Sụt cân, tiểu nhiều vào ban đêm, bé trai 4 tuổi phát hiện bị đái tháo đường
Chỉ trong 3 tuần, bé trai 4 tuổi đang khỏe mạnh bỗng sụt 3 kg, tiểu nhiều vào ban đêm. Đi khám, gia đình bất ngờ khi biết con bị đái tháo đường.
Các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Đức Giang (Hà Nội) vừa cấp cứu thành công một trường hợp bị hôn mê vì biến chứng đái tháo đường.
Bệnh nhân là bé trai 4 tuổi, ở quận Long Biên, Hà Nội. Người nhà cho biết trước đó 2 tuần, trẻ ho, sốt, kèm đờm, khò khè. Trẻ được bố mẹ đưa tới khám tại Bệnh viện Đa khoa Đức Giang và có chỉ định nhập viện nội trú.
Khoảng 5h chiều cùng ngày, bệnh nhi sốt nhẹ, sau đó mệt mỏi hơn, thở nhanh, thở gắng sức. Bác sĩ Nguyễn Thị Lan Anh, Khoa Hồi sức tích cực nhi, nhận thấy đây là dấu hiệu bất thường, tình trạng thở nhanh không tương xứng với tổn thương phổi của bệnh nhân.
Kết quả xét nghiệm khí máu, test đường huyết mao mạch cho thấy bệnh nhân trong tình trạng nhiễm toan nặng. Đặc biệt, lượng đường máu tăng lên rất cao 37mmol/l, trong khi đường huyết ngẫu nhiên được đo bất kỳ thời điểm nào trong ngày là 11,1 mmol/l được xem là bình thường.
Bệnh nhân được chuyển ngay sang khoa Hồi sức tích cực nhi. Tại đây, ê-kíp trực đã nhanh chóng đặt nội khí quản, chủ động kiểm soát đường thở cho bệnh nhân. Bệnh nhi cũng được bù dịch, truyền insulin tĩnh mạch liên tục, điều chỉnh rối loạn thăng bằng kiềm toan, rối loạn điện giải.
Hiện bé trai đã tỉnh táo hoàn toàn, tự thở, bắt đầu ăn uống được, các biện pháp kiểm soát đường huyết đã chuyển sang phác đồ tiêm insulin 4 mũi dưới da.
Mẹ bệnh nhi cho biết trước khi nhập viện, bé chưa phát hiện mắc bệnh lý gì. Tuy nhiên, trong vòng khoảng 3 tuần nay, bé sút khoảng 3 kg và đi tiểu nhiều vào ban đêm.
Theo các bác sĩ, bệnh đái tháo đường ở trẻ em chủ yếu là type 1. Bệnh có thể khởi phát từ vài tháng tuổi, độ tuổi hay gặp nhất là 10-14 tuổi.
Nguyên nhân gây ra đái tháo đường type 1 có đến 95% trường hợp do cơ chế tự miễn và 5% không rõ nguyên nhân. Một vài yếu tố nguy cơ như nhiễm virus Coxsackie, Rubella, Cytomegalo... hoặc chế độ ăn cũng có liên quan tới việc khởi phát bệnh.
Căn bệnh này thường chỉ phát hiện khi trẻ có các triệu chứng rầm rộ như: Khát nước, uống nhiều, tiểu nhiều, gầy sút cân, mệt mỏi, mờ mắt, đái dầm trong khi trước đây trẻ không bị. Đái tháo đường type 1 là phải sử dụng insulin điều trị suốt đời. Bên cạnh đó, cần điều chỉnh chế độ ăn và sinh hoạt cho phù hợp.
Bác sĩ khuyến cáo, các phụ huynh khi phát hiện trẻ có biểu hiện uống nhiều nước, đi tiểu nhiều kèm gầy sút cân trong thời gian ngắn, nên đưa con đi khám ngay.
Bài viết có hữu ích với bạn?
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình