Hotline 24/7
08983-08983

Sau khi tôi xạ trị ung thư tuyến giáp, mọi người không dám đến gần

Nhiều người bị ung thư tuyến giáp hay các ung thư khác, sau khi xạ trị thường gặp tình huống bị người xung quanh tránh né, không dám đến gần vì sợ nhiễm xạ. Các bác sĩ Bệnh viện Ung bướu TPHCM đã cung cấp thông tin chính xác về vấn đề này.

Buổi sinh hoạt “Câu lạc bộ trò chuyện cùng bác sĩ chuyên khoa” ngày 28/8 tại Bệnh viện Ung bướu TPHCM với chuyên đề ung thư tuyến giáp

Tại buổi sinh hoạt “Câu lạc bộ trò chuyện cùng bác sĩ chuyên khoa” ngày 28/8 tại Bệnh viện Ung bướu TPHCM với chuyên đề: “Ung thư tuyến giáp - Gặp nhiều nhưng dễ chữa lành”, nhiều câu hỏi từ các bệnh nhân, thân nhân gửi đến 3 chuyên gia: TS.BS.CK2 Trần Thanh Phương - Trưởng khoa Ngoại 3, BS.CK2 Trần Chí Tiến - Trưởng khoa Ngoại 6, ThS.BS.CK2 Lâm Đức Hoàng - Trưởng khoa Xạ 3.

3 chuyên gia đảm nhiệm trả lời câu hỏi: BS.CK2 Trần Chí Tiến - Trưởng khoa Ngoại 6, ThS.BS.CK2 Lâm Đức Hoàng - Trưởng khoa Xạ 3, TS.BS.CK2 Trần Thanh Phương - Trưởng khoa Ngoại 3 (từ trái qua)

Trong các vấn đề đặt ra tại buổi giao lưu, cô giáo 30 tuổi bị ung thư tuyến giáp di căn hạch, đang uống thuốc iot phóng xạ 131 hỏi rất kỹ về việc cách ly sau khi xạ trị. Cô tâm sự: “Sau khi tôi xạ trị ung thư tuyến giáp, mọi người không dám đến gần. Tôi tới một bước là họ lui một bước. Xin BS cho biết cụ thể về việc cách ly sau xạ trị thế nào, bởi vì là giáo viên nên tôi tiếp xúc với nhiều em nhỏ…”.

Trả lời câu hỏi của cô giáo, ThS.BS.CK2 Lâm Đức Hoàng - Trưởng khoa Xạ 3 cho biết: mọi người cần phân biệt 2 trường hợp là xạ trị ngoài và uống thuốc iot 131 trong điều trị ung thư tuyến giáp. Nếu là xạ trị ngoài thì không cần cách ly, bệnh nhân sau khi ra khỏi phòng xạ trị thì có thể sinh hoạt bình thường, gặp gỡ người thân, ẵm con, ẵm cháu…

Còn nếu bệnh nhân uống thuốc iot 131 thì còn tùy vào liều điều trị mà việc cách ly sẽ có các mức độ khác nhau về khoảng cách và thời gian. Khoảng cách  với liều thấp: 1m, liều trung bình: 2m, liều cao: 5m. Còn về thời gian thì liều thấp và liều trung bình là 1-2 ngày, liều cao: 5 ngày.

Trường hợp của cô giáo là uống thuốc iod 131 liều trung bình (liều 30), việc cách ly cụ thể như sau: hạn chế đến nơi công cộng sau 3 ngày, trở lại hoạt động bình thường sau 5 ngày, ngủ riêng cách người khác 2m trong 11 ngày, tránh tiếp xúc với phụ nữ mang thai và trẻ nhỏ trong 23 ngày.

Khi bác sĩ chỉ định điều trị thì cũng đã tính toán sao cho bệnh nhân trở về cộng đồng có thể giao tiếp một cách an toàn, cho nên việc giữ gìn khoảng cách với bệnh nhân sau xạ trị cả tháng, cả năm trời là không đúng.

Rất nhiều câu hỏi xung quanh bệnh ung thư tuyến giáp được đề cập: thực phẩm chứa iod, cách ly sau xạ trị, ung thư tuyến giáp có chữa khỏi được không, có di truyền không?

Nhiều câu hỏi khác mà người bệnh ung thư tuyến giáp rất quan tâm đó là:

- Có phải ăn nhiều bắp cải và đậu nành sẽ bị bướu cổ?

TS.BS.CK2 Trần Thanh Phương:

Nhiều người băn khoăn ăn bắp cải và đậu nành có nguy cơ bướu cổ hay không, thật ra là do các thực phẩm này có một chất làm cản trở tuyến giáp hấp thu iod để sản xuất nội tiết cho cơ thể, dẫn đến bệnh bướu cổ (phình giáp).

Tuy nhiên với mức độ ăn vừa phải cũng không ảnh hưởng gì, mọi người cứ an tâm ăn uống bình thường và theo dõi sức khỏe định kỳ. Nếu chỉ ăn bắp cải và đậu nành mà bị bướu cổ thì có lẽ các vị tu sĩ ăn chay đều bị bướu cổ rồi, nhưng thực tế không phải như vậy.

- Ung thư tuyến giáp có di truyền không?

TS.BS.CK2 Trần Thanh Phương:

Hiện nay khoa học chưa chứng minh được ung thư tuyến giáp có tính di truyền. Ngoại trừ một trường hợp hiếm là ung thư tuyến giáp dạng tủy, chỉ chiếm dưới 5% và được xem là có tính chất gia đình chứ chưa kết luận có di truyền.

Một câu hỏi đặt ra là ung thư tuyến giáp có yếu tố môi trường hay không? Bởi vì người trong một nhà có thể có cơ địa giống nhau, ăn uống sinh hoạt giống nhau, sống chung trong một vùng dịch tễ (thiếu iod, dư iod…) nên có thể có liên quan tới yếu tố môi trường.

- Nếu đã loại bỏ tuyến giáp rồi thì khi ăn uống có cần kiêng cữ iod không?

TS.BS.CK2 Trần Thanh Phương:

Iod là nguyên liệu để “nhà máy” tuyến giáp sản xuất ra nội tiết, nếu iod quá nhiều, tuyến giáp sản xuất quá nhiều sẽ dẫn đến nguy cơ cường giáp. Ngược lại, nếu thiếu iod sẽ có nguy cơ suy giáp.

Nếu đã hủy hết tế bào tuyến giáp (kể cả tế bào bình thường và tế bào ung thư) thì không cần quan tâm tới việc cân bằng iod nữa, bởi vì “nhà máy” cần sử dụng iod là tuyến giáp đã bị hủy rồi. Chức năng tuyến giáp của bệnh nhân đã được thay thế bằng viên thuốc bướu cổ, do đó không cần kiêng cữ iod nữa.

(Còn tiếp)

Hồng Nhung

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X