Hotline 24/7
08983-08983

Tầm soát bệnh lao: Đừng đợi đến khi có triệu chứng

Người có bệnh lý về hô hấp, người cao tuổi hoặc người làm trong môi trường y tế nên chụp hình phổi để phát hiện bệnh lao sớm hơn. Nếu tiếp xúc với người mắc lao phải tầm soát ngay, không chờ đến khi có triệu chứng thì đã trễ.

1. Nguy cơ lây nhiễm bệnh lao trong cộng đồng hiện nay ra sao?

Xin hỏi BS, nguy cơ lây nhiễm bệnh lao trong cộng đồng hiện nay ra sao? Bởi thực tế, nhiều bệnh nhân than phiền rằng họ rối bời khi được chẩn đoán bệnh lao đó là không biết nguồn lây từ đâu.

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Nguồn lây chắc chắn từ người lao phổi, vi khuẩn lao không thể tự nhiên bay trong không khí. Nghiên cứu cho thấy, nếu trong nhà có một người bị bệnh lao phổi thì những người còn lại có khả năng mắc lao gấp 5 lần người khác.

Yếu tố tiếp xúc, sinh hoạt với người mắc lao khá quan trọng trong việc lây lan. Ngoài ra, không có yếu tố khác, không phải do lao lực mà vì đã tiềm tàng vi khuẩn trong người và khi yếu sẽ phát bệnh.

2. Vì sao ngày càng tăng người trẻ mắc bệnh lao?

Không chỉ nguy cơ lây lan trong cộng đồng mà bệnh lao còn được cảnh báo về xu hướng trẻ hóa. Vì sao người trẻ mắc bệnh lao ngày càng tăng, thưa BS?

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Mọi người hay nghĩ phải lớn tuổi, suy kiệt mới mắc bệnh lao. Tuy nhiên, tình trạng người trẻ bệnh lao không còn xa lạ vì lao tiềm tàng trong cơ thể. Ví dụ như bị lây bệnh lao, vi khuẩn lao trong người nhưng không biết đến khi cơ thể yếu mới xuất hiện triệu chứng ho, sốt,…

Hiện nay, tỷ lệ người trẻ mắc bệnh lao nhiều cũng có thể do đi tầm soát nhiều và phát hiện bệnh. Bệnh lao xuất hiện ở lứa tuổi nào không quan trọng, ngay cả trẻ em tỷ lệ bệnh lao cũng nhiều hơn.

3. Triệu chứng điển hình của bệnh lao gồm những gì?

Các triệu chứng điển hình của bệnh lao gồm những gì? Ho kéo dài có phải là một chỉ dấu cảnh báo lao, thưa BS?

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Nếu chờ đến khi có triệu chứng lao điển hình mới bắt đầu tìm bệnh lao thì đã trễ. Triệu chứng lao điển hình không khó để nhận biết. Ví dụ sốt về chiều, sụt cân, ho kéo dài,… phải nghĩ ngay đến lao phổi, đặc biệt là những người có tiếp xúc hoặc nghi tiếp xúc với người mắc bệnh lao.

Thông thường, ho kéo dài được tính khi ho khoảng 1 tháng. Hoặc ho, khạc đàm có máu phải nghĩ ngay đến tổn thương và đi chụp hình phổi để biết tổn thương phổi đang ở mức độ nào, do lao hay do bệnh khác. Nếu chờ đến lúc ốm yếu, ho ra máu thì bệnh đã lây rất nhiều.

4. Ai cần tầm soát bệnh lao?

Đặc biệt với người lao phổi có khi triệu chứng mơ hồ nên họ không biết và lây cho người khác. Xin nhờ BS nói rõ hơn, tầm soát bệnh lao như thế nào? Và những ai cần tầm soát căn bệnh này ạ?

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Nếu có bệnh lý về hô hấp, đặc biệt là ho kéo dài nên đi chụp hình phổi. Người lớn tuổi, khoảng 6 tháng - 1 năm nên tầm soát phổi một lần.

Đặc biệt, người làm trong môi trường y tế như bệnh viện, khoa bệnh lao,… phải chụp hình phổi thường xuyên (6 tháng/lần), nhờ đó mới phát hiện bệnh lao sớm hơn.

Trong gia đình hoặc đồng nghiệp, nếu biết từng tiếp xúc với người mắc lao thì nên tầm soát ngay, không chờ đến khi có triệu chứng. Rất nhiều trường hợp sau khi tầm soát phổi mới phát hiện mình đang bị lao và có khả năng phát tán vi trùng lao cho người xung quanh.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X