Hotline 24/7
08983-08983

Thuốc Modom’s điều trị bệnh gì, uống mấy viên một ngày?

Bài viết không cung cấp các lời khuyên, chẩn đoán, điều trị bệnh, giảm nhẹ bệnh. Nôi dung chỉ có tính chất tham khảo, thuận tiện cho việc tra cứu và không thay thế cho việc chẩn đoán, các phương pháp điều trị y khoa. Thảo luận với bác sĩ để được hướng dẫn điều trị và dùng thuốc an toàn.

Thương hiệu: Modom’s, Dược Hậu Giang

Thành phần:

Domperidon ..................................................................... 10 mg

Tá dược vừa đủ ................................................................ 1 viên

(Lactose, tinh bột mì, sodium starch glycolat, aerosil, magnesi stearat, PVP K30, HPMC, PEG 6000, titan dioxyd, talc)

I. Công dụng thuốc Modom’s

1. Công dụng của thuốc Modom’s

Thuốc Modom’s có chứa hoạt chất domperidon, thuộc nhóm thuốc chống nôn đối kháng dopamin. Thuốc có tác dụng ngừa triệu chứng buồn nôn do ức chế các thụ thể dopaminergic. Tác dụng chống nôn của domperidon được biết là do sự phối hợp của tác động ngoại biên (vận động dạ dày) với kháng thụ thể Dopamin tại vùng cảm ứng hóa học CTZ ở ngoài hàng rào máu não (thuộc vùng postrema).

Modom’s được bào chế dưới dạng viên nén bao phim, đây là thuốc chỉ dùng theo đơn của bác sĩ.

Modom’s được chỉ định điều trị triệu chứng nôn và buồn nôn, tuy nhiên chỉ nên sử dụng liều thấp nhất có hiệu quả trong thời gian ngắn nhất. Thường thời gian điều trị tối đa không nên vượt quá một tuần.

2. Thông tin quan trọng cần biết khi sử dụng Modom’s

Bạn không nên sử dụng Modom’s nếu:

-  Bị dị ứng với domperidon hoặc bất cứ thành phần nào trong viên thuốc.

-  Bệnh nhân mắc một số bệnh lý:

+ Bệnh nhân suy gan trung bình và nặng do thuốc chuyển hóa qua gan. Trong trường hợp bệnh nhân suy gan dẫn đến giảm chuyển hóa và ảnh hưởng hoạt tính của thuốc.

+ Bệnh nhân có thời gian dẫn truyền xung động tim kéo dài, đặc biệt là khoảng QT, bệnh nhân có rối loạn điện giải rõ rệt hoặc bệnh nhân đang có bệnh tim mạch như suy tim sung huyết. Do domperidon làm kéo dài khoảng QT trên điện tâm đồ.

+ Bệnh nhân mắc bệnh lý đường tiêu hóa: xuất huyết tiêu hóa, tắc ruột cơ học.

- Trong một số trường hợp đang điều trị:

+ Bệnh nhân bị nôn sau khi mổ.

+ Bệnh nhân đang điều trị sử dụng thuốc kéo dài khoảng QT.

+ Bệnh nhân đang điều trị sử dụng thuốc ức chế CYP3A4.

- Trẻ em dưới 1 tuổi.

II. Liều dùng thuốc Modom’s

1. Liều dùng thuốc Modom’s với người lớn và trẻ em

Một hộp Modom’s sẽ có 10 vỉ (mỗi vỉ 10 viên).

Liều dùng:

- Người lớn và trẻ vị thành niên (từ 12 tuổi trở lên và cân nặng từ 35kg trở lên): Viên 10 mg, có thể dùng lên đến 3 lần/ngày, liều tối đa là 30 mg/ngày.

- Trẻ em từ 1-12 tuổi và trẻ vị thành niên cân nặng dưới 35kg: Do cần dùng liều chính xác nên các dạng thuốc viên nén không thích hợp cho trẻ nhỏ và trẻ vị thành niên cân nặng dưới 35kg.

- Bệnh nhân suy gan: Chỉ dùng trong trường hợp bệnh nhân suy gan nhẹ (không cần hiệu chỉnh liều); không dùng đối với trường hợp bệnh nhân suy gan trung bình và nặng.

- Bệnh nhân suy thận: Do thời gian bán thải của domperidon bị kéo dài ở bệnh nhân suy thận nặng nên nếu dùng nhắc lại, số lần đưa thuốc của Modom’s cần giảm xuống còn 1 đến 2 lần/ngày và hiệu chỉnh liều tùy thuộc mức độ suy thận.

Cách dùng:

- Đường dùng: Dùng theo đường uống, nên dùng trước bữa ăn (nếu dùng sau bữa ăn có thể ảnh hưởng tới hấp thu của thuốc).

- Thời gian điều trị: Tối đa không nên vượt quá một tuần.

- Thời điểm uống: Bệnh nhân nên uống vào khoảng thời gian cố định. Trường hợp bạn bị quên 1 liều, có thể bỏ qua và tiếp tục uống theo lịch cố định. Không nên tăng liều gấp đôi để bù cho liều đã quên.

2. Liều dùng thuốc Modom’s với người đang mang thai và cho con bú

a. Thời kỳ mang thai

Không sử dụng Modom’s với phụ nữ mang thai, vì chưa có đầy đủ dữ liệu an toàn khi dùng trên nhóm đối tượng này.

b. Thời kỳ cho con bú

Thuốc có khả năng bài tiết qua sữa mẹ do đó có thể gây ra các tác dụng bất lợi trên hệ tim mạch. Domperidon có khả năng bài tiết qua sữa mẹ, trẻ có thể hấp thụ ít hơn 0,1% hàm lượng thuốc tính theo cân nặng mẹ. Cần cân nhắc lợi ích, nguy cơ khi dùng thuốc cho mẹ trong thời gian cho con bú. Các tác dụng phụ có thể gặp như tác dụng trên tim mạch (kéo dài khoảng QT) vẫn có thể xảy ra đối với trẻ sau khi bú mẹ. Thuốc bài tiết qua sữa mẹ và trẻ bú mẹ nhận được ít hơn 0,1% liều theo cân nặng của mẹ.

III. Cách dùng thuốc Modom’s

1. Cách dùng thuốc Modom’s hiệu quả

Modom’s có thể dùng tới 3 lần/ngày (tối đa 30mg/ngày), nên uống trước khi ăn vì thức ăn có thể làm ảnh hưởng tới hấp thu của thuốc. Liều lượng dựa trên tình trạng sức khỏe của bạn và đáp ứng với điều trị.

Nên dùng thuốc Modom’s trước bữa ăn. (Ảnh minh họa)

Trước khi dùng thuốc, cần đọc kỹ hướng dẫn sử dụng và dùng chính xác theo chỉ định của bác sĩ. Lưu ý, không dùng thuốc với số lượng lớn hơn hoặc nhỏ hơn, lâu hơn so với khuyến cáo.

Để có hiệu quả tốt nhất và tránh quên liều, bạn nên dùng thuốc vào cùng một thời điểm mỗi ngày. Trường hợp bạn bị quên 1 liều, có thể bỏ qua và tiếp tục uống theo lịch cố định. Không nên tăng liều gấp đôi để bù cho liều đã quên.

Thời gian điều trị tối đa không nên vượt quá một tuần. Chỉ nên sử dụng liều thấp nhất có hiệu quả trong thời gian ngắn nhất để kiểm soát triệu chứng.

Cuối cùng, hãy cho bác sĩ biết nếu tình trạng của bạn vẫn tồn tại hoặc xấu đi.

2. Bạn nên làm gì khi bỏ quên liều thuốc Modom’s?

Trường hợp bạn bị quên 1 liều, có thể bỏ qua và tiếp tục uống theo lịch cố định. Không nên tăng liều gấp đôi để bù cho liều đã quên.

3. Bạn nên làm gì khi uống quá liều thuốc Modom’s?

Sử dụng quá liều Modom’s làm tăng nguy cơ gặp tác dụng không mong muốn khi sử dụng thuốc.

Xử lý quá liều chủ yếu là điều trị triệu chứng và loại thuốc ra khỏi cơ thể: gây lợi niệu thẩm thấu, rửa dạ dày, cần thực hiện các biện pháp điều trị triệu chứng ngay lập tức.

Nên theo dõi điện tâm đồ do có khả năng kéo dài khoảng QT.

IV. Tác dụng phụ thuốc Modom’s

1. Các tác dụng phụ có thể xảy ra khi dùng thuốc Modom’s

- Ảnh hưởng tới TKTW: Nhức đầu, căng thẳng, buồn ngủ.

- Phản ứng dị ứng: Ngứa, nổi mẩn.

- Rối loạn tiêu hóa: Khô miệng, khát nước, co rút cơ bụng, tiêu chảy.

- Rối loạn tim mạch: Kéo dài khoảng QT, loạn nhịp thất, xoắn đỉnh.

- Chứng chảy sữa, vú to nam giới; giảm ham muốn; chảy sữa, rối loạn kinh nguyệt, mất kinh, ngực căng to hoặc đau nhức.

2. Báo cáo phản ứng có hại

Báo cáo phản ứng có hại sau khi thuốc được cấp phép lưu hành rất quan trọng để tiếp tục giám sát cân bằng lợi ích/ nguy cơ của thuốc. Cán bộ y tế cần báo cáo tất cả phản ứng có hại về Trung tâm Quốc gia hoặc Trung tâm khu vực về Thông tin thuốc và Theo dõi phản ứng có hại của thuốc.

“Thông báo cho bác sĩ những tác dụng không mong muốn gặp phải khi sử dụng thuốc”

V. Lưu ý khi dùng thuốc Modom’s

Sử dụng ở liều thấp nhất có hiệu quả ở người lớn và trẻ em. Thời gian điều trị tối đa không quá một tuần.

Thận trọng khi sử dụng Modom’s trên một số đối tượng đặc biệt:

- Bệnh nhân suy gan: Chỉ dùng trong trường hợp bệnh nhân suy gan nhẹ (không cần hiệu chỉnh liều); không dùng đối với trường hợp bệnh nhân suy gan trung bình và nặng.

- Bệnh nhân suy thận: Do thời gian bán thải của domperidon bị kéo dài ở bệnh nhân suy thận nặng nên nếu dùng nhắc lại, số lần đưa thuốc của Modom’S cần giảm xuống còn 1 đến 2 lần/ngày và hiệu chỉnh liều tùy thuộc mức độ suy thận.

- Bệnh nhân mắc bệnh Parkinson: Thời gian điều trị không quá 12 tuần. Bệnh nhân có thể gặp tác dụng có hại ở thần kinh trung ương. Chỉ dùng domperidon cho người bệnh Parkinson khi các biện pháp chống nôn khác an toàn hơn không có tác dụng.

1. Nên làm gì trước khi dùng thuốc Modom’s?

Trước khi dùng Modom’s, bạn cần:

- Cho bác sĩ hoặc dược sĩ biết nếu bạn bị dị ứng với domperidon; hoặc nếu bạn có bất kỳ dị ứng nào khác.

- Cho bác sĩ hoặc dược sĩ biết tiền sử bệnh của bạn, đặc biệt là: Bệnh suy gan (mức độ vừa và nặng), suy thận, rối loạn tim mạch (rối loạn nhịp tim, suy tim sung huyết, loạn nhịp thất, rối loạn điện giải,...)

2. Nên tránh những gì khi sử dụng Modom’s?

Chống chỉ định dùng Modom’s khi đang điều trị bằng các thuốc sau:

2.1 Các thuốc làm kéo dài khoảng QT:

- Thuốc chống loạn nhịp tim nhóm IA (ví dụ: disopyramide, hydroquinidine, quinidin)

- Thuốc chống loạn nhịp tim nhóm III (ví dụ: amiodaron, dofetilide, dronedarone, ibutilide, sotalol)

- Một số thuốc chống loạn thần (ví dụ: haloperidol, pimozide, sertindole)

- Một số thuốc chống trầm cảm (ví dụ: citalopram, escitalopram)

- Một số thuốc kháng sinh (ví dụ: erythromycin, levofloxacin, moxifloxacin, spiramycin)

- Một số thuốc chống nấm (ví dụ: pentamidine)

- Một số thuốc điều trị sốt rét (đặc biệt là halofantrin, lumefantrine)

- Một số thuốc dạ dày - ruột (ví dụ: cisaprid, dolasetron, prucalopride)

- Một số thuốc kháng histamin (ví dụ: mequitazine, mizolastine)

- Một số thuốc điều trị ung thư (ví dụ: toremifene, vandetanib, vincamina)

- Một số thuốc khác (ví dụ: bepridil, diphemanil, methadon)

2.2 Chất ức chế CYP3A4 mạnh (không phụ thuộc tác dụng kéo dài khoảng QT):

- Thuốc ức chế protease

- Thuốc chống nấm toàn thân nhóm azol

-  Một số thuốc nhóm macrolid (erythromycin, clarithromycin và telithromycin)

2.3 Không khuyến cáo dùng đồng thời với các thuốc sau:

- Thuốc ức chế CYP3A4 trung bình, ví dụ: diltiazem, verapamil và một số thuốc nhóm macrolid.

2.4 Sử dụng thận trọng khi dùng đồng thời với các thuốc sau:

- Thuốc chậm nhịp tim

- Thuốc làm giảm kali máu

- Thuốc macrolid sau góp phần làm kéo dài khoảng QT: azithromycin và roxithromycin (chống chỉ định clarithromycin do là thuốc ức chế CYP3A4 mạnh)

VI. Cách bảo quản thuốc Modom’s

Hạn dùng thuốc 36 tháng kể từ ngày sản xuất. Bảo quản Modom’s ở nơi khô, trong điều kiện nhiệt độ phòng, không quá 300C, tránh ánh nắng trực tiếp và hơi ẩm. Không lưu trữ trong phòng tắm hay ngăn đá. Giữ tất cả các loại thuốc tránh xa trẻ em và vật nuôi. Không bao giờ chia sẻ thuốc của bạn với người khác và chỉ sử dụng thuốc cho chỉ định được kê đơn.

Nguồn: Thông tin từ nhà sản xuất Dược Hậu Giang

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X