Nhận diện dị ứng thực phẩm ở trẻ em và 8 loại thực phẩm cần thận trọng
Dị ứng thức ăn ngày càng trở thành mối lo ngại đối với các bậc phụ huynh khi tỷ lệ trẻ em mắc phải tăng đáng kể. TS.BS Trịnh Hoàng Kim Tú - Trung tâm Y Sinh học Phân tử, Trường Đại học Y Dược TPHCM sẽ giúp quý phụ huynh giải đáp các nguyên nhân, dấu hiệu và các loại thực phẩm dễ gây dị ứng ở trẻ.
1. Những giả thuyết giải thích cho tình trạng gia tăng trẻ em bị dị ứng thực phẩm
Vì sao có sự gia tăng trẻ em bị dị ứng thực phẩm, thưa BS?
TS.BS Trịnh Hoàng Kim Tú trả lời: Đến nay, nguyên nhân về sự gia tăng trẻ em bị dị ứng thực phẩm vẫn chưa được giải thích rõ. Trong thập kỷ vừa qua, tỷ lệ dị ứng tăng lên gấp 2 lần so với tỷ lệ dị ứng trước đó, và nhận được nhiều giả thuyết đưa ra.
Ví dụ giả thuyết về vệ sinh, sống trong môi trường thành phố, thành thị, ít tiếp xúc với môi trường tự nhiên hơn, làm ảnh hưởng đến hệ sinh thái vi sinh vật trong cơ thể người và là nguyên nhân dẫn tới dị ứng. So với nhóm trẻ sống tại thành thị, các trẻ ở nông thôn có tỷ lệ bệnh dị ứng thấp hơn.
Thứ hai là giả thuyết do chế độ ăn. Hiện nay việc sử dụng các loại thực phẩm có hóa chất, chất bảo quản nhiều hơn và ít ăn đồ ăn tốt cho sức khỏe cũng là một trong các nguyên nhân dẫn tới tình trạng bệnh lý dị ứng.
Ngoài ra còn một số giả thuyết khác như sử dụng kháng sinh trong quá trình mang thai, sử dụng thực phẩm công nghiệp… rất nhiều giả thuyết được đưa ra để giải thích cho tình trạng dị ứng thức ăn ngày càng tăng ở trẻ nhỏ.
Bên cạnh đó, tình trạng này cũng có thể do ngày nay có nhiều cách tiếp cận thông tin về dị ứng thức ăn hơn, các bậc phụ huynh cũng quan tâm hơn đến việc dị ứng thức ăn ở con, do đó tỷ lệ dị ứng thức ăn ngày càng cao hơn và trở thành vấn đề đáng quan tâm.
2. Vì sao trẻ càng lớn, tỷ lệ dị ứng thức ăn càng giảm?
Tại sao dị ứng thức ăn thường gặp ở trẻ sơ sinh và khi lớn lên thì tình trạng ngày càng giảm đi, thưa BS?
TS.BS Trịnh Hoàng Kim Tú trả lời: Bởi vì trong giai đoạn bé còn nhỏ, hệ miễn dịch chưa được phát triển toàn diện nhất có thể. Bên cạnh đó, đối với trẻ có cơ địa dị ứng thường các triệu chứng sẽ khởi phát khi còn nhỏ.
Theo giản đồ tiến trình phát triển dị ứng, phần lớn ở những trẻ nhỏ, triệu chứng dị ứng đầu tiên là thể bệnh viêm da cơ địa, sau đó phát triển thành dị ứng thức ăn kèm theo. Khi trẻ lớn hơn sẽ có biểu hiện hen suyễn, viêm mũi dị ứng, một số bệnh có thể kéo dài về sau nhưng sẽ có xu hướng giảm.
Nguyên nhân có sự cải thiện do hệ miễn dịch hoàn thiện hơn, khi trẻ lớn dần hệ miễn dịch bắt đầu phân biệt được đâu là bạn, đâu là thù.
