Phẫu thuật rách chóp xoay thành công cho bệnh nhân hơn 70 tuổi
Ngày 17/8/2019, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế S.I.S Cần Thơ đã phẫu thuật thành công rách gân chóp xoay cho bệnh nhân 72 tuổi.
Người bệnh là bà T. K. H. (72 tuổi, TPHCM) bị đau vai phải nhiều, bản thân đang điều trị tăng huyết áp. Khi được BS Tăng Hà Nam Anh - Cố vấn chuyên môn Bệnh viện Đa khoa Quốc tế S.I.S Cần Thơ thăm khám kỹ thì nhận thấy tay phải bệnh nhân yếu, khó nhấc lên, khi đè thì rớt xuống. Chụp MRI cho kết quả bà H. bị rách chóp xoay vai phải, chỉ định phẫu thuật nội soi khâu chóp xoay.
Trước khi phẫu thuật, các bác sĩ đã tiến hành gây mê nội khí quản cho bệnh nhân. Ca mổ được thực hiện trong 45 phút. Sang ngày hôm sau, bệnh nhân đã phục hồi tích cực.
Bác sĩ Nam Anh là người thực hiện mổ chính trong êkip phẫu thuật
TS.BS Tăng Hà Nam Anh cho biết, nhiệm vụ của gân chóp xoay giúp khớp vai vững chắc để đạt được sự vận động tối đa. Khi bị đứt, người bệnh bị hạn chế vận động vùng vai. Các triệu chứng gồm có: đau từ vùng vai lên cổ và lan ra mặt ngoài xương cánh tay. Chính vì vậy rất dễ chẩn đoán nhầm thoát vị đĩa đệm cột sống cổ, nhất là đối với bệnh nhân 72 tuổi thường có thoái hóa cột sống cổ và lồi đĩa đệm nhẹ.
Khi thăm khám, bệnh nhân khai đau từ vai lan lên cổ nhưng không bao giờ quá vùng cổ và chỉ tới mặt ngoài cánh tay, không xuống ngón tay. Nguyên nhân là do người bệnh không bị chèn ép rễ thần kinh nên chỉ lan xuống cánh tay. Thứ hai là người bệnh thường đau về đêm bởi thói quen nằm nghiêng về bên vai bị đau, trời càng lạnh thì càng đau.
94% bệnh nhân bị rách gân chóp xoay là do thoái hóa và không thể tự lành. Thường thì sau 2 năm, lỗ rách to hơn và việc mổ sẽ khó hơn, khả năng lành sẽ kém hơn. Trong điều trị rách gân chóp xoay thường có hai phương pháp, đó là phẫu thuật mổ mở và nội soi.
Các bác sĩ tiến hành phẫu thuật qua ống kính nội soi
Tới thời điểm hiện tại, kỹ thuật mổ mở vẫn được áp dụng. Đầu tiên, các bác sĩ sẽ tiến hành làm nội soi khớp vai để đánh giá, sau đó mở một đường mổ nhỏ để quan sát trực tiếp và xử trí các tổn thương và thực hiện khâu chóp xoay. Phương pháp này cho phép nhìn thấy gân, khâu nhanh hơn, chi phí ít hơn nhưng tồn tại sẹo và không kiểm soát được trong khớp vai bệnh nhân có viêm hay không, hoặc có những tổn thương khác ở quanh khớp vai.
Với phương pháp nội soi, chúng ta sẽ đưa một camera rất nhỏ vào và đánh giá toàn bộ tổn thương trong khớp vai xem bệnh nhân có thêm vấn đề gì khác không, nếu có sẽ sửa chữa, khâu vá ngay tức thì. Sau đó dưới ống kính nội soi, bác sĩ sẽ sử dụng các dụng cụ phẫu thuật rất nhỏ để tiến hành khâu chóp xoay bám vào trong xương.
Tỉ lệ thành công của mổ nội soi (đã được nghiên cứu) là 93% từ tốt đến rất tốt, chức năng khớp vai trở về bình thường, 7% bệnh nhân ở mức độ trung bình, không có trường hợp nào tệ hơn sau khi mổ. Phương pháp mổ nội soi có ưu điểm không xâm lấn nhiều, giải quyết được toàn bộ những tổn thương ở trong khớp vai, bệnh nhân hồi phục sớm, giảm thiểu các tổn thương và thời gian nằm viện.
Bác sĩ sử dụng ống kính nội soi và các dụng cụ phẫu thuật chuyên dụng đưa vào trong khớp.
Chương trình phục hồi chức năng sau mổ rất quan trọng. Bệnh nhân sẽ được cố định vai trong vòng 2 tuần, từ khuỷu tay trở xuống hoạt động bình thường. Tùy theo độ rách của chóp xoay mà từ 2-4 tuần bệnh nhân được tập vật lý trị liệu thụ động, rồi tập chủ động một phần, sau 3 tháng người bệnh tập chủ động hoàn toàn. Tuy nhiên nếu muốn gân lành thường mất từ 6 tháng - 1 năm. Sau 1 năm gần như sẽ hết các triệu chứng và gân hồi phục. Nếu bệnh nhân còn các triệu chứng cần được tiếp tục điều trị nội khoa và sẽ được giải quyết sau đó.
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình