Hotline 24/7
08983-08983

Phương pháp giảm sưng, đau nhanh chóng tại nhà do tràn dịch khớp gối

Có rất nhiều phương pháp ngăn ngừa tình trạng đau nhức, sưng viêm do tràn dịch khớp gối gây ra. Vậy các phương pháp này là gì và nên thực hiện như thế nào? Trong bài viết dưới đây, ThS.BS.CK2 Mai duy Linh - Giảng viên Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, TPHCM sẽ những chia sẻ hữu ích về vấn đề này.

1. Nguyên nhân nào dẫn đến tình trạng tràn dịch khớp gối?

Tràn dịch khớp gối thường xảy ra sau những tình huống nào, thưa BS? Nguyên nhân nào dẫn đến tình trạng này ạ?

ThS.BS.CK2 Mai Duy Linh: Tình trạng tràn dịch khớp gối khá phổ biến, có thể gặp ở người trẻ và cả ở những người lớn tuổi. Các trường hợp tràn dịch ở người trẻ thường gặp đa số các tình huống xuất hiện từ sau chấn thương, mặc dù một số ít trường hợp có thể do các bệnh lý về viêm khớp tự miễn gây nên. Ở người lớn tuổi, thường gặp nhất là do thoái hóa khớp, khi nhắc đến thoái hóa khớp đa phần các trường hợp được nhắc đến là do tình trạng bị khô khớp.

Trong một số trường hợp, tình trạng thoái hóa khớp nặng dẫn đến sụn khớp bị vỡ, tình trạng sụn khớp vỡ sẽ kích thích tình trạng sưng, viêm tiến triển. Dịch khớp trong thoái hóa khớp không phải là loại dịch khớp tốt, đó là một loại dịch khớp viêm. Ngoài ra, có một số trường hợp khác, ví dụ các bệnh lý về khớp viêm, gút, viêm khớp dạng thấp, lupus ban đỏ hệ thống hoặc các bệnh lý viêm khớp tự miễn khác cũng có thể gây ra tình trạng tràn dịch khớp.

2. Hậu quả của việc không nhận biết sớm tình trạng sưng - đau do tràn dịch như thế nào?

Tình trạng sưng, đau do tràn dịch khớp gối được mô tả như thế nào và nếu không được giải quyết sẽ đưa đến những hệ quả ra sao, thưa BS?

ThS.BS.CK2 Mai Duy Linh: Tình trạng tràn dịch khớp gối tùy vào mức độ, diễn tiến nhanh hay chậm. Trường hợp tràn dịch khớp gối nhẹ, thường gặp trong thoái hóa khớp, người bệnh sẽ cảm thấy đau, đôi khi cảm thấy khớp gối xung quanh mình sẽ sưng lên.

Xung quanh hai bên khớp gối, bên trong và bên ngoài thường sẽ có hai hõm ở khớp, ngay cả ở những người béo phì cũng sẽ thấy được hai hõm này. Ở người béo phì, có lượng mỡ tích tụ ở cả phía trên, dưới khớp gối, không tích tụ hai phía bên ngoài và trong khớp. Những người gặp tình trạng tràn dịch khớp gối sẽ mất hai phần hõm này, đó là dấu hiệu sớm nhất. Nặng hơn nữa, chúng ta sẽ thấy tình trạng khớp sưng lên, nhìn vào sẽ biết đã bị tràn dịch.

Trong trường hợp sưng như vậy, thường dẫn đến tình trạng bệnh nhân đau và khó khăn trong việc co duỗi. Trường hợp nặng hơn nữa, khớp gối sẽ cứng lại và không co duỗi được, thậm chí là không đi lại được. Đa số những trường hợp có tình trạng tràn dịch khớp gối với lượng nhiều, khi sờ vào khớp gối sẽ cảm thấy rất nóng. Khớp gối thông thường sẽ mát hơn mô cơ xung quanh, khi sờ vào sẽ thấy phần khớp ấm hơn mô cơ hoặc ấm hơn khớp gối đối diện là chúng ta sẽ nhận biết được khớp gối đang bị sưng.

3. Trường hợp sưng - đau nào do tràn dịch khớp gối nên đi khám và trường hợp nào có thể điều trị tại nhà?

Sưng, đau do tràn dịch khớp gối, trường hợp nào cần đi khám tại bệnh viện và trường hợp nào có thể xử trí tại nhà, thưa BS?

ThS.BS.CK2 Mai Duy Linh: Ngoại trừ trường hợp có tiền sử bệnh gút, thoái hóa khớp hoặc đã có 1-2 lần bị sưng trước đó, tình trạng sưng tương đối nhẹ thì chúng ta có thể tự điều trị tại nhà. Trong đa số các trường hợp, ví dụ sau chấn thương hoặc tình trạng viêm, sưng và tràn dịch khớp gối xuất hiện lần đầu tiên nên đi khám bác sĩ để có thể chẩn đoán và xác định được những tình trạng này là do nguyên nhân gì.

Có nhiều trường hợp người bệnh bắt buộc phải điều trị thậm chí phải phẫu thuật, có những trường hợp chúng ta phải nhập viện để truyền thuốc do bị nhiễm trùng khớp. Những trường hợp này, bệnh lý khá nguy hiểm mà người bệnh cần phải điều trị nhập viện hoặc phẫu thuật. Nếu trước đó đã có một tiền sử hoặc nhận biết được là bệnh gì, bệnh lành tính thì có thể yên tâm và điều trị.

4. Phương pháp nào được sử dụng để điều trị tình trạng sưng - đau khớp gối tại bệnh viện?

Tại bệnh viện, tình trạng sưng - đau do tràn dịch khớp gối sẽ được giải quyết như thế nào ạ? 

ThS.BS.CK2 Mai Duy Linh: Đầu tiên, nếu như đó là tình trạng sưng đau lần đầu tiên và thường chỉ một hoặc hai khớp, thông thường bác sĩ sẽ làm những xét nghiệm máu để xác định thực sự là tình trạng viêm hay không. Thứ hai là bác sĩ có thể chọc rút dịch ra để làm xét nghiệm, khi bác sĩ chọc rút dịch ra để xác định đầu tiên là xem có viêm hay không, thứ hai là xem phải do bệnh gút, thứ ba là có phải do nhiễm trùng.

Tình trạng nhiễm trùng là nguyên nhân đáng lo ngại nhất, ở khớp gối hoặc những vùng khớp khác nói chung đôi khi có thể dẫn đến nhiễm trùng huyết và có thể dẫn đến sốc nhiễm trùng và dẫn đến tử vong. Ngoài ra, các bác sĩ có thể làm các xét nghiệm về hình ảnh học như chụp X-quang, siêu âm để xác định xem là có tổn thương hay chấn thương gì hay không.

Trong một số trường hợp khó hơn, bác sĩ sẽ chụp cộng hưởng từ để xác định xem tình trạng này có liên quan đến vấn đề xương hay không, có ảnh hưởng đến xương và các mô mềm xung quanh. Là những phương pháp bác sĩ sẽ sử dụng khi gặp tình trạng tràn dịch khớp phải nhập viện.

5. Những biện pháp nào có thể áp dụng giảm sưng - đau do tràn dịch khớp gối tại nhà?

Ở nhà, người bệnh có thể áp dụng những biện pháp nào để giảm sưng - đau do tràn dịch khớp gối, thưa BS?

ThS.BS.CK2 Mai Duy Linh: Trong những trường hợp bệnh nhân bị tràn dịch khớp gối nhẹ, ví dụ do những chấn thương nhẹ như chạy bộ bị trật hoặc thoái hóa khớp 1-2 lần trước đó bệnh nhân đã được chẩn đoán, xác định chắc chắc những tràn dịch này là do thoái hóa khớp không phải do nguyên nhân khác, chúng ta có thể tự điều trị tại nhà.

Nếu như biểu hiện trên xuất hiện lại, phương pháp dễ nhất là chườm lạnh, tuyệt đối không được chườm nóng hoặc bôi dầu do tình trạng sưng, tràn dịch sẽ nặng hơn. Dễ nhất là chườm lạnh khoảng 15 phút, thực hiện 3-4 lần trong một ngày. Bệnh nhân cũng có thể sử dụng các loại thuốc giảm đau, ví dụ Paracetamol hoặc một số loại thuốc giảm đau dán tức là kháng viêm dán hoặc là bôi. Những thuốc này cũng có tác dụng làm giảm tình trạng đau và tình trạng tràn dịch khớp gối.

6. Có nên áp dụng các biện pháp xoa dịu khớp gối bằng nước ấm và chườm đá?

Bệnh nhân bị sưng đau do tràn dịch khớp gối có nên sử dụng nước ấm để xoa dịu đầu gối? Nếu được thì nên thực hiện như thế nào mới đúng và tốt nhất là cách bao lâu với việc chườm lạnh? Và trong trường hợp nào thì không nên áp dụng ạ?

ThS.BS.CK2 Mai Duy Linh: Trong trường hợp tràn dịch khớp gối tốt nhất là chúng ta không nên chườm nóng dưới bất cứ hình thức nào, thậm chí là những biện pháp khác như bôi dầu hay miếng dán nóng thì chúng ta cũng không nên sử dụng. Nên sử dụng biện pháp chườm lạnh, có thể sử dụng những loại miếng dán có tác dụng nhiệt lạnh, không nên sử dụng phương pháp chườm nóng.

7. Biện pháp xoa bóp khi gặp tình trạng sưng - đau có thực sự hiệu quả?

Trong trường hợp này có nên xoa bóp đầu gối để giúp chất lỏng thoát ra khỏi khớp không thưa BS? Nếu có thể thực hiện thì massage như thế nào cho hiệu quả và có nên dùng các loại dầu cho trường hợp này?

ThS.BS.CK2 Mai Duy Linh: Biện pháp xoa bóp thường được bệnh nhân áp dụng khi gặp phải tình trạng đau khớp, đặc biệt trong trường hợp thoái hóa khớp ở người lớn tuổi. Trong trường hợp thoái hóa khớp đơn thuần và không tràn dịch thì bệnh nhân có thể xoa bóp được. Nhưng trong trường hợp có tràn dịch, tuyệt đối không được xoa bóp và nếu thực hiện biện pháp xoa bóp thì chắc chắc tình trạng sưng và tràn dịch sẽ nặng hơn.

Do trong trường hợp khớp bị tràn dịch, đó là dấu hiệu của tình trạng viêm và khi xoa bóp như vậy sẽ làm cho chất gây viêm kích thích nhiều hơn. Tế bào viêm được kích thích hoạt động mạnh hơn và những chất gây viêm sẽ được phóng thích nhiều hơn dẫn đến tình trạng viêm và tình việc tràn dịch sẽ nặng hơn.

8. Giải pháp quấn đầu gối bằng đai cần lưu ý gì?

Quấn đầu gối bằng đai cũng là giải pháp được nhiều người lựa chọn. Theo BS, điều này có nên không? Khi quấn đầu gối bằng đai, cần lưu ý gì ạ?

ThS.BS.CK2 Mai Duy Linh: Một trong phương pháp hữu hiệu để làm giảm tình trạng tràn dịch hoặc ngăn ngừa tràn dịch đó là băng ép. Có nhiều loại băng, ví dụ băng thun hoặc các loại băng quấn. Theo nghiên cứu, các biện pháp này là có hiệu quả, đặc biết trong những trường hợp chấn thương hoặc tràn dịch do thoái hóa khớp gối.

Ngoài việc bệnh nhân chườm lạnh, có thể thực hiện phương pháp quấn và nâng vị trí bị sưng, tràn dịch lên giúp làm gia tăng tốc độ tái hấp thu dịch lại. Phương pháp này khá là tốt. Tuy nhiên, cần phải cẩn thận, trong một số trường hợp quấn quá chặt, đôi khi gây ra tình trạng nóng và có thể gây ra kích ứng da, một số trường hợp nặng hơn nữa có thể dẫn đến tình trạng thiếu máu ở vùng mô ở phía dưới.

9. Cần lưu ý gì trong hoạt động hàng ngày để tránh làm tăng nặng tình trạng sưng - đau?

Khi bị sưng đau do tràn dịch khớp gối, các hoạt động như đi lại, chạy xe máy, đứng lên - ngồi xuống… cần lưu ý những gì để tránh làm tăng nặng thêm?

ThS.BS.CK2 Mai Duy Linh: Trong trường hợp bệnh nhân bị tràn dịch, cần phải hạn chế vận động nhiều. Nên vận động trong khả năng, sinh hoạt cần thiết bắt buộc trong ngày để tránh tình trạng cứng khớp. Không nên chạy nhảy, vận động quá nhiều, khi hoạt động quá mức sẽ kích thích tình trạng viêm nặng hơn. Không nên nằm một chỗ, trường hợp người bệnh nằm không vận động sẽ gây ra tình trạng cứng khớp. Người bệnh nên cố gắng hài hoà, không vận động quá mức và cũng không giữ im một chỗ quá lâu. Đặc biệt ở khớp gối, tránh những động tác ngồi xổm, gặp gối hoặc lên xuống cầu thang, những động tác này cần chịu lực nhiều và sẽ làm tình trạng viêm khớp trở nặng.

10. Những thói quen xấu nào cần tránh để hạn chế việc tăng nặng và gây biến chứng?

Những thói quen xấu cần tránh để tình trạng tràn dịch khớp gối đừng tăng nặng, gây biến chứng? 

ThS.BS.CK2 Mai Duy Linh: Khi gặp tình trạng tràn dịch khớp gối, thường người bệnh sẽ sử dụng phương pháp xoa dầu hoặc chườm nóng, điều này khiến tình trạng tràn dịch chuyển nặng hơn. Nhiều trường hợp, người bệnh bị chấn thương nhẹ nhưng về xoa dầu, hôm sau nơi chấn thương sưng lên và phải đến gặp bác sĩ. Nếu trong trường hợp gặp chấn thương nhẹ, người bệnh chườm lạnh, có thể qua ngày hôm sau khớp gối sẽ bình thường trở lại thậm chí hết đau.

Thứ hai là trường hợp khi gặp chấn thương, người bệnh quá lo sợ không dám vận động và nằm một chỗ, kết quả dẫn đến tình trạng khớp gối hết tràn dịch nhưng lại gây ra tình trạng cứng khớp. Thứ ba, là trường hợp người bệnh vẫn cố gắng tập luyện, chạy nhảy dẫn đến tình trạng tràn dịch trở nặng hơn. Đây là 3 thói quen sai lầm người bệnh thường mắc phải làm tình trạng tràn dịch khớp gối diễn tiến nặng.   

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X