Hotline 24/7
08983-08983

Rắn cắn, làm sao để nhận biết độc hay lành và cách sơ cứu như thế nào là hiệu quả?

Thời gian gần đây, liên tiếp nhiều bệnh nhân phải nhập viện vì rắn cắn. Đặc biệt, một số người bị cắn bởi những loài kịch độc như rắn hổ chúa, rắn hổ mèo, rắn lục đuôi đỏ... Trong bài viết dưới đây, BS Trương Hữu Khanh - Phó chủ tịch thường trực Liên chi Hội Truyền nhiễm TPHCM đã có những chia sẻ hữu ích về vấn đề này.

1. Mùa hè là thời điểm gia tăng tai nạn do rắn cắn

Thực tế ghi nhận, tại Bệnh viện Chợ Rẫy số bệnh nhận bị rắn độc cắn phía nam gia tăng theo thời gian. Theo BS, nguyên nhân nào dẫn đến sự gia tăng này ạ? Mùa mưa có phải là yếu tố khiến rắn sinh sôi nhiều hơn, khiến chúng ta dễ gặp rủi ro hơn?

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Bất kỳ thời điểm nào cũng có rắn, những loại rắn độc có thể xuất hiện ở tất cả các mùa, nhưng vào mùa mưa sẽ xuất hiện nhiều hơn. Mùa mưa là giai đoạn sinh nở, phát triển của rắn, đặc biệt là các loài rắn độc.

Tình trạng mưa lụt kéo dài, biến đổi khí hậu còn phá vỡ môi trường sống của rắn nên chúng phải “tìm đường” khác để trú ẩn và kiếm ăn như vườn tược, tán cây, bụi cỏ… Đây cũng là nguyên nhân vào mùa mưa, số nạn nhân bị rắn cắn nhập viện cấp cứu gia tăng với những mức độ nguy hiểm khác nhau.

Tuy nhiên, vào mùa hè tỉ lệ trẻ em bị rắn cắn sẽ cao hơn do được về quê chơi, khả năng tiếp cận với nông thôn nhiều hơn, khi tiếp cận và không có kỹ năng sẽ rất dễ gặp trường hợp bị rắn cắn.

2. Phân biệt rắn độc hay không độc như thế nào?

Rắn có nhiều loại, làm sao để chúng ta nhận biết được đó là rắn độc hay không độc thưa BS? Thông qua vết cắn có giúp chúng ta nhận biết được điều này?

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Theo các nghiên cứu, dựa vào cấu hình đầu rắn để có thể nhận biết được rắn độc hay không. Nếu thấy đầu rắn có hình tam giác, đa số là rắn độc, số còn lại phần đầu có hình dáng khác ít khi có độc. Cách nhận biết vết cắn là của rắn độc hay rắn không độc, ngoài việc căn cứ vào vết răng, kinh nghiệm dân gian còn phân biệt 2 loài rắn này dựa vào hình dáng, màu sắc và âm thanh phát ra của chúng.

Nhìn vết cắn rất khó để phân biệt được là loại rắn nào, trong một số trường hợp các bác sĩ chuyên môn có thể nhìn vào vết cắn để phân được là loại rắn gì. Cách tốt nhất là phải nhận diện được hình dạng rắn khi cắn, một số bệnh viện sẽ cung cấp những hình ảnh về các loại rắn cho bệnh nhân nhận biết, lúc này bác sĩ sẽ xem và chẩn đoán là loại rắn độc hay không độc.

3. Làm thế nào để sơ cứu vết thương khi bị rắn cắn?

Thưa BS, khi bị rắn cắn nên xử trí như thế nào? Vết thương do rắn cắn nên chăm sóc sao cho phù hợp, thưa BS?

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Khi bị rắn cắn, điều tối kỵ là không nên đấp bất kỳ loại thuốc gì hay hút nọc rắn lên miệng vết thương. Bước đầu tiên, nên rửa sạch miệng vết thương, nếu vết cắn có độ rộng và nghiêng (lõm), đó là vết cắn của rắn độc và phải đưa nạn nhân đến bệnh viện ngay lập tức.

Tất cả các biện pháp hút nọc hay các biện pháp khác điều không có hiệu quả cho việc sơ cứu và chữa trị khi bị rắn cắn. Nếu bị rắn độc cắn, rắn sẽ tiết ra một loại độc tố gây ảnh hưởng đến việc đông máu và hệ thần kinh. Độc tố chỉ được kiểm soát khi sử dụng loại huyết thanh kháng độc rắn của từng loại. Hiện nay, khi bị rắn cắn chúng ta nên đến ngay bệnh viện nếu nghĩ đó là rắn độc.

4. Những sai lầm khi sơ cứu vết thương do rắn cắn?

BS nhận thấy, đâu là những sai lầm khi sơ cứu do rắn cắn mà nhiều người thường mắc phải ạ?

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Thông thường khi bị rắn cắn, nạn nhân sẽ được khuyên rằng nên cột một sợi dây lên phía trên vết thương, việc làm này là một phương pháp không hợp lý. Khi bị rắn cắn chúng ta chỉ nên rửa sạch miệng vết thương và đến cơ sở y tế gần nhất để điều trị, không nên thực hiện bất kỳ một phương pháp nào khác. Những phương pháp dân gian sẽ không có hiệu quả, có thể gây nguy hiểm thậm chí là dẫn đến tình trạng hoại tử vết thương cho người bị rắn cắn.

5. Biến chứng gặp phải khi sơ cứu rắn cắn không đúng cách?

Nhiều người cho rằng, khi bị rắn cắn nên cột phía trên vết thương để ngăn chặn nọc của rắn chạy vào mạch máu và lan tràn ra trên cơ thể. Thực hư việc sơ cứu rắn cắn bằng cách này như thế nào thưa BS? Các biến chứng có thể gặp phải nếu chúng ta không sơ cứu đúng cách là gì ạ?

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Việc cột dây phía trên vết thương để ngăn chặn nọc của rắn chạy vào mạch máu và lan ra trên cơ thể chỉ là một phương pháp tương đối, không đạt hiệu quả 100%. Việc quan trọng nhất khi sơ cứu là nhận định được vết thương có phải do rắn độc gây ra không, sau đó là rửa sạch miệng vết thương và đến bệnh viện gần nhất.

6. Việc sơ cứu rắn cắn bằng cách rạch, nặn, hút máu ra có hiệu quả hay không?

Ngoài việc cột vết thương, một số thông tin còn cho rằng nên rạch, nặn, hút máu ra khỏi vết thương để nọc rắn chảy ra ngoài. Sơ cứu bằng cách này có hiệu quả không ạ? 

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Việc rạch, nặn, hút máu ra khỏi vết thương để lấy nọc rắn ra ngoài là những cách làm dân gian và không giúp ích được nhiều cho việc sơ cứu vết thương ban đầu. Có thể nặn hoặc hút máu tuỳ vào tình trạng vết thương.

Nhưng các phương pháp trên không có hiệu quả nhiều, do khuynh hướng máu chảy về tim, nên việc hút máu sẽ không có hiệu quả. Điều quan trọng nhất vẫn là đến bệnh viện ngay khi bị rắn cắn.

7. Các biện pháp dân gian có hiệu quả trong sơ cứu?

Các biện pháp dân gian như chườm đá, đắp các loại thảo dược, lá cây cũng thường được áp dụng. Theo BS, điều này có nên không? Vì sao?

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Vết thương do rắn cắn không gây sưng đau đến mức phải chườm đá. Khi bị các chấn thương ngoài da hoặc cơ thể va chạm vào xung quanh, phương pháp chườm đá mới phù hợp để làm giảm sưng đau sau chấn thương. Trường hợp bị rắn cắn vết thương sẽ bị lõm và xuyên qua da nên việc chườm đá lên vết thương sẽ không có tác dụng.

Biện pháp sử dụng lá cây cũng không có tác dụng cho sơ cứu ban đầu, đắp những loại lá như vậy dễ khiến vết thương bị nhiễm trùng thêm. Việc quan trọng sau khi bị rắn cắn là làm như thế nào để có thế kháng được độc rắn lan đi khắp cơ thể, do nọc rắn có thể lan nhanh và ảnh hưởng đến nhiều cơ quan.

8. Làm thế nào để đề phòng rắn độc cắn?

Để giảm bớt nguy cơ bị rắn cắn, chúng ta nên làm gì, thưa BS?

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Nhận biết và tránh xa môi trường có rắn sinh sống hay ẩn nấp là cách đề phòng rắn độc cắn hiệu quả nhất. Ngoài ra nên trang bị quần áo dày bảo hộ và ủng cao su an toàn và dùng đèn chiếu sáng nếu đi trong rừng hoặc biển, đến gần khu vực nhiều cây cỏ hay vũng nước, có đống đổ nát, đặc biệt là trong đêm tối.

Trong tất cả các trường hợp bị rắn tấn công, cần đưa nạn nhân đến cơ sở y tế một cách nhanh chóng và an toàn nhất. Quá trình xử trí bằng huyết thanh kháng nọc rắn đặc hiệu và theo dõi tại bệnh viện phải được tiến hành ít nhất trong 12 giờ đầu. Nếu để lâu kết quả điều trị sẽ rất kém hoặc không hiệu quả.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X