Hotline 24/7
08983-08983

Nhiều biến chứng xảy ra trên bệnh nhân có bệnh nền mắc thủy đậu

Gần đây, Khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Nội tiết Trung ương tiếp nhận rải rác các ca bệnh mắc thủy đậu kèm theo bệnh lý nền đái tháo đường, tăng huyết áp, suy thượng thận. Điển hình là bệnh nhân 64 tuổi vào viện trong tình trạng mệt nhiều, háo khát, mất nước, có hội chứng nhiễm trùng nhiễm độc.

Nữ bệnh nhân V.T.O. (64 tuổi, ngụ huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định) nhập viện với chẩn đoán thủy đậu bội nhiễm viêm phổi, nhiễm khuẩn tiết niệu, đái tháo đường type 2, tăng huyết áp, rối loạn Lipid máu.

Khai thác tiền sử, bệnh nhân O. bị bệnh đái tháo đường, tăng huyết áp đã 7 năm. Bệnh nhân khám và điều trị thường xuyên theo đơn của bác sĩ Bệnh viện Nội tiết Trung ương và luôn giữ mức đường máu được kiểm soát tốt.

Một tuần trước khi nhập viện, bệnh nhân là giáo viên có tiếp xúc với 2 học sinh mắc bệnh thủy đậu. Cách vào viện 2 ngày, bệnh nhân xuất hiện sốt cao 38 - 39˚C kèm các nốt phỏng nước ở miệng họng và rải rác toàn thân, đa lứa tuổi, đa kích thước, không ngứa, bệnh nhân tự mua thuốc hạ sốt nhưng bệnh không đỡ.

Tình trạng bệnh nhân trước khi được bệnh viện điều trị

Sau đó, bệnh nhân đau rát họng, ho nặng tiếng, ho nhiều, đờm vàng đục, đau nhức đầu và toàn thân. Trên da nhiều nốt phỏng đã vỡ viêm tấy đỏ và có mủ, kèm theo tiểu tiện khó, tiểu buốt rắt. Tình trạng bệnh tiến triển tăng dần khiến bệnh nhân mệt nhiều, do vậy người nhà đã đưa bệnh nhân tới Bệnh viện Nội tiết Trung ương khám và nhập viện vào khoa Bệnh nhiệt đới để điều trị.

Theo ThS.BS Phạm Hồng Quảng - Phụ trách khoa Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Nội tiết Trung ương, người bệnh vào viện trong tình trạng mệt nhiều, háo khát, mất nước, có hội chứng nhiễm trùng nhiễm độc. Bệnh nhân sốt cao 38,8˚C, mạch 115 chu kỳ/phút, huyết áp 110/60 mmHg, nhịp thở 24 lần/ phút. Xét nghiệm đường máu cao, dao động 17 - 20 mmol/L, bạch cầu tăng cao…

Người bệnh đã được xử trí tích cực ngay lúc nhập viện bằng việc bù nước điện giải bằng đường truyền và uống, hạ sốt, kháng sinh tiêm truyền đặc hiệu chống bội nhiễm, thuốc ức chế virus Acyclovir đồng thời được tích cực kiểm soát đường huyết, huyết áp và các triệu chứng đi kèm…

Hiện tại, sau 4 ngày điều trị tích cực, bệnh nhân O. mắc đã tỉnh táo, đỡ mệt, hết sốt, hết tình trạng khát nước tiểu nhiều, tiểu hết đau buốt; đường máu kiểm soát tốt, các nốt phỏng nước thưa dần và nhiều nốt cũ đang thoái triển dần.

Để chủ động phòng tránh bệnh thủy đậu, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế khuyến cáo

1. Hạn chế tiếp xúc với người bị bệnh để phòng tránh lây lan.

2. Những trường hợp mắc bệnh thủy đậu cần được nghỉ học hoặc nghỉ làm việc từ 7 đến 10 ngày từ khi bắt đầu phát hiện bệnh để tránh lây lan cho những người xung quanh.

3. Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, sử dụng các đồ dùng sinh hoạt riêng, vệ sinh mũi họng hàng ngày bằng nước muối sinh lý.

4. Thường xuyên vệ sinh nhà cửa, trường học, vật dụng sinh hoạt bằng các chất sát khuẩn thông thường.

5. Tiêm vaccine phòng bệnh thủy đậu cho trẻ em từ 12 tháng tuổi.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X