Nghẹt thở thời khắc đưa trái tim xuyên Việt hồi sinh nhịp đập trong cuộc đời mới
Khép lại tuổi thanh xuân đầy rực rỡ và hoài bão, nhưng các tạng hiến của chàng thanh niên 32 tuổi ở Đông Anh, Hà Nội hồi sinh trong 6 cuộc đời mới, giúp họ neo giữ sự sống, vốn như đèn treo trước gió bởi các bệnh tật suy gan, thận, tim hành hạ.
Món quà vô giá từ nghĩa cử cao đẹp của một gia đình nén đau thương tại thời khắc chia ly đã trao cơ hội đoàn tụ cho 6 gia đình khác, thay người chồng - người con của họ sống trọn vẹn kiếp người, đền đáp ân tình cho vận mệnh.
Phía sau những kỳ tích về ghép tạng, đó là cả một hành trình thầm lặng không chỉ của nhân viên y tế...
1. Nối dài sợi dây vận mệnh
Khuya 22/8/2024, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn (Hà Nội) tiếp nhận một ca bệnh đặc biệt chuyển từ Bệnh viện Đa khoa Đông Anh trong tình trạng nguy kịch sau tai nạn giao thông nghiêm trọng.
Chàng trai trẻ không có tiền sử bệnh lý trước đó, nhưng bị chấn thương đầu nặng. Bất chấp mọi nỗ lực, tình trạng của bệnh nhân tiếp tục xấu đi. 3h15 sáng ngày 23/8, đội ngũ y bác sĩ đã tiến hành đánh giá lâm sàng và nghi ngờ bệnh nhân chết não. Sau 3 lần kiểm tra kỹ lưỡng và chi tiết bởi các chuyên gia đầu ngành, kết quả cuối cùng vẫn khẳng định điều này.
Gói ghém thật chặt những mất mát, vượt qua định kiến và cả quan niệm truyền thống, tại thời khắc ngắn ngủi, gia đình chàng thanh niên đã đưa ra quyết định đầy dũng cảm, hiến tạng của người thân để mang lại sự sống cho những người khác.
Trong khoảnh khắc cuối cùng, giữa những tiếng monitor khắc khoải vang lên, các y bác sĩ chôn chặt nghẹn ngào, cúi đầu mặc niệm, sau đó cẩn trọng, nhẹ nhàng đón nhận món quà quý giá từ cơ thể nam thanh niên.
Khi mọi thủ tục xong xuôi cũng là thời điểm cuộc rượt đuổi thời gian giành giật mạng sống cho các bệnh nhân bắt đầu. 6 người may mắn nhận được tạng hiến từ người cho chết não sống ở các nơi khác nhau.
Hai quả thận được hiến tặng cho 2 bệnh nhân là một người đàn ông suy thận từ năm 2012 và một phụ nữ 42 tuổi suy thận phải lọc máu chu kỳ từ năm 2020 ngay tại Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn. Đây là lần đầu tiên bệnh viện thực hiện đồng thời lấy - ghép mô tạng từ người cho chết não.
Trong khi đó, lá gan của người hiến được ghép một bệnh một bệnh nhân tại Bệnh viện Việt Đức. Đây cũng là nơi có nhiều bệnh nhân tổn thương gan nặng, suy gan chờ được ghép gan nhất cả nước.
Giác mạc được ghép cho hai bệnh nhân tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108. Đặc biệt, trái tim lại phù hợp nhất với người thanh niên đang “cận kề cửa tử” tại Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM.
2. Nhịp đập của sự hồi sinh
Trong 24h, hàng trăm y bác sĩ vào cuộc, hàng chục chiến sĩ cảnh sát giao thông túc trực để dẫn đường và hàng nghìn người trên cả nước ngóng trông, cầu nguyện cho câu chuyện đầy tính nhân văn này.
20h đêm 24/8, trong cơn mưa lớn ở Hà Nội, trái tim của người thanh niên trẻ tuổi được PGS.TS.BS Nguyễn Hoàng Định - Phó Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM và ê-kíp đón nhận, cùng đội ngũ cảnh sát giao thông hộ tống đến sân bay, vượt 2.000km rời quê hương để vào phương Nam.
21h, máy bay cất cánh. Hẳn là khi còn sống, nam thanh niên hiến tặng trái tim chẳng thế nào nghĩ được lần bay này của anh lại đặc biệt đến thế. Trái tim anh ấy được đặt trong thùng bảo quản tạng, trên một chiếc ghế hành khách. Chỉ trong hơn 2 tiếng, trái tim tạo ra phép màu đã vượt qua hành trình hàng nghìn cây số đường hàng không để kịp cho cuộc phẫu thuật ghép chạy đua với thời gian.
Với sự hỗ trợ từ lực lượng Cảnh sát giao thông Công an TPHCM, chỉ mất vỏn vẹn 8 phút 39 giây để vượt qua 8,2km, 3 vòng xoay, 14 ngã tư từ sân bay Tân Sơn Nhất đến Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM, chở theo cả khát khao và kỳ vọng. Mọi ngã tư trên lộ trình đều bật đèn xanh, giúp đoàn xe di chuyển liên tục mà không gặp trở ngại.
Ca ghép tim cứu người đã được thực hiện ngay trong đêm. Cấp tập. Căng thẳng. Tập trung cao độ, từng phút, thậm chí từng giây đều được tính toán cẩn trọng… Hàng loạt cung bậc cảm xúc trong ca ghép tim đầu tiên của Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM.
PGS.TS.BS Nguyễn Hoàng Định - Phó Giám đốc Bệnh viện trực tiếp tham gia phẫu thuật lấy tim và cùng ekip BV ĐHYD vận chuyển trái tim về TPHCM một cách nhanh nhất chia sẻ: “Bệnh nhân nhận tim sinh năm 1987, ngụ tại Gia Lai, được chẩn đoán mắc bệnh cơ tim giãn, với chức năng tim rất kém, và nếu không ghép tim kịp thời, sẽ không sống được bao lâu nữa.
Người bệnh đăng ký vào danh sách của Trung tâm Điều phối tạng Quốc gia, may mắn thay, rạng sáng ngày 24/8, chúng tôi nhận được thông báo có một trái tim phù hợp cho người bệnh, trái tim này đến từ Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn, Hà Nội. Khi nhận được thông tin, toàn bộ hệ thống của bệnh viện, với sự tham gia của hàng trăm người, đã được kích hoạt ngay lập tức”.
Sau 5 giờ đồng hồ cân não, trái tim hồi sinh đập những nhịp đập đầu tiên trong lồng ngực mới. 2 người thanh niên đang ở độ tuổi rực rỡ nhất của tuổi trẻ. Họ ở cách nhau hàng ngàn cây số, mang nghĩa vụ cuộc đời hoàn toàn khác nhau, nhưng được kết nối bởi sợi dây vận mệnh.
Hành trình hồi phục sẽ còn ở phía trước. Nhưng trái tim tưởng như sẽ hóa cát bụi ấy đã đập trở lại, hồi sinh cho một thiếu niên đang thoi thóp sống những ngày đau đớn trên giường bệnh.
Người nhà bệnh nhân bày tỏ, trước khi được ghép tim, gia đình luôn lo lắng và đã chuẩn bị tinh thần cho trường hợp xấu nhất. Nhưng điều kỳ diệu đã xảy ra. “Không còn từ ngữ nào có thể diễn tả được niềm vui và sự biết ơn của chúng tôi với gia đình người hiến tạng, với y bác sĩ đã hết lòng dốc sức cho ca phẫu thuật” - đại diện gia đình bệnh nhân cảm kích.
PGS.TS.BS Nguyễn Hoàng Bắc, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM, khẳng định: “Hành trình dù ngoài lồng ngực 7 giờ vẫn an toàn của trái tim là niềm tự hào về tinh thần kết nối một lòng vì sự sống của người bệnh. Hàng trăm trái tim đã cùng nhịp đập hối hả để một trái tim lại tiếp tục được đập cho một hành trình sống mới, đó cũng chính là sứ mệnh mà tất cả chúng ta đều mong muốn sẽ được làm hết sức mình.
Tính đến nay, Bệnh viện đã thực hiện thành công 48 ca ghép thận và 53 ca ghép gan. Giờ đây, với ca ghép tim này, chúng tôi không chỉ đánh dấu một bước tiến mới mà còn hoàn thiện chuỗi thành công trong lĩnh vực ghép tạng”.
3. Hiến tạng cứu người - Phép màu có ở mỗi người, ở mỗi thời khắc
Trái tim rời cơ thể được đưa đi xuyên đất nước để kịp đập trong một lồng ngực khác, đôi mắt bỗng được nhìn thấy lại cả bầu trời xanh sau bao ngày tăm tối… Cuộc sống của người thanh niên ấy, hôm nay và mai sau sẽ hiện diện trên những hình hài khác.
Những câu chuyện hồi sinh tưởng như chỉ có trong cổ tích ấy đã trở thành hiện thực. Những người được ghép tạng không chỉ sống tiếp phần đời của mình mà còn sống cả cho phần đời của ân nhân. Điều kỳ diệu ấy có được là bởi ngày càng có nhiều những tấm lòng thiện nguyện hiến mô, tạng sau khi chết não.
Và hơn hết, những ca ghép tạng xuyên Việt thành công đã minh chứng cho kỹ thuật ghép tạng của Việt Nam đã đạt những thành tích đáng nể. Một ca hiến - ghép tạng diễn ra rất nhanh nên quá trình ghép cũng là lúc các y, bác sĩ phải đưa ra những quyết định mang tính sống còn.
Đặc biệt, trong hoàn cảnh người cho và người nhận tạng ở hai đầu đất nước, cách nhau cả nghìn cây số thì không chỉ đòi hỏi sự ăn khớp giữa các ê-kíp y bác sĩ, mà còn phải có sự phối hợp của cả các lực lượng hải quan, an ninh, nhân viên các hãng hàng không... Trong điều kiện vận chuyển tạng còn nhiều khó khăn như ở Việt Nam, đôi khi các bác sĩ còn phải “vượt khó” bằng cách sáng tạo ra những cách làm hiệu quả.
Còn rất nhiều câu chuyện cổ tích đời thường cứ tiếp nối mãi, bởi những con người dung dị với ngọn lửa nhân ái, tinh thần sẻ chia đầy cao quý, đáng trân trọng đến một ngày khi hóa thinh không vẫn có thể tiếp tục thắp sáng, viết tiếp cuộc đời của nhiều người khác.
AloBacsi xin kính cẩn nghiêng mình tiễn biệt, trân trọng tri ân những gia đình gieo hạt mầm sự sống từ cái chết, thắp sáng niềm hy vọng từ sự tuyệt vọng.
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình