Hotline 24/7
08983-08983

Thành tựu Nhi khoa tại TPHCM và những bước tiến trong thời đại mới

Chiều 17/6/2023, nối tiếp thành công của phiên toàn thể, Hội nghị “Đánh giá hiệu quả và định hướng phát triển y tế chuyên sâu tại Thành phố Hồ Chí Minh”, Phiên chuyên đề 2 xoay quanh 2 chuyên ngành: Nhi khoa và Sản phụ khoa, quy tụ hơn 200 đại biểu đến từ các bệnh viện Nhi khoa, Sản phụ khoa tại TPHCM và các tỉnh lân cận.

Với chủ đề “Phát triển kỹ thuật chuyên sâu trong chăm sóc sức khỏe trẻ em - nâng cao chất lượng sức khỏe sinh sản cho phụ nữ Việt Nam”, phiên chuyên đề 2 có tổng cộng 17 bài báo cáo hấp dẫn. Nội dung phiên báo cáo tập trung vào những thành quả, giá trị mà 2 chuyên ngành trên tại TPHCM đã đạt được trong những năm qua, cùng định hướng phát triển trong tương lai tới.

Phiên thứ nhất nằm trong phiên chuyên đề 2 là lĩnh vực Nhi khoa với 9 bài báo cáo, đem đến những nội dung thu hút về thành tựu và bước tiến mới về lĩnh vực này.

Tính đến 31/5/2022, có hơn 6.550 ca ghép tạng thành công tại Việt Nam

Mở đầu phiên báo cáo với chủ đề “Ghép tạng tại Bệnh viện Nhi Đồng 2: những thành tựu và thách”, BS.CK2 Trịnh Hữu Tùng - Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 2 cho biết, nhu cầu ghép tạng và mô cơ quan ở trẻ em ngày càng tăng và cấp thiết. Hiện Việt Nam đang phát triển phương pháp điều trị phẫu thuật thay thế cơ quan bệnh bằng cơ quan tương ứng của người khác, giúp cứu sống tính mạng và nâng cao chất lượng cuộc sống.

BS.CK2 Trịnh Hữu Tùng - Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 2

Tính đến 31/5/2022, Việt Nam đã có nhiều thành tựu vượt bậc trong lĩnh vực ghép tạng khi áp dụng 8 kỹ thuật cấy ghép cơ quan, với hơn 6.550 ca thực hiện ghép tạng thành công. Trong đó, có 6.094 ca ghép thận, 348 ca ghép gan, 59 ca ghép tim…

Vị chuyên gia nhấn mạnh, Bệnh viện Nhi Đồng 2 phát triển các kỹ thuật này với vị thế bệnh viện nhi tuyến cuối, là cơ sở ghép tạng trẻ em công lập duy nhất tại TPHCM và các tỉnh thành phía Nam. Các ca ghép tạng tại bệnh viện có kết quả rất khả quan và phát triển tốt với sự hỗ trợ từ các trung tâm có kinh nghiệm trong và ngoài nước.

Tuy nhiên, trước những khó khăn như: kết quả khiêm tốn về mặt số lượng, khó khăn về nguồn tạng và luật hiến ghép tạng, nhân lực thiếu và chưa được đầu tư thích đáng… Lãnh đạo bệnh viện Nhi đồng 2 đưa ra kiến nghị cần hỗ trợ giải quyết vấn đề pháp lý, tài chính, nhân sự, trang thiết bị và thuốc cần  thiết để thường quy hóa các hoạt động lấy và ghép tạng. 

Trong bài báo cáo “Thủ thuật EXIT tiến tới phẫu thuật bào thai” ThS.BS Đào Trung Hiếu - Bệnh viện Nhi đồng 1 cho biết, EXIT là một thủ thuật hỗ trợ hô hấp được thực hiện trong quá trình mổ lấy thai ở những thai nhi có nguy cơ tắc nghẽn đường thở. Phương pháp này đã giúp tỷ lệ tử vong ở y văn thay đổi từ 5-25%.

ThS.BS Đào Trung Hiếu - Bệnh viện Nhi đồng 1

Nghiên cứu thực hiện trên 6 trường hợp có khối u vùng cổ từ 4/2019 đến 12/2022. Trong đó có 5 trường hợp là bướu bạch huyết vùng cổ chèn ép đường thở và 1 trường  hợp Fibrosarcoma vùng cổ. Sau khi được áp dụng thủ thuật EXIT, các bệnh nhân đều không xảy ra biến chứng và tử vong.

Qua trình bày nghên cứu, ThS.BS Đào trung hiếu kết luận, EXIT là một chiến lược phát triển giúp thiết lập quản lý đường thở cho trẻ sơ sinh một cách an toàn trong môi trường được kiểm soát. Nhờ vào việc kéo dài tuần hoàn tử cung - nhau, có thể sử dụng để thực hiện an toàn thủ thuật EXIT và từ đó tiến  tới các can thiệp phẫu thuật bào thai. Khía cạnh quan trọng nhất trong quy trình thực hiện EXIT là sự phối hợp của đa chuyên ngành có chuyên môn sâu và kinh nghiệm.

Các tiến bộ về kỹ thuật mới trong can thiệp, thăm dò và điều trị bệnh tim trẻ em

BS.CKII Nguyễn Minh Tiến - Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố đem đến bài báo cáo “Điều trị oxy hóa máu qua màng ngoài cơ thể ở trẻ hậu phẫu tim bẩm sinh tại Bệnh viện Nhi đồng Thành phố”.

Bác sĩ cho biết, hàng năm, bệnh viện Nhi đồng Thành phố tiếp nhận hồi sức cho 350-450 ca tim bẩm sinh. Trong đó, hồi sức sau phẫu thuật tim chiếm đa số. Các ca hồi sức đều có cải thiện tốt, tuy nhiên vẫn có một số trường hợp thất bại sau thực hiện các biện pháp hồi sức tích cực thông thường.

BS.CKII Nguyễn Minh Tiến - Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố

Qua đó, nghiên cứu bắt đầu thực hiện trên 14 trẻ tim bẩm sinh suy hô hấp tuần hoàn sau phẫu thuật tim, thất bại với các biện pháp hồi sức tích cực thông thường, được điều trị với kỹ thuật oxy hóa máu qua màng ngoài cơ thể (ECMO). Các ca nhỏ nhất là 1 ngày tuổi, lớn nhất 31 tháng tuổi. Điều trị ECMO cho thấy cải thiện tình trạng lâm sàng như nhịp tim, xanh tái, da nổi bông, toan chuyển hóa, lactate máu, chỉ số thuốc vận mạch, tăng co bóp cơ tim. Tỉ lệ sống còn đạt đến 71,4%.

Vị chuyên gia kết luận, ECMO là biện pháp giải cứu trong hồi sức hậu phẫu tim bẩm sinh khi mà các biện pháp hồi sức thông thường không còn hiệu quả. Và để thực hiện tốt việc cứu sống bệnh nhân tim bẩm sinh với ECMO, cần có các chỉ định phù hợp, chọn lựa kỹ thuật thích hợp và có sự phối hợp nhóm như nhóm phẫu thuật, nhóm hồi sức.

Nối tiếp chủ đề về kỹ thuật điều trị tim trẻ em với bài báo cáo “Cộng hưởng từ tim: chìa khoá cho can thiệp bệnh tim phức tạp ở trẻ em”, TS.BS Nguyễn Minh Hải - Bệnh viện Nhi đồng 1 cho biết, hiện nay, với sự tiến bộ của chẩn đoán chính xác từ thời kỳ bào thai cho đến sau sanh và sự phát triển bùng nổ của phẫu thuật, can thiệp tim mạch thì hiện tại, tỷ lệ trẻ mắc tim bẩm sinh sống sót rất cao.

TS.BS Nguyễn Minh Hải - Bệnh viện Nhi đồng 1

Do đó, thách thức hiện tại của ngành tim mạch nhi, tim bẩm sinh là những trường hợp tim bẩm sinh phức tạp. Hoặc các trường hợp tim bẩm sinh đã được cứu sống nhưng di chứng vẫn còn ở trẻ em lớn và trẻ lớn, những trường hợp trẻ em sau phẫu thuật và thông tim can thiệp. Do đó, cần phải có một phương pháp chẩn đoán hình ảnh hiện đại, hỗ trợ việc theo dõi nhóm bệnh này.

Vị chuyên gia cho biết thêm, cộng hưởng từ tim hiện là một phương pháp chẩn đoán hình ảnh tiêu chuẩn trong chẩn đoán tim bẩm sinh và được coi là “phương pháp một cửa” với đặc tính mô tả rõ ràng đặc điểm giải phẫu, “tiêu chuẩn vàng” trong đánh giá chức năng tâm thất, tính lưu lượng dòng máu và phân biệt đặc tính mô cơ tim.

Hiện tại, Bệnh viện Nhi Đồng 1 là bệnh viện Nhi đầu tiên trong TPHCM triển khai đầy đủ kỹ thuật cộng hưởng từ tim ở trẻ em từ tháng 11/2019 với nhiều thiết bị máy móc hiện đại. Bên cạnh đó, từ tháng 3/2023, Bệnh viện Nhi Đồng 1 đã nhận đào tạo chụp cộng hưởng từ tim cho các bác sĩ, kỹ thuật viên từ các bệnh viện có chuyên khoa Tim mạch Nhi từ TPHCM và Hà Nội.

TS.BS Nguyễn Minh Hải nhấn mạnh, cần tập trung đầu tư, phát triển cộng hưởng từ tim là một kỹ thuật y tế chuyên sâu để bắt kịp xu hướng phát triển hiện nay của khu vực và thế giới.

Cũng nằm trong các vấn đề kỹ thuật mới về điều trị tim trẻ em, báo cáo “Thăm dò điện sinh lý trẻ em: cứu cánh cho trẻ bệnh tim đột tử” của ThS.BS Bùi Gio An - Bệnh viện Nhi đồng 1 cho biết, thăm dò điện sinh lý tim là kỹ thuật cao ứng dụng trong chẩn đoán và điều trị các rối loạn nhịp. Phương pháp này là tiêu chuẩn vàng trong chẩn đoán và điều trị triệt để hầu hết các rối loạn nhịp ở trẻ em. Đặc biệt các loạn nhịp tim nguy hiểm có nguy cơ gây đột tử cao (nhanh thất, rung thất) cũng được điều trị hiệu quả bằng phương pháp này. 

ThS.BS Bùi Gio An - Bệnh viện Nhi đồng 1

Phương pháp này được thực hiện trên bệnh nhi có rối loạn nhịp và được chỉ định theo các hướng dẫn của hiệp hội loạn nhịp châu Âu và Bắc Mỹ (AHA/EHRA/PACE/HRS). Tỉ lệ thành công về mặt thủ thuật là 90% với hệ thống thăm dò và can thiệp sóng cao tần 2 chiều (2D). Phương pháp này giúp làm giảm chi phí nhập cấp cứu hoặc nhập viện, giảm chi phí sử dụng thuốc cũng như tỉ lệ tử vong. Trẻ khỏi bệnh có thể tham gia vào các hoạt động xã hội bình thường, đặc biệt là nhóm trẻ có nguy cơ đột tử cao. 

Gần đây, các trung tâm trong khu vực Đông Nam Á đang chuyển từ hệ thống 2D sang hệ thống 3D nhằm tăng tỉ lệ thành công trên các ca phức tạp, giảm tiếp xúc tia X, giảm thời gian thủ thuật. Cần trang bị thêm dụng cụ cho trẻ nhỏ dưới 15kg và phát triển mạng lưới chẩn đoán và can thiệp loạn nhịp trẻ em trong cộng đồng.

ThS.BS Bùi Gio An cho rằng, sau 5 năm triển khai, thăm dò điện sinh lý tim ở trẻ em đã mang lại hiệu quả cao không những về mặt y khoa mà còn trên phương diện xã hội, kinh tế cho bệnh nhi. Đồng thời, ông đưa ra kiến nghị về việc thiết lập đơn vị thăm dò điện sinh lý trẻ em với đầy đủ trang thiết bị là hết sức cần thiết cho mục tiêu điều trị, nghiên cứu và giảng dạy.

Khả năng kiểm soát hoàn toàn động kinh sau mổ lên đến 70,8%

Chủ đề “Phẫu thuật điều trị động kinh tại Bệnh viện Nhi đồng 2”, TS.BS Đặng Đỗ Thanh Cần - Trưởng khoa Ngoại Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 2 cho biết, hiện nay, tỉ lệ bệnh nhân bị động kinh kháng thuốc vẫn còn rất cao 30%. Vai trò phẫu thuật giúp tăng khả năng kiểm soát cơn, giảm tỉ lệ thương tật và tử vong cho bệnh nhân động kinh kháng thuốc.

TS.BS Đặng Đỗ Thanh Cần - Trưởng khoa Ngoại Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 2

Qua nghiên cứu trên 24 bệnh nhân thực hiện phẫu thuật động kinh tại Bệnh viện Nhi Đồng 2 từ 03/2015 - 03/2023, TS Thanh Cần cho biết thêm, nguyên nhân thường gặp nhất là u não chiếm 70,8%. Phẫu thuật cắt thuỳ thái dương được sử dụng nhiều nhất 58,3%. Khả năng kiểm soát hoàn toàn động kinh sau mổ đạt 70,8%. Theo đó, vị chuyên gia cho rằng, phẫu thuật động kinh kháng thuốc cho thấy có hiệu quả kiểm soát động kinh cao và khá an toàn.

Giảm tử vong, tăng chất lượng cứu sống trẻ sanh non là thách thức của Nhi khoa

Trong bài báo cáo “Hồi sức tích cực và chăm sóc toàn diện trẻ sinh non từ 24 tuần tại Bệnh viện Nhi đồng Thành phố”, TS.BS Hồ Tấn Thanh Bình - Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố cho biết, giảm tỉ lệ tử vong và tăng chất lượng cứu sống trẻ sanh non là một thách thức trong lĩnh vực nhi khoa. Bệnh viện Nhi Đồng Thành Phố hoạt động từ năm 2017 đã bước đầu xây dựng trung tâm sơ sinh cấp độ 4 điều trị trẻ sơ sinh bệnh lý nặng. Từ năm 2018 - 2022, Bệnh viện tiếp nhận 7.300 trẻ sơ sinh bệnh lý nặng với tỉ lệ cứu sống chung là 96,4%.

TS.BS Hồ Tấn Thanh Bình - Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố

Phó Giám đốc bệnh viện chia sẻ, để đạt kết quả trên, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố đã triển khai chương trình hợp tác Sản Nhi để tiếp nhận trẻ sớm sau sanh. Phát triển kỹ thuật bơm surfactant xâm lấn và không xâm lấn cải tiến và chiến lược hỗ trợ hô hấp bảo vệ phổi. Dinh dưỡng tích cực với dịch truyền qua catheter tĩnh mạch trung tâm phối hợp nuôi ăn tiêu hoá sớm với sữa mẹ tăng cường để trẻ đạt mức tăng trưởng như trong tử cung. Thực hiện gói chăm sóc da kề da sớm ngay khi trẻ vẫn còn hỗ trợ hô hấp, tuần hoàn, chủng ngừa ngay trong thời gian nằm viện.

Đồng thời, bệnh viện còn thực hiện tầm soát ROP, thính lực, 3 bệnh cơ bản và phát hiện sớm các dị tật kèm. Triển khai can thiệp trên nhóm trẻ dưới 29 tuần như: mở khí quản, phẫu thuật cột ống động mạch, xuất huyết phổi, phẫu thuật cắt nối ruột, mở hậu môn tạm ở nhóm viêm ruột hoại tử…

Ông nhấn mạnh, việc tăng cường phối hợp Sản Nhi và liên chuyên khoa Nhi, song song với nâng cao chất lượng chăm sóc, điều trị, theo dõi giúp tăng tỉ lệ cứu sống và tăng chất lượng kết quả phát triển lâu dài ở trẻ sanh rất non, góp phần giảm tử vong và bệnh tật trẻ em.

Vẹo cột sống cần phát hiện sớm và điều trị kịp thời

TS.BS Võ Quang Đình Nam - Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình tiếp tục phiên với bài báo cáo “Điều trị Vẹo cột sống ở trẻ em tại Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình bằng phẫu thuật”.

Ông cho biết, vẹo cột sống (VCS) khi cột sống dịch chuyển sang bên phải hoặc trái khi nhìn từ phía sau, là một đường cong có góc Cobb lớn hơn 10 độ; VCS ở ngực, thắt lưng, hoặc cả hai. VCS có thể có nguyên nhân như bệnh lý thần kinh cơ, bẩm sinh…, nhưng phổ biến nhất là vô căn. Các loại VCS vô căn khác nhau dựa vào lứa tuổi vẹo cột sống bắt đầu phát triển; mỗi nhóm tuổi có những đòi hỏi và thách thức riêng liên quan đến điều trị.

TS.BS Võ Quang Đình Nam - Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình

TS Nam cho biết thêm, hàng năm, Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình thực hiện phẫu thuật trên 100 trường hợp VCS vô căn, phần lớn đã diễn tiến nặng. Để thực hiện các phẫu thuật này cần sự phối hợp của các chuyên khoa khác nhau, được đào tạo bài bản để hạn chế những biến chứng của phẫu thuật, đặc biệt là tổn thương thần kinh.

Vị chuyên gia nhận định, thách thức hiện nay là cần trang bị dụng cụ, huấn luyện để thực hiện các kỹ thuật ít xâm lấn, mang lại chất lượng cuộc sống tốt hơn. Tuy nhiên, điều trị VCS vô căn trong tương lai đòi hỏi 1 hệ thống chăm sóc sức khỏe trẻ em toàn diện, tầm soát phát hiện sớm VCS, áp dụng và tuân thủ các phương pháp điều trị bảo tồn một cách triệt để nhằm hạn chế phẫu thuật, giúp thế hệ tương lai có một cột sống mềm mại và khỏe mạnh.

Những vòng xe đạp đầu đời sau khi được thay thế gene điều trị teo cơ tủy sống

Khép lại các bài báo cáo về lĩnh vực nhi khoa, phiên chuyên đề 2, TS.BS Nguyễn Lê Trung Hiếu - Trưởng khoa Nội Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 2 mang đến bài báo cáo “Điều trị bệnh teo cơ tủy sống ở trẻ dưới 2 tuổi bằng liệu pháp thay thế gene: hiện trạng và  triển vọng”

Vị chuyên gia cho biết, bệnh teo cơ tủy sống là bệnh thoái hóa tế bào thần kinh vận động ở sừng trước tủy sống do đột biến mất đoạn gene SMN1 trên nhiễm sắc thể số 5q11.1-13.3 dẫn đến mất dần chức năng vận động, teo cơ, tàn phế, suy hô hấp và tử vong.

TS.BS Nguyễn Lê Trung Hiếu - Trưởng khoa Nội Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 2

Hiện nay, Bệnh viện Nhi Đồng 2 là cơ sở y tế đầu tiên tại Việt Nam tham gia chương trình hỗ trợ toàn cầu về điều trị bệnh teo cơ tủy sống bằng Zolgensma. Từ tháng 10.2020 đến nay, có 13 trẻ đã được điều trị, 01 trẻ tử vong do đột tử, 01 trẻ tử vong do nhiễm trùng hô hấp nặng, 10 trẻ đang cải thiện đáng kể điểm đánh giá vận động, 01 trẻ mới truyền thuốc tháng 3/2023.

Chuyên gia về Nội Thần kinh trẻ em chia sẻ, điều đặc biệt khi thực hiện phương pháp trên mà chưa một ai nghĩ đến là việc một đứa trẻ mắc teo cơ tủy sống, sau khi được điều trị có thể thực hiện những vòng xe đạp đầu đời. Đây chính là thành công lớn nhất trong điều trị căn bệnh này.

TS Trung Hiếu cho rằng, cần đẩy mạnh giáo dục sức khỏe, xây dựng câu lạc bộ bệnh teo cơ tủy sống. Đào tạo nhân viên y tế về sàng lọc bệnh để chẩn đoán sớm. Tiếp tục tham gia chương trình hỗ trợ thuốc. Đồng hành chương trình bệnh hiếm quốc gia, huy động các nguồn tài trợ.

“Bệnh viện Nhi Đồng 2 là cơ sở y tế có khả năng điều trị bệnh teo cơ tủy sống bằng liệu pháp thay thế gene cho trẻ dưới 2 tuổi”, TS.BS Nguyễn Lê Trung Hiếu kết luận.

Hội nghị Đánh giá hiệu quả và định hướng phát triển y tế chuyên sâu tại TPHCM do Hội Y học TPHCM phối hợp Sở Y tế TPHCM tổ chức vào ngày 17/6/2023. Đây là lần đầu tiên Ngành y tế Thành phố tổ chức Hội nghị khoa học với sự tham gia của tất cả các chuyên gia hàng đầu của tất cả các chuyên ngành trong lĩnh vực y tế thuộc các bệnh viện đa khoa, chuyên khoa công lập và tư nhân, và các trường Đại học thuộc khối ngành sức khỏe trên địa bàn Thành phố.

Hội nghị bao gồm 1 phiên toàn thể (8 bài báo cáo) và 8 phiên chuyên đề hơn 80 bài báo cáo khoa học tập trung vào các kỹ thuật chuyên sâu đã được các bệnh viện triển khai thành công trong thời gian qua, đồng thời xác định những khoảng trống cần được lấp đầy về việc triển khai các kỹ thuật chuyên sâu so với các nước có hệ thống y tế phát triển trong khu vực.

>>> Phát triển y tế chuyên sâu tại TPHCM: Điều gì chờ đợi trong tương lai?

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X