Mụn trứng cá trẻ em dự báo tình trạng nghiêm trọng hơn ở tuổi vị thành niên và kéo dài đến sau trưởng thành
95% chúng ta gặp tình trạng mụn trứng cá ít nhất 1 lần trong đời và 85% thanh thiếu niên bị mụn trứng cá. Vậy, mụn trứng cá ở trẻ em là gì và có giống với mụn trứng cá của người lớn không? Điều trị mụn trứng cá trẻ em như thế nào? Đó là những vấn đề sẽ được BS.CK1 Trần Hạnh Vy - Khoa Da liễu - Thẩm mỹ Da, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM giải đáp thông qua báo cáo “Mụn trứng cá ở trẻ em” thuộc Tuần lễ cập nhật kiến thức y khoa liên tục thường niên năm 2024 diễn ra từ ngày 17/8 - 25/8/2024.
Mụn trứng cá xuất hiện ở giai đoạn 1 - 7 tuổi có thể tiềm ẩn nhiều bệnh lý nghiêm trọng
Mụn trứng cá là một rối loạn viêm mạn tính ở vùng nang lông và tuyến bã. Nghiên cứu tại Mỹ từ năm 2015 - 2018 ghi nhận có đến 55 triệu trẻ em phải đi khám vì mụn trứng cá. Từ đó có thể thấy, mụn trứng cá ở trẻ em là một vấn đề rất được quan tâm.
BS.CK1 Trần Hạnh Vy giải thích: “Mụn trứng cá trẻ em xuất hiện từ lúc mới sinh cho đến năm 12 tuổi. Tuy không gây nguy hiểm đến tính mạng nhưng mụn trứng cá có nguy cơ tạo sẹo vĩnh viễn và để lại những ảnh hưởng về tâm lý xã hội, trầm cảm”.
Đặc biệt, đối với trẻ em, mụn trứng cá còn tiềm ẩn các bất thường toàn thân, cũng như những rối loạn về nội tiết tố.
Mụn trứng cá trẻ em được phân thành 4 nhóm:
- Mụn trứng cá ở trẻ sơ sinh (Từ 0 đến 8 tuần tuổi): Chiếm 20% trong tổng số trẻ sơ sinh và thường gặp ở trẻ nam nhiều hơn trẻ nữ (5:1). Mụn trứng cá trẻ sơ sinh thường nhẹ và có thể tự khỏi trong khoảng 3 - 4 tháng;
- Mụn trứng cá ở nhũ nhi (Từ 8 tuần đến 12 tháng tuổi): Chỉ chiếm 2 - 3% trong số trẻ nhũ nhi nhưng mức độ trải rộng từ nhẹ, trung bình cho đến nặng;
- Mụn trứng cá ở trẻ nhỏ: Hiếm gặp ở những trẻ từ 1 đến 7 tuổi nhưng tiềm ẩn bệnh lý nghiêm trọng bắt buộc phải tìm ra;
- Mụn trứng cá tiền dậy thì: Ở giai đoạn tiền dậy thì, nội tiết tố bắt đầu thay đổi, trẻ bắt đầu xuất hiện tình trạng mụn trứng cá. Thống kê cho thấy có khoảng 4,8% trẻ từ 7 đến 12 tuổi gặp vấn đề này và các bé gái thường bị mụn trứng cá nhiều hơn.
Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng, bắt đầu từ thế kỷ 20, độ tuổi dậy thì của các em đã giảm đi. Trẻ bắt đầu có lông nách, lông ở bộ phận sinh dục và bộ phận sinh dục phát triển. Từ đó, khái niệm dậy thì sớm cũng được điều chỉnh. Các bé gái châu Âu dậy thì trước 8 tuổi, trước 7 tuổi ở Mỹ và trước 6 tuổi ở người da đen được xem là dậy thì sớm. Đối với các bé trai, độ tuổi dậy thì sớm là trước khi lên 9 tuổi.
BS.CK1 Trần Hạnh Vy cho biết, sinh bệnh học của mụn trứng cá trẻ em xoay quanh 4 cơ chế chính gồm: Tăng tiết bã nhờn, sừng hóa nang lông, chủng vi khuẩn Cutibacterium acnes (C.acnes) và hiện tượng viêm dai dẳng. Cơ chế này chịu tác động của hormone androgen là testosterone dưới men 5-alpha reductase type 1 biến thành dihydrotestosterone (HDT), kích thích tạo nang tuyến bã, tăng sinh tuyến bã nhờn gây mụn trứng cá.
