Hotline 24/7
08983-08983

ThS.BS.CK2 Hồ Phạm Thục Lan: Đau nhức xương khớp sau sinh, điều trị như thế nào?

Phụ nữ sau sanh có những thay đổi lớn về thể chất và tinh thần. Trong đó, hơn 50% bà mẹ gặp phải tình trạng đau nhức cơ xương khớp. Vậy hiện tượng này kéo dài bao lâu và nên làm gì để khắc phục cơn đau? ThS.BS Hồ Phạm Thục Lan - Phó chủ nhiệm Bộ môn Nội trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch sẽ giải đáp trong bài giao lưu sau.

Cơ chế đau nhức xương khớp ở phụ nữ đang mang thai và sau khi sinh

Bác sĩ Thục Lan có thể cho biết hệ xương khớp của phụ nữ thay đổi thế nào trong quá trình mang thai và sau khi sinh con ạ?

ThS.BS Hồ Phạm Thục Lan trả lời:

Trong quá trình mang thai, thay đổi lớn nhất là sự tăng trọng lượng của người mẹ lẫn thai nhi. Điều này là do thai nhi nằm phần trước bụng, càng ngày thai nhi càng phát triển khiến trọng lượng cơ thể phân bố không đều. Để giữ trạng thái cân bằng, cột sống phần trên của người mẹ có khuynh hướng ngả ra sau làm cho cột sống ưỡn nhiều ra phía trước.

Sự thay đổi độ cong sinh lý của cột sống làm cho tải lực lên cột sống thay đổi. Sự thay đổi này không chỉ tác động lên cột sống mà các khớp chịu lực phía dưới như khớp hông, khớp gối cũng thay đổi do chịu lực tải thường xuyên lớn như vậy.

Tình trạng đau nhức cơ xương khớp diễn tiến từ những tháng cuối thai kỳ đến sau khi sanh.

Một sự thay đổi nữa cần chú ý là để chuẩn bị cho thai nhi đi qua khung chậu ra ngoài, cơ thể người mẹ sẽ tiết ra một số hormone. Các nội tiết tố này có chức năng làm giãn cấu trúc của khung chậu, đặc biệt là các dây chằng, gân cơ của vùng khớp cùng chậu và khớp mu, chuẩn bị cho em bé đi qua. Các nội tiết tố này không chỉ tác động lên các khớp chậu - mu ở vùng xương chậu mà trên toàn cơ thể, làm cho các khớp dây chằng của các khớp khác đều giãn rộng, có thể dùng từ nôm na dễ hiểu là “khớp bị lỏng lẻo”.

Ngoài ra, vào thời kỳ cuối của thai kỳ, do ảnh hưởng của nội tiết tố sẽ có tình trạng tích nước vào các mô trong cơ thể. Những cấu trúc khớp, cấu trúc khoang với tình trạng tích nước có thể giữ nước, biểu hiện trên lâm sàng như hội chứng chèn ép khoang, làm cho bệnh nhân có cảm giác đau. Đó là những sự thay đổi của hệ cơ xương khớp xảy ra trong cuối thai kỳ cũng như sau sanh.

Nguyên nhân gây đau nhức xương khớp sau sinh

Nhiều chị em phụ nữ than phiền là họ bị nhức mỏi toàn thân sau sinh. Dân gian đổ lỗi tình trạng này là do sản phụ không biết kiêng cữ sau sinh, vận động sớm, ra gió sớm… thì có đúng không ạ? Theo BS, hiện tượng đau nhức xương khớp sau sinh xảy ra do nguyên nhân nào?

ThS.BS Hồ Phạm Thục Lan trả lời:

Như tôi đã trình bày, chúng ta có thể thấy những sự thay đổi của hệ xơ xương khớp do sự tăng lực tải lên toàn bộ cơ thể trong thời gian mang thai. Tình trạng giãn các khớp dưới tác động của hormone relaxin, estradiol và progesterone cũng như sự tích nước vào các khoang trong cơ thể là nguyên nhân chính gây tình trạng đau cơ xương khớp ở các tháng cuối thai kỳ cũng như sau sanh. Như vậy, quan niệm đau do không kiêng cữ hay vận động sớm là hoàn toàn không chính xác.

Các chứng cứ khoa học cho thấy sau khi sanh, nếu người mẹ trở lại hoạt động bình thường, vận động thường xuyên thì các triệu chứng đau nhức sau sanh sẽ được cải thiện và hồi phục tốt hơn so với người không vận động.

Bao lâu hết đau nhức sau sinh?

Thường thì hiện tượng đau nhức sau sinh qua bao lâu thì khỏi? Có trường hợp kéo dài nhiều năm thì có thể do bệnh gì ạ?

ThS.BS Hồ Phạm Thục Lan trả lời:

Tình trạng đau nhức sau sanh là do sự thay đổi nội tiết tố cũng như do sự thích ứng của cơ thể đối với tăng tải trọng lượng trong khi mang thai. Như vậy, sau khi sanh, tất cả những hiện tượng này sẽ được cải thiện và dần trở lại sinh lý bình thường. Thời gian cần thiết cho sự trở lại này là 4 tháng.

Nếu như đau nhức sau sanh kéo dài hơn 4 tháng và có thể vài năm thì lúc đó là do nguyên nhân khác, có thể là bệnh nền gặp ở người trẻ như thoát vị đĩa đệm, trượt đốt sống hoặc bệnh lý thường thấy ở phụ nữ sau sanh là trầm cảm sau sanh. Những nguyên nhân này có thể góp phần vào đau nhức sau sanh không hồi phục sau 4 tháng mà có thể kéo dài hơn.

Theo BS Thục Lan, tình trạng đau nhức xương khớp sẽ kết thúc 4 tháng sau sanh.

Điều trị đau nhức xương khớp sau sinh bằng cách nào?

Đau nhức xương khớp sau sinh được điều trị như thế nào, thưa BS? Thuốc điều trị có ảnh hưởng tới việc cho con bú hay không ạ?

ThS.BS Hồ Phạm Thục Lan trả lời:

Những sự thay đổi trong lúc mang thai và sau sanh chỉ là tạm thời nhằm phát triển thai tốt nhất và đảm bảo sự an toàn trong quá trình vượt cạn của sản phụ, sau đó cơ thể sẽ tự hồi phục và cải thiện. Như vậy, chúng ta có thể đoán ra tình trạng đau nhức cơ xương khớp sau sanh không cần điều trị và có thể tự khỏi.

Tuy nhiên, trong một số trường hợp, tình trạng đau nhiều ảnh hưởng tinh thần và sức khỏe người mẹ, lúc này sẽ có những biện pháp hỗ trợ giảm triệu chứng và tình trạng đau hồi phục nhanh hơn. Trước tiên là các biện pháp không dùng thuốc. Các liệu pháp như chườm nóng, chườm ấm, massage ở những vùng đau trên cơ thể giảm đau khá tốt. Nhưng hiệu quả hơn, cần thiết hơn là các động tác nhằm tăng các cơ ở vùng quanh khớp, còn được gọi là tập căng cơ, làm mạnh cơ. Dưới sự hướng dẫn của thầy thuốc, các sản phụ có thể tập những động tác này cũng giúp cải thiện đau khá nhiều.

Trong trường hợp những biện pháp trên không hiệu quả thì phải dùng thuốc. Dùng thuốc phải đảm bảo vừa an toàn cho mẹ vừa an toàn cho thai nhi hoặc em bé. Bác sĩ luôn đảm bảo người mẹ dùng những thuốc không bài tiết qua sữa, nếu có tiết qua sữa thì không ảnh hưởng em bé.

Hai loại thuốc được chọn lựa đầu tay rất quen thuộc là Paracetamol và nhóm kháng viêm non steroid. Hiệu quả của Paracetamol có phần hạn chế. Nhóm kháng viêm non steroid (NSAIDs) phổ biến hơn. Trong nhóm NSAIDs có rất nhiều loại thuốc, có những thuốc tác dụng kéo dài, nhưng có những thuốc tác dụng thời gian ngắn.

Các loại thuốc có thể mua không cần toa ở các nhà thuốc đồng thời thời gian tác dụng ngắn có thể kể đến như Ibuprofen, Diclofenac là sự lựa chọn đầu tiên do thời gian bán hủy ngắn, bài tiết vào sữa không nhiều và không ảnh hưởng em bé. Đây là những loại thuốc sản phụ có thể mua ở các tiệm thuốc để giảm đau sau sanh nếu không có điều kiện đến các trung tâm y tế.

ThS.BS.CK2 Hồ Phạm Thục Lan - Trưởng Đơn vị nghiên cứu Cơ Xương Khớp - ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch

Để giúp sản phụ giảm đau mà không dùng thuốc, dân gian cũng có các mẹo như: chườm ngải cứu rang muối, xoa bóp rượu gừng, ngâm chân với nước ấm muối gừng mỗi buổi tối, ăn canh chân giò hầm cho thêm rau mồng tơi… theo BS có hiệu quả không ạ?

ThS.BS Hồ Phạm Thục Lan trả lời:

Tất cả những biện pháp như thoa rượu gừng, ngâm chân với nước muối ấm… có hiệu quả như chườm ấm mà tôi đã nhắc tới như là biện pháp đầu tiên không dùng thuốc. Như vậy có thể suy ra được những mẹo này có hiệu quả phần nào trong việc giảm đau sau sanh cho sản phụ. Tuy nhiên khi dùng các biện pháp dân gian này, sản phụ cần cẩn thận, phải giữ nhiệt độ chừng mực, số lượng phù hợp để tránh làm phỏng da.

Ăn giò heo hầm rau mồng tơi là món ăn lợi sữa, cung cấp đầy đủ các chất dinh dưỡng cần thiết cho sản phụ sau sanh. Nhưng món ăn này không hiệu quả để giảm đau sau sanh.

Khắc phục đau đầu gối sau sinh

Riêng với tình trạng đau nhức đầu gối sau sinh (không phải đau toàn thân) thì khắc phục bằng cách nào, thưa bác sĩ?

ThS.BS Hồ Phạm Thục Lan trả lời:

Khớp gối cũng như các khớp khác trong cơ thể chịu tác dụng của nội tiết tố relaxin. Ngoài realaxin người ta tìm thấy hai nội tiết tố estradiol và progesterone đóng vai trò quan trọng gây tình trạng giãn dây chằng cũng như thay đổi cấu trúc khớp gối trong tình trạng chịu lực của thai kỳ đè lên khớp gối.

Cấu trúc bị tổn thương nhiều nhất trong khớp gối là khớp chè đùi, với biểu hiện là bệnh nhân đau vùng trước xương bánh chè. Tình trạng đau này tăng lên khi đứng lâu, ẵm em bé hoặc lên xuống cầu thang.

Để điều trị tình trạng đau khớp gối này, biện pháp quan trọng nhất là tập mạnh và căng vùng cơ đùi cũng như cơ bắp chân với các động tác đơn giản. Ngoài ra, các biện pháp mang đai, massage, chườm nóng xen kẽ chườm lạnh ngay vùng trước xương bánh chè góp phần cải thiện đau.

Cuối cùng có thể dùng phối hợp thêm các loại thuốc như Paracetamol, Ibuprofen hoặc Diclofenac. Chỉ cần những biện pháp đơn giản này, tình trạng đau khớp gối có thể cải thiện nhanh chóng. Và ngay cả khi không điều trị gì, sau 4 tháng các biểu biện đau khớp gối sẽ tự biến mất.

Có bạn đọc AloBacsi gửi câu hỏi rằng: sau sinh cảm thấy chân tay mình yếu đuối hẳn, cầm nắm đồ vật không chắc chắn. Sinh con lần thứ nhất đã yếu rồi, sinh lần 2 càng yếu thêm nữa. Đi khám bác sĩ nói là lỏng khớp sau sinh và khuyến cáo không nên sinh thêm con. Nhờ BS giải đáp bệnh này do nguyên nhân gì, điều trị như thế nào ạ?

ThS.BS Hồ Phạm Thục Lan trả lời:

Tình trạng lỏng khớp sau sanh có xảy ra, nhưng đây chỉ là sự thay đổi sinh lý trong quá trình mang thai để chuẩn bị cho em bé đi qua vùng khung chậu. Do đó, xương chậu phải giãn ra và cơ thể tiết ra nội tiết tố relaxin. Nội tiết tố này sau khi sanh sẽ không tiết ra nữa. Khi không có chất làm lỏng khớp, khớp sẽ tự hồi phục trong vòng 4 tháng, và tình trạng lỏng khớp này không kéo dài hoàn toàn không ảnh hưởng cho lần mang thai sau. Do đó, khuyến cáo không nên sanh lần 2 là không chính xác.

Sản phụ sau sanh cần ăn đủ chất để cơ thể tiết sữa cho con bú.

Người mẹ ăn đủ chất vừa tốt cho cơ thể người mẹ vừa tạo ra sữa để nuôi em bé. Vì vậy quan niệm sau sanh chỉ ăn thịt kho mặn với cơm, nằm là không đúng. Tình trạng mất nước vốn đã sẵn có ở sản phụ, khi nằm than người mẹ sẽ càng mất nước. Chế độ chỉ ăn thịt sau sanh gây thiếu chất trầm trọng, trong đó thiếu một chất quan trọng trong sữa để phát triển xương của trẻ em cũng như đảm bảo xương mẹ chắc khỏe là thành phần canxi. Nếu thiếu canxi, nguy cơ mất xương, loãng xương có thể xảy ra, về sau xương mẹ sẽ yếu. Vì vậy cần cung cấp đầy đủ chế độ dinh dưỡng cho sản phụ sau sanh.

Cách phòng ngừa đau nhức xương khớp sau sinh

Nhờ BS hướng dẫn chị em cần làm gì để phòng ngừa tình trạng đau nhức xương khớp sau sinh, lỏng khớp sau sinh?

ThS.BS Hồ Phạm Thục Lan trả lời:

Vượt cạn là thiên chức cao quý của người phụ nữ. Người mẹ khỏe thì em bé mới khỏe, tinh thần người mẹ tốt thì em bé mới phát triển. Do đó cần có sự chuẩn bị kỹ càng trước khi mang thai, trong khi mang thai và sau khi sanh.

Để có thể đạt được sức khỏe và tinh thần tốt, đặc biệt là giảm đau cơ xương khớp sau khi sanh nhất thiết phải có tập luyện, vận động đúng mức, quan trọng là các cơ vùng lưng, vùng bụng,  vùng chậu hông và vùng chi dưới. Sự vận động này đảm bảo quá trình vượt cạn dễ dàng, đau trong khi mang thai và sau khi sanh ở mức độ nhẹ, phục hồi nhanh.

Để có hệ cơ xương khớp tốt, bên cạnh tập luyện cần có chế độ dinh dưỡng đủ chất, lưu ý đến canxi, vitamin D và sắt. Chỉ cần dinh dưỡng đúng mức, vận động đúng mức đã có thể ngăn ngừa đau cơ xương khớp sau sanh.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X