Hotline 24/7
08983-08983

Những nguyên tắc trong chế độ ăn của người bệnh đái tháo đường type 2

Đối với bệnh lý đái tháo đường, chế độ ăn là vấn đề quan trọng nhất, chủ chốt nhất trong quá trình điều trị và kiểm soát bệnh. BS.CK1 Đoàn Minh Yên Hà - Chuyên khoa Nội tiết, Phòng khám Đa khoa Ngọc Minh đã có những hướng dẫn cụ thể hơn về chế độ ăn hợp lý cho người tiểu đường type 2 để kiểm soát tốt lượng đường trong máu.

Ăn đúng bữa, đúng giờ

Lời khuyên của BS.CK1 Đoàn Minh Yên Hà là người bệnh đái tháo đường type 2 chỉ nên ăn đúng 3 bữa chính trong ngày (sáng, trưa, chiều) và phải ăn đúng giờ, đặc biệt là những người đang dùng insulin.

Không bỏ bữa, không ăn ít đi ở những bữa chính nhưng cũng không ăn quá nhiều, tốt nhất là ăn vừa đủ với nhu cầu của cơ thể. Hạn chế ăn vặt hoặc các bữa phụ.

Loại thực phẩm cần hạn chế là nhóm chất đường bột (có trong cơm, cháo, phở, khoai, bún, mì, bắp, bánh mì, hủ tiếu, trái cây, bánh kẹo, nước ngọt, ….). Tuy nhiên, đây là nhóm thực phẩm cung cấp năng lượng chính cho cơ thể nên chỉ hạn chế ăn chứ không thể cắt bỏ hoàn toàn khỏi khẩu phần ăn.

Đồng thời, tăng cường ăn các thực phẩm giàu chất xơ, chất béo tốt, hạn chế muối và các thực phẩm có chất béo xấu.

Cân bằng tỷ lệ 3 nhóm thực phẩm chính trong mỗi bữa ăn

BS.CK1 Đoàn Minh Yên Hà chỉ ra 3 nhóm thực phẩm chính cung cấp năng lượng cho cơ thể là carbohydrate (glucid), lipid và protein.

Nhóm chất đường bột (glucid) chiếm 50 - 60% tổng năng lượng hàng ngày. Trung bình trong một bữa ăn chính, người bệnh có thể ăn 1 - 1,5 chén cơm lưng. Có thể thay cơm bằng các thực phẩm có lượng bột đường tương đương, nhưng ưu tiên các thực phẩm có chỉ số đường huyết thấp.

Tương đương với một chén cơm lưng là 1 ổ bánh mì 60g/ 1,5 chén bún/ 1 củ khoai lang 150g/ 1 trái bắp 110g. Các loại thực phẩm có chỉ số đường huyết thấp là khoai lang, cơm gạo lứt, bắp ngọt,…

Nhóm chất đạm (protid) chiếm 15-20% tổng năng lượng hàng ngày hoặc 1g/kg/ngày. Trung bình một người 50kg, hoạt động nhẹ cần 50 - 60g protid/ngày. Khi người bệnh đã có biến chứng suy thận, cần giảm lượng protid xuống còn 0.6 - 0.8g/kg/ngày (bằng 50 - 80% lượng đạm của người không suy thận).

Ví dụ, một người 50kg sẽ cần 60g đạm/ngày chia làm 3 bữa, phần thực phẩm tương đương 20g đạm trong một bữa ăn bao gồm: 100g thịt heo nạc/ 100g thịt bò nạc/ 80g thịt gà nạc/ 180 g cá lóc/ 160 g cá thu/ 180 g đậu hũ/ 2 quả trứng gà (65g)/ 2quả trứng vịt (70g).

Nhóm chất béo (lipid) chiếm 15 - 20% tổng năng lượng hàng ngày hoặc 1g/kg/ngày. Nên ăn các loại chất béo chưa bão hòa như omega 9 (có trong dầu oliu, các loại hạt), omega 3 (có nhiều trong cá béo, dầu cải,..) và hạn chế các chất béo xấu có trong bơ, mỡ động vật, dầu cọ, dầu dừa…

Cần bổ sung 20 - 25g chất xơ/ngày, tương đương 300g rau xanh, 200g trái cây. Nên dùng trái cây với lượng vừa phải. Tổng lượng trái cây trong ngày ăn được bằng khoảng 1 nắm tay của người bệnh. BS.CK1 Đoàn Minh Yên Hà lưu ý người bị đái tháo đường type 2 không dùng trái cây ép lấy nước uống, vì làm mất lượng chất xơ có trong trái cây, khiến đường huyết có thể tăng cao.

Nhóm đường bột chiếm ¼ dĩa thức ăn, nhóm đạm chiếm ¼ dĩa thức ăn, rau các loại chiếm ½ dĩa thức ăn.

Bệnh nhân đái tháo đường type 2 cần kiêng đồ ngọt

BS.CK1 Đoàn Minh Yên Hà khuyên bệnh nhân đái tháo đường type 2 không nên ăn các loại bánh kẹo, nước ngọt, nước mía, kem,…

Người bệnh nên tập thói quen đọc nhãn thành phần dinh dưỡng trước khi ăn các loại thực phẩm chế biến sẵn để tính lượng carbohydrate nạp vào.

Ngoài ra, các thực phẩm chứa chất béo no như nội tạng động vật, da, mỡ động vật cũng nên hạn chế để tránh gây tăng mỡ xấu làm tăng quá trình xơ vữa động mạch.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X