Người bệnh tiểu đường có nguy cơ bị đột tử do tim cao gấp 2 lần
Tại Hội nghị Lão khoa mở rộng lần thứ 8 do Bệnh viện Thống Nhất tổ chức, PGS.TS Hoàng Trung Vinh - Phó Chủ tịch Hội Nội tiết Hà Nội nhấn mạnh, đột tử do tim gia tăng ở người bệnh đái tháo đường, béo phì. Và người bệnh tiểu đường bị đột tử do tim cao gấp 2 lần so với người không mắc bệnh. Tuy nhiên, đây là nguyên nhân có thể dự phòng được bằng cách điều trị tích cực với các giải pháp dùng thuốc và không dùng thuốc.
90-95% bệnh nhân đột tử do tim tử vong trước khi nhân viên y tế xuất hiện
Trong bài báo cáo, chuyên gia làm rõ định nghĩa đột tử do tim (SCD) là cái chết đột ngột xảy ra không có các nguyên nhân ngoài tim, xuất hiện với sự chứng kiến hoặc không chứng kiến của người khác trong phạm vi 1 giờ kể từ khi xuất hiện dấu hiệu lâm sàng bất thường. Ngoài ra, một tình trạng khác được gọi là nghi ngờ SCD khi cái chết đột ngột xảy ra không do các nguyên nhân ngoài tim trong phạm vi 24 giờ.
PGS.TS Hoàng Trung Vinh đưa đến các con số thống kê thực sự báo động về SCD. Theo đó, SCD xảy ra trên 100.000 trường hợp/ năm tại Anh và đến 400.000 người/ năm ở Mỹ, cao hơn so với ung thư và các bệnh khác. Riêng với người bệnh đái tháo đường, SCD xảy ra trên 27.000 bệnh nhân/ năm (Anh) và 80.000 trường hợp/ năm (Mỹ).
Trong đó, các thống kê cũng chỉ ra, 5-10% SCD không kèm theo bệnh tim đã được xác định trước đây và đến 90-95% tử vong trước khi nhân viên y tế xuất hiện. Đặc biệt, SCD ở đái tháo đường cao gấp đôi so với không đái tháo đường.
Chuyên gia nhìn nhận, khi nhắc đến nguy cơ SCD thường nghĩ nhiều về nguy cơ loạn nhịp, bệnh lý kênh ion (hội chứng Brugada, hội chứng QT ngắn, QT dài…) mà thường ít đề cập về bệnh đái tháo đường. Thực tế 50% đột tử ở người trẻ là do hội chứng Brugada. “Song, đái tháo đường là một trong những nguyên nhân đưa đến SCD mà chúng ta cần quan tâm hơn nữa. Bởi đây là nguyên nhân có thể dự phòng được bằng cách điều trị tích cực, điều này khác biệt với những bệnh lý khác, điển hình như hội chứng Brugada” - PGS.TS Hoàng Trung Vinh cho biết.
Dẫn chứng một báo cáo, chuyên gia đề cập, trong khoảng 10 yếu tố nguy cơ/ nguyên nhân gây ra SCD thì bệnh tim thiếu máu cục bộ đứng hàng đầu ở cả nam (khoảng 80% các trường hợp) và nữ (khoảng 45% các trường hợp). Các nghiên cứu cũng khẳng định có 2 yếu tố nguy cơ chủ yếu gây SCD bao gồm nhồi máu cơ tim cũ hoặc cấp và bệnh động mạch vành.
Ngoài ra, một số yếu tố nguy cơ khác có thể kể đến như tuổi cao, giới (nam nhiều hơn nữ), giảm phân xuất tống máu, biến cố tim mạch xảy ra đột ngột trước đây, gia đình đã có SCD, nhịp chậm, rung thất, tim bẩm sinh, bất thường động mạch vành cho vữa xơ động mạch, bệnh cơ tim giãn hoặc phì đại, rối loạn điện giải, béo phì, đái tháo đường, ngừng thuốc chống loạn nhịp đột ngột.
PGS.TS Hoàng Trung Vinh cũng đề cập đến cơ chế gây ra SCD trên các mối liên hệ mật thiết của người bệnh đái tháo đường với rối loạn hệ thần kinh tự động, rối loạn chức năng tim, đặc biệt là rối loạn nhịp, béo phì và QT kéo dài.