Trước đó hệ miễn dịch của bé nhận tất cả mọi thứ đều là kẻ thù nên phản ứng lại, gây nên triệu chứng dị ứng. Còn khi hệ miễn dịch đã hoàn thiện hơn đã có thể nhận diện những dị nguyên nên phản ứng, và dị nguyên an toàn cho cơ thể của con người. Đó là một trong các nguyên nhân giúp tỷ lệ dị ứng ở trẻ ngày càng giảm dần theo tuổi.
Một tình trạng khác có thể giải thích cho việc tỷ lệ trẻ giảm dị ứng khi lớn lên. Cụ thể có một tình trạng trẻ bị dị ứng với đạm sữa bò, khi trẻ lớn lên, hệ miễn dịch của trẻ bắt đầu tập làm quen dần và có nhiều tế bào được tiết ra giúp cơ thể của trẻ quen dần với dị nguyên đạm sữa bò. Đến ngưỡng trẻ khoảng 8 tuổi, khoảng 50% trường hợp trẻ bị dị ứng đạm sữa bò có thể dung nạp được, tỷ lệ này ngày càng tăng dần khi trẻ lớn lên.
3. Biểu hiện dị ứng thức ăn ở trẻ
Biểu hiện của dị ứng thực phẩm có đặc trưng thế nào và có thể dễ nhầm lẫn với các bệnh lý ngoài da khác hay không, thưa BS?
TS.BS Trịnh Hoàng Kim Tú trả lời: Dị ứng thực phẩm không có biểu hiện tại một cơ quan nhất định nên khó có thể chẩn đoán, đặc biệt đối với thể khởi phát muộn.
Trong thể khởi phát nhanh, nếu trẻ tiếp xúc thức ăn thường trong vòng 2 tiếng sẽ có triệu chứng, nhận biết dễ dàng. Biểu hiện bên ngoài là trẻ than ngứa quanh khoang miệng, hoặc biểu hiện bằng cách từ chối ăn nếu trẻ bị ngứa. Đó là một trong các dấu hiệu cho thấy trẻ có thể có các triệu chứng bất thường đối với loại thức ăn đó.
Nếu nặng hơn, trẻ có biểu hiện nổi mề đay, phù mặt, sưng môi, sưng mắt… Hoặc biểu hiện đơn thuần ở đường tiêu hóa như đau quặn bụng, co thắt bụng, triệu chứng bất thường ở phân như ra phân máu, thường xuyên tiêu chảy.
Nhiều trường hợp trẻ có biểu hiện kín đáo hơn như suy dinh dưỡng, chậm hấp thu và có thể dẫn tới thiếu máu, thiếu sắt, đặc biệt là ở những trẻ có tình trạng dị ứng thực phẩm kéo dài, chế độ kiêng khem không đúng mức…
Biểu hiện nặng nhất ở trẻ là tình trạng sốc phản vệ nếu tiếp xúc với thức ăn gây dị ứng nặng. Đôi khi trẻ có biểu hiện thường xuyên đi phân máu kéo dài, thường xuyên nôn ói khi tiếp xúc với thức ăn đó.
Vì vậy có thể thấy biểu hiện, triệu chứng của dị ứng thức ăn ở trẻ nhỏ không đặc hiệu, rất đa dạng và biểu hiện ở nhiều cơ quan, do đó cần có sự phối hợp ở các bác sĩ về nhi khoa, dị ứng để cùng chẩn đoán.
Lưu ý, không phải bất cứ trường hợp nào có triệu chứng cũng nghĩ đến dị ứng đầu tiên mà nên nghĩ đến vấn đề nhiễm trùng, nhiễm độc, hoặc ngộ độc thực phẩm… những nguyên nhân dễ điều trị, dễ phát hiện hơn trước. Nếu tình trạng của trẻ lặp đi lặp lại nhưng không tìm được nguyên nhân hãy nghĩ đến điều trị dị ứng thức ăn.
4. Tám loại thực phẩm dễ gây dị ứng thức ăn ở trẻ
Trong quá trình thăm khám và điều trị của mình, BS nhận thấy những nhóm thực phẩm nào dễ dàng gây dị ứng ở trẻ ạ?
TS.BS Trịnh Hoàng Kim Tú trả lời: 8 loại thực phẩm dễ gây dị ứng thức ăn ở trẻ nhất:
1. Sữa: Vấn đề này thường xuất hiện vào giai đoạn đầu, nếu trẻ sử dụng sữa công thức sẽ bắt đầu có các triệu chứng dị ứng. Đối với những trẻ bú mẹ hoàn toàn, nếu trẻ có dị ứng, khi mẹ dùng các thực phẩm có chứa sữa thì trẻ sẽ có phản ứng dị ứng. Đó là các biểu hiện của trẻ có dị ứng với sữa.
2. Trứng: Khi trẻ bắt đầu giai đoạn ăn dặm, trứng là thủ phạm thứ hai thường gặp gây dị ứng.
3. Các loại hạt như hạt hạnh nhân, hạt điều, hạt đậu phộng.
4. Các loại thực phẩm chứa bột mì, ví dụ như bánh mì…
5. Các sản phẩm liên quan đến đậu nành. Ví dụ như ở Mỹ tỷ lệ dị ứng với đậu phộng và đậu nành rất cao.
6. Khu vực châu Á là hải sản bao gồm cá và tôm, cua cũng là nguyên nhân thường gặp.
7. Tại Việt Nam có một số trẻ sẽ có thêm các tình trạng mẫn cảm khi mẹ hoặc trẻ dùng các sản phẩm chứa thịt bò.
8. Một số trẻ có dị ứng với gạo, tuy nhiên tỷ lệ dị ứng với gạo và thịt bò không quá cao tại Việt Nam.
5. Làm thế nào để bổ sung toàn diện khi trẻ bị dị ứng thức ăn?
Trong các nhóm thực phẩm trên, đa phần đều là các loại thức ăn giàu chất đạm, đây là chất rất cần thiết cho sự phát triển của trẻ, nếu phải kiêng do dị ứng thì làm cách nào để bổ sung toàn điện cho trẻ ạ, thưa BS?
TS.BS Trịnh Hoàng Kim Tú trả lời: Chưa có một phác đồ nào phân tích cụ thể về vấn đề này, đa phần các khuyến cáo đều phải học cách chọn lựa một chiến lược phát triển để trẻ giảm thiểu các nguy cơ về dị ứng, đảm bảo dinh dưỡng cần thiết. Bởi vì ở trẻ nhỏ, dinh dưỡng là điều tối cần thiết, quan trọng cho sự phát triển của trẻ về thể chất lẫn tinh thần. Đó là một nghệ thuật cần điều phối, cân bằng thể chất của trẻ với chế độ ăn.
Lời khuyên chung là trước khi nghĩ tới việc kiêng, cần xem xét thực phẩm đó có thật sự gây dị ứng cho trẻ hay không.
Thông thường trong giai đoạn trẻ bắt đầu ăn dặm, các mẹ có thể cho con ăn lần lượt từng món. Nếu sợ trẻ có nguy cơ bị dị ứng có thể bắt đầu thử các món ít có nguy cơ gây dị ứng cho trẻ ăn thử.
Mẹ có thể thử từng đợt, ví dụ như tuần này cho con ăn thử thịt heo, sang tuần có thể thử qua trứng. Khi cho trẻ ăn như vậy có thể biết được đáp ứng của trẻ đối với loại thức ăn đó, đồng thời khoanh vùng các loại thức ăn có thể gây dị ứng. Sau đó cân nhắc, trao đổi với bác sĩ dị ứng với việc kiêng, nên áp dụng cho trẻ phương pháp nào sẽ an toàn hơn, tránh hoàn toàn hay chỉ giảm lượng.
Nếu trẻ không có dị ứng với thức ăn đó, mẹ hãy tiếp tục bổ sung cho trẻ mà không cần kiêng khem nếu không thật sự cần thiết.
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình