Hotline 24/7
08983-08983

PGS.TS.BS Nguyễn Huy Thắng nói gì về nguy cơ ĐỘT QUỴ của các tài xế?

Gần đây, liên tiếp các trường hợp tài xế xe khách bị đột quỵ, điều không may là nhiều người trong số đó không qua khỏi, để lại tiếc thương cho người thân và bạn bè. Song, những tình huống này cũng gióng lên hồi chuông báo động về căn bệnh đột quỵ luôn manh nha, đe dọa mạng sống của chúng ta.

Đột quỵ có “giờ vàng”, vì sao tài xế tử vong nhanh như vậy?

Gần nhất là trường hợp của anh B. (sinh năm 1971) - tài xế xe khách chạy tuyến thị xã La Gi, Bình Thuận - TPHCM. Sáng 2/9/2023, khi anh B. đang lái xe thì ngã gục, co giật, có dấu hiệu đột quỵ nhưng vẫn cố gượng dậy, cho xe dừng lại an toàn, không gây tai nạn cho những người khác. Sau đó, anh được đưa đi cấp cứu nhưng không qua khỏi.

Về trường hợp này, PGS.TS.BS Nguyễn Huy Thắng - Chủ tịch Hội Đột quỵ TPHCM, Phó Chủ tịch Hội Đột quỵ Việt Nam nhận định, qua video có thể thấy rõ, bệnh nhân đã đột ngột gục xuống, xuất hiện cơn co cứng, co giật nửa người trái, xoay mắt - đầu sang phải. Cơn kéo dài khoảng một phút. May mắn, bệnh nhân đã kịp dừng xe.

Chủ tịch Hội Đột quỵ TPHCM bày tỏ quan điểm: “Để chẩn đoán nguyên nhân tử vong chỉ dựa trên một đoạn clip là rất khó. Tuy nhiên, cơn co giật cục bộ nửa người trái là điểm mấu chốt, chứng tỏ bệnh nhân đã bị tổn thương nghiêm trọng bán cầu não bên phải. Khi bệnh nhân tử vong nhanh sau đó, nhiều khả năng có thể do xuất huyết não lượng lớn, gây thoát vị não. 

Với đột quỵ thiếu máu não, dù tắc động mạch lớn, để gây tử vong sẽ cần nhiều thời gian hơn. Ngoài ra, tỷ lệ gây ra cơn co giật của xuất huyết não cũng cao hơn đột quỵ thiếu máu não. Nếu đúng là xuất huyết não, 90% nguyên nhân thủ phạm là cao huyết áp”.

Hình ảnh nam tài xế bị đột quỵ được cắt từ camera hành trình trên xe ghi lại

Nguy cơ đột quỵ của các bác tài, làm sao nhận diện từ sớm?

Trường hợp tài xế bị đột quỵ không phải chuyện hiếm, khi ngành nghề này phải chịu nhiều áp lực với hành loạt thói quen xấu, từ thức khuya, thuốc lá đến việc ăn uống không điều độ. 

Trước đó, ngày 1/9, trên tuyến đường Phan Thiết đi TPHCM, anh D. (sinh năm 1974) không may tử vong nghi do đột quỵ. Ngày 7/8 vừa qua, một tài xế xe khách tuyến TPHCM đi Sóc Trăng cũng rơi vào hoàn cảnh này. Để đảm bảo an toàn cho hành khách, anh T. vẫn gắng gượng đánh lái, tấp xe vào lề. Sau đó anh được đưa đi cấp cứu nhưng không qua khỏi.  

Chia sẻ về nguy cơ đột quỵ của người trong ngành nghề này, PGS.TS.BS Nguyễn Huy Thắng cho biết, mặc dù đột quỵ có thể xảy ra với bất kỳ ai, vào bất cứ thời điểm nào trong ngày, tuy vậy, đột quỵ xảy ra với những tài xế chuyên nghiệp là điều cần quan tâm vì có thể ảnh hưởng đến sinh mạng của nhiều người (cùng trên xe, và đang giao thông trên đường).

“Một nghiên cứu được thực hiện tại Nhật Bản, cho thấy tỷ lệ đột quỵ xảy ra ngay khi lái xe là 4%. Trong số đó, 16% trường hợp, đã gây ra tai nạn giao thông sau đó. Qua trường hợp này, cần thiết phải có chế độ kiểm tra định kỳ các bệnh lý nền (như cao huyết áp, tiểu đường, tiền sử co giật…) cho những tài xế chuyên nghiệp ngoài việc kiểm tra thị lực, thính lực” - PGS.TS.BS Nguyễn Huy Thắng nêu ý kiến. 

Chủ tịch Hội Đột quỵ TPHCM cho biết thêm, hiện nay một số quốc gia có thể tạm ngưng giấy phép nếu thấy tài xế có vấn đề về sức khoẻ, cho đến khi mọi chuyện được kiểm soát ổn định. Ví dụ, sẽ không an toàn khi một tài xế thường xuyên bị chóng mặt, hoặc có mức huyết áp cao hoặc rất cao khi mỗi lần đi khám. Đặc biệt là khi bác tài phải thường xuyên lái xe vào ban đêm.

Theo các chuyên gia y tế, khi gặp người có dấu hiệu bị đột quỵ, những người xung quanh cần thực hiện ngay các động tác sơ cứu sau:

- Điều đầu tiên và cũng quan trọng nhất đó là gọi cấp cứu 115.

- Cần nhanh chóng kiểm tra xem người bệnh còn đang thở hay không. Nếu không thấy nhịp thở, hãy thực hiện hô hấp nhân tạo.

- Nếu người bệnh cảm thấy khó thở, hãy nới lỏng quần áo, phụ kiện bó sát như cà vạt, khăn cổ, thắt lưng.

- Nếu bệnh nhân ngừng tim, thực hiện xoa bóp tim ngoài lồng ngực. Dùng khăn tay quấn vào ngón tay trỏ để lấy sạch đờm, dãi trong miệng người bệnh.

- Tháo răng giả cho bệnh nhân (nếu có) tránh bị hóc, sặc. Tuyệt đối không đưa bất cứ gì vật gì vào miệng người bệnh.

- Bình tĩnh khuyên nhủ và trấn an người bệnh. Đắp chăn giữ ấm cơ thể người bệnh.

- Nếu người bệnh có biểu hiện yếu ở tay chân, cần nhờ nhiều người hỗ trợ di chuyển người bệnh. Quan sát để nhận ra bất kỳ sự thay đổi nào ở người bệnh.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X