Theo đó, béo phì có thể đưa đến bệnh cơ tim do đái tháo đường, nếu điều này xuất hiện sẽ là mầm mống dẫn đến rối loạn nhịp tim và trở thành nguyên nhân trực tiếp của SCD. Trong khi đó, QT kéo dài xuất hiện trên cơ sở bệnh đái tháo đường có thể có biến chứng của mạch máu nhỏ, liên quan đến các yếu tố về tuổi, bệnh giai đoạn nặng. QT kéo dài là một trong 4 nguyên nhân có thể dẫn đến ngừng tim.
Thay đổi lối sống và dùng thuốc chứng minh bảo vệ tim mạch để ngăn ngừa đột tử trên người bệnh đái tháo đường
Phó Chủ tịch Hội Nội tiết Hà Nội chia sẻ, thực tế SCD xảy ra đột ngột, đôi khi xảy ra ngoài dự liệu của bác sĩ lâm sàng. Tuy vậy, người thầy thuốc vẫn có những chiến lược dự phòng, điều trị với SCD trên bệnh nhân đái tháo đường bao gồm thuốc và không dùng thuốc.
Trong đó, biện pháp không dùng thuốc như giảm cân nặng, luyện tập thể lực, ăn uống hợp lý. Biện pháp dùng thuốc để kiểm soát glucose hợp lý, kiểm soát huyết áp, đặc biệt là 2 nhóm thuốc đã được khẳng định vai trò bảo vệ tim - ở những người có thể xảy ra đột tử, điển hình như GLP-1 và SGLT2.
Bên cạnh đó, trong các yếu tố nguy cơ/ nguyên nhân gây SCD thì quan trọng nhất là rối loạn nhịp nặng. Trong 4 nhóm thuốc chống loạn nhịp hiện nay, PGS.TS Hoàng Trung Vinh cho biết, khi khảo sát trên những bệnh nhân có biểu hiện đột tử, người ta ghi nhận, nhóm II (Acebutolol, Atenolol, Betaxolol, Bisoprolol, Carteolol, Labetalol…) và III (Amiodarone, Dofetilide, Dronedarone, Sotalol) có tác dụng dự phòng rối loạn nhịp gây SCD ở mức độ nhất định. Nhóm IV (Diltiazem, Verapamil) tác dụng hạn chế. Nhóm I (Disopyramide, Encainide, Flecainide, Mexiletine, Quinidine…) không có tác dụng.
Trong tương lai vẫn có hứa hẹn nhiều tiềm năng khi các nhà khoa học vẫn không ngừng tìm kiếm các biện pháp nhằm tác động hiệu quả hơn trên cơ chế gây SCD như điều chỉnh gen, kênh ion, chống viêm, theo PGS.TS Hoàng Trung Vinh.
Cuối cùng, chuyên gia đề cập một số điểm cần lưu ý trên người bệnh đái tháo đường để dự phòng SCD gồm có tránh cơn hạ đường huyết khi điều trị (gây rối loạn đáp ứng thần kinh tự động, QT kéo dài), dự phòng và điều trị tắc mạch (mổ tử thi SCD nhận thuốc 50% có tắc mạch), bỏ thuốc lá, sử dụng thuốc chống loạn nhịp phù hợp…
>>> Bệnh viện Thống Nhất ra mắt Chi hội Vận động Hiến mô, bộ phận cơ thể người
Hội nghị Lão khoa mở rộng lần thứ 8 do Bệnh viện Thống Nhất tổ chức nhân dịp kỷ niệm 49 năm ngày truyền thống của bệnh viện, diễn ra trong hai ngày 1 - 2/11/2024 với sự tham gia của 150 báo cáo viên đến từ Nhật Bản, Pháp và từ các đơn vị trên cả nước, thu hút hơn 500 đại biểu đến trao đổi, chia sẻ, cập nhật các vấn đề chăm sóc sức khỏe và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người cao tuổi. Chương trình có 168 báo cáo thuộc 31 phiên, bàn luận xoay quanh chủ đề "Các bệnh lý lão khoa trong giai đoạn già hóa dân số". Nội dung các báo cáo trải khắp các chuyên đề từ Ngoại Tiêu hóa, Ngoại Tiết niệu, Phẫu thuật Mạch máu Lồng ngực, Nội Tim mạch, Nội tiết, Tiêu hóa... Đặc biệt, nội dung hội nghị năm nay càng phong phú hơn khi có thêm hai phiên chuyên sâu về Lão Nha và Lão hóa da. |
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình