Hotline 24/7
08983-08983

Tại sao người mắc cúm gia cầm A/H5N1 dễ tử vong?

Vừa qua, tại Khánh Hòa ghi nhận trường hợp bệnh nhân 21 tuổi tử vong sau khi mắc cúm A/H5N1. Đây là ca tử vong đầu tiên trong năm nay và là ca thứ 2 kể từ năm 2014 sau nhiều năm không ghi nhận trường hợp mắc bệnh trên người tại Việt Nam. BS Trương Hữu Khanh, Phó Chủ tịch Liên chi hội truyền nhiễm TPHCM sẽ trả lời những câu hỏi liên quan đến việc phòng, tránh dịch bệnh của bạn đọc AloBacsi.

1. Cúm A/H5N1 có thể lây từ người sang người không?

Việc xuất hiện trường hợp nhiễm cúm A/H5N1 và tử vong sau nhiều năm như vậy có phải là dấu hiệu cảnh báo dịch cúm quay lại, thưa BS?

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Việc xuất hiện một trường hợp tử vong do nhiễm cúm A/H5N1 vẫn chưa đủ để nhận định rằng dịch cúm đang quay trở lại. Dịch bùng phát khi có tình trạng gia cầm nuôi chết hàng loạt và không có biện pháp để ngăn chặn bệnh lây từ gia cầm sang người thì mới dẫn đến nhiều người mắc bệnh. A/H5N1 không lây từ người sang người.uuH

Mặc dù cúm A/H5N1 được cho là khó lây nhiễm từ người sang người. Tuy vậy, việc nam bệnh nhân nhiễm cúm lại khiến nhiều người lo ngại. Nhờ BS đề cập rõ hơn, khả năng cúm A/H5N1 lây lan qua con người ra sao?

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Cúm gia cầm lây sang người thông qua việc một người tiếp xúc với chất tiết của gia cầm mắc bệnh. Do đó khi tiếp xúc, chăn nuôi gia cầm phải trang bị khẩu trang, găng tay để giảm nguy cơ bị lây nhiễm, đặc biệt là những người trực tiếp chăm sóc hoặc chế biến thịt gia cầm.

Thịt gia cầm ít được ăn sống, tái hơn so với các thực phẩm khác. Tuy vậy, chúng ta lại có xu hướng ăn các loại trứng sống, trứng chần hoặc trứng lòng đào. Liệu đây có phải là nguồn cơn dẫn đến nhiễm cúm gia cầm không thưa BS?

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Các nghiên cứu cho thấy trứng gia cầm không phải nguyên nhân chính gây ra bùng phát dịch H5N1. Tuy nhiên, khi ăn uống, chúng ta cần phải biết rõ nguồn gốc của thực phẩm. Nếu gà được chăm sóc tốt hoặc trứng đã qua công nghệ tiệt trùng thì trứng sẽ không chứa mầm dịch. Sau khi mua trứng về cũng nên rửa sạch. Không nên sử dụng trứng không rõ nguồn gốc. Những yếu tố này sẽ giúp chúng ta phòng dịch cúm gia cầm tốt hơn.

2. Bệnh cúm A H5N1 có nguy hiểm không?

Nhiễm cúm gia cầm nói chung và cúm A/H5N1 nguy hiểm như thế nào, tỷ lệ gây biến chứng và tử vong ra sao? Tại sao người mắc cúm gia cầm H5N1 tử vong nhanh như vậy?

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Cúm gia cầm có nhiều nhóm khác nhau như H7N9, H5N1,... Tuy nhiên, đến hiện nay, độc lực của H5N1 là mạnh nhất. Trong các năm 2003, 2004, 2005, virus này đã lây lan ở nhiều nơi trên thế giới, có thể xem là lần đầu tiên dịch cúm gia cầm lây từ gia cầm sang người.

Do cơ thể người không quen với virus cúm gia cầm nên khi loại virus này xuất hiện trong cơ thể người sẽ tạo nên biến chứng viêm phổi rất nhanh. Đặc biệt virus H5N1 gây ra rất nhiều tổn thương cho phổi dẫn đến tỉ lệ tử vong khá cao.

3. Dấu hiệu, triệu chứng bệnh cúm A H5N1

Các dấu hiệu điển hình cảnh báo nhiễm cúm A/H5N1 là gì, thưa BS? Nên làm gì khi có các biểu hiện nhiễm cúm?

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Những dấu hiệu ban đầu của cúm A/H5N1 tương đối giống với các loại cúm thông thường như: sốt cao, đau nhức, mệt mỏi... Sau đó, nếu xuất hiện tình trạng khó thở thì phải ngay lập tức đến bệnh viện vì đây là biểu hiện trở nặng. Đồng thời, cần rà soát lại xem trong sinh hoạt hằng ngày, người bệnh có tiếp xúc với gia cầm mà không có các biện pháp bảo vệ hay không. Người bệnh nên báo rõ với bác sĩ về tình trạng của bản thân để nhanh chóng phát hiện bệnh cũng như có các biện pháp chữa trị kịp thời.

4. Cúm A H5N1 có chữa được không? Cách điều trị cúm A H5N1

Cúm A/H5N1 nói riêng và nhiễm cúm gia cầm nói chung sẽ được điều trị như thế nào, thưa BS?

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Các thuốc điều trị bệnh cúm thông thường ở người như Tamiflu hay Oseltamivir đều không có hiệu quả với virus H5N1. Việc điều trị cúm A/H5N1 chủ yếu là điều trị triệu chứng, hỗ trợ hô hấp, điều trị chống bội nhiễm chứ chưa có điều trị đặc hiệu như cúm thông thường.

5. Cách xử lý, chế biến thịt gia cầm và trứng

Một số gia đình có chăn nuôi, không tiêu hủy gia cầm chết mà lại có xu hướng làm thịt. Theo BS điều này có nên không và vì sao?

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Điều này là không nên. Đặc biệt khi thấy gia cầm nuôi theo bầy bị chết hàng loạt thì rất có khả năng là do H5N1. Lúc này, không chỉ cần phải tiêu hủy đàn gia cầm mà còn phải báo cho cơ quan chức năng để ngăn ngừa nguy cơ lây sang các đàn gia cầm khác. Người chăn nuôi cần có ý thức trong việc phòng chống dịch cúm gia cầm.

Phần lớn hiện nay chúng ta đều mua gia cầm đã được làm sẵn. Xin hỏi BS, có cách nào để nhận biết các loại gia cầm này có sạch hay không, có bị bệnh trước khi chết hay không để tránh bị nhiễm bệnh ạ?

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Không nên mua và sử dụng các loại thực phẩm trôi nổi, không rõ nguồn gốc vì không thể phân biệt được thịt, trứng gia cầm có chứa mầm bệnh hay không bằng mắt thường. Thịt gia cầm và trứng được bán ở các siêu thị có thể truy xuất nguồn gốc để biết được đây là thực phẩm sạch.

Giả sử gia cầm nhiễm bệnh, nếu nấu chín kỹ, liệu đã đủ an toàn chưa, thưa BS?

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Virus cúm có thể bị diệt thông qua quá trình nấu nướng. Con người chỉ nhiễm bệnh nếu trong lúc chế biến có virus văng vào đường hô hấp. Sử dụng thịt, trứng đã được nấu chín thì không thể nào mắc bệnh.

6. Cách phòng ngừa cúm A H5N1

Chúng ta cần làm gì để phòng ngừa cúm gia cầm nói chung và cúm A/H5N1 nói riêng, thưa BS?

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Đối với người chăn nuôi, chế biến, cần trang bị đầy đủ các biện pháp bảo hộ khi tiếp xúc với gia cầm và theo dõi sức khỏe của vật nuôi thường xuyên. Khi sử dụng thịt, trứng gia cầm làm thức ăn thì phải sử dụng thực phẩm sạch, nguồn gốc rõ ràng và nấu chín để đảm bảo an toàn.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X