Sàng lọc kỹ để tránh biến chứng
Hiện nay, vắc-xin sởi đã được đưa vào Chương trình TCMR ở nước ta, nhưng tỷ lệ chỉ đạt trên 90% mỗi năm.
Thưa Cục trưởng, phải chăng do tỷ lệ tiêm vắc-xin sởi - Rubella ở nước ta hiện nay còn thấp nên mới có chiến dịch tiêm chủng miễn phí các vắc-xin này với quy mô lớn như vậy?
PGS.TS. Trần Đắc Phu: Hiện nay, vắc-xin sởi đã được đưa vào Chương trình TCMR ở nước ta, nhưng tỷ lệ chỉ đạt trên 90% mỗi năm. Như vậy, mỗi năm vẫn có khoảng 10% trẻ không được tiêm. Kể cả những trẻ được tiêm 1 mũi cũng chỉ đạt hiệu quả 80 - 85%.
Sau một số năm cộng dồn, có khả năng một số lượng cộng đồng đủ lớn không có hoặc không đủ miễn dịch, nên có khả năng bùng phát thành dịch. Do đó, tiêm vắc-xin sởi lần này để bao phủ toàn bộ những đối tượng chưa được tiêm và đối tượng chưa mắc bệnh sởi nhằm hướng tới đạt tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế Thế giới là tới năm 2017 loại trừ được bệnh sởi.
Đối với bệnh Rubella, nước ta chưa đưa vào Chương trình TCMR, mà đây là vắc-xin dịch vụ. Số người tiêm dịch vụ vaccin này rất ít, chỉ chiếm 10%. Đối với Rubella, mặc dù ở trẻ em bệnh thường nhẹ, ít biến chứng, nhưng bệnh lại rất nguy hiểm đối với người mang thai.
Bệnh sởi và Rubella hiện không có thuốc điều trị đặc hiệu. Do đó tiêm vắc-xin sởi, Rubella là cách tốt nhất để chủ động phòng bệnh 2 bệnh này. Vì vậy, chiến dịch lần này là rất cần thiết trong việc làm giảm tỷ lệ mắc bệnh, giảm gánh nặng bệnh sởi, Rubella và hội chứng Rubella bẩm sinh trong cộng đồng.
Để chiến dịch triển khai đảm bảo an toàn và đạt tỷ lệ trẻ được tiêm vắc-xin sởi - Rubella cao như mục tiêu đề ra, công tác chuẩn bị đã được ngành y tế triển khai như thế nào, thưa ông?
PGS.TS. Trần Đắc Phu: Đây là vấn đề rất quan trọng và chúng tôi đã xin phép Chính phủ giao UBND các tỉnh cùng phối hợp chỉ đạo chiến dịch này, đồng thời huy động tất cả các ban, ngành khác tại địa phương đó cùng tham gia. Bộ Y tế cũng đã làm việc với các bộ, ngành liên quan như Bộ GD&ĐT, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Quốc phòng trong việc phối hợp tổ chức tiêm, kết hợp quân dân y trong tiêm chủng cho trẻ ở vùng sâu, vùng xa, nơi khó khăn trong việc vận động trẻ đi tiêm chủng, hoặc tại những địa phương có các cơ sở y tế chưa đủ mạnh.
Bên cạnh đó, chúng tôi cũng đã thực hiện đảm bảo an toàn cả một hệ thống dây chuyền lạnh, dụng cụ tiêm chủng và hệ thống cung cấp vắc-xin đầy đủ, tập huấn nhân lực trong các khâu tiêm chủng, nhất là khâu khám và sàng lọc.
Theo quy định tại mỗi điểm tiêm chủng phải có ít nhất 2 cán bộ y tế được tập huấn thành thạo về an toàn tiêm chủng, có hộp chống sốc tại chỗ và đội chống sốc lưu động. Bộ Y tế cũng yêu cầu các cán bộ y tế thực hiện tiêm chủng không chỉ dựa vào tờ khai sức khỏe của gia đình đưa trẻ đi tiêm mà phải khám sàng lọc thật kỹ cho trẻ để loại trừ các nguy cơ nguy hiểm, đặc biệt không tiêm vắc-xin cho những trẻ bị ốm, hay mắc bệnh tim bẩm sinh, dị ứng...
Xác định đây công tác chuẩn bị là khâu rất quan trọng trong chiến dịch, nên chúng tôi đã đặt ra vấn đề về kiểm tra giám sát. Bộ Y tế cũng đã thành lập các đoàn kiểm tra giám sát chuyên ngành. Theo đó, địa phương nào chuẩn bị tốt mới được triển khai, chứ không triển khai ồ ạt.
Để công tác tiêm chủng đạt hiệu quả rất cần có sự phối hợp của gia đình có trẻ đi tiêm chủng. Vậy theo ông, các bà mẹ cần phải làm gì khi cho trẻ đi tiêm chủng, theo dõi sau tiêm chủng?
PGS.TS. Trần Đắc Phu: Các bà mẹ cần cho trẻ ăn no trước khi đưa trẻ đi tiêm chủng. Chủ động thông báo với cán bộ y tế về tình trạng sức khỏe của con mình như: Trẻ đang mắc bệnh, đang điều trị, có dị tật bẩm sinh, tiền sử sinh non, tiền sử dị ứng, đặc biệt có các phản ứng mạnh với lần tiêm chủng trước như sốt cao, phát ban, sưng nề vùng tiêm...
Sau khi tiêm chủng, cần cho trẻ ở lại 30 phút tại điểm tiêm chủng để được cán bộ y tế theo dõi và kịp thời xử trí nếu có những phản ứng bất thường xảy ra. Tiếp tục theo dõi và chăm sóc tại nhà trong vòng 24 giờ sau tiêm chủng để phát hiện sớm các dấu hiệu bất thường về sức khỏe như sốt, dị ứng nổi mề đay, phát ban...
Nếu trẻ sốt, cần phải cặp nhiệt độ và theo dõi sát, dùng thuốc hạ sốt cho trẻ theo chỉ dẫn của cán bộ y tế. Không được đắp bất cứ thứ gì lên vị trí tiêm. Cần đưa ngay trẻ tới bệnh viện hoặc các cơ sở y tế nếu trẻ có các dấu hiệu bất thường sau tiêm chủng như sốt cao (từ 39oC), co giật, khó thở, tím tái, phát ban... hoặc khi phản ứng thông thường kéo dài hơn một ngày...
Trân trọng cảm ơn ông!
Theo Thái Bình - Sức khỏe và Đời sống
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình