khoa như thuốc điều trị huyết áp, thuốc NSAIDs… Song song đó, theo BS Hoàng Việt, bác sĩ cũng cần quan tâm đến các bệnh kèm theo của người bệnh như bệnh hen suyễn, thở bằng miệng, ngủ ngáy, giảm mùi, bệnh lý viêm kết mạc dị ứng, polyp mũi…

3. Viêm mũi dị ứng, điều trị sớm, ngăn chặn biến chứng

BS Hoàng Việt cảnh báo, viêm mũi dị ứng mặc dù không phải là căn bệnh gây chết người nhưng làm giảm chất lượng cuộc sống, gây khó chịu và giảm sự tự tin trước đám đông của người bệnh. Hơn nữa, nếu không được điều trị có thể gây ra nhiều hậu quả. Thường gặp nhất là nhiễm trùng hô hấp trên, viêm kết mạc dị ứng, viêm mũi xoang mạn tính trên nền viêm mũi dị ứng, viêm tai giữa, viêm da.

“Vấn đề lo lắng nhất là viêm mũi dị ứng có thể kích hoạt bệnh hen suyễn nặng thêm. Ngoài ra, viêm mũi dị ứng thường liên quan đến các bệnh lý như ngưng thở khi ngủ, đường thở hẹp khiến bệnh nhân thở bằng miệng có thể dẫn đến bất thường sọ mặt. Hơn nữa, khi viêm mũi dị ứng nhiều làm phù nề niêm mạc, chất lượng giấc ngủ suy giảm hoặc làm giảm tập trung, giảm trí nhớ” - BS Hoàng Việt nói.

Vì vậy, việc điều trị viêm mũi dị ứng càng sớm càng tốt, với hai mục đích, một là trong ngắn hạn (trước mắt) để ngăn chặn hiện tượng viêm, giảm triệu chứng và hai là xây dựng chiến lược lâu dài giúp giảm hiện tượng viêm và kiểm soát triệu chứng.

BS.CK2 Trương Hoàng Việt - Khoa Tai Mũi Họng - Bệnh viện Thống Nhất

Dựa trên phân loại viêm mũi dị ứng sẽ có chiến lược điều trị phù hợp. Theo BS Hoàng Việt, đối với viêm mũi dị ứng nhẹ, bệnh nhân chỉ cần sử dụng thuốc kháng histamin, hoặc trong trường hợp nghẹt mũi nhiều có thể dùng thêm thuốc chống sung huyết. Khi viêm mũi dị ứng với triệu chứng vừa-thường xuyên, gây khó chịu, ảnh hưởng chất lượng cuộc sống, ngoài việc sử dụng thuốc kháng histamin có thể dùng thêm corticoid xịt để kiểm soát, giảm tình trạng viêm của bệnh nhân.

“Trong trường hợp bệnh nhân có những đợt viêm mũi dị ứng khó kiểm soát, không đáp ứng điều trị với corticoid xịt mũi, thuốc kháng histamin hoặc gây biến chứng viêm xoang, polyp mũi thì có thể sử dụng corticoid đường uống ngắn hạn kèm theo thuốc kháng histamin, corticoid tại chỗ để kiểm soát triệu chứng tốt hơn.

Khi các triệu chứng cải thiện có thể xem xét việc giảm liều, giảm số lượng thuốc hoặc đổi liệu pháp điều trị. Ví dụ, từ việc đang dùng corticoid tại chỗ, có thể ngừng sử dụng và chỉ cần sử dụng thuốc kháng histamin, hay từ corticoid đường uống toàn thân có thể chuyển thành thuốc kháng histamin hoặc corticoid đường mũi” - BS Hoàng Việt cho biết.

Riêng về liệu pháp miễn dịch, chuyên gia cho rằng đây là một trong những giải pháp đòi hỏi thời gian điều trị kéo dài, tốn kém nhiều chi phí. Dẫn chứng một nghiên cứu đa trung tâm được thực hiện tại Khoa Tai Mũi Họng cách đây 2 năm, bác sĩ đánh giá chi phí điều trị tương đối cao cùng với việc theo dõi tốn kém, vì vậy “đối với liệu pháp này không khả thi” - chuyên gia nhìn nhận.

4. Fexofenadin: Lựa chọn đầu tay trong điều trị viêm mũi dị ứng

Thuốc kháng histamin trong điều trị viêm mũi dị ứng có hai thế hệ, bao gồm thế hệ 1 (thế hệ cũ) và thế hệ 2 (thế hệ mới). Theo hướng dẫn, BS Hoàng Việt cho rằng, thuốc kháng histamin thế hệ mới lý tưởng phải đạt được các yếu tố, đó là: dùng 1 lần/ ngày; tác dụng nhanh và kéo dài 24 giờ, bởi vì viêm mũi dị ứng đòi hỏi việc cắt cơn nhanh; không hoặc ít tương tác với các thuốc khác, bao gồm cả thức ăn và rượu, uống lúc no hay đói đều được; thêm tác dụng chống viêm và kháng dị ứng khác.

Đặc biệt, là không gây buồn ngủ và không ảnh hưởng tới thần kinh trung ương, như vậy sẽ an toàn cho những người làm việc cần phải tập trung cao như công nhân trong nhà máy, vận hành máy móc, lái xe, phi công. Bên cạnh đó, không chuyển hóa qua gan, vì đây là thuốc sử dụng tương đối trong thời gian dài; an toàn và hiệu quả khi dùng lâu dài; an toàn trên trẻ em.

Ngoài ra, yếu tố đóng vai trò quan trọng không kém đó là có thể tăng liều tùy chỉ định cần thiết, nghĩa là liều an toàn phải rộng. “Ví dụ như fexofenadin - một thuốc kháng histamin thuộc thế thế mới, thông thường có thể sử dụng liều 180mg/ ngày theo chỉ định, thì khi cần thiết có thể tăng lên liều lên 2 viên/ ngày, thậm chí các bác sĩ da liễu còn cho rằng, có những trường hợp thể tăng lên từ 3-4 lần từ liều chỉ định” - BS Hoàng Việt dẫn chứng.

Bác sĩ đánh giá cao thuốc kháng histamin thế hệ mới Fexofenadin, đại diện ở Việt Nam là Telfor của DHG Pharma

Dựa trên những điều kiện này, chuyên gia đánh giá, hiện nay thuốc kháng histamin thế hệ mới như Fexofenadin có thể đáp ứng đa phần với các yếu tố lý tưởng, không qua hàng rào máu não, về ít gây buồn ngủ, an toàn khi sử dụng cả trên người lái xe.

“Thuốc kháng histamin thế hệ 1 ảnh hưởng đến giấc ngủ REM, nghĩa là khi sử dụng, không phải sẽ làm cho buồn ngủ ngay, mà cảm giác chập chờn, khó ngủ, kéo dài nhiều tiếng nên giấc ngủ không trọn vẹn. Đối với thuốc kháng histamin thế hệ 2, ví dụ như fexofenadin, giấc ngủ của người bệnh nhanh hơn, cảm giác chập chờn chỉ duy trì trong thời gian ngắn” - BS Hoàng Việt nói.

Chuyên gia diễn giải thêm, Fexofenadin thường có hai tác động, một là ngăn chặn các thụ thể histamin, làm giảm triệu chứng của viêm mũi dị ứng và hai là giảm sản xuất các thụ thể histamin khi dị ứng nguyên tiếp xúc với tế bào mast. Tác dụng chống dị ứng kéo dài đến 24 giờ, đây là điều kiện để giảm cho bệnh nhân không phải uống thuốc nhiều lần trong ngày. Đặc biệt, thuốc không gây nghiện, nghĩa là sau khi hết đợt dị ứng, bệnh nhân có thể ngừng ngay mà không cần phải giảm liều.

“Một nghiên cứu chỉ ra, khi dùng Fexofenadin liều 60mg hầu như không gây buồn ngủ, đối với liều 120mg cũng được xếp tương đương với các thuốc kháng histamin thế hệ 2 khác và có phần chiếm ưu thế hơn, không gây buồn ngủ ở liều điều trị. Trong khi thế hệ 1 gây ngầy ngật, buồn ngủ nhiều, khó chịu. Hiện nay, Fexofenadin dùng trên trẻ 12 tuổi, ở viêm mũi dị ứng quanh năm, nổi mề đay vô căn mạn tính” - BS Hoàng Việt chia sẻ.

Cuối chương trình, chuyên gia nhấn mạnh, thuốc kháng histamin đường uống là lựa chọn đầu tay trong điều trị viêm mũi dị ứng, bởi tính hiệu quả, tiện lợi và ít tác dụng phụ. Lưu ý, bệnh nhân cần tuân thủ đúng phác đồ.

Ngoài thuốc kháng histamin, có thể sử dụng thêm corticoid xịt mũi tại chỗ trong điều trị viêm mũi dị ứng. Trong trường hợp viêm mũi dị ứng khó kiểm soát, có thể sử dụng corticoid đường uống, tuy nhiên vì thuốc cho nhiều tác dụng phụ nên chỉ sử dụng thời gian ngắn 7-14 ngày và cần thận trọng ở bệnh nhân đau dạ dày, cao huyết áp, tiểu đường, thai kỳ.

Đại diện Nhãn hàng Telfor (DHG Pharma) tặng hoa tri ân BS.CK2 Nguyễn Vĩnh Phước - Trưởng khoa Tai mũi họng - Bệnh viện Thống Nhất TPHCM (thứ hai từ bên trái) và BS.CK2 Trương Hoàng Việt.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X