Nuôi, cấy ghép âm đạo cho bệnh nhân không âm đạo
Các nhà khoa học Mỹ tại Trung tâm Y tế Wake Forest Baptist đã nuôi âm đạo trong phòng thí nghiệm bằng chính tế bào của bệnh nhân rồi cấy ghép thành công cho 4 phụ nữ không âm đạo.
Phương pháp này được áp dụng cho bệnh nhân bị hội chứng Mayer-Rokitansky-Küster-Hauser (MRKH) - bệnh nhân bẩm sinh không có âm đạo hoặc âm đạo không phát triển khiến họ thường gặp khó khăn trong đời sống tình dục, không có kinh nguyệt và thường không sinh sản bình thường.
Trong nghiên cứu được công bố trên tạp chí Lancet, chuyên gia niệu-nhi Anthony Atala và cộng sự nêu chi tiết quá trình họ nuôi cấy âm đạo trong phòng thí nghiệm. Họ lấy một mảnh mô từ một cơ quan thô của bệnh nhân, có kích thước nhỏ hơn con tem thư.
Các tế bào của bệnh nhân được nuôi dưỡng tại phòng thí nghiệm trong 4 tuần, ở đó, được xếp lớp và tạo hình khuôn giống như hình dạng âm đạo phù hợp với từng bệnh nhân.
Sau đó, cơ cấu sinh học này được đưa vào lồng ấp có điều kiện phù hợp với cơ thể sống của con người, để nó trưởng thành trong định hướng đưa vào cơ thể bệnh nhân trong tương lai.
Bệnh nhân có độ tuổi từ 13 đến 18, bị MRKH nặng được giải phẫu để đặt âm đạo đã được nuôi cấy trong phòng thí nghiệm và sau đó được theo dõi trong vòng 8 năm để phát hiện khả năng biến chứng và kiểm tra chức năng của bộ phận được cấy ghép.
Các xét nghiệm hình ảnh X-quang và mẫu mô cho thấy không có phản ứng phụ và chức năng âm đạo có thể được phục hồi bình thường. Vì mô cấy ghép được lấy từ chính bệnh nhân nên không cần sử dụng thuốc chống đào thải.
Nhóm nghiên cứu đang xúc tiến những thử nghiệm với quy mô rộng hơn.
Theo Người lao động
Bài viết có hữu ích với bạn?
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình