Hotline 24/7
08983-08983

Nhổ răng khi mang thai và cho con bú có nguy hiểm?

Phụ nữ mang thai và đang cho con bú không được khuyến khích nhổ răng, vì dễ ảnh hưởng đến dây thần kinh, sức khỏe của cả mẹ và con.

1. Sâu răng khi đang mang thai, cho con bú: Nên nhổ vào thời điểm nào?

Thời gian vừa qua, AloBacsi đã nhận được khá nhiều email của bạn đọc gửi thắc mắc về các câu hỏi liên quan tới Nha khoa, trong đó vấn đề nhổ răng khi mang thai và cho con bú là nổi bật nhất.

Sau đây là phần tư vấn của BS Nguyễn Thị Thảo Uyên - chuyên gia tư vấn Nha khoa của AloBacsi:

BS Nguyễn Thị Thảo Uyên

Nguyễn Thị Anh Vân - Nguyenanh…@gmail.com

Cho em hỏi, em đang mang bầu 34 tuần, nhưng chân răng số 28 còn sâu nên bị sưng. Em muốn nhổ được không bác sĩ, hay làm thế nào để hết sưng đau ạ? Chân thành cảm ơn.

BS Nguyễn Thị Thảo Uyên trả lời:

Chào bạn,

Bạn đang mang thai tuần thứ 34, đây là thời gian nhạy cảm trong ba tháng cuối cùng thai kỳ, vấn đề quan tâm khi can thiệp nha khoa lúc này là phòng tránh những tổn thương ảnh hưởng đến sự phát triển của bào thai, trong đó hai lĩnh vực được chú trọng là chụp X-quang và sử dụng thuốc.

Chính vì vậy, bạn đến gặp bác sĩ khám kiểm tra cụ thể, nếu được thì hoãn can thiệp nha khoa cho tới sau sinh. Còn trong trường hợp cấp thiết thì phải chụp phim có sử dụng áo chì và tránh các thuốc có nguy cơ gây hại cho bào thai.

Trong ba tháng cuối, bác sĩ phải đề phòng sự sinh sớm nên tránh can thiệp nhổ răng, thuốc không chỉ ảnh hưởng đến sinh sớm mà còn ảnh hưởng đến sự hình thành tạo sữa mẹ.

Thân mến.

Trần Thị Thanh - Kimthanh…@gmail.com

Chào bác sĩ! Tôi là Thanh, hiện đang bị sâu răng cùng, mọc lệch, tôi muốn nhổ nhưng lại đang nuôi con nhỏ 4 tháng. Vậy tôi phải làm sao hay có thuốc gì giảm đau không ạ? Xin cảm ơn.

mang thai không nên nhổ răngBà bầu không nên nhổ răng trong lúc mang thai dễ ảnh hưởng tới sức khỏe và thai nhi

BS Nguyễn Thị Thảo Uyên trả lời:

Chào bạn,

Răng trong cùng sâu đau nhức kèm mọc lệch thì tốt nhất nên nhổ bỏ. Bạn đang nuôi bé 4 tháng thì vẫn có thể chụp phim và nhổ răng được. Tốt nhất bạn nên đến gặp bác sĩ sớm, không nên tự điều trị hay mua thuốc bên ngoài dễ gây ảnh hưởng qua sữa nhé.

Thân mến!

Ngoài ra vấn đề nhổ răng khi đang mang thai và cho con bú, BS Nguyễn Thị Thảo Uyên còn tư vấn rất nhiều thắc mắc khác. Mời bạn đọc cùng theo dõi!

2. Răng bị vỡ có tự hồi phục?

Nguyễn Quang Minh - quangminh…@gmail.com

Xin chào bác sĩ! Hôm trước do không may va vào vật cứng nên răng em bị vỡ 1 mảnh khá nhỏ, nhưng khi chạm vào thì hơi nhức. Cho em hỏi, răng bị như thế có tự lành lại được không? Nếu không thì em phải làm sao, thưa bác sĩ?

BS Nguyễn Thị Thảo Uyên trả lời:

Chào bạn,

Trường hợp răng mẻ nhỏ, không đau nhức, ăn uống bình thường thì có thể chỉ cần trám phục hồi lại để đảm bảo thẩm mỹ là xong.

Tuy nhiên, trường hợp răng mẻ gây ê buốt đau nhức khi ăn nhai thì có thể do mẻ sát tuỷ, tuỷ bị kích thích. Bạn nên chụp phim kiểm tra, cần thiết thì phải lấy tuỷ, sau đó bọc răng lại nhé.

Thân mến.

3. Chân răng sưng và có mủ, điều trị như thế nào?

Nguyen Ai - Nguyenai2…@gmail.com

Bác sĩ ơi, chân răng mình cứ 2 tuần lại bị sưng mủ, rồi vài tuần lại bị chỗ khác. Xin bác sĩ tư vấn mình bị gì và điều trị bằng cách nào? Hiện tại mình đang làm ở Châu Phi. Xin cảm ơn.

BS Nguyễn Thị Thảo Uyên trả lời:

Chào bạn,

Sưng răng mưng mủ tái đi tái lại có thể là một nhiễm trùng từ chóp chân răng hoặc từ mô nha chu.

Nếu từ chóp răng thì thường xuất hiện ở răng sâu lớn, răng có miếng trám lớn, răng bọc sứ hoặc răng từng bị chấn thương, dẫn tới chết tuỷ. Tuỷ hoại tử sẽ đưa vi khuẩn xâm lấn vùng chóp chân răng gây xì mủ ra ngoài nướu tạo lỗ dò abcess.

Khi đó cần khám đánh giá sang thương, nếu răng có khả năng giữ lại thì bắt buộc phải điều trị tuỷ còn không thì nhổ bỏ, nạo ổ nhiễm trùng thì chỗ sưng mới hết hoàn toàn.

răng bị sưng nướuSưng nướu răng có thể do nhiễm trùng hoặc viêm nha chu

Trường hợp abcess nha chu thì phải cạo vôi xử lý mặt gốc răng, nặng hơn có thể cần nhổ. Abcess chỉ xuất hiện tại một vị trí, không lây.

Tuy nhiên theo mô tả của bạn “cứ vài tuần lại bị chỗ khác” thì có thể do trùng hợp có nhiều răng bị abcess hoặc đơn thuần bạn chỉ bị loét miệng thông thường, vết loét lớn có thể sưng đỏ nhưng không chảy mủ, lành thương từ 7-10 ngày không cần điều trị, chú trọng tăng cường sức đề kháng và vệ sinh răng miệng, súc miệng nước muối ấm pha loãng.

Tốt nhất bạn nên tìm gặp bác sĩ Nha khoa để khám và điều trị chính xác, bạn nhé!

Thân mến.

Huỳnh Thị Thu Tâm - huynhtam…@gmail.com

Em vừa điều trị tủy răng và bọc răng sứ kim loại, nhưng sau khi điều trị vẫn bị ê buốt. Bác sĩ nói rằng do có một phần tủy không thể lấy được và một thời gian sau tủy sẽ tự héo khô nên sẽ không còn tình trạng đau nhức nữa.

Tuy nhiên, đã 5 tháng rồi mà em vẫn còn bị ê buốt và đau nhức. AloBacsi cho em hỏi tủy có tự khô héo được không ạ? Và em có cần phải đi bỏ bọc sứ để điều trị tủy lại không?

BS Nguyễn Thị Thảo Uyên trả lời:

Chào bạn,

Trường hợp của bạn tốt nhất nên chữa tủy lại. Khi răng đã chữa tủy, còn sót, sau một thời gian sẽ chết, hoại tử, gây nhiễm trùng, tăng  đau nhức. Lâu ngày có thể dẫn tới abcess, tiêu xương.

Khi chữa tủy lại có thể chữa qua mão, không cần cắt bỏ sứ, trừ trường hợp khó thì phải tháo bỏ mão.

Thân mến.

4. Nuốt phải miếng trám răng, có ảnh hưởng sức khỏe?

Phụng - dokimphung…@gmail.com

Thưa bác sĩ! Em đã lấy tủy xong và cũng đã trám, nhưng sau khoảng mấy tháng, miếng trám bị bong ra, em ăn cơm và lỡ nuốt phải thì có bị sao không bác sĩ? Em cảm ơn rất nhiều.

BS Nguyễn Thị Thảo Uyên trả lời:

Chào bạn,

Vật liệu trám răng thường có tính tương hợp sinh học tốt, không ảnh hưởng đến sức khỏe nên khi nuốt phải, khả năng gây độc cơ thể rất thấp, bên cạnh đó miếng trám nhỏ, ít gây vướng, thường sẽ theo đường ruột và đào thải ra ngoài.

Tuy nhiên nếu bạn thấy đau bụng nhiều, khó chịu thì vẫn nên khám kiểm tra cho an tâm nha.

Thân mến.

Dương Khắc Long - Oxthay…@gmail.com

Em vừa bị ngã xe tối qua, môi bị dập, gãy 2 răng (trong đó có một răng cửa chưa gãy hẳn, chỉ nứt ngang gần sát chân răng). Hiện giờ môi em sưng to, em mua thuốc tây uống và lau vết thương bằng nước muối loãng.

Xin nhờ bác sĩ tư vấn em nên làm gì tiếp theo và khi nào em mới đi làm răng lại được ạ? Cảm ơn lời khuyên của bác sĩ.

BS Nguyễn Thị Thảo Uyên trả lời:

Chào bạn,

Té chấn thương tốt nhất bạn vẫn nên đến bệnh viện chụp phim kiểm tra, tránh các nứt gãy xương bên trong và được hướng dẫn chăm sóc vết thương đúng cách, rửa bằng nước muối sinh lý thay cho nước muối tự pha.

Về phần hai răng gãy thì còn tuỳ thuộc mức độ mà chúng ta có cách điều trị khác nhau. Trước tiên bạn cần đợi vết thương môi lành tương đối sau đó chụp phim kiểm tra hai răng gãy, nếu răng gãy trên nướu hay ngang nướu, chân còn tốt thì bạn có thể chữa tuỷ giữ lại sau đó làm phục hình.

Trong trường hợp gãy sâu, tét thì phải nhổ bỏ, đợi lành thương và trồng răng mới.

Thân mến.

5. Giá làm máng nhai trên 10 triệu đồng là đắt hay rẻ?

Hoàng Văn Long - hoanglong…@gmail.com

Chào bác sĩ, em có đi khám Nha khoa được chẩn đoán là bệnh về khớp quai hàm. Sau đó được bác sĩ đưa ra lộ trình điều trị với chi phí lên tới 14 triệu đồng.

Trong đó có máng nhai định vị cầu lồi là 10 triệu, với chi phí đó có đúng với trình trạng điều trị bệnh về khớp thái dương hàm không bác sĩ? Chi phí quá lớn nên em khá đắn đo, xin bác sĩ tư vấn giúp em.

Chỉnh ra nhà một trong những phương pháp giúp điều trị khớp thai dương hàm

BS Nguyễn Thị Thảo Uyên trả lời:

Chào bạn,

Điều trị bệnh về khớp thái dương hàm có hai phương pháp:

Không phẫu thuật: điều chỉnh khớp cắn, nắn khớp, chỉnh nha, phục hồi răng mất, làm máng nhai, dùng thuốc giảm đau, giãn cơ, an thần, vật lý trị liệu...

Phẫu thuật: trong trường hợp nặng, tổn thương không hồi phục.

Máng nhai là một khí cụ bằng nhựa có tác dụng phục hồi khớp cắn chức năng, thư giãn cơ nhai, bảo vệ răng đối với bệnh nhân nghiến răng. Máng thường mang vào ban đêm trong lúc ngủ từ 3-6 tháng, một số trường hợp được chỉ định mang liên 24/24 trong những ngày đầu tiên.

Chi phí làm máng nhai ở mỗi nơi điều trị khác nhau. Bạn có thể đến khám tư vấn thêm tại các bệnh viện chuyên khoa răng hàm mặt hoặc trường đại học Y Dược TPHCM để có thêm thông tin cũng như chi phí phù hợp.

Thân mến.

Anh Vo Thi Kim - anhvoc3…@gmail.com

Kính chào bác sĩ! Tôi đã trám 2 răng cửa bị sâu, bây giờ muốn làm lại, trồng thêm răng, lấy vôi và tẩy trắng răng. Nhờ bác sĩ tư vấn tôi nên làm thế nào, thời gian lâu không? Cảm ơn bác sĩ.

BS Nguyễn Thị Thảo Uyên trả lời:

Chào bạn,

Trường hợp của bạn cần phải khám kiểm tra lâm sàng trực tiếp mới có thể lên được kế hoạch điều trị toàn diện.

Thông thường cạo vôi răng sẽ là thủ thuật đầu tiên thực hiện để tạo một môi trường miệng sạch sẽ sau đó bạn tẩy trắng răng rồi từ đó chọn màu răng tương ứng để trồng răng mới và trám thẩm mỹ răng cửa cho phù hợp. Tránh trường hợp trám xong  mới tẩy trắng thì màu miếng trám và răng sẽ khác nhau.

Thân mến.

Phùng Việt Anh - vietanh…@gmail.com

Bác sĩ ơi, em bị viêm nướu ở hàm trên phía trong, khoảng 2 tháng trước em có đi chữa trị khỏi được một tuần nhưng sau đó cục nướu nhỏ ở phía trong hàm vẫn không thấy lành.

Em sờ vào không thấy đau, thỉnh thoảng nhổ nước bọt lại có tí máu. Em cũng hay súc miệng bằng nước muối nhưng không bớt, mong bác sĩ giúp em với ạ.

BS Nguyễn Thị Thảo Uyên trả lời:

Chào bạn,

Viêm nướu thông thường do vôi răng nhiều, gây chảy máu nướu  thì chỉ cần cạo vôi sạch là tình trạng sẽ thuyên giảm. Tuy nhiên khi nướu sưng triển dưỡng lớn hay abcess, có túi nha chu sâu tiêu xương thì bắt buộc bạn phải điều trị chuyên sâu sau khi cạo vôi như nạo túi, nạo ổ abcess, cắt nướu....

Theo như bạn mô tả thì răng bạn có một cục nướu nhỏ phía trong có thể là nướu triển dưỡng hoặc một abcess..., sau khi đã điều trị không thấy lành thương thì tốt nhất bạn nên đến bệnh viện chuyên khoa răng hàm mặt để khám và điều trị.

Thân mến.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X