Hotline 24/7
08983-08983

Rối loạn tuần hoàn não và cách phòng tránh

Thiểu năng tuần hoàn não hay còn gọi là rối loạn tuần hoàn não (RLTHN) là tình trạng thiếu máu cung cấp cho não.

Thiểu năng tuần hoàn não thường gặp ở lứa tuổi trên 40 nhưng tỷ lệ bị bệnh cao nhất vẫn là người cao tuổi (NCT).

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng thiểu năng tuần hoàn não nhưng nếu biết được có thể đề phòng để hạn chế bệnh và tránh các biến chứng.

Thế nào là RLTHN?

Một số bệnh về hệ tim mạch như tăng huyết áp, xơ vữa động mạch, tăng cholesterol, triglycerit máu (gọi chung là tăng mỡ máu), hẹp lòng động mạch do bẩm sinh hay do chèn ép (u não, xơ vữa động mạch não...), thoái hóa các đốt sống cổ gây chèn ép hệ thống động mạch thân nền hoặc do cục máu trong lòng động mạch đi đến làm tắc nghẽn động mạch não (bệnh loét sùi van tim)… đóng vai trò rất lớn trong việc  đưa đến bệnh thiểu năng tuần hoàn não.

 Ở NCT, các bệnh này thường gặp nhiều hơn ở lứa tuổi thanh niên và trung niên. Các nguyên nhân gây nên bệnh thiểu năng tuần hoàn não là do: bệnh tăng huyết áp, xơ vữa động mạch, tăng mỡ máu.

Trên một cơ thể NCT mà hiện tượng xơ vữa động mạch càng nặng thì nguy cơ thiểu năng tuần hoàn não càng cao. Ngoài ra, người ta còn thấy có một số yếu tố như tuổi cao, thừa cân, nghiện thuốc lá, nghiện bia rượu, stress cũng góp phần đáng kể vào việc  hình thành bệnh thiểu năng tuần hoàn não.
 
 Rối loạn tuần hoàn não là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tai biến mạch máu não.

Nhận biết RLTHN cấp và mạn tính

Thiểu năng tuần hoàn não có thể xảy ra cấp tính nhưng bệnh cũng có thể trở thành mạn tính kéo dài. Bệnh cấp tính thường có đau đầu. Đau đầu là triệu chứng hay gặp nhất trong thiểu năng tuần hoàn não, thường chiếm tỷ lệ rất cao (khoảng 90%) và cũng là triệu chứng xuất hiện sớm nhất.

Tính chất của đau đầu lan toả khắp đầu, nhức hoặc ê ẩm, nặng đầu. Kèm theo đau nhức đầu là ù tai, chóng mặt, hoa mắt, mất thăng bằng (khó ngồi, khó đứng dậy), nhất là lúc đang nằm mà thay đổi tư thế (nằm nghiêng chuyển sang nằm ngửa).

Tỷ lệ bị chóng mặt chiếm tỷ lệ khá cao (khoảng 87%). Nặng hơn là có thể xây xẩm mặt mày, mất ý thức, đột quỵ. Người bệnh có thể buồn nôn hoặc nôn, có thể liệt nửa người, nói khó… Người bệnh cũng có thể bị chứng dị cảm như thấy tê đầu ngón tay, ngón chân hoặc tê bì tay chân hoặc có cảm giác kiến bò.

Bệnh thiểu năng tuần hoàn não cấp tính ở NCT có thể chỉ thoáng qua trong vài giây, vài phút nhưng có khi cũng có thể xảy ra hàng giờ, mấy ngày liền. Thiểu năng tuần hoàn não cấp thường xảy ra vào giữa đêm hoặc lúc gần sáng.

Bệnh thiểu năng tuần hoàn não mạn tính ở NCT thường cũng có nhức đầu ê ẩm từng đợt, nhất là thay đổi thời tiết, chóng quên (vãng ý thức), rối loạn tâm lý như hay cáu giận, buồn vui lẫn lộn, mất ngủ kéo dài hoặc rối loạn giấc ngủ (ngủ ít, ngủ không ngon giấc, đang ngủ lại bị tỉnh giấc không thể nào ngủ lại được nữa…).
 
Trong  một thời gian nhất định có thể xuất hiện cơn cấp tính tuỳ thuộc vào việc phòng bệnh và điều trị của người bệnh có tích cực và hiệu quả hay không.

Thiểu năng tuần hoàn não gây nên hiện tượng thiếu máu não và cũng có thể gây nên  phù não. Điều đáng lo ngại nhất của thiểu năng tuần hoàn não là gây nên các biến chứng nặng nề như nhũn não hoặc xuất huyết não gây liệt nửa người hoặc tử vong đột ngột.

Biện pháp phòng bệnh

Khi nghi ngờ bị thiểu năng tuần hoàn não (có đau đầu, chóng mặt, buồn nôn…), cần đi khám bệnh ngay và rất nên khám bệnh định kỳ. Trong cuộc sống hàng ngày cần có chế độ ăn uống hợp lý như ăn nhiều rau, quả, cá (mỗi tuần nên ăn vài ba bữa cá), hạn chế ăn nhiều thịt, không nên ăn mỡ động vật.

Nên hạn chế đến mức tối đa uống rượu, bia. Nên bỏ thuốc lá hoặc thuốc lào. Tập thể dục đều đặn để ngăn ngừa một số bệnh như tăng huyết áp, xơ vữa động mạch, thừa cân vì các bệnh này gián tiếp  làm  xuất hiện bệnh thiểu năng tuần hoàn não.

Khi đã được xác định bị thiểu năng tuần hoàn não, cần tuân theo những lời tư vấn của bác sĩ khám bệnh cho mình, nhất là chế độ ăn, tập luyện, dùng thuốc. Cần cho những thành viên trong gia đình biết về bệnh của mình, nhất là các bệnh có liên quan đến bệnh thiểu năng tuần hoàn não để được giúp đỡ, giám sát và tạo điều kiện thuận lợi trong chế độ ăn, uống, nghỉ ngơi và dùng thuốc.

NCT không nên tắm nước lạnh khi mới đi ngoài trời nắng về và mùa lạnh, NCT nên mặc ấm, nơi nằm ngủ tránh gió lùa.
 
Mùa đông mỗi lúc thức dậy, nhất là lúc nửa đêm và gần sáng cần nằm tĩnh dưỡng một lúc mới ngồi dậy, tránh lạnh đột ngột bởi vì NCT bị thiểu năng tuần hoàn não có nhiều nguyên nhân gây nên nhưng nếu liên quan đến bệnh của hệ thống tim mạch (tăng huyết áp) mà bị lạnh thì mạch máu co lại đột ngột làm não thiếu máu đột xuất sẽ rất dễ gây tai biến  mạch máu não.  

Theo PGS.TS. Bùi Mai Hương - Sức khỏe & Đời sống

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X