Hotline 24/7
08983-08983

Người bệnh viêm gan B và những điều cần biết khi tiêm vắc xin COVID-19

Người bệnh gan có được tiêm vắc xin COVID-19 không? Nên tiêm vắc xin loại nào?... là những thắc mắc thường gặp của người mắc bệnh gan trong thời điểm này, khi nước ta đang trong chiến dịch tiêm chủng lớn nhất từ trước đến nay.

Trong bài viết dưới đây, PGS.TS.BS.CK2 Trần Thị Khánh Tường - Phó Trưởng khoa Y - Trưởng Bộ môn Nội, Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch sẽ giải đáp các thắc mắc này cho bạn đọc.

1. Người mắc bệnh gan có được chích ngừa vắc xin COVID-19?

Những người bệnh viêm gan B, viêm gan C cũng rất băn khoăn với việc chích ngừa COVID-19, liệu khi tiêm vào có gây hại gì thêm cho gan hay không? Có cần ngưng thuốc điều trị khi đi chích ngừa hay không? Nhờ BS giải đáp?

PGS.TS.BS.CK2 Trần Thị Khánh Tường trả lời: Tiêm ngừa COVID-19 sẽ giúp bảo vệ người bệnh gan mạn không bị nhiễm bệnh COVID-19 nặng, đặc biệt là xơ gan.

Những người bị xơ gan, nhất là xơ gan mất bù, nếu nhiễm COVID-19 có nguy cơ diễn tiến nặng, thời gian nằm viện kéo dài và tỷ lệ tử vong cao hơn so với bệnh nhân không xơ gan. Vì vậy, tất cả bệnh nhân mắc bệnh gan mạn cần được ưu tiên tiêm vắc xin ngừa COVID-19, ngay cả những người bệnh bị xơ gan, ung thư gan...

Đối với những bệnh nhân ghép gan vẫn có chỉ định chủng ngừa vắc xin COVID-19 khi tình trạng chức năng gan ổn định sau ghép, chỉ trì hoãn tiêm ngừa khi bệnh nhân đang trong giai đoạn thải ghép cấp.

Hiện nay, chưa có dữ liệu nào cho thấy vắc xin ngừa COVID-19 gây tác hại ở nhóm bệnh nhân bệnh gan mạn. Người bị bệnh gan không nên từ chối hoặc trì hoãn tiêm vắc xin ngừa COVID-19vì lo ngại về hiệu quả hay tính an toàn của vắc xin mà ngược lại qua các dữ liệu cho thấy người bệnh gan khi bị nhiễm thêm COVID-19 sẽ làm cho bệnh gan tiến triển nặng hơn, dễ tử vong hơn. Tuy nhiên, người bệnh nên trao đổi với bác sĩ điều trị bệnh gan của mình trước khi tiêm vắc xin.

PGS.TS.BS.CK2 Trần Thị Khánh Tường - Phó Trưởng khoa Y - Trưởng Bộ môn Nội, Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch kết nối qua Zoom với AloBacsi để tư vấn cho bạn đọc

2. Người bệnh viêm gan B, viêm gan C nên chích vắc xin COVID-19 loại nào?

Vắc xin COVID-19 được chế tạo với nhiều công nghệ khác nhau, vậy người bệnh viêm gan B, viêm gan C nên được chích loại vắc xin nào, thưa BS?

PGS.TS.BS.CK2 Trần Thị Khánh Tường trả lời: Hiện nay, có nhiều loại vắc xin ngừa COVID-19 tương đối an toàn và đạt hiệu quả cao.

Theo khuyến cáo, mọi người trên 18 tuổi nên tiêm vắc xin ngừa COVID-19, riêng vắc xin Pfizer-BioNTech đã được Cơ quan Kiểm soát Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) cấp phép tiêm cho người ≥ 12 tuổi.

Các vắc xin ngừa COVID-19 đều được phê duyệt và cấp phép sử dụng khẩn cấp nhằm đáp ứng yêu cầu phòng chống dịch nên vẫn chưa có đủ dữ liệu khoa học để kết luận chính xác vắc xin nào hiệu quả hơn vắc xin nào.

Điều quan trọng nhất là tất cả vắc xin đều có khả năng hạn chế mức độ lây lan, giảm tỉ lệ bệnh diễn tiến nặng và giảm nguy cơ tử vong. Do vậy, người bệnh nói chung và viêm gan B, C nói riêng nên tiêm loại vắc xin nào có sẵn càng sớm càng tốt.

3. Mắc bệnh gan nào không được chích ngừa COVID-19?

Có bệnh gan nào chống chỉ định với việc chích ngừa nói chung, và chích ngừa COVID-19 nói riêng không ạ?

