Hotline 24/7
08983-08983

Ngã vào bát canh nóng, bé gái bị bỏng nặng hơn do sơ cứu sai cách

Ngày 16/8, Bệnh viện Nhi Trung ương thông tin về trường hợp bé gái 12 tháng tuổi bị bỏng nước canh nhưng không được sơ cứu đúng cách, khiến tình trạng trở nên nghiêm trọng hơn.

Cụ thể, bé bị ngã vào bát canh nóng, dẫn đến bỏng vùng đầu, vai và cánh tay phải. Ban đầu, gia đình đưa bé đến thầy lang và bôi mỡ trăn lên vết bỏng, khiến tình trạng trở nên nghiêm trọng hơn.

Ngày thứ hai sau bỏng, bé bị sốt và được đưa đến Bệnh viện Nhi Trung ương để thăm khám, điều trị. Qua thăm khám lâm sàng và cận lâm sàng, bé được chẩn đoán bị bỏng nước canh độ II, III (10%) vùng đầu, vai, cánh tay phải. Bệnh nhi được kiểm tra, chăm sóc thay băng vết thương hàng ngày và tư vấn chế độ dinh dưỡng giúp nâng cao thể trạng, hồi phục nhanh. Hiện tình trạng sức khỏe của bé ổn định và đã được ra viện.

Các bác sĩ thay băng cho bệnh nhi (Ảnh: BVCC)

ThS.BS.CK2 Phùng Công Sáng - Phụ trách Đơn vị Bỏng, Phó Trưởng Khoa Chỉnh hình, Bệnh viện Nhi Trung ương giải thích, bỏng nước canh tương tự như bỏng nước sôi, xảy ra khi tiếp xúc với canh nóng trên 50°C. Tuy nhiên, nguy cơ nhiễm trùng cao hơn so với bỏng nước sôi. Mức độ nguy hiểm phụ thuộc vào nhiệt độ, thời gian tiếp xúc, diện tích và vị trí vết bỏng.

BS Phùng Công Sáng nhấn mạnh, đối với vùng bỏng sâu, việc bôi mỡ trăn không những không có tác dụng trong giai đoạn sớm mà còn có thể gây nhiễm trùng, tăng độ sâu của bỏng, làm tình trạng của trẻ nghiêm trọng hơn.

Hướng dẫn sơ cứu vết bỏng đúng cách tại nhà

Để giảm thiểu nguy cơ bỏng trở nên nặng hơn và tránh các biến chứng nguy hiểm, phụ huynh cần nắm vững kỹ năng sơ cứu bỏng đúng cách tại nhà. Dưới đây là các bước sơ cứu khi trẻ bị bỏng nước canh:

- Cách ly trẻ khỏi tác nhân gây bỏng: Phụ huynh cần đưa trẻ ra xa khỏi bát nước canh hoặc bất kỳ nguồn nhiệt nào khác để ngăn ngừa tình trạng bỏng lan rộng.

- Làm mát vùng bị bỏng: Ngâm phần cơ thể bị bỏng (tay, chân) của trẻ vào nước mát sạch (nhiệt độ khoảng 16 - 20 độ C) trong ít nhất 30 phút. Điều này giúp làm dịu da và giảm nguy cơ tổn thương sâu hơn. Nếu trẻ bị bỏng ở vùng mặt, phụ huynh có thể dùng khăn ướt mềm đắp nhẹ nhàng lên vùng da bị tổn thương.

- Chú ý giữ ấm cho trẻ: Nếu diện tích vùng bỏng rộng, cần giữ ấm cho trẻ bằng cách che phủ những phần không bị bỏng để tránh tình trạng sốc nhiệt, đặc biệt không nên sử dụng đá lạnh để làm mát vùng bỏng, vì điều này có thể dẫn đến bỏng lạnh, làm vết thương nặng hơn.

- Không tự ý bôi các chất không có cơ sở khoa học: Phụ huynh cần lưu ý tuyệt đối không bôi dầu, kem đánh răng, trứng gà, mỡ trăn, dầu cá hay bất kỳ loại thảo dược, lá cây nào lên vết bỏng vì điều này dễ gây nhiễm trùng.

- Đưa trẻ đến cơ sở y tế: Sau khi sơ cứu, cần đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám và điều trị kịp thời, tránh các biến chứng nguy hiểm.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X