Hotline 24/7
08983-08983

Té ngã ở người cao tuổi, mất khối cơ, tiền đái tháo đường - 3 vấn đề dễ bị bỏ quên

Hội nghị lão khoa toàn quốc ngày thứ hai (24/10) nhấn mạnh vào những vấn đề dễ bị bỏ quên trong công tác chăm sóc sức khỏe người cao tuổi: nguy cơ té ngã, mất khối cơ, tiền đái tháo đường.

Tiếp theo ngày thứ nhất gồm hơn 40 bài báo cáo với nhiều đề tài sâu sát trong việc điều trị bệnh tim mạch, đái tháo đường, đột quỵ, cơ xương khớp… ở người cao tuổi, Hội nghị khoa học “Cập nhật chẩn đoán và điều trị bệnh lý người cao tuổi” ngày thứ hai (24/10) diễn ra với hơn 90 bài báo cáo đều là các vấn đề được đông đảo bác sĩ quan tâm. Trong đó, một số vấn đề dễ bị bỏ quên được nhắc đến và thảo luận.

Nếu như từ 10 năm trước chúng ta bắt đầu quan tâm đến việc phòng chống loãng xương để hạn chế nguy cơ gãy xương khi té ngã (đặc biệt là gãy cổ xương đùi) thì vấn đề phòng chống té ngã lại chưa được chú trọng, hoặc chỉ được quan tâm khi người cao tuổi (NCT) trong nhà đã bị té ngã rồi.

alobacsi BS.CK1 Nguyễn Minh ĐứcBS.CK1 Nguyễn Minh Đức - Giảng viên Bộ môn Lão khoa, Đại học Y dược TPHCM

Trong báo cáo: “Té ngã ở người cao tuổi: vấn đề cần được quan tâm”, BS.CK1 Nguyễn Minh Đức - Giảng viên Bộ môn Lão khoa, Đại học Y dược TPHCM cho biết có 35%-40% người từ 65 tuổi trở lên bị ngã ít nhất 1 lần/năm (khoảng1/2 số này bị ngã nhiều lần), 50% người từ 80 tuổi trở lên bị ngã ít nhất 1 lần/năm, hơn 50% trường hợp bị ngã ở nhà, và nữ dễ té ngã hơn nam.

Té ngã ở NCT xảy ra với tần suất cao và hậu quả lớn (chấn thương, gãy xương, tử vong, nhiều ảnh hưởng khác), do đó cần có chiến lược trong cộng đồng để phòng tránh té ngã bằng các bước: sàng lọc, yếu tố nguy cơ, can thiệp.

Theo BS Đức, cần sàng lọc té ngã đối với tất cả NCT đến khám để tìm ra những ai có nguy cơ. Nếu không có nguy cơ thì vẫn tư vấn cho họ về phòng ngừa té ngã, cân nhắc việc dùng vitamin D, các bài tập phòng ngừa té ngã…

Với người có nguy cơ, cần tìm ra các thuốc làm tăng nguy cơ té ngã, đánh giá yếu tố môi trường tại nhà, đánh giá tư thế, sức cơ và thăng bằng, đo huyết áp tư thế, kiểm tra thị giác, đánh giá bàn chân/ giày dép, đánh giá việc dùng vitamin D, xác định các bệnh đồng mắc…

Bước tiếp theo là can thiệp: tập vật lý trị liệu và các bài tập phòng ngừa té ngã, ngưng/ giảm liều thuốc nguy cơ, cải thiện môi trường nhà ở, kiểm soát hạ huyết áp tư thế, điều chỉnh thị lực, điều chỉnh giày dép/ khám chuyên khoa, dùng vitamin D hằng ngày, điều trị tốt các bệnh đi kèm.

Đến từ Hà Nội, ThS.BS Hà Thị Vân Anh trình bày đề tài: “Ngã và các yếu tố liên quan trên bệnh nhân ngoại trú cao tuổi tại Bệnh viện lão khoa trung ương”, công bố nghiên cứu về các trường hợp NCT té ngã đến đây điều trị.

alobacsi ThS.BS Hà Thị Vân Anh - Bệnh viện Lão khoa trung ươngThS.BS Hà Thị Vân Anh - Bệnh viện Lão khoa trung ương (Hà Nội)

BS Vân Anh cho biết té ngã đã được đánh mã bệnh, theo thống kê tại Bệnh viện lão khoa trung ương thì đa số trường hợp té ngã xảy ra trong nhà tắm, do sàn trơn trượt. Tình trạng đa bệnh lý và lạm dụng rượu có liên quan đáng kể với té ngã, điều này ngụ ý hầu hết té ngã đều có thể phòng ngừa được.

Một điểm khác biệt so với nghiên cứu ở các nước khác đó là tỷ lệ NCT bị té ngã lần thứ hai thấp hơn hẳn, có thể giải thích là do NCT ở Việt Nam thường sống cùng gia đình, sau khi họ bị té ngã thì con cháu đã quan tâm tới việc phòng tránh cho ông bà mình không bị té ngã lần nữa.

BS Vân Anh kết luận: Té ngã là vấn đề sức khỏe cần được quan tâm ở NCT, đặc biệt là bệnh nhân ngoại trú vì nó ảnh hưởng đến gần 1/4 nhóm đối tượng này. Cần có nhiều nghiên cứu dài hơn để điều tra tỉ mỉ các yếu tố nguy cơ của té ngã.

PGS.TS Lê Thị Anh Thư - Chủ tịch Liên chi hội Loãng xương TPHCM cũng nhấn mạnh: cho dù bệnh nhân có loãng xương nhưng không té ngã thì cũng không gãy xương. Do đó, cần quan tâm toàn diện đến sức khỏe NCT, không chỉ có huyết áp, tim mạch, tiểu đường mà còn nhiều vấn đề khác để phòng tránh té ngã ở NCT.

alobacsi TS.BS Cao Thanh Ngọc - Trưởng khoa Nội cơ xương khớp, Bệnh viện ĐH Y dược TPHCMTS.BS Cao Thanh Ngọc - Trưởng khoa Nội cơ xương khớp, Bệnh viện ĐH Y dược TPHCM

Một vấn đề khác lâu nay cũng ít được quan tâm đó là tình trạng mất khối cơ. Vấn đề này được TS.BS Cao Thanh Ngọc - Trưởng khoa Nội cơ xương khớp, Bệnh viện ĐH Y dược TPHCM đề cập đến trong bài báo cáo: “Tình trạng mất khối cơ ở người cao tuổi và những bệnh lý liên quan”.

Bài báo cáo của BS Ngọc đưa ra nhiều hạn chế khi một NCT bị bệnh mà người đó có tình trạng thiếu cơ: thiếu cơ và suy tim, thiếu cơ và bệnh thận mạn, thiếu cơ và COPD, thiếu cơ và loãng xương, thiếu cơ và ung thư…

BS Cao Thanh Ngọc cho biết: thiếu cơ là một vấn đề phổ biến ở NCT, làm ảnh hưởng đến hoạt động chức năng, gây ra tình trạng phụ thuộc vào người khác chăm sóc. Thiếu cơ thường gặp trong các bệnh lý mạn tính và làm ảnh hưởng xấu đến kết cục. Luyện tập thể lực và bổ sung dinh dưỡng là phương pháp điều trị chính yếu cơ hiện nay.

Bên cạnh đó, BS Ngọc cũng lưu ý các chuyên khoa khác khi điều trị cho bệnh nhân không phải bệnh cơ xương khớp cũng cần quan tâm đến việc họ có bị thiếu cơ hay không, vì việc này cũng góp phần nâng cao hiệu quả điều trị bệnh (chẳng hạn bệnh nhân ung thư không bị thiếu cơ có kết quả điều trị tốt hơn).

TS.BS Lâm Văn Hoàng - Trưởng khoa Nội tiết, Bệnh viện Chợ Rẫy (TPHCM)

Với bài báo cáo “Metformin: tối ưu hóa trong điều trị tiền đái tháo đường”- TS.BS Lâm Văn Hoàng - Trưởng khoa Nội tiết Bệnh viện Chợ Rẫy cũng nêu ra một vấn đề mà các bác sĩ thường cho qua khi bệnh nhân có tăng đường huyết nhẹ, đó là tiền đái tháo đường.

Con đường tiến triển của bệnh đó là từ đề kháng insulin đến tiền đái tháo đường rồi đến đái tháo đường. BS Hoàng cho biết 70% bệnh nhân tiền đái tháo đường sẽ mắc đái tháo đường nếu không điều trị.

Ngay từ giai đoạn tiền đái tháo đường, bệnh nhân đã có tăng nguy cơ tim mạch xơ vữa. Tiền đái tháo đường làm tăng biến cố tim mạch, bệnh mạch vành, đột quỵ và tử vong; tỷ lệ mới mắc bệnh thần kinh ngoại biên và bệnh lý võng mạc cũng tăng lên ở người tiền đái tháo đường. Bệnh nhân tiền đái tháo đường nên được phát hiện sớm và điều trị để ngăn ngừa biến chứng bệnh thận mạn do đái tháo đường.

TS.BS Lâm Văn Hoàng kết luận tiền đái tháo đường là một bệnh (mã bệnh R73.0) và cần phải điều trị. Nên tầm soát và điều trị sớm tiền đái tháo đường, đặc biệt ở nhóm đối tượng nguy cơ cao.

Hồng Nhung

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X