Suy thận sống được bao lâu?
Suy thận là căn bệnh ngày càng phổ biến, có thể gây ra tử vong. Tuy nhiên, nếu được phát hiện sớm và điều trị theo phác đồ phù hợp có thể kéo dài sự sống của bệnh nhân suy thận. Các vấn đề về bệnh suy thận sẽ được ThS.BS.CK2 Lê Thị Đan Thùy - Trưởng khoa Nội thận - Lọc máu Bệnh viện Bình Dân thông tin trong bài viết dưới đây.
1. Suy thận mạn là gì và nguyên nhân do đâu?
Đầu tiên xin hỏi BS, thế nào là suy thận mạn và nguyên nhân do đâu dẫn đến tình trạng này?
ThS.BS.CK2 Lê Thị Đan Thùy trả lời: Suy thận mạn là tình trạng suy giảm của độ lọc cầu thận và sự bất thường của thận, ví dụ như thận độc nhất có tiểu đạm, tiểu máu. Tình trạng này có thể kéo dài trên 3 tháng.
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng suy thận mạn ở những bệnh nhân lớn tuổi thường do tiểu đường, cao huyết áp, bệnh gout. Còn ở nhóm người trẻ tuổi, thường gặp ở những bệnh lý như bệnh cầu thận, bệnh thận đa nang, thận độc nhất hoặc ở các bệnh lý biến chứng bất thường về ngoại niệu như hẹp khúc nối, sỏi thận tái lại nhiều lần, đặc biệt gần đây là do nguyên nhân sử dụng thuốc bừa bãi.
2. Phương pháp điều trị cho 5 giai đoạn của suy thận?
Suy thận mạn có mấy giai đoạn? Trong đó, giai đoạn nào cần lọc máu định kỳ, giai đoạn nào điều trị bằng thuốc và theo dõi, thay đổi lối sống, thưa BS?
ThS.BS.CK2 Lê Thị Đan Thùy trả lời: Suy thận được chia làm 5 giai đoạn, giai đoạn 1 và 2 bệnh nhân chưa giảm độ lọc cầu thận nhưng đã nhận thấy bất thường về thận, ví dụ như tiểu đạm. Từ giai đoạn 3A, người bệnh chưa có triệu chứng rõ để thấy được tình trạng suy thận. Bắt đầu từ giai đoạn 3B, có thể thấy rõ các triệu chứng như: phù, tiểu bọt,…
Ở giai đoạn 3B bước qua giai đoạn 4, bắt đầu điều trị tích cực để giữ chức năng thận và chuẩn bị cho giai đoạn lọc máu. Đến giai đoạn 5, bệnh nhân sẽ phải lọc máu hoặc sử dụng các biện pháp thay thế thận, ghép thận.
3. Mắc suy thận có phải “án tử”?
Thời gian sống của bệnh nhân suy thận mạn phụ thuộc nhiều vào những yếu tố nào? Khi nhận được kết quả mắc suy thận, liệu có phải “án tử” như nhiều người đang lo sợ không, thưa BS?
ThS.BS.CK2 Lê Thị Đan Thùy trả lời: Nhiều bệnh nhân có quan niệm suy thận chính là “án tử”. Tuy nhiên, hiện nay có một số bệnh nhân suy thận được giữ chức năng thận rất lâu, điều đó phụ thuộc vào nguyên nhân gây nên suy thận.
Ví dụ, những bệnh nhân suy thận do dùng thuốc giảm đau nhưng đã ngừng sử dụng ở thời điểm hiện tại thì việc tiến triển bệnh lý suy thận sẽ chậm hơn so với những bệnh nhân vẫn để yếu tố nguyên nhân tiếp diễn. Hoặc những bệnh nhân suy thận, bệnh cầu thận IgA, nếu khống chế được các nguyên nhân như tiểu đạm, chế độ ăn, chế độ sinh hoạt của bệnh nhân sẽ giữ được chức năng thận rất lâu.
Bên cạnh đó, việc bệnh nhân có chế độ ăn, chế độ sinh hoạt phù hợp và được điều trị đủ, đúng ở bệnh nhân suy thận sẽ giúp duy trì được chức năng thận.
Ngoài ra, trong quá trình điều trị có thể xuất hiện các yếu tố làm cho quá trình suy thận nặng hơn. Trong đó, có thể bệnh nhân sẽ trải qua các cuộc phẫu thuật, hoặc xuất hiện tình trạng nhiễm trùng phải sử dụng kháng sinh làm tình trạng suy thận diễn tiến nhanh hơn và nặng hơn.
4. Bệnh nhân suy thận sống được bao lâu?
Với sự nguy hiểm của căn bệnh suy thận, nhiều câu hỏi đặt ra là “tôi có thể sống được bao lâu?”, xin nhờ BS giải đáp về vấn đề này ạ?
ThS.BS.CK2 Lê Thị Đan Thùy trả lời: Thời gian sống của bệnh nhân mắc bệnh suy thận dựa trên rất nhiều yếu tố. Với sự tiến bộ của y học hiện nay, nếu phát hiện bệnh sớm có thể kéo dài thời gian sống của người bệnh lên 20 - 30 năm. Đối với bệnh nhân ở giai đoạn cuối, có những biện pháp để duy trì sự sống cho bệnh nhân như lọc máu hoặc thay thế thận.
5. Bệnh nhân suy thận chưa lọc máu điều trị tích cực sống được trên 20 năm
Đối với bệnh nhân suy thận chưa đến giai đoạn phải lọc máu, nếu được điều trị tốt và tuân thủ phác đồ điều trị thì cơ hội nào dành cho các bệnh nhân? Thời gian sống còn và chất lượng cuộc sống sẽ diễn tiến tích cực ra sao, thưa BS?
ThS.BS.CK2 Lê Thị Đan Thùy trả lời: Nếu bệnh nhân được phát hiện sớm và điều trị tích cực thì chức năng thận sẽ được kéo dài rất lâu. Một số nghiên cứu cho thấy, nếu phát hiện bệnh ở giai đoạn 1, giai đoạn 2, thời gian sống có thể kéo dài lên đến trên 20 năm. Còn ở giai đoạn 3, giai đoạn 4 có thể kéo dài hơn sự duy trì chức năng thận so với trước đây khoảng 10 năm.
Khoảng 5 năm trở lại đây, y học đã có thêm những vũ khi mới để kéo dài hơn thời gian sống còn cho bệnh nhân mắc bệnh suy thận mạn. Đây là điều đáng mừng cho những bệnh nhân mắc phải căn bệnh này.
6. Bệnh nhân suy thận lọc máu có cuộc sống gần với người bình thường
Với những bệnh nhân suy thận đã ở giai đoạn phải lọc máu, nếu tuân thủ phác đồ điều trị tích cực sẽ mang lại kết quả gì? Nhờ bác sĩ chia sẻ một số câu chuyện thực tế ạ?
ThS.BS.CK2 Lê Thị Đan Thùy trả lời: Hiện nay, đã có biện pháp để kéo dài chức năng thận cho bệnh nhân chưa lọc máu. Còn với bệnh nhân suy thận đang tiến hành lọc máu, chúng ta có thể hỗ trợ bệnh nhân làm giảm các biến chứng của lọc máu. Ví dụ như tình trạng suy dinh dưỡng, các biến chứng do các bệnh lý tim mạch ở những bệnh nhân suy thận mạn gây nên.
Đặc biệt, có những bệnh nhân khi lọc máu đã có thể kéo dài chức năng thận rất lâu. Ví dụ, một một trường hợp suy thận trên 30 năm vẫn giữ được độ lọc cầu thận. Gần đây, bệnh nhân lọc máu được hỗ trợ thêm về thiết bị y tế nên đã có cuộc sống gần với người bình thường, có thể tham gia làm việc. Ngay tại Bệnh viện Bình Dân, một số nhân viên đã phải lọc máu nhưng vẫn có khả năng làm việc.
7. Những tiến bộ đáng chú ý trong điều trị suy thận là gì?
Hiện nay, y học đã có những tiến bộ như thế nào trong việc điều trị suy thận cho người lọc máu và chưa lọc máu, mang lại hiệu quả, an toàn và kéo dài thời gian sống cho người bệnh, thưa BS?
ThS.BS.CK2 Lê Thị Đan Thùy trả lời: Đối với bệnh nhân chưa lọc máu, khoảng 5 năm trở lại đây, đã có những nhóm thuốc mới cùng các nhóm thuốc cũ để kéo dài chức năng của thận. Nếu phát hiện sớm, bệnh nhân có thể kéo dài sự sống khoảng trên 20 năm.
Đối với bệnh nhân đã lọc máu, có những biện pháp như lọc máu bằng các kỹ thuật mới, lấy được các phân tử to hơn, lọc máu thông qua màng bụng hoặc lọc máu, lọc màng bụng bằng máy (Bệnh nhân lọc màng bụng trong khi ngủ).
Bên cạnh đó, có thêm những hỗ trợ phòng ngừa biến chứng cho những bệnh nhân đã lọc máu. Từ đó, bệnh nhân có cuộc sống gần với người bình thường hơn và có thể tham gia học tập và làm việc.
8. Top 8 điều người suy thận cần nhớ để sống vui, sống khỏe
Theo quan điểm của BS, để bệnh nhân suy thận dù ở giai đoạn nào cũng đều sống vui, sống khỏe thì điều gì là quan trọng nhất mà người bệnh cần tuân thủ?
ThS.BS.CK2 Lê Thị Đan Thùy trả lời: Ngoài việc bác sĩ sử dụng thuốc để cải thiện chức năng thận, thói quen sinh hoạt của bệnh nhân cũng đóng vai trò rất lớn. Trong đó, người bệnh cần tập thể dục đều đặn, giữ cân nặng lý tưởng, uống đủ nước tùy mức độ suy thận ở mỗi người, không ăn nhiều đạm, giảm lượng muối tối đa, không hút thuốc lá và không sử dụng bia rượu. Đặc biệt là không sử dụng thuốc bừa bãi như các thuốc Tây y, thực phẩm chức năng hoặc thuốc Nam, thuốc Bắc.
9. Bệnh nhân suy thận cần tránh những thói quen xấu nào?
Đối với bệnh nhân suy thận thì những thói quen xấu nào cần tránh để bệnh không diễn tiến nặng, thưa BS?
ThS.BS.CK2 Lê Thị Đan Thùy trả lời: Có hai thói quen xấu và ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình trạng suy thận là việc bỏ thuốc điều trị và sử dụng bừa bãi các loại thuốc Nam, thuốc Bắc, thực phẩm chức năng với mục đích hỗ trợ chức năng thận. Những việc đó sẽ gây tổn thương suy thận cấp trên nền suy thận mạn, diễn tiến tới giai đoạn cuối và không có cơ hội hồi phục.
Bài viết có hữu ích với bạn?
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình