Hotline 24/7
08983-08983

Thời điểm nên cắt amidan cho trẻ và những lưu ý chăm sóc sau khi cắt amidan

Cắt amidan cho trẻ có thể khiến hệ miễn dịch suy giảm và tăng nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm. BS.CK2 Bạch Thiên Phương - Khoa Tai mũi họng, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố đã giải đáp những thắc mắc của phụ huynh về những trường hợp cần cắt amidan và chăm sóc trẻ sau khi thực hiện phẫu thuật này.

1. Trẻ bao nhiêu tuổi có thể phẫu thuật cắt amidan?

Thưa BS, trẻ bị amidan, những trường hợp nào cần phải phẫu thuật? Trẻ từ bao nhiêu tuổi sẽ có chỉ định phẫu thuật?

BS.CK2 Bạch Thiên Phương trả lời: Không phải trẻ nào bị viêm amidan cũng cần phẫu thuật. Khi trẻ bị viêm amidan nhiều lần, amindan mất đi tác dụng bảo vệ cơ thể mới có chỉ định tiến hành cắt bỏ.

Bác sĩ thường thực hiện đối với những trẻ trên 4 tuổi. Tuy nhiên nếu cần thiết cũng có thể chỉ định thực hiện cho trẻ dưới 4 tuổi.

2. Có chỉ định cần phẫu thuật cắt amidan nhưng không cắt sẽ dẫn đến biến chứng gì?

Nhiều phụ huynh tin rằng, amidan như một cửa ngõ quan trọng để cản vi khuẩn, virus cũng như các mầm bệnh. Điều này đưa đến việc chần chừ phẫu thuật. Nhờ BS chia sẻ thêm nếu viêm amidan không dứt có thể đưa đến những biến chứng nào và khi đã có chỉ định phẫu thuật, nhưng chưa/không phẫu thuật, điều gì sẽ xảy ra?

BS.CK2 Bạch Thiên Phương trả lời: Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới và Hiệp hội Tai mũi họng Hoa Kỳ năm 2012, cập nhật lại năm 2019 đã liệt kê những trường hợp chỉ định cắt amidan như sau:

- Trẻ bị viêm amidan 7 lần trong 1 năm

- Trẻ bị viêm amidan 5 lần 1 năm trong 2 năm liên tục

- Trẻ bị viêm amidan 3 lần 1 năm trong 3 năm liên tục

- Viêm amidan có biến chứng với các cơ quan xung quanh như viêm cầu thận cấp, viêm cơ tim, viêm khớp do độc tố liên cầu khuẩn beta tan huyết nhóm A gây ra

- Amidan lớn làm ngưng thở trong lúc ngủ, về lâu dài dẫn đến tình trạng thiếu oxy não

- Trẻ có tình trạng áp xe quanh amidan dù chỉ 1 lần

- U amidan hoặc nghi ngờ amidan ác tính

- Cắt amidan để ghép tạng

Nếu không cắt, biến chứng của amidan sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe và sự phát triển của trẻ. Độc tố của vi khuẩn gây viêm amidan là liên cầu khuẩn beta tan huyết nhóm A sẽ lan theo dòng máu đến các cơ quan khác gây viêm thận, viêm khớp, viêm tim.

Một biến chứng cũng được quan tâm nhiều là ngưng thở lúc ngủ. Khi xảy ra tình trạng này sẽ có một số cơ ngưng thở khiến cơ thể trẻ bị thiếu oxy trầm trọng. Bé ngủ ngáy, thở bằng miệng nhiều lần và kéo dài trong nhiều năm sẽ gây ra hô răng, sau này phải tiến hành chỉnh nha để gương mặt cân đối, hài hòa hơn.

Những bệnh nhân có các bệnh lý bất thường về máu, về tim hoặc về đường hô hấp có thể trì hoãn cắt amidan phụ thuộc theo việc điều trị bệnh lý nền. Khi bệnh lý nền đã ổn định, các bác sĩ từng chuyên khoa sẽ có khuyến cáo, tư vấn cho bệnh nhân đến gặp bác sĩ tai mũi họng để được chỉ định cắt amidan.

3. Những phương pháp cắt amidan phổ biến hiện nay

Hiện nay, tại Bệnh viện Nhi đồng Thành phố có những phương pháp nào được sử dụng để cắt amidan cho trẻ, thưa BS?

BS.CK2 Bạch Thiên Phương trả lời: Tại Khoa Tai mũi họng, Bệnh viên Nhi đồng Thành phố cũng như các bệnh viện khác trên cả nước có các phương pháp cắt amidan là:

- Phương pháp cổ điển: Đây là phương pháp cắt bóc tách, dùng chỉ cột cầm máu. Ưu điểm của biện pháp này là không dùng nhiệt nên không gây nóng trong vùng cổ họng. Tuy nhiên thời gian cắt dài hơn so với các phương pháp khác. Khi dùng phương pháp này phải cầm máu bằng cách cột chỉ, lượng máu ra nhiều hơn và biến chứng chảy máu sau cắt amidan cũng nhiều hơn các phương pháp hiện đại sau này.

- Phương pháp cắt amidan bằng dao điện - Cắt bằng monopolar hoặc bipolar: Cả hai phương pháp này đều dùng nhiệt độ của dòng điện cao tầng để phá hủy các mô liên kết trong amidan. Phương pháp này có ưu điểm là cầm máu tốt, vết mổ đẹp nhưng nhiệt độ hơi cao khiến em bé khó chịu trong thời gian hậu phẫu.

- Phương pháp cắt amidan bằng dao plasma: Dùng tia plasma để phá hủy các mô liên kết trong amidan. Phương pháp này có nhiệt độ thấp, chỉ khoảng dưới 40 độ C nên ít làm tổn thương mô. Thời gian mổ cũng khá nhanh và tác dụng cầm máu tốt. Nhược điểm của phương pháp này là chi phí rất đắt do giá thành của dao plasma cao.

- Phương pháp cắt amidan bằng dao coblator: Phương pháp này dùng trường plasma để phá hủy các mô liên kết trong amidan. Do sử dụng trường plasma mà không dùng trực tiếp tia plasma nên nhiệt độ thấp hơn khi dùng dao plasma bình thường. Thời gian mổ và tác dụng cầm máu sau mổ tương đương với cắt amidan bằng dao plasma. Ưu điểm của dao coblator là giá thành thấp hơn dao plasma.

Cắt amidan bằng dao plasma và dao coblator là hai phương pháp cắt amidan hiện đại nhất được áp dụng trên toàn quốc hiện nay.

4. Sau khi cắt amidan, trẻ có cần nằm viện không?

Cắt amidan trẻ có thể về trong ngày không hay cần lưu lại viện trong bao lâu?

BS.CK2 Bạch Thiên Phương trả lời: Đa phần các ca cắt amidan đều có thể về trong ngày. Riêng những bé có bệnh lý như tim, suyễn thì cần phải ở lại bệnh viện theo dõi trong 2 - 3 ngày. Khi tình trạng nội khoa của trẻ ổn định, bác sĩ sẽ xem xét cho bé xuất viện.

5. Quy trình cắt amidan bao gồm những bước nào?

Quy trình thăm khám, phẫu thuật cắt amidan tại Bệnh viện Nhi đồng Thành phố gồm những bước nào?

BS.CK2 Bạch Thiên Phương trả lời: Tại Khoa Tai mũi họng, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố, đầu tiên cần đưa trẻ đến đăng ký khám với bác sĩ tai mũi họng. Bác sĩ tiến hành thăm khám và đưa ra chỉ định cắt amidan. Trẻ được làm xét nghiệm máu, kiểm tra tim, phổi. Nếu tình trạng ổn định, bác sĩ sẽ hẹn ngày cho trẻ cắt amidan.

Trẻ phải nhịn đói từ 6 đến 8 tiếng trước thời điểm cắt amidan vì phẫu thuật này cần gây mê. Nếu tiến hành cắt amidan vào buổi sáng, trẻ được xuất viện trước 4 giờ chiều. Bác sĩ sẽ cho toa thuốc giảm đau và hẹn ngày tái khám.

6. Hướng dẫn chăm sóc trẻ sau khi cắt amidan

Chăm sóc trẻ sau cắt amidan như thế nào, thưa BS? Trẻ có cần kiêng nói sau khi cắt amidan không? Nếu có thì kiêng bao lâu?

BS.CK2 Bạch Thiên Phương trả lời: Với những phương pháp hiện đại, sau khi cắt amidan, trẻ vẫn sinh hoạt bình thường, có thể nói chuyện, vận động nhẹ nhàng. Sau khi cắt amidan không cần phải kiêng nói. Khi xuất viện về nhà, nên để bé sinh hoạt bình thường để quên đi cảm giác đau và hồi phục nhanh hơn.

Để chăm sóc trẻ sau khi cắt amidan, phụ huynh cần lưu ý đến chế độ dinh dưỡng. Trong vòng 2 tuần sau khi cắt amidan, bé phải ăn các thức ăn lỏng, mềm, nguội để tránh trường hợp chảy máu amidan.

Trẻ có thể vận động nhẹ nhàng, đi học bình thường. Cần tránh vận động mạnh trong vòng 1 tháng sau phẫu thuật như tham gia các hoạt động thể thao: bơi lội, đá bóng, chơi bóng chuyền, bóng rổ... Việc vận động mạnh sẽ làm vết thương dễ bị chảy máu. Ngay khi trẻ bị chảy máu, cần đưa đến bệnh viện để bác sĩ tiến hành cấp cứu.

7. Sau khi phẫu thuật cắt amidan, trẻ mất bao lâu để hồi phục hoàn toàn?

Thưa BS, mất bao lâu sau khi cắt amidan trẻ sẽ hồi phục hoàn toàn?

BS.CK2 Bạch Thiên Phương trả lời: Nghiên cứu cho thấy rằng độ tuổi càng trẻ thì vết thương sau khi cắt amidan càng nhanh lành. Đối với những người dưới 19 tuổi, thời gian để vết mổ amidan lành lại là từ 10 - 14 ngày. Người trên 19 tuổi cần 3 - 4 tuần để hồi phục.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X