PGS.TS.BS.CK2 Trần Thị Khánh Tường trả lời: Chống chỉ định của mỗi loại vắc xin đều theo hướng dẫn của nhà sản xuất đối với từng loại vắc xin.

Các trường hợp chống chỉ định thông thường đối tiêm ngừa nói chung và COVID-19 nói riêng bao gồm:

  • Có tiền sử sốc phản vệ hoặc phản ứng nặng sau tiêm phòng vắc xin lần trước (có cùng thành phần): Sốt cao trên 39 độ C kèm co giật hoặc dấu hiệu não/màng não, tím tái khó thở.
  • Suy giảm miễn dịch (bẩm sinh, nhiễm HIV giai đoạn IV, suy giảm miễn dịch nặng): Chống chỉ định tiêm phòng vắc xin sống giảm độc lực.
  • Viêm gan cấp, đợt cấp viêm gan mạn, biến chứng cấp của xơ gan mất bù như nhiễm trùng, chảy máu tiêu hoá, bệnh não gan.
  • Đang hoặc mới kết thúc đợt điều trị corticoid liều cao (viêm gan tự miễn), hóa trị, xạ trị đối với ung thư gan trong vòng 14 ngày thì tạm hoãn vắc xin sống giảm độc lực.

Căn cứ theo hướng dẫn Bộ Y tế, người mắc bệnh gan có thể được phân loại đối với tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 như sau:

  • Những trường hợp trì hoãn tiêm chủng
  • Những trường hợp cần thận trọng khi tiêm chủng
  • Những trường hợp đủ điều kiện tiêm chủng

Các trường hợp trì hoãn gồm:

  • Những người mắc bệnh gan cấp tính, đợt cấp của viêm gan mạn có biểu hiện lâm sàng mệt mỏi, chán ăn, sốt nhẹ, vàng da, vàng mắt,... và hoặc xét nghiệm men gan tăng cao
  • Các trường hơp ung thư giai đoạn cuối (ung thư gan) và xơ gan mất bù, suy gan có biểu hiện lâm sàng, có rối loạn chức năng đông máu như tiểu cầu giảm, tỷ lệ prothrombin giảm.

Các trường hợp đủ điều kiện tiêm chủng: các trường hợp còn lại như viêm gan cấp, mạn bao gồm viêm gan virus B, C, xơ gan điều trị ổn định và viêm gan virus B mạn chưa có chỉ định điều trị… Bệnh gan đã và đang điều trị ổn định có nghĩa là lâm sàng bình thường, men gan không tăng cao, không có biểu hiện xơ gan mất bù.

PGS.TS.BS.CK2 Trần Thị Khánh Tường - Phó Trưởng khoa Y - Trưởng Bộ môn Nội, Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch

4. Bí quyết bảo vệ sức khỏe người bệnh gan trong đại dịch COVID-19

Nhờ BS đưa ra hướng dẫn giúp người bệnh gan giữ được sức khỏe tốt trong đại dịch COVID-19?

  • Nếu người bệnh hiện đang điều trị viêm gan virus B hoặc C, xơ gan hoặc các bệnh gan mạn khác, phải tiếp tục uống thuốc như đã được kê toa, hãy trao đổi với bác sĩ điều trị trước khi dừng bất kỳ loại thuốc nào. Hãy đảm bảo có đủ thuốc tại nhà để hạn chế ra khỏi nhà không cần thiết đến dịch vụ y tế hoặc nhà thuốc.
  • Tránh nhiễm COVID-19: ngay cả sau khi đã tiêm vắc xin ngừa COVID-19, vẫn nên tiếp tục thực hiện các bước để bảo vệ bản thân (tuân thủ 5 K) bao gồm việc đeo khẩu trang, giữ khoảng cách, rửa tay thường xuyên, tránh đám đông và những nơi thông gió kém.
  • Cố gắng duy trì các thói quen lành mạnh như tập thể dục thường xuyên, hít thở không khí trong lành, ăn thực phẩm lành mạnh, ngủ đều đặn, tránh uống rượu bia...
  • Tiêm ngừa COVID-19 sẽ giúp bảo vệ người bệnh gan mạn không bị nhiễm bệnh COVID-19 nặng.
  • Khi có các biểu hiện nghi nhiễm COVID-19 hoặc có tiếp xúc với người bị mắc COVID-19, hãy liên hệ ngay đến các cơ sở y tế để được tư vấn, xử trí thích hợp.

Phần 1: Giãn cách xã hội vì COVID-19, người bệnh viêm gan B dùng toa thuốc cũ cần lưu ý gì?

Trân trọng cảm ơn Hội Y học TPHCM và PGS.TS.BS.CK2 Trần Thị Khánh Tường đã đồng hành cùng AloBacsi trong chương trình này.

Đối tác Alobacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X