Giai đoạn bào thai, vùng lưới của tuyến thượng thận phát triển mạnh mẽ để tăng sinh hormone androgen của tuyến thượng thận là dehydroepiandrosterone (DHEA) và dehydroepiandrosterone sulfate (DHEA-S).
Khi vừa sinh ra, nồng độ DHEA tăng lên rất cao, sau đó giảm dần cho đến khi trẻ được 1 tuổi. Từ khi mới sinh cho đến 1 tuổi là giai đoạn trẻ nam có tình trạng tăng tiết hormone luteinizing (LH) do tuyến yên tiết ra, từ đó kích thích tăng tiết testosterone tại tinh hoàn. Điều này lý giải nguyên nhân vì sao mụn trứng cá xuất hiện ở bé trai nhiều hơn bé gái trong cùng độ tuổi.
Từ 1 - 7 tuổi, trẻ không có hiện tượng tăng sinh DHEA tuyến thượng thận, không có hormone nội tiết tố nào được sinh ra từ tuyến thượng thận, tinh hoàn, buồng trứng của trẻ. Do đó, mụn trứng cá xuất hiện ở giai đoạn này là vấn đề cần lưu ý, có thể tiềm ẩn nhiều bệnh lý nghiêm trọng.
Sau 7 tuổi, tuyến thượng thận tăng hoạt trở lại, làm tăng sinh hormone.
Đặc điểm lâm sàng và phân biệt chẩn đoán mụn trứng cá ở trẻ theo từng giai đoạn
Về đặc điểm lâm sàng, trẻ sơ sinh chủ yếu có các sẩn hồng ban, sẩn viêm, mụn mủ tập trung ở vùng má, trán, mũi, rất ít nhân mụn trứng cá. Mụn trứng cá ở trẻ sơ sinh thường có xu hướng tự khỏi, tuy nhiên phụ huynh nên cân nhắc chuyển đến bác sĩ da liễu nhi khoa nếu tổn thương kéo dài và trở thành sẹo.
Mụn trứng cá trẻ sơ sinh có nhiều chẩn đoán phân biệt, thường gặp nhất là bệnh mụn mủ đầu, ban đỏ nhiễm độc, tăng sản tuyến bã nhờn, milia hoặc người mẹ sử dụng các loại thuốc lithium, phenytoom, corticosteroid... trong thời gian mang thai.
Cơ chế gây mụn trứng cá ở trẻ nhũ nhi là tăng lượng hormone androgen của tuyến thượng thận; trẻ nam còn có thêm tác động của LH ở tinh hoàn. Tuyến thượng thận và tinh hoàn sẽ giảm tiết hormone khi trẻ được 1 tuổi.
Biểu hiện của mụn trứng cá trẻ nhũ nhi là có nhân mụn, sẩn viêm, mụn mủ và nốt. Số ít trường hợp trẻ bị nặng hơn, thể hiện qua các u nang hình thành sẹo, mụn trứng cá conglobata. Mụn trứng cá trẻ nhũ nhi phân bố chủ yếu ở mặt (đặc biệt là má), ngực, lưng.
Các dấu hiệu như tinh hoàn to, âm vật to, lông mu rậm có thể đang cảnh báo bất thường tăng tiết androgen nội sinh. Mụn trứng cá ở trẻ nhũ nhi còn dự đoán tình trạng mụn trứng cá nghiêm trọng ở tuổi vị thành niên.
Chẩn đoán phân biệt mụn trứng cá trẻ nhũ nhi có thể kể đến u mềm lây, dày sừng nang lông, mụn trứng cá do steroid...
Từ 1 - 7 tuổi là giai đoạn mà phụ huynh cần cực kỳ lưu tâm vì thường phải có nguyên nhân tiềm ẩn gây tăng androgen trong máu như dậy thì sớm, hội chứng Cushing, tăng sản tuyến thượng thận bẩm sinh khởi phát muộn, khối u tiết androgen tuyến thượng thận hoặc phơi nhiễm androgen ngoại sinh. Lúc này, mụn trứng cá có đầy đủ sẩn viêm, sẩn hồng ban, nhân mụn mủ nằm trên toàn gương mặt.
Mụn trứng cá hiếm gặp ở nhóm tuổi này, do đó đây là tín hiệu cho thấy có tình trạng tăng tiết androgen. Trẻ cần được đánh giá kịp thời và/hoặc chuyển đến bác sĩ nội tiết nhi khoa.
Mụn trứng cá trẻ nhỏ được chẩn đoán phân biệt với tình trạng tăng tiết androgen tiềm ẩn, u mềm lây, viêm nang lông,...
Với trẻ tiền dậy thì, vấn đề gặp phải là nhiều nhân mụn trứng cá và tập trung tại vùng giữa mặt. Cơ chế được cho là nồng độ DHEA và DHEA-S bắt đầu tăng lên, tuyến bã nhờn hoạt động trở lại. Mụn phân bố ở mặt (nhiều nhất là trán), vành tai, ngực, lưng.
Việc điều trị cho trẻ tiền dậy thì tương tự như thanh thiếu niên và người lớn nhưng được BS.CK1 Trần Hạnh Vy đánh giá là“ít hiệu quả hơn” do tuân thủ kém.
Mụn trước tuổi dậy thì cần được chẩn đoán phân biệt với mụn excoriee, viêm nang lông do vi khuẩn và viêm nang lông do nấm.
Ở tất cả các giai đoạn kể trên, cần đặt ra nghi ngờ bệnh nhân bị tăng androgen theo sinh lý bình thường hay bệnh lý. Các dấu hiệu tiềm ẩn của tình trạng thừa androgen ở bệnh nhân bị mụn trứng cá gồm mùi cơ thể; lông nách, lông mu, lông ngực rậm; phát triển vú, âm vật, tinh hoàn; tăng khối lượng cơ và mụn trứng cá dai dẳng.
Trẻ bị mụn trứng cá và nghi ngờ tăng androgen được khuyến nghị đo biểu đồ tăng trưởng (chiều cao, cân nặng, chỉ số khối cơ thể - BMI, tuổi xương); xét nghiệm testosterone tự do và toàn phần, LH, hormone kích thích trứng (FSH), DHEA-S, 17-Hydroxyprogesterone (17-OHP), prolactin.
BS.CK1 Trần Hạnh Vy liệt kê các yếu tố dự báo mức độ nghiêm trọng và dai dẳng của mụn trứng cá gồm:
- Số lượng mụn nhiều;
- Phân bố ở giữa mặt;
- Phát triển sớm nhân mụn;
- Nồng độ DHEA-S, testosterone tự do và toàn phần cao, kinh nguyệt sớm ở nữ giới.
Tiếp cận toàn diện và lựa chọn điều trị mụn trứng cá ở trẻ em
BS.CK1 Trần Hạnh Vy nhấn mạnh, khi tiếp xúc với một bệnh nhi có mụn trứng cá, bác sĩ phải khai thác được tiền căn, bệnh sử, việc dùng thuốc của bố mẹ hoặc thuốc thoa của trẻ. Khi khám lâm sàng, bác sĩ không chỉ khám tại vùng da có mụn mà phải xem xét kỹ lưỡng toàn thân để phát hiện các dấu hiệu nam hóa, dậy thì sớm.
Về cơ bản, việc điều trị mụn trứng cá ở trẻ em dựa trên các nguyên tắc là nhắm mục tiêu vào 4 cơ chế sinh bệnh, sử dụng ít thuốc gây hại nhưng hiệu quả, tránh sử dụng các phác đồ làm tăng nguy cơ kháng thuốc, giáo dục phụ huynh và đưa ra kỳ vọng hợp lý.
Mụn trứng cá ở trẻ sơ sinh đa phần đều nhẹ, có thể tự khỏi. Do đó, bệnh nhi chỉ cần dùng những sản phẩm rửa nhẹ nhàng, chất làm mềm không chứa dầu. Nếu có mụn mủ rõ ràng, phụ huynh có thể sử dụng kem bôi azole.
Điều trị mụn trứng cá ở trẻ nhũ nhi và tiền dậy thì tương tự nhau, được chia thành 2 nhóm: điều trị bằng thuốc thoa và điều trị bằng thuốc uống. Các sẩn viêm, mụn mụ đơn giản có thể thoa benzoyl peroxide (BPO) hoặc retinoid. Các sản phẩm kết hợp cho các tổn thương hỗn hợp chỉ được sử dụng cho trẻ từ 12 tuổi, trừ 0,1% adapalene hay 2,5% BPO được chỉ định cho trẻ từ 9 tuổi.
Những trường hợp bệnh nặng hơn có thể sử dụng erythromycin đường uống (hoặc trimethoprim đường uống nếu dị ứng với macrolide) kết hợp với BPO để tránh xuất hiện C.acnes kháng kháng sinh.
Những trường hợp mụn trứng cá quá dai dẳng, nghiêm trọng có thể cân nhắc sử dụng isotretinoin đường uống, sau khi đã loại trừ tình trạng tăng androgen tiềm ẩn.
Khi chọn thuốc điều trị mụn trứng cá cho trẻ em, cần phải xem tiền sử bệnh và lịch sử điều trị nhằm tìm ra nguyên nhân tái phát nhiều lần hoặc chuyển sang phương pháp điều trị khác hiệu quả hơn.
“Mụn trứng cá là một vấn đề dai dẳng, thế nên việc điều trị phải mất một thời gian dài. Đặc biệt, mụn trứng cá ở trẻ em là tín hiệu cho thấy mụn trứng cá sẽ còn tồn tại cho đến tuổi trưởng thành và sau đó.
Bác sĩ nên kê các loại thuốc đơn giản nhưng hiệu quả nhằm giảm bớt gánh nặng chi phí tài chính cho gia đình bệnh nhi” - chuyên gia nhắc nhở. Các loại thuốc dễ sử dụng, chỉ cần dùng mỗi ngày 1 lần cần được ưu tiên để tăng sự tuân trị cho người bệnh.
Song song đó, bác sĩ phải giải thích rõ cho phụ huynh và bệnh nhi về tình trạng bệnh và các tác nhân được kê đơn để kiểm soát mụn trứng cá bằng những thuật ngữ dễ hiểu. Họ phải hiểu rằng mụn trứng cá không thể khỏi ngay trong thời gian ngắn.
Nếu mụn trứng cá tái phát, cần phải điều trị tích cực. Ngay cả khi đã kiểm soát thành công bệnh, việc điều trị bằng các tác nhân tại chỗ vẫn rất cần thiết.
Dù chưa có nghiên cứu nào chứng minh tác dụng của việc làm sạch và dưỡng ẩm trong chăm sóc da mụn trứng cá ở trẻ em, tuy nhiên trong các phác đồ điều trị, sữa rửa mặt cùng với kem dưỡng ẩm dịu nhẹ đều được đưa vào. Sản phẩm chăm sóc da được chỉ định thoa 1 - 2 lần/ngày để chuẩn bị cho các bước điều trị khác.
Cách ngăn ngừa mụn trứng cá ở trẻ emTrong báo cáo về “Mụn trứng cá ở trẻ em”, BS.CK1 Trần Hạnh Vy - Khoa Da liễu - Thẩm mỹ Da, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM đề cập đến một số mẹo đơn giản giúp ngăn ngừa mụn cho các bé, có thể kể đến như: - Rửa mặt không quá 2 lần/ngày bằng nước ấm và sữa rửa mặt dịu nhẹ. - Thoa kem dưỡng ẩm theo khuyến cáo. Lưu ý không chọn các sản phẩm có thành phần chứa dầu nhờn hay thành phần có thể gây kích ứng da. - Sử dụng kem chống nắng: Tiếp xúc với ánh mặt trời có thể khiến mụn bùng phát. Bên cạnh đó, một số phương pháp trị mụn có thể nhạy cảm với ánh sáng. - Không nặn mụn: Nặn mụn có thể làm tăng tình trạng viêm và nhiễm trùng, tăng tình trạng sưng tấy, mẩn đỏ và dẫ đến sẹo. - Tránh chạm tay lên mặt hoặc tì mặt vào các bề mặt tích tụ bã nhờn và cặn bã trên da, chẳng hạn như điện thoại di động. - Giữ tóc sạch và không để tóc chạm vào da mặt nhằm ngăn mụn bùng phát. - Tránh kích ứng, chà xát; Tránh đeo khăn quàng cổ, băng đô và mũ vì các vật dụng này có thể tích tụ bụi bẩn và dầu. Ngoài ra, để tránh thất bại trong điều trị, bệnh nhân cần biết về nhược điểm tiềm ẩn của phương pháp điều trị: Thuốc điều trị mụn cần thời gian để phát huy tác dụng, do đó phải mất ít nhất 6 tuần để nhìn thấy sự cải thiện. |
Bài viết có hữu ích với bạn?
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình