Hotline 24/7
08983-08983

Cụ bà 90 tuổi suy hô hấp do hóc hạt hồng xiêm

Cụ bà 90 tuổi, ở Hà Nội được người nhà cho ăn kẹo và quả hồng xiêm từ chiều hôm trước. Sáng hôm sau bà bất ngờ khó thở tăng dần, thở rít phải đi cấp cứu trong tình trạng nguy kịch.

Ngày 16/5, Khoa Cấp cứu - Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 cho biết vừa tiếp nhận một bệnh nhân 90 tuổi, ở Hà Nội, suy hô hấp do hóc hạt hồng xiêm.

Theo thông tin từ người nhà bệnh nhân, khoảng 17h ngày 10/5, bà được cho ăn kẹo và quả hồng xiêm. Đến sáng hôm sau, gia đình phát hiện bà khó thở tăng dần, thở rít nên đưa vào bệnh viện huyện gần nhà và được chẩn đoán có dị vật đường hô hấp.

Tuy nhiên, bệnh nhân khó thở nặng, dị vật dưới thanh quản không gắp ra được. Bệnh nhân được chuyển tuyến lên tuyến tỉnh, tình trạng nặng dần, phải chuyển tuyến lên Khoa Cấp cứu - Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, vào trưa 11/5 trong tình trạng nguy kịch, khó thở thanh quản, thở rít, tím tái, kích thích vì dị vật mắc vùng cổ.

Ngay lập tức bệnh nhân được thở oxy dòng cao qua canun mũi, thuốc giãn phế quản và chụp cắt lớp vi tính xác định vị trí dị vật. Kết quả phát hiện bệnh nhân có dị vật thanh quản ngay sát dây thanh, gây tắc gần hoàn toàn đường thở.

Xác định đây là trường hợp khó, dẫn tới tắc nghẽn đường thở gây suy hô hấp có thể tử vong đột ngột, cuộc hội chẩn giữa 3 khoa Cấp cứu, Tai Mũi Họng và Nội hô hấp được tổ chức ngay.

Các bác sĩ tiến hành lấy dị vật đường thở cho bệnh nhân

Sau hội chẩn, các bác sĩ thống nhất phương án mở khí quản cấp cứu dưới vị trí dị vật để giải phóng đường thở mà không tiến hành đặt nội khí quản như bệnh nhân suy hô hấp vẫn hay thường được làm vì nguy cơ đẩy sâu dị vật vào đường thở phía dưới, sau đó sẽ gây mê tiến hành gắp dị vật qua đường hô hấp. 

Tuy nhiên, dưới nội soi phế quản dị vật kích thước lớn, rắn, bề mặt trơn nhẵn không thể lấy được với dụng cụ nội soi phế quản. Các bác sĩ tiếp tục hội chẩn tiến hành phương án gắp dị vật qua đường miệng dưới gây mê.

Sau lấy dị vật, bệnh nhân tỉnh táo, dễ chịu, được chuyển về Khoa Tai mũi họng theo dõi tiếp.

Hiện tại, tình trạng bệnh nhân tỉnh táo, tự thở tốt, không sốt. Bệnh nhân tiếp tục được điều trị kháng sinh có thể ra viện trong vài ngày tới.

Theo BS Việt Hưng - Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, hóc dị vật là tai nạn sinh hoạt thường gặp trong đời sống. Tình trạng này dễ xảy ra do sơ suất, bất cẩn trong khi ăn uống, đặc biệt là người già. Nếu không được phát hiện, xử lý và cấp cứu kịp thời thì có thể nguy hiểm đến tính mạng.

Do đó, bác sĩ khuyến cáo mọi người cần chú ý ăn uống đúng cách, không được nằm khi ăn hoặc uống. Nên ăn miếng nhỏ và gập cổ khi nuốt, không được ngửa cổ; không xem tivi, đọc báo... làm mất tập trung khi ăn; tránh dùng các thuốc an thần, gây ngủ ngoài chỉ định, đặc biệt là người già và các em nhỏ.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X