Nhiều trẻ viêm phổi vì trời rét đậm
Mấy ngày miền Bắc chuyển lạnh đột ngột, số trẻ bị viêm phổi vào khoa Nhi, BV Bạch Mai tăng lên gấp đôi so với trước, số đến khám cũng tăng gấp rưỡi.
Phó giáo sư Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) cho biết, mấy hôm nay gió mùa đông bắc về, trời trở lạnh khiến trẻ, đặc biệt là trẻ nhỏ vốn dĩ sứcđề kháng đã kém giờ lại chống đỡ với thay đổi thời tiết rất đột ngột như thế này rất dễ bị ốm. Chỉ tính số trẻ bị viêm phổi nằm viện đã thấy tăng lên rõ rệt, chưa kể số nhẹ cho về điều trị ở nhà.
Ngoài viêm phổi, nhiều bé lên cơn hen cấp hoặc mắc các bệnh đường hô hấp khác. Đặc biệt ở trẻ nhỏ là viêm tiểu phế quản, trẻ lớn hơn là viêm mũi, đường hô hấp trên do virus.
Thời tiết chuyển lạnh đột ngột khiến nhiều trẻ bị viêm phổi, viêm tiểu phế quản, viêm mũi... Ảnh: D.N. |
Bên cạnh đó, số trẻ bị tiêu chảy do rotavirus cũng tăng lên đáng kể trong mấy ngày gần đây. Lý do là vì thời tiết thay đổi ngột làm tăng sự lây lan virus này ở các trường học, nhà trẻ, thậm chí là trong hộ gia đình.
"Đây là những bệnh thông thường trẻ mắc quanh năm, nhưng do thời tiết thay đổi nên số mắc tăng cao khiến khoa quá tải. Riêng tối qua đã có 100 trẻ đến khám, ngày thường cũng khoảng 300", phó giáo sư Dũng nói.
Một số cha mẹ thường chỉ nghĩ con bị bệnh khi có dấu hiệu sốt và ho. Tuy nhiên, điều này chỉ đúng với trẻ lớn, còn với trẻ dưới 6 tháng tuổi thì có những dấu hiệu khác. Có những trẻ không bị sốt hay ho nhiều nhưng đã bị biến chứng viêm phổi rất nặng, phó giáo sư Dũng cho biết.
Vì thế, với trẻ nhỏ có 3 dấu hiệu quan trọng cha mẹ cần chú ý là: việc bú, ngủ và cách thở của bé. Nếu thấy bé bú ít hơn ngày thường, khóc khi bú hoặc quan sát thấy trẻ thở nhanh, đầu gật gù hoặc nhìn thấy rõ hai cánh mũi phập phồng, thì cha mẹ cần đưa con đi khám sớm vì có thể bệnh đã diễn biến nặng. Ngay cả khi trẻ ngủ nhiều hơn bình thường thì cũng có thể do bị bệnh.
Bên cạnh đó, tuyệt đối không được tự ý mua thuốc cho con uống, đặc biệt là kháng sinh, bệnh không khỏi, thậm chí nặng hơn. Diễn biến của bệnh tùy thuộc vào nguồn bệnh, cơ địa của trẻ. Thực tế có trẻ mới ốm 1-2 ngày bệnh đã chuyển nặng, có trẻ cơ địa tốt thì chống đỡ tốt hơn.
Theo Phó giáo sư Dũng, với trẻ nhỏ đặc biệt là trẻ dưới 5 tuổi khi bị ốm nếu có thể thì cha mẹ nên ở nhà trông con. Nếu phải đi làm giao con cho người giúp việc thì phải thường xuyên gọi điện hỏi han về, chứ không đi từ sáng đến tối, đi làm về nghe người giúp việc nói ho nhiều lắm, sốt cao quá cuống cuồng lên cho đi khám. Khi đi khám cũng chỉ nói được triệu chứng bệnh, chứ không miêu tả được quá trình diễn biến bệnh: ăn uống, chơi, ngủ như thế nào... Đây là những điều cực kỳ quan trọng vì giúp bác sĩ quyết định trường hợp bệnh này nặng hay nhẹ, có cần nằm viện hay không.
Trong những ngày trời lạnh, cha mẹ cần đặc biệt chú ý giữ ấm cho con, nhưng cũng cần lưu ý trẻ không phải người lớn. Có thể cha mẹ thấy lạnh, nhưng trẻ lại thấy nóng, đôi khi việc mặc quá ấm có thể khiến trẻ mắc bệnh. Không tắm quá lâu, không đi chân đất trên nền nhà ẩm ướt, không mặc quần áo chưa khô…Với những bé ở nhà trẻ, sau khi trẻ nôn, vã mồ hôi, cô giáo cần lau sạch sẽ, tránh cho bé đi ngủ luôn ngay. Như vậy trẻ sẽ bị lạnh, dễ bệnh.
Đồng thời, giữ nhà cửa thông thoáng khí, cho trẻ ăn uống đầy đủ chất để tăng sức đề kháng. Chú ý vệ sinh bàn tay, làm sạch mũi, khô mũi, uống đủ nước. Khi bé bị ốm thì cần theo dõi sát diễn biến bệnh, khi nào nặng lên để có hướng điều trị kịp thời.
AloBacsi.vn
Theo VnExpress
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình