Hotline 24/7
08983-08983

Những xét nghiệm cần thiết trong thai kỳ

Ngoài việc khám thai định kì thì việc làm các xét nghiệm cũng cần thiết để theo dõi tình hình sức khoẻ của mẹ và sự phát triển của thai nhi.

Các bước xét nghiệm

Có rất nhiều loại kiểm tra, tuy nhiên kiểm tra tiền sản được chia ra làm 2 loại chính: xét nghiệm tầm soát và xét nghiệm chuẩn đoán. Các xét nghiệm tầm soát chỉ cho thấy khả năng mắc bệnh của thai nhi còn xét nghiệm chuẩn đoán để khẳng định kết quả.

Xét nghiệm tầm soát

Loại này chia làm ba loại đó là:

Siêu âm xuyên gáy: Bằng cách siêu âm tập trung vào gáy của thai nhi, bác sĩ có thể chỉ ra những nguy cơ bất thường nhiễm sắc thể ở thai nhi (hội chứng Down, tim bẩm sinh…). Siêu âm xuyên gáy có thể được thực hiện từ rất sớm khi thai nhi được 11 – 14 tuần tuổi.

Xét nghiệm HCG (hóc môn gonadotropin màng đệm): Xét nghiệm này tiến hành kiểm tra mẫu máu của mẹ để phát hiện lượng HCG. Nếu lượng HCG quá cao thì thai phụ có thể đa thai (thai đôi, thai ba). Xét nghiệm này được tiến hành khi thai nhi được khoảng 15 – 16 tuần tuổi. Ngoài ra xét nghiệm HCG cũng góp phần kiểm tra dị tật của thai nhi. Nếu có nguy cơ cao, thai phụ sẽ phải làm tiếp xét nghiệm chọc dò ối để khẳng định kết quả.

Xét nghiệm AFP: Đây là xét nghiệm máu khi thai nhi được 15 – 16 tuần tuổi nhằm định lượng mức alphafetoprotein sẽ do chính thai nhi sinh ra nhưng nó được hòa lẫn vào máu mẹ. Chính vì thế xét nghiệm máu mẹ có thể kiểm tra được lượng AF do thai nhi sản xuất ra. Xét nghiệm này có thể chỉ điểm cho các nguy cơ khiếm khuyết ống thần kinh, thai không đầu (thiếu não) hay nguy cơ bệnh Down.
 

Xét nghiệm chuẩn đoán

Loại xét nghiệm này cũng bao gồm 4 loại:

- Siêu âm màu: Siêu âm này được thực hiện khi thai nhi có vẻ còn nhỏ so với tuổi thai hay thai chậm phát triển. Siêu âm này cũng góp phần phát hiện các dị tật của thai nhi như bệnh Down, tim bẩm sinh, bất thường ống thần kinh…

- Chọc dò ối: Vào khoảng tuần thứ 18, một mẫu nước ối trong tử cung thai phụ sẽ được lấy ra để làm xét nghiệm nhằm phát hiện hội chứng Down (kết hợp với siêu âm để khẳng định 60% nguy cơ Down ở thai nhi).Với các thai phụ từ 35 tuổi trở lên, nguy cơ sinh con bị rối loạn về gen hoặc nhiễm sắc thể là rất cao. Vì vậy, xét nghiệm này được khuyến cáo các thai phụ (đặc biệt là từ 35 – 40 tuổi) tham gia.

- Lấy mẫu màng nhau (CVS): Xét nghiệm tiến hành khi thai nhi được khoảng 11 – 13 tuần tuổi. Xét nghiệm này tương tự như chọc dò ối, cùng để tìm ra các khiếm khuyết nhiễm sắc thể ở thai nhi. Tuy nhiên, xét nghiệm này thường không được áp dụng mấy dù có ưu điểm là cho kết quả sớm trong vòng 1 tuần. Thông thường, nếu thai phụ ít dịch ối thì có thể làm xét nghiệm này. Tỷ lệ sảy thai do xét nghiệm này là khoảng 1%.

- Chọc dò cuống rốn: Xét nghiệm này phân tích mẫu máu của thai nhi thông qua đường dây rốn, dùng để đánh giá lượng oxygen thấp trong máu thai hoặc thai nhi bị thiếu máu. Xét nghiệm này cũng góp phần xác định xem liệu hệ miễn dịch của mẹ có phản ứng một cách bất lợi cho thai nhi hay không. Nếu thai nhi bị nhiễm sởi, nhiễm toxoplasma hay bệnh mụn rộp thì xét nghiệm này cũng phát hiện được.
 
Các loại xét nghiệm

1. Siêu âm để biết tình trạng thai:

Người mẹ có thể siêu âm 3 lần (cách nhau 3 tháng) và 1 lần khi sắp đến ngày sinh. Lần đầu vào tuần 10 -12 nhằm khảo sát tuổi thai, xác định thai có phát triển bình thường hay không. Lần thứ hai vào tuần 20 - 25 tuần nhằm khảo sát hình dạng của thai. Lần thứ ba vào tuần 30 - 33 nhằm đánh giá mức độ sức khỏe và phát hiện những bất thường của thai.Tuy nhiên chỉ nên siêu âm không quá ba lần trong suốt thời kì mang thai.

