Ứng dụng công nghệ kiểm soát đường huyết phòng ngừa biến chứng đái tháo đường
Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM tổ chức chương trình sinh hoạt cộng đồng nhân ngày Đái tháo đường thế giới, thu hút hàng trăm lượt tham dự trực tiếp và trực tuyến.
Vừa qua (12/11/2023), nhằm hưởng ứng ngày Đái tháo đường thế giới Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM tổ chức chương trình sinh hoạt cộng đồng người bệnh với chủ đề “Nhận biết sớm nguy cơ đái tháo đường và ứng dụng công nghệ kiểm soát đường huyết phòng ngừa biến chứng”.
Chương trình được tổ chức trực tiếp tại Hội trường 3A và trực tuyến trên Fanpage Bệnh viện, thu hút hàng trăm lượt tham dự trực tiếp và theo dõi trực tuyến.
Phát biểu khai mạc, TS.BS Trần Quang Nam - Trưởng Khoa Nội tiết Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM cho biết: “Trong quá trình điều trị và chăm sóc người bệnh, các bác sĩ nhận thấy được những khó khăn, gánh nặng do biến chứng đái tháo đường mang lại.
Với sự phát triển của công nghệ số, bên cạnh hướng dẫn người bệnh đái tháo đường kỹ thuật tiêm insulin tại nhà, chương trình năm nay đặc biệt giới thiệu các công nghệ tiên tiến trong kiểm soát đường huyết, ứng dụng theo dõi sức khỏe và sử dụng thuốc đúng cách, giúp người bệnh nâng cao chất lượng cuộc sống.
Bệnh viện hy vọng thông qua chương trình sinh hoạt sẽ giúp người tham dự nhận thức được các yếu tố nguy cơ, kiểm soát tốt chỉ số đường huyết, từ đó có biện pháp phòng ngừa bệnh hiệu quả.”
Hiểu về các yếu tố nguy cơ gây đái tháo đường giúp chủ động bảo vệ sức khỏe
Ở phần đầu của chương trình, TS.BS Trần Viết Thắng - Phó trưởng Khoa Nội tiết Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM đã trình bày chủ đề “Hiểu về các yếu tố nguy cơ và cách phòng tránh đái tháo đường”. Đây cũng là thông điệp của ngày đái tháo đường năm nay - “Biết nguy cơ để hành động đúng”.
Theo TS.BS Trần Viết Thắng, các loại bệnh đái tháo đường khác nhau sẽ có những yếu tố nguy cơ khác nhau, từ yếu tố di truyền, tuổi tác, lối sống, chế độ ăn đến tình trạng sức khỏe. Do đó, việc hiểu về các yếu tố nguy cơ gây đái tháo đường sẽ giúp chúng ta chủ động hơn trong việc bảo vệ sức khỏe, phòng ngừa nguy cơ mắc bệnh.
Đối với người đã mắc đái tháo đường, nhiều trường hợp người bệnh cần sử dụng insulin để kiểm soát đường huyết. Tuy nhiên, nếu tiêm insulin không đúng kỹ thuật sẽ gây một số biến chứng cho người bệnh.
Theo dõi đường huyết liên tục giúp người bệnh chủ động trong việc kiểm soát bệnh
Tại chương trình, BS.CK2 Trần Thị Thùy Dung - Khoa Nội tiết Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM đã giúp người tham dự tìm hiểu về kỹ thuật tiêm insulin tại nhà để tránh biến chứng khi tiêm.
BS khuyến cáo, người bệnh chỉ nên sử dụng kim bút tiêm 1 lần, tránh tái sử dụng quá nhiều lần để giảm bị đau khi tiêm và hạn chế nguy cơ hình thành loạn dưỡng mô mỡ nơi tiêm.
Khi chỉ định cho người bệnh tự tiêm insulin tại nhà, các bác sĩ, điều dưỡng đều hướng dẫn chi tiết cho người bệnh về các bước kỹ thuật tiêm và cách bảo quản, người bệnh cần thực hiện theo đúng hướng dẫn và tái khám đều đặn, xây dựng chế độ dinh dưỡng cân bằng, vận động hợp lý. Khi được tiêm insulin đúng cách, người bệnh sẽ kiểm soát tốt đường huyết, tối ưu hóa hiệu quả điều trị, phòng ngừa các biến chứng.
Đối với người bệnh đái tháo đường, việc theo dõi đường huyết liên tục chính là yếu tố then chốt giúp người bệnh chủ động trong việc kiểm soát bệnh, làm giảm các biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra.
Bên cạnh đó, TS.BS Trần Viết Thắng đã hướng dẫn về thiết bị theo dõi đường huyết liên tục (CGM) và ghi chú, theo dõi đường huyết trên ứng dụng UMC Care của Bệnh viện. Đối với người bệnh đái tháo đường, các công nghệ này có thể giúp người bệnh nắm rõ thông tin về tình trạng đường huyết, hướng dẫn chế độ ăn uống, tập luyện và dùng thuốc hiệu quả, đồng thời hỗ trợ bác sĩ đánh giá liệu pháp điều trị tốt hơn.
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình