Hotline 24/7
08983-08983

Suýt vỡ mạch máu não vì cơn đau đầu dữ dội, co giật toàn thân

Nữ bệnh nhân 31 tuổi đã phải nhập viện trong tình trạng đau đầu vùng đỉnh phải, buồn nôn, hoa mắt, chóng mặt nhiều. Các bác sĩ kết luận dị dạng mạch não, nếu không điều trị kịp thời sẽ gây vỡ mạch máu não gây ra tình trạng xuất huyết não, nguy cơ tử vong rất lớn.

10g31 ngày 28/11/2018, bà T.N.A (31 tuổi, Hai Bà Trưng, Hà Nội) đã cấp cứu tại Khoa ngoại Thần kinh - Bệnh viện Đa khoa Thanh Nhàn (Hà Nội) trong tình trạng đau đầu vùng đỉnh phải, buồn nôn, hoa mắt, chóng mặt nhiều.

Các bác sĩ đã chỉ định chụp DSA não. Kết quả chụp kết luận dị dạng mạch não bệnh nhân. Bệnh nhân đã tiếp tục được điều trị tích cực. Nếu bệnh nhân không được điều trị kịp thời sẽ gây vỡ mạch máu não gây ra tình trạng xuất huyết não, nguy cơ tử vong rất lớn.

Bác sĩ Phạm Quang Phúc, Trưởng khoa Ngoại Thần kin - Bệnh viện Thanh Nhàn khuyến cáo: dị dạng mạch máu não có thể gây tử vong.

Theo bác sĩ Phúc, nếu người bình thường đang khỏe mạnh nhưng đột nhiên bị đau đầu dữ dội, bất ngờ lên cơn động kinh hoặc co giật toàn thân cần đến bệnh viện kiểm tra ngay vì đó có thể là dấu hiệu của bệnh dị dạng mạch máu não.

Bác sĩ Phúc cho biết dị dạng mạch máu não là bệnh bẩm sinh, đây là sự kết nối bất thường giữa động mạch và tĩnh mạch trong cơ thể. Mạch máu não tại khu vực não bộ thường được chia thành nhiều nhánh nhỏ. Đến một điểm nhất định, các mạch máu sẽ phân nhánh thành nhiều mạch nhỏ gọi là mao mạch. Mao mạch có đường kính bằng một tế bào máu, khoảng một phần năm kích thước sợi tóc con người. Bình thường con người có rất nhiều mao mạch, dòng chảy và áp suất bên trong mao mạch rất thấp.

Do sự kết nối bất thường giữa động mạch và tĩnh mạch nên máu lưu thông qua mạch máu dị dạng với áp suất cao và nhanh.

Dị dạng mạch máu não gây ra rất nhiều vấn đề mà phổ biến nhất là vỡ mạch dẫn đến đột quỵ do xuất huyết não hoặc gây áp suất tiếp giáp lên não, dẫn đến động kinh (co giật).

Triệu chứng của dị dạng mạch máu não: Các triệu chứng điển hình như nhức đầu dữ dội, động kinh, lên cơn co giật, xuất huyết (có tới gần 50% bệnh nhân bị dị dạng mạch máu não sẽ bị xuất huyết). Ngoài ra, bệnh nhân còn có triệu chứng giống như đột quỵ do áp lực lên não bộ.

Uớc tính tỷ lệ người mắc dị dạng mạch máu não là 18 trong 100.000 dân. Khoảng 2/3 số trường hợp mắc bệnh này sẽ bị đột quỵ trước tuổi 40. Mỗi năm, khoảng 4 trong số 100 người có dị dạng mạch máu não sẽ bị xuất huyết. Khi bị xuất huyết có nguy cơ 15-20% nguy cơ tử vong hay đột quỵ, 30% mắc bệnh thần kinh, 10% tử vong.

Dị dạng mạch máu não là nguyên nhân thứ hai của xuất huyết dưới nhện, sau phình động mạch não, chiếm 10% của tất cả các trường hợp xuất huyết dưới nhện.

Bác sĩ Phúc cho biết để xét nghiệm chẩn đoán có thể được chẩn đoán qua chụp cộng hưởng từ não (chụp MRI não). Sau khi phát hiện được dị dạng mạch máu thì một đánh giá sâu hơn cần được thực hiện đó là chụp hình mạch máu não (chụp Angiogram não). Chụp Angiogram não giúp bác sĩ có cái nhìn chính xác về vị trí, kích thước, hình dạng của đoạn mạch dị dạng, đồng thời lên được biểu đồ huyết mạch nơi mạch máu dị dạng phát sinh.

Theo Tiến sỹ Hoàng Minh Đỗ (công tác tại Bệnh viện Đa khoa Thanh Nhàn), điều trị dị dạng mạch máu não bên trong động tĩnh mạch có 3 phương pháp: phẫu thuật mở truyền thống, xạ phẫu và phẫu thuật thắt mạch theo phương pháp xâm lấn tối thiểu. Phẫu thuật thắt mạch được sử dụng rộng rãi trong điều trị dị dạng mạch máu hơn vì bệnh nhân có thể xuất viện trong ngày hoặc một ngày sau phẫu thuật, bác sĩ hoàn toàn có thể khóa mạch máu dị dạng bằng nhiều vật liệu khác nhau, ngăn chặn máu lưu thông qua mạch dị dạng, giảm tối thiểu khả năng mất máu và độ an toàn cao hơn.

Theo Khánh Chi - Infonet

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X