Sử dụng bia rượu: Biết hại vẫn uống
Mức tiêu thụ rượu bia của người Việt Nam khá cao so với các nước trong khu vực không còn là chuyện lạ. Tuy nhiên, sử dụng rượu bia nhiều tới mức lạm dụng trở thành vấn đề đáng lo ngại.
Đây là lý do Tổ chức Y tế thế giới chính thức kêu gọi hành động mạnh mẽ nhằm kiểm soát tác hại của việc sử dụng rượu bia.
Không ngoa khi ví Việt Nam là cường quốc rượu bia bởi với sản lượng tăng từng năm cho thấy loại đồ uống này phổ biến trong mọi gia đình. Người già, trẻ vị thành niên đến người trưởng thành đều có thể “đắm” mình trong bia rượu bất kỳ lúc nào, ở bất cứ nơi đâu.
Theo ước tính của Tổ chức Y tế thế giới, mức tiêu thụ rượu bia trung bình của mỗi người Việt Nam trên 15 tuổi là 8,3 lít cồn nguyên chất trong năm 2016 – tương đương với mức trung bình của Thái Lan. So với các quốc gia khác trong khu vực, mức tiêu thụ đồ uống này của nước ta cao hơn nhiều. Điển hình như Mông Cổ, mức tiêu thụ trung bình (7,4 lít), Trung Quốc (7,2 lít), Campuchia (6,7 lít), Philippines (6,6 lít) và Singapore (2 lít).
Không chỉ uống nhiều, theo ghi nhận của cơ quan chức năng, khả năng tiêu thụ rượu bia trong dân cũng gia tăng nhanh chóng. Năm 2015, lượng tiêu thụ của những người uống rượu, bia là nam giới đã tăng 15% so với 5 năm trước đó. Điều tra của Bộ Y tế cho thấy, hầu hết các hộ gia đình đều có người uống rượu bia trong 12 tháng qua, 80% gia đình có người uống rượu bia trong 30 ngày gần đây.
Thường xuyên sử dụng rượu bia, thậm chí có tới 44,2% nam giới uống rượu bia ở mức nguy hại không chỉ giúp Việt Nam thăng hạng trong bản đồ tiêu thụ đồ uống có cồn mà còn gia tăng gánh nặng xã hội do bệnh tật, tai nạn giao thông… liên quan đến rượu bia. Ước tính, việc sử dụng rượu, bia ở Việt Nam liên quan tới 79.000 người tử vong trong năm 2016.
Hàng trăm nghìn người khác phải nhập viện điều trị vì các bệnh liên quan đến rượu, bia. Sử dụng rượu, bia ở mức có hại là yếu tố chính góp phần vào gánh nặng các bệnh không lây nhiễm này. Sử dụng rượu, bia cũng là một yếu tố nguy cơ gây tai nạn giao thông đường bộ, bạo lực và thương tích.
TS Kidong Park, Trưởng đại diện Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam (WHO) cho rằng, việc sử dụng rượu, bia ở mức nguy hại đang tước đi các nguồn lực giá trị để đáp ứng các nhu cầu cấp bách về chăm sóc sức khỏe và phát triển ở Việt Nam.
Còn theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, việc sử dụng, lạm dụng rượu, bia ở Việt Nam đã gây ra những hậu quả nghiêm trọng cho sức khỏe người dân và cộng đồng. Rượu bia chính thức trở thành gánh nặng cho ngành Y tế và xã hội bởi những chi phí phải bỏ ra để khắc phục hậu quả của rượu, bia thay vì đầu tư cho giáo dục, vui chơi giải trí…
Làm sao để kiểm soát
Rượu, bia được các chuyên gia y tế coi như gánh nặng với sức khỏe người dân và ngành Y, là rào cản với sự phát triển của kinh tế - xã hội. Điều này cho thấy đã đến lúc phải kiểm soát tác hại việc sử dụng rượu, bia.
Vậy làm thế nào để người dân không “mềm lòng” trước sự mời gọi của nhân viên bán bia, trước những quảng cáo coi việc sử dụng rượu, bia như một cách chứng minh bản lĩnh, sức mạnh đàn ông, chuyên gia của WHO cho rằng, Việt Nam cần hành động mạnh mẽ trên mọi lĩnh vực.
Trước hết, cần có chính sách giá đối với đồ uống có cồn. Các bằng chứng cho thấy, việc tăng giá rượu, bia có tác dụng giảm việc sử dụng rượu, bia ở mức nguy hại của những người uống rượu nói chung và thanh thiếu niên nói riêng. Đồng thời, tỷ lệ tử vong do uống rượu, bia theo đó cũng sẽ giảm. Chia sẻ về vấn đề này, PGS. TS Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách đồng tình với đề xuất trên bởi tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với mặt hàng này đem lại lợi ích cả cho người dân lẫn nền kinh tế.
Biện pháp tiếp theo cần thực hiện là hạn chế tính dễ dàng tiếp cận với rượu, bia và tính sẵn có của rượu, bia. Để làm được điều này cần có những quy định cụ thể về mật độ các điểm bán rượu, bia qua cơ chế cấp phép nghiêm ngặt; Hạn chế số ngày và giờ được phép bán rượu, bia; Đồng thời quy định độ tuổi tối thiểu được mua hoặc sử dụng đồ uống có cồn.
Việc kiểm soát quảng cáo bia rượu cũng cần tính đến. Nhiều nghiên cứu đã phát hiện rằng khi những người trẻ tiếp xúc với quảng cáo, tiếp thị rượu, bia nhiều, khả năng sẽ bắt đầu uống hoặc uống nhiều rượu, bia hơn.
Nếu được triển khai hiệu quả, việc hạn chế hoặc cấm tiếp thị, quảng
cáo rượu, bia có thể làm giảm tiêu thụ, đặc biệt là trong nhóm thanh
thiếu niên, và qua đó làm giảm bạo lực và tai nạn giao thông đường bộ.
Theo Liên Hương - Giáo dục thời đại
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình