Hotline 24/7
08983-08983

Suy hô hấp do viêm phổi có thể khiến trẻ tử vong

Viêm phổi có thể dẫn đến suy hô hấp ở trẻ. Khi bị suy hô hấp, nếu phát hiện trễ, trẻ sẽ tím tái, thở mệt, thậm chí là tử vong. Đó là những cảnh báo của ThS.BS.CK2 Lý Kiều Diễm - Trưởng khoa Nội tổng hợp, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố về vấn đề gia tăng viêm phổi ở trẻ hiện nay.

1. Tăng tỷ lệ bệnh nhi mắc bệnh lý hô hấp, bệnh phổi thời điểm giao mùa

Gần đây TPHCM giao mùa, mưa nắng thất thường. Với tình trạng thời tiết như vậy, số lượng trẻ em bị viêm phổi nhập viện tại BV Nhi đồng TP có thay đổi như thế nào ạ?

ThS.BS.CK2 Lý Kiều Diễm trả lời: Thời điểm này là giai đoạn giao mùa, giữa mùa nắng và mùa mưa, đặc biệt, trong mùa mưa, nắng mưa thất thường, con đi học thường mắc mưa hoặc ra nắng, khiến con dễ bị cảm, những bệnh lý đường hô hấp sẽ gia tăng trong mùa này.

Tại Bệnh viện Nhi đồng Thành phố và các bệnh viện nhi đồng khác trong địa bàn TPHCM, tỷ lệ nhập viện tăng, đặc biệt, tỷ lệ nhập viện do bệnh lý đường hô hấp, bệnh phổi ngày càng tăng lên rõ rệt. Tỷ lệ nhập viện tăng kéo theo tỷ lệ bệnh nhân có bệnh lý nặng tăng theo, đây là một trong những cảnh báo cần đặc biệt quan tâm với trẻ nhỏ trong mùa này.

2. Tác nhân gây viêm phổi ở trẻ em chia theo lứa tuổi

Thưa BS, ở trẻ em viêm phổi do những nguyên nhân nào gây ra ạ? Trong đó nguyên nhân nào là thường gặp nhất? Và những bệnh lý nào thường gặp ở trẻ em có thể đưa đến biến chứng viêm phổi ạ?

ThS.BS.CK2 Lý Kiều Diễm trả lời: Đối với viêm phổi ở trẻ em, thường chia ra các tác nhân theo lứa tuổi.

Đối với trẻ dưới 2 tháng tuổi, nguyên nhân thường do vi trùng từ mẹ truyền sang con hoặc trong quá trình sinh, mẹ có thể truyền bệnh từ đường sinh dục qua cho con, có thể là nhiễm trùng hoặc viêm phổi.

Trẻ từ 2-5 tuổi, trẻ ở lứa tuổi mầm non mắc viêm phổi do các tác nhân vi trùng, virus hoặc các tác nhân như lao.

Với trẻ trên 5 tuổi sẽ có các tác nhân không điển hình như vi khuẩn Mycoplasma hoặc Legionella, đây là những loài vi khuẩn gây viêm phổi cho trẻ trong lứa tuổi ngoài mầm non như cấp 1, cấp 2, cấp 3.

Hoặc lứa tuổi trên 5 tuổi trở đi sẽ có những tác nhân không điển hình ngoài những tác nhân kể trên, có thể gây viêm phổi cho trẻ, đặc biệt khi đã đi qua dịch COVID-19, trong đó, COVID-19 là một trong các tác nhân gây viêm phổi nặng ở trẻ.

3. Trẻ trong độ tuổi đi học, có bệnh nền rất dễ bị viêm phổi nặng nếu mắc bệnh hô hấp

Viêm phổi thường tấn công trẻ em trong độ tuổi nào và ai có nguy cơ mắc bệnh ạ? Ngoài ra, trẻ nào thường dễ gặp các biến chứng hơn khi bị viêm phổi, thưa BS?

ThS.BS.CK2 Lý Kiều Diễm trả lời: Đối với trẻ đã bị viêm phổi sẽ được chia thành 3 mức độ: viêm phổi nhẹ, viêm phổi nặng viêm phổi rất nặng.

Những trẻ bị viêm phổi nhẹ thường gặp ở trẻ đã lớn, sức đề kháng tốt, đã được chích ngừa đầy đủ, trẻ sau 12-13 tuổi, là những trẻ đã hoàn thành hệ miễn dịch.

Còn đối với trẻ viêm phổi cần nhập viện hoặc bị viêm phổi mức độ nặng là những trẻ trong độ tuổi dưới 2 tháng tuổi, từ 2 tháng - 2 tuổi.

Đặc biệt, cần lưu ý các trẻ trong độ tuổi đi học 2-5 tuổi, những trẻ này nếu mắc viêm phổi hoặc những trẻ có bệnh nền như: tim bẩm sinh, bệnh thận, suy giảm miễn dịch bẩm sinh… khi bị bệnh đường hô hấp rất dễ dẫn đến viêm phổi nặng.

4. Suy hô hấp không phát hiện kịp thời có thể gây tử vong cho trẻ

Viêm phổi nếu không được phát hiện, điều trị kịp thời, điều gì sẽ xảy ra, thưa BS?

ThS.BS.CK2 Lý Kiều Diễm trả lời: Đối với những trường hợp bị viêm phổi nặng, phổi là cơ quan hô hấp, như một nhà máy trao đổi oxy giữa môi trường bên ngoài với cơ thể. Khi bị viêm phổi, nghĩa là nhà máy tạo oxy bị hỏng, từ đó, rất dễ gây suy hô hấp cho trẻ.

Suy hô hấp là tình trạng thiếu oxy trong cơ thể, khiến lồng ngực co lõm, thở mạnh, nhanh. Khi cơ thể bị thiếu oxy, kéo theo các cơ quan khác cũng thiếu oxy, gây ảnh hưởng đến hoạt động của toàn bộ cơ thể.

Tình trạng suy hô hấp nếu phát hiện và điều trị kịp thời sẽ không gây ảnh hưởng gì cho trẻ, nhưng nếu phát hiện trễ, trẻ dẫn đến tím tái, thở mệt, thậm chí là tử vong.

5. 2 dấu hiệu viêm phổi ở trẻ cha mẹ có thể quan sát tại nhà

Đâu là dấu hiệu điển hình cảnh báo bệnh viêm phổi ở trẻ em, thưa BS? Nhờ BS hướng dẫn cách kiểm tra các dấu hiệu này ở trẻ ạ?

ThS.BS.CK2 Lý Kiều Diễm trả lời: Dấu hiệu thở nhanh của trẻ sẽ giúp cha mẹ phát hiện sớm vấn đề viêm phổi ở trẻ. Hít vào và thở ra là một quán tính tự nhiên của con người, không cần cố gắng, nếu thấy một đứa trẻ có dấu hiệu ho, sổ mũi, mệt, lúc này, cha mẹ sẽ đếm nhịp thở của con trong vòng 1 phút bằng cách: để trẻ nằm yên hoặc khi ngủ, cha mẹ vén áo trẻ lên, tại vị trí giữa bụng và ngực của trẻ, hãy đếm số lần nhấp nhô để xác định số nhịp thở trong vòng 60 phút.

Ở những trẻ từ 0-2 tháng tuổi, những trẻ này sẽ thở không quá 60 lần/phút; những trẻ từ 2-5 tuổi, tần số thở không quá 40-50 lần/phút; còn với những trẻ trên 5 tuổi, tần số thở của trẻ không quá 40 lần/phút. Ngoài việc đếm tần số thở của trẻ, cha mẹ cần quan sát việc trẻ có thở co lõm hay không, bởi vì, thở là việc tự nhiên của cơ thể, không cần gắng sức trong lúc nghỉ ngơi.

Ví dụ, khi vận động, chạy nhảy, cần gắng sức thở là vấn đề bình thường, tuy nhiên, với những đứa trẻ nằm, ngủ, khoảng liên sườn của trẻ sẽ không bị co rút, co lõm, thở tự nhiên, nhẹ nhàng là bình thường. Nếu có tình trạng gắng sức, cơ liên sườn của trẻ sẽ bị co vào, hõm ra, đó là hiện tượng gắng sức, là dấu hiệu cơ thể cảnh báo thiếu oxy.

Như vậy, hai dấu hiệu phụ huynh có thể theo dõi tại nhà, thứ nhất là đếm nhịp thở, thứ hai là quan sát cơ liên sườn hoặc vị trí giữa ngực và bụng của trẻ có bị co rút nhiều hay không, nếu có các dấu hiệu đó, cha mẹ cần đưa bé đến ngay cơ sở y tế gần nhất.

6. Trẻ bị viêm phổi nặng và rất nặng cần hỗ trợ thở oxy

Điều trị viêm phổi ở trẻ em như thế nào ạ? Triệu chứng nào cho thấy trẻ cần nhập viện ngay ạ?

ThS.BS.CK2 Lý Kiều Diễm trả lời: Viêm phổi được chia thành nhiều mức độ, viêm phổi nhẹ, viêm phổi nặng và viêm phổi rất nặng.

Trường hợp viêm phổi nhẹ, trẻ vẫn có thể tỉnh táo, vui chơi bình thường, có thể thở hơi nhanh nhưng không bị gắng sức khi nghỉ ngơi, trường hợp này bác sĩ có thể cho trẻ điều trị tại nhà cùng sự phối hợp của ba mẹ và dặn dò theo những dấu hiệu nặng của viêm phổi.

Đối với trường hợp viêm phổi nặng hoặc viêm phổi rất nặng, cần quan sát, chăm sóc có sự can thiệp của nhân viên y tế cùng với người nhà. Lúc này, cần nhập viện để theo dõi và điều trị theo phác đồ.

Trong đó, một số trường hợp cần thở oxy để cung cấp lượng oxy khi trẻ bị thiếu oxy do “nhà máy tạo oxy” bị viêm, do đó, cần thở oxy để hỗ trợ những trường hợp viêm phổi nặng và viêm phổi rất nặng.

7. Trẻ có dấu hiệu môi tím tái, vật vã, quấy khóc vô cớ, nên đưa ngay đến bệnh viện

Chăm sóc trẻ em bị viêm phổi tại nhà cần chú ý những vấn đề gì, thưa BS? Làm sao để dễ long đờm, dễ tiêu hóa hơn ạ?

ThS.BS.CK2 Lý Kiều Diễm trả lời: Khi cơ địa của con yếu hơn các bạn khác, cần cho con ăn đầy đủ các chất dinh dưỡng, chế độ ăn lỏng, dễ tiêu, cung cấp sữa để tăng cường sức đề kháng bên trong của con.

Bên cạnh đó, cha mẹ cần tuân thủ theo toa điều trị của bác sĩ và phải đi khám, bác sĩ có thể cho những thuốc đặc trị như kháng sinh, cần uống theo toa, không được bỏ. Ví dụ, khi đang uống, không nên nghe theo lời nói của những người xung quanh về các toa thuốc khác, có hiệu quả trên trẻ khác, tuyệt đối không được dùng các phương pháp khác ngoài những gì bác sĩ chỉ định.

Nên theo dõi các dấu hiệu nặng như con thở mệt, thở nhanh hoặc là những dấu hiệu trẻ tím tái, sắc hồng của môi thể hiện con đang đủ oxy, tuy nhiên, với những trường hợp thiếu oxy, không cung cấp đủ oxy đến mô, khiến môi của trẻ tím lại, thậm chí tay chân của con cũng tím tái, vật vã, quấy khóc vô cớ.

Lúc này, nếu mẹ hoặc người chăm sóc trẻ thấy dấu hiệu bất thường hoặc không an tâm, nên đem đến cơ sở y tế gần nhất hoặc đem lại cơ sở y tế đã khám trước đó để được chữa trị kịp thời và phát hiện các triệu chứng nặng.

8. Trẻ khỏi hoàn toàn sau 7 ngày điều trị viêm phổi theo phác đồ nếu phát hiện sớm

Trẻ bị viêm phổi, điều trị tốt bao lâu sẽ khỏi ạ? Nguy cơ di chứng về sau như thế nào, thưa BS?

ThS.BS.CK2 Lý Kiều Diễm trả lời: Viêm phổi là bệnh lý cấp tính, do đó, khi phát hiện kịp thời và điều trị theo phác đồ. Ví dụ, một diễn tiến thuận lợi, điều trị theo phác đồ của trẻ, thông thường khoảng 7 ngày, trẻ sẽ khỏe mạnh hoàn toàn, hầu hết không có di chứng.

Sau khi trẻ khỏe mạnh, cần cung cấp dinh dưỡng, theo dõi sau điều trị, đặc biệt, đưa trẻ đi chích ngừa liên quan đến phổi như: chích ngừa cúm mỗi năm, chích ngừa viêm phổi do phế cầu… để tăng sức đề kháng cho trẻ.

Còn những trường hợp trẻ bị viêm phổi kết hợp với lao, trẻ bị lao, có rất nhiều biến chứng, do đó, cần điều trị tốt theo phác đồ. Nhiều trường hợp bị viêm phổi, suy hô hấp, ảnh hưởng đến tế bào oxy não, lúc này, cần theo dõi đặc biệt, tái khám đúng lịch hẹn của bác sĩ sau điều trị để hồi phục tốt cho trẻ.

9. Chăm sóc toàn diện cho trẻ thời điểm giao mùa, mùa mưa, phòng bệnh hô hấp

Phòng ngừa viêm phổi ở trẻ em, các bậc phụ huynh cần làm những gì, thưa BS?

ThS.BS.CK2 Lý Kiều Diễm trả lời: “Phòng bệnh hơn chữa bệnh”, đặc biệt thời tiết ở TPHCM nói riêng và Việt Nam nói chung, có những mùa mưa hoặc mùa nắng, trong môi trường nhiệt đới nóng ẩm như Việt Nam, bệnh truyền nhiễm có thể xuất hiện quanh năm. Tỷ lệ bệnh đường hô hấp sẽ tăng vào mùa mưa và thời điểm 3 tháng cuối năm, phụ huynh cần lưu ý chuẩn bị đầy đủ dinh dưỡng và đề kháng bên trong cơ thể cho trẻ.

Ví dụ, chích ngừa theo lịch, không nên bỏ qua việc này, nếu trễ lịch vẫn có thể đi chích; nên chăm sóc, đưa đón con trẻ, cho con nghỉ ngơi hợp lý, tránh tình trạng trẻ thay đổi môi trường từ nóng sang lạnh, từ mưa sang lạnh như đi mưa về vào máy lạnh ngay, việc này khiến trẻ dễ mắc cảm cúm, từ đó, tạo điều kiện cho vi trùng, vi khuẩn đường hô hấp tấn công trẻ.

Việc chăm sóc trẻ trong mùa này để phòng bệnh viêm phổi là một vấn đề chăm sóc toàn diện, bao gồm: tăng sức đề kháng bên trong, phòng bị bên ngoài để vượt qua bệnh hô hấp một cách nhẹ nhàng.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X