Hotline 24/7
08983-08983

Test nhanh COVID-19 nhiều lần có làm cho bệnh viêm mũi xoang nặng hơn không?

AloBacsi - Hỏi đáp mùa dịch ngày 13/9 liên tiếp nhận được nhiều thắc mắc của bạn đọc về tiêm vắc xin COVID-19, lấy mẫu xét nghiệm nhiều lần có làm viêm xoang mũi nặng hơn,...

1. Bệnh viêm mũi xoang liệu có nặng hơn khi lấy mẫu test nhanh COVID-19 nhiều lần?

Vy Phương: Em muốn hỏi, em bị viêm xoang lâu rồi, mà dịch COVID-19 nên cứ 2-3 ngày lại test 1 lần. Như vậy tình trạng viêm xoang của em có nặng hơn không? Mỗi lần test xong em khó chịu mũi lắm luôn ạ, em bị chảy nước mũi ở bên ngoáy thêm nửa ngày mới hết ạ.

BS.CK1 Nguyễn Hồng Dũng: Chào bạn,

Do bạn không mô tả triệu chứng trước kia và bây giờ nên không có cơ sở so sánh tình trạng bệnh của bạn có nặng hơn không. Và nếu thật sự có nặng hay nhẹ hơn thì bản thân người bệnh có thể cảm nhận được.

Dụng cụ lấy mẫu xét nghiệm nếu bảo quản đúng thì đây là dụng cụ sạch, khi lấy mẫu xét nghiệm không làm cho viêm xoang nặng lên. Và lấy đúng kỹ thuật không làm lây nhiễm thêm bệnh khác.

2. Bà bầu tiêm vắc xin uốn ván được 4 ngày, có được chích ngừa COVID-19?

Sơn Lê: Bác sĩ ơi, cho em hỏi em mang bầu được 19 tuần, mới tiêm vắc xin uốn ván được 4 ngày. Giờ em có tiêm vắc xin COVID-19 của Pfizer được không ạ?

Tổ tư vấn AloBacsi: Trong bối cảnh bình thường, việc chích ngừa có thể thong thả như ý muốn thì 2 mũi vắc xin này nên cách nhau hơn 1 tuần.

Đối với người cần thận trọng vì có tiền sử dị ứng, cần theo dõi chặt chẽ phản ứng của từng loại vắc xin, tránh để xảy ra cùng lúc không rõ là phản ứng của vắc xin nào thì nên cách nhau 14 ngày để theo dõi xong phản ứng của mũi vắc xin trước.

Đó là trong bối cảnh bình thường. Còn hiện tại đang trong dịch bệnh căng thẳng, việc chích ngừa COVID-19 nên tiến hành càng sớm càng tốt thì bạn có thể tiêm mũi vắc xin COVID-19 sớm hơn 2 mốc thời gian nêu trên vẫn được, miễn là 2 mũi này (uốn ván và COVID-19) không tiêm cùng lúc là được.

3. Làm gì để được xác nhận khi tự điều trị COVID-19 tại nhà?

Nguyễn Hưng: Dạ cho em hỏi là thời gian khoảng giữa tháng 8 gia đình em có mua test nhanh COVID-19 về tự test và bị dương tính mà gia đình em không báo y tế và tự cách ly, đến nay đã khỏi. Giờ cần thủ tục gì để xác minh bên y tế và xin cấp giấy ạ? Mong bác sĩ giải đáp giúp em. Cảm ơn bác sĩ.

Tổ tư vấn AloBacsi: Chào bạn, trường hợp bệnh nhân F0 tự điều trị mà không khai báo và y tế phường không cấp giấy xác nhận, hiện tại thành phố vẫn đang tìm giải pháp thỏa đáng.

Còn về mặt y khoa, vẫn có xét nghiệm để chứng minh mình là người khỏi bệnh, đó là "xét nghiệm kháng thể", tuy nhiên, xét nghiệm này chưa phổ biến. Bạn theo dõi thời sự tiếp nhé.

4. Người ghép thận nên tiêm loại vắc xin COVID-19 nào?

Thành Nguyễn: Bác sĩ tôi cho hỏi người ghép thận thì nên tiêm loại vắc xin nào là an toàn cho mình?

Tổ tư vấn AloBacsi: Chào bạn, người ghép thận cũng nên chích ngừa, nhưng cần trì hoãn nếu mới ghép, giai đoạn đang dùng ức chế miễn dịch liều cao.

Thông thường sau 4-6 tháng nếu không có biến chứng thải ghép hay nhiễm trùng,… thì có thể chích ngừa.

Dựa theo bệnh sử của bạn, và thời điểm đó, cơ sở tiêm chủng đang có vắc xin nào, bác sĩ ở điểm tiêm ngừa sẽ quyết định loại vắc xin tiêm cho bạn nhé.

5. Phụ nữ mang thai và người cho con bú có được tiêm vắc xin Vero Cell?

Bạn đọc hỏi hotline 08983 08983: Xin hỏi, phụ nữ có thai và cho con bú tiêm Vero Cell được không? Tiêm xong có cần cai sữa cho con luôn không ạ?

Tổ tư vấn AloBacsi: Theo hướng dẫn của nhà sản xuất Vero Cell:

Phụ nữ có thai: tiêm vắc xin khi lợi ích của vắc xin vượt trội hơn nguy cơ tiềm ẩn cho mẹ và thai nhi.

Phụ nữ cho con bú: đây không phải là vắc xin virus sống, nên nó không có khả năng gây ra nguy cơ cho trẻ bú mẹ. Không cần tạm ngừng cho con bú sau khi tiêm vắc xin.

6. Người mắc bệnh lý tâm thần kinh có chích vắc xin được không?

T. N.: Chào các bác sĩ, mình có đọc thông tin về 20 bệnh nền chích vắc xin COVID-19. Tuy nhiên ở bệnh nền về bệnh lý thần kinh, mình không xác định rõ bệnh cụ thể như thế nào mới được gọi là bệnh nền được chích ạ? Mình bị tâm thần kinh trầm cảm, hệ trầm cảm tái diễn được điều trị tại Bệnh viện Đại học Y dược. Cho mình hỏi với bệnh lý trên có được xét là bệnh nền không ạ? Mình cảm ơn.

BS.CK2 Trần Minh Khuyên: Những bệnh này vẫn chích ngừa bình thường và không nằm trong khuyến cáo của Bộ Y tế về "bệnh nền" hiện nay cần lưu ý đối với bệnh COVID-19.

Ngoài ra, bạn cần phân biệt rõ hơn, bệnh lý về thần kinh khác với bệnh lý về tâm thần nhé.

7. Mép môi thâm đen có phải bị nấm miệng?

Đ. T. Quang: Bác sĩ cho em hỏi môi của em như này là bị sao ạ? Có phải em bị nấm miệng không ạ?

Ảnh do bạn đọc cung cấp cho AloBacsi

Tổ tư vấn AloBacsi: Mép môi bị thâm đen có thể do tăng sắc tố sau viêm, do thuốc, sạm da do ánh nắng hoặc do thay đổi hormon trong cơ thể.

Tình trạng này có thể cải thiện sau từ 6 tháng đến 1 năm nếu nguyên nhân gây bệnh được loại trừ.

Em nên tránh nắng, dưỡng ẩm hàng ngày, hạn chế sử dụng thuốc hoặc mỹ phẩm khi không cần thiết. Qua dịch, em có thể đến Bệnh viện Da liễu khám nhé.

8. F1 đang cách ly tại nhà, tới lịch chích ngừa COVID-19, làm sao đi tiêm?

Bạn đọc hỏi hotline 08983 08983: Tôi là F1 đang cách ly tại nhà cùng F0, bây giờ tới lịch chích ngừa COVID-19 theo lịch hẹn của phường, vậy làm sao đi tiêm? Nếu tôi bỏ lỡ mũi này thì khi nào mới được tiêm?

Tổ tư vấn AloBacsi: Chào bạn,

Bạn là F1 đang cách ly là ở trong tình thế có thể trở thành F0 bất cứ lúc nào, do đó nên ở yên tại chỗ, theo dõi chặt chẽ các triệu chứng và kết quả test.

Nếu bạn dương tính, trở thành F0 thì sau khi khỏi bệnh COVID-19, bạn không cần chích ngừa trong 6 tháng.

Nếu bạn không trở thành F0 và chưa được chích ngừa thì liên hệ với y tế phường để được bố trí tiêm sau thời gian kết thúc cách ly.

9. Sau khi chích ngừa COVID-19, uống các loại vitamin bổ sung được không?

Binh Pham: Bác sĩ cho em hỏi em đã tiêm vắc xin, hôm nay là ngày thứ 3, em có uống các loại vitamin bổ sung được không ạ?

Tổ tư vấn AloBacsi: Chào bạn,

Bạn có thể uống vitamin bình thường kể cả ngày trước, trong, và sau khi tiêm ngừa vì việc này không có ảnh hưởng gì đến vắc xin cả. Ngoài ra, nếu bạn ăn trái cây và rau xanh hằng ngày, buổi sáng phơi nắng sớm thì đây là cách bổ sung vitamin tốt nhất cho cơ thể.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X