2. Xét nghiệm máu:

Thông qua xét nghiệm máu thai phụ có thể kiểm tra xem mình có thể nhiễm viruốnởi, chức năng gan, viruts viêm gan và HIV hay không. Ngoài ra xét nghiệm xác định nhóm máu phòng khi gặp tình trạng cấp cứu kịp thời có nhóm máu thích hợp để truyền. Mặt khác, khi xét nghiệm sẽ biết thai phụ có thiếu máu không. Nếu huyết sắc tố biểu hiện của bệnh thiếu máu từ đó thai phụ có thể khắc phục bằng cách ăn uống hoặc dùng thuốc.

3. Xét nghiệm huyết trắng:

Người mẹ bị viêm nhiễm đường sinh dục sẽ dẫn tới sảy thai, sinh non, vỡ ối sớm... Biểu hiện đầu dễ nhận biết là huyết trắng. Xét nghiệm huyết trắng để biết rõ bị bệnh gì, chọn cách điều trị thích hợp để không lây bệnh cho trẻ sơ sinh.

4. Xét nghiệm nước ối:

Bác sĩ xét nghiệm nước ối để xác định nhiễm trùng bào thai, xác định thai bất thường về nhiễm sắc thể. Nhiễm trùng bào thai hay thai bất thường nhiễm sắc thể sẽ gây sảy thai, thai chết lưu, sinh non, dị tật thai. Đây là thủ thuật khá khó: Dùng kim dài chọc thành bụng vào buồng tử cung lấy ra khoảng 7-8ml nước ối nhưng không được đụng chạm đến thai nhi. Làm thủ thuật này có thể dẫn đến sảy thai hay sinh non nhưng mức độ rủi ro chỉ chiếm dưới 1%.

5. Xét nghiệm đường trong nước tiểu:

Mỗi lần khám thai đều phải làm xét nghiệm nước tiểu tốt nhất là lấy nước tiểu giữa quãng để tránh kết quả dương tính giả albumin trong nước tiểu nếu như lấy nước tiểu lúc đầu hoặc lúc cuối. Nếu trong nước tiểu xuất hiện albumin có khả năng bị nhiễm trùng đường tiết niệu hoặc mắc hội chứng huyết áp cao khi mang thai. Nếu xét nghiệm đường trong nước tiểu dương tính thai phụ có khá năng mắc bệnh tiểu đường. Khi thai phụ bị bệnh này thì thai nhi có nguy cơ bị một trong những dị tật: khiếm khuyết ống thần kinh, nứt đốt sống, dị tật về tim thận, thai sẽ lớn (hơn 4,2kg) gây đẻ khó, trẻ sinh ra sẽ bị suy hô hấp và viêm phế quản.

6. Xét nghiệm tìm các bệnh truyền nhiễm:

- Virus gây viêm gan B (và các virus gây viêm gan khác) sẽ lây cho bé sau sinh. Nếu bị viêm, gan sẽ không làm tốt chức năng, dẫn tới thai phụ có thể bị một số bệnh lý khác ảnh hưởng xấu đến thai.

- Lậu, giang mai: Thai phụ nên làm xét nghiệm loại này vì sức khoẻ của thai nhi. Nếu làm lây bệnh cho trẻ, trẻ sơ sinh bị nhiễm lậu ở mắt sẽ có thể dẫn đến mù. Nếu xét nghiệm có lậu và giang mai cần chủ động chữa sớm bằng kháng sinh, tránh rủi ro cho trẻ.

- HIV: Nếu mẹ bị nhiễm HIV thì có khoảng 30% trẻ sinh ra bị nhiễm. Nếu xét nghiệm thấy nhiễm HIV thì sẽ có một chế độ chăm sóc đặc biệt hạn chế việc lây lan cho trẻ và những người khác. Khi có kế hoạch sinh con tốt nhất nên làm các xét nghiệm trên, nếu bị nhiễm cần chữa sớm, tốt hơn là để đến khi có thai. Nhưng nếu chưa làm trước, khi có thai nên làm sớm để có cách giải quyết thích hợp.

- Xét nghiệm xem thai có bị bệnh Down hay không: Bệnh Down là tình trạng bất thường nhiễm sắc thể. Biểu hiện là chậm phát triển về mặt tâm thần, có các bất thường ở các cơ quan khác và chưa có cách chữa.

Những xét nghiệm trên có thể làm tại tuyến y tế xã, đa số có thể làm ở bệnh viện huyện, tỉnh, chỉ một số ít (như xét nghiệm tìm bệnh Down) phải làm ở tuyến cao hơn. Ngoài siêu âm và xét nghiệm thông thường các thai phụ nên làm xét nghiệm sàng lọc mang tên Triple test. Xét nghiệm này giúp dự đoán nguy cơ dị dạng nhiễm sắc thể của thai. Nếu kết quả dưới 1/125 thì có thể yên tâm là em bé hoàn toàn bình thường. Xét nghiệm này chính xác đến 95,5%, tuy nhiên cũng chỉ có giá trị khi được thực hiện vào tuần thai 14-17. Chi phí cho một lần làm Triple test thường khoảng 250.000 đồng.

Việc siêu âm cũng như thực hiện các xét nghiệm trong quá trình mang thai giúp phát hiện sớm các vấn đề đối với thai. Số lần nên siêu âm không quá 3 lần và được coi là bắt buộc đối với các thai phụ để xác định thai có bình thường hay không. Có loại chỉ cần xét nghiệm một lần và có loại cần phải xét nghiệm thường xuyên.
 
Theo Báo Gia đình & Xã hội Online  

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X