Sử dụng hoạt chất sinh học trong thực phẩm để phòng trị bệnh, làm đẹp da
Tại Hội thảo Khoa học chủ đề “Hoạt chất sinh học: Tiềm năng dinh dưỡng và sức khỏe”, TS Phạm Thế Đồng - Phó Chủ tịch LCH Dinh dưỡng Thực Phẩm TPHCM đã có những chia sẻ về “Hoạt chất sinh học tự nhiên và sức khỏe”.
TS Phạm Thế Đồng - Phó Chủ tịch LCH Dinh dưỡng Thực Phẩm TPHCM cho biết: “Hoạt chất sinh học là những hợp chất có trong thực phẩm, thực vật, động vật hoặc vi sinh vật. Hoạt chất này có tác động đến sức khỏe con người: Một là tác động tích cực có lợi cho sức khỏe như phòng ngừa hoặc điều trị một số bệnh; Hai là tác động tiêu cực là những độc tố cần tránh”.
Theo chuyên gia, thực vật là nhóm có nhiều hoạt chất sinh học nhất như: Polyphenols có 2 nhóm: Một là Flavonoids tạo nên màu sắc và mùi vị cho các thực phẩm như đậu nành, các loại rau cải, trái cây (đặc biệt là trái cây có múi), vỏ trái cây… có các tác dụng chống oxy hóa, kháng viêm, tăng cường hệ miễn dịch; Hai là Non Flavonoids có trong cà phê, các loại hạt mè, hạt đậu và trong nho…
Nhóm Terpenoids là hợp chất có trong các tinh dầu với tính chất chống vi sinh vật, kháng viêm, chống oxy hóa,… thường có nhiều trong các loại rau thơm (rau mùi, rau ngò gai, rau quế,…). Alkaloids là nhóm có chưa nitơ, thường có vị đắng được sử dụng làm thuốc.
Nhóm Saponin là hợp chất nằm giữa Triterpene Glycosides và Steroid Glycosides. Thường được biết đến là cây rau má, có tác dụng bảo vệ sức khỏe và ngăn ngừa các loại bệnh như tăng huyết áp, suy tĩnh mạch, giãn tĩnh mạch và chữa lành vết thương, dùng trong các loại mỹ phẩm. Bên cạnh đó là cây nhân sâm có nhiều hoạt tính tốt nhằm thiện tình trạng sức khỏe, tăng cường hệ thần kinh trung ương, tăng cường trí nhớ, tăng cường hệ thống miễn dịch.
Các hoạt chất sinh học có nguồn gốc từ động vật và vi sinh: Peptide sữa giúp điều hòa miễn dịch, chống huyết khối, kiểm soát tiết insulin/đường huyết; Choline là hợp chất giúp chuyển hóa lipid, có rất nhiều trong các loại hạt, dầu đậu nành,…
Chitin-Chitosan và Glucosamine từ động vật giáp xác (tôm, cua) có tác dụng đối với xương khớp; Chất béo omega-3 giúp phát triển não, chức năng của não sức khỏe tinh thần, chống suy giảm nhận thức, chứng mất trí và bệnh Alzheimer, ngừa bệnh tim mạch, giảm biến chứng đái tháo đường, kháng viêm.
Linoleic acid liên hợp có tác dụng chống tạo mỡ, chống tiểu đường, chống xơ vữa động mạch, chống ung thư.
Trong thực phẩm có rất nhiều hoạt chất chống oxy hóa
Gốc tự do có thể tạo ra từ các tác động bên ngoài (bức xạ, môi trường ô nhiễm, hóa chất độc hại, rượu và thuốc lá) và tác động bên trong (hô hấp trong ty thể, chuyển hóa trong tế bào). Từ đó làm suy giảm chức năng tế bào gây tổn thương tế bào, thay đổi trình tự DNA, hư hại các phân tử, suy giảm chức năng các bào quan và gây viêm dẫn đến tế bào lão hóa hoặc chết đi làm ảnh hưởng và xuất hiện các bệnh mạn tính không lây (đái tháo đường, ung thư, Alzheimer, tim mạch).
Trong thực phẩm có rất nhiều hoạt chất chống oxy hóa, vì vậy có thể bằng con đường dinh dưỡng để tăng cường thêm khả năng bảo vệ sức khỏe, tránh các bệnh không lây.
Có rất nhiều hoạt chất sinh học, mỗi hoạt chất có một đặc điểm và tác dụng riêng như: Tăng cường miễn dịch; Điều hòa miễn dịch; Điều hòa sinh học; Quét gốc tự do, giảm stress oxy hóa; Chống đột biến; Bảo vệ thần kinh; Kháng viêm; Kháng vi sinh vật; Chữa lành vết thương; Phòng các bệnh mạn tính không lây như tim mạch, đái tháo đường, ung thư,…
TS Phạm Thế Đồng nhấn mạnh: “Muốn sống vui, sống khỏe cần có sức khỏe thể chất, sức khỏe tâm thần, tinh thần thoải mái vì stress dẫn đến gốc tự do và phải cuộc sống hòa nhập”.
Để làm được điều này cần có chế độ ăn uống dinh dưỡng cân bằng; Thực phẩm lành mạnh không có tác dụng phụ; Đa dạng nhiều loại thực phẩm nguyên chất vì càng để lâu, chế biến nhiều hoạt tính càng mất đi hoặc chế biến ở nhiệt độ quá cao, qua quá nhiều bước có thể sinh ra các hợp chất không có lợi cho sức khỏe hoặc các sản phẩm từ quá trình đốt cháy của đường và chất đạm có thể sinh ra các hợp chất gây ung thư chẳng hạn như thịt nướng quá lửa.
Phụ nữ khi mang thai có thể thiếu rất nhiều chất, tuy nhiên chỉ nên bổ sung khi thiếu:
- Folic acid (vitamin B9): Ít nhất trong 3 tháng đầu của thai kỳ ngăn ngừa dị tật ống thần kinh.
- Vitamin A: Lưu ý vitamin A có thể gây thai dị dạng khi dư thừa.
- I-ốt: Lưu ý không khuyến cáo ở những phụ nữ có đủ i-ốt.
- Canxi: Nếu chế độ ăn thiếu canxi sẽ gây loãng xương, tuy nhiên khi thừa canxi có thể dẫn đến sỏi và một số triệu chứng khác.
- Multivitamin và axit béo omega-3: Nếu thiếu có thể dẫn đến rối loạn chuyển hóa.
Đối với người cao tuổi có thể thiếu hụt vitamin B12, cũng như các vitamin và khoáng chất khác (thường gặp ở người ≥ 65 tuổi). Multivitamin có thể giảm nhẹ tỷ lệ mắc ung thư ở nam giới, giảm tình trạng suy giảm nhận thức trong thời gian ngắn…
Ưu tiên hàng đầu vẫn là chế độ ăn cân đối, đầy đủ, lành mạnh. Liều lượng là yếu tố quyết định sản phẩm đó có độc hay không vì vậy phải cẩn trọng trong việc sử dụng các viên bổ sung, chỉ sử dụng khi thiếu để tránh ngộ độc cho cơ thể.
Vai trò của vitamin đối với làn da khỏe mạnh
TS Phạm Thế Đồng cho biết: “Da không chỉ làm đẹp mà còn có nhiều chức năng như điều hòa nhiệt độ cơ thể, bảo vệ bức xạ, bảo vệ miễn dịch, rào cản bảo vệ, tổng hợp vitamin, dự trữ, giác quan”.
Da rất dễ bị oxy hóa vì là nơi tiếp xúc với môi trường bên ngoài. Các tác động bên ngoài (bức xạ, môi trường ô nhiễm, hóa chất độc hại, khói, bụi) và yếu tố bên ttrong (di truyền, thời gian) làm sản sinh ra các gốc tự do dẫn đến tổn thương các thành phần tế bào, biến đổi axit amin, tạo thành các liên kết chéo bất thường giữa các sợi collagen và các protein cấu trúc làm thay đổi đặc tính vật lý, hình thái và sinh lý của lớp biểu bì và lớp hạ bì gây lão hóa da.
Để có làn da khỏe mạnh và tươi sáng cần bảo vệ bằng cách duy trì chức năng rào cản bảo vệ và duy trì toàn vẹn của cấu trúc da. Giữ ẩm da và tái tạo tế bào da bị chết hoặc collagen bị lão hóa bằng cách tổng hợp và chuyển hóa các thành phần của da, ức chế sự thoái hóa của các thành phần da.
Một số vitamin giúp bảo vệ da:
Vitamin a - Retinoids giúp chống lão hóa mạnh, giảm sự xuất hiện của nếp nhăn và vết chân chim., tẩy tế bào chết cho da, cải thiện kết cấu và tông màu da, chống lại mụn trứng cá do giảm bã nhờn.
Vitamin C - L-Ascorbic Acid có tác dụng bảo vệ da khỏi những tổn thương do các gốc tự do gây ra khi tiếp xúc với ánh nắng mặt trời; ô nhiễm, cần thiết trong quá tổng hợp collagen và giảm sự xuất hiện của các đốm sắc tố, làm đều màu da.
Vitamin E - Tocopherol giúp bảo vệ da khỏi tác hại của gốc tự do và giúp làm chậm các dấu hiệu lão hóa da, giúp phục hồi da, dưỡng ẩm và tăng cường hàng rào bảo vệ da, cũng nhu làm dịu làn da bị kích ứng hoặc nhạy cảm.
Theo TS Phạm Thế Đồng, các thành phần hoạt tính được phân lập từ rau má (Centella asiatica) cũng được ứng dụng rộng rãi trong lĩnh vực chăm sóc da, có tác dụng chữa lành vết thương, vết bỏng và vết loét tĩnh mạch.
Bài viết có hữu ích với bạn?
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình