Hotline 24/7
08983-08983

Mớm cơm cũng lây bệnh cho bé yêu

(AloBacsi) - Nếu mẹ dương tính với vi khuẩn HP gây bệnh viêm dạ dày, mẹ sẽ vô tình lây truyền cho bé qua việc mớm cơm hoặc cháo.

 
Lần đầu tiên, một buổi giao lưu trực tuyến về bệnh dạ dày được tổ chức bởi Cổng thông tin sức khỏe AloBacsi.vn lúc 9h00 ngày 20/9 đã khiến nhiều bà mẹ “giật mình” vì khám phá được rằng, thói quen mớm cơm cho con lâu đời nay không ngờ lại tiềm ẩn nguy cơ lây bệnh cho con mình. Mẹ Dương Thị Ngọc Châu - 33 tuổi (ngocchau…g@yahoo.com) chới với:

 

Bác sĩ ơi, giúp em với. Em có con được 14 tháng tuổi, bình thường em vẫn hay mớm cơm cho con. Đọc thông tin trên web thấy bảo rằng bệnh đau dạ dạy lây qua ăn uống. Em chưa đi khám bệnh nhưng thỉnh thoảng đói ăn vào thì bụng trên lại đau. Em lo quá, nếu bị đau dạ dày chắc lây cho con rồi. Giờ có cách nào hạn chế bệnh không bác sĩ ơi?

 

Thắc mắc của mẹ Ngọc Châu được BS-CK1 Nguyễn Minh Thu giải đáp:

 

Em có triệu chứng ăn vào bụng trên lại đau, nếu em thấy đau tăng lên khi ăn các chất khích thích như đồ cay, chua, cứng và đau giảm đi khi có sử dụng các thuốc trung hòa các axit ở dạ dày hay thuốc băng niêm mạc dạ dày thì rất có thể là em có bệnh lý dạ dày.

 

Muốn chẩn đoán, em cần phải đi khám chuyên khoa Tiêu hóa, để BS chỉ định nội soi dạ dày, sinh thiết làm xét nghiệm HP tìm nguyên nhân gây bệnh.

 

Để không lây cho con và cả những người thân trong gia đình khi phát hiện mình nhiễm HP, em cần:

 

- Thức ăn phải đậy kỹ tránh ruồi, gián, thạch sùng bò vào… để phòng lây qua đường phân - miệng mà trung gian là những côn trùng.

 

- Vệ sinh rửa tay đúng cách bằng xà phòng trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn và sau khi đi tiêu tiểu.

 

- Dùng các vật dùng sinh hoạt cá nhân khi ăn uống như chén, đũa, muỗng, ly tách… riêng, sạch sẽ. Tránh dùng đũa gắp thức ăn chung, hay dùng chung nước chấm.

 

- Tránh thói quen mớm cơm cho con.

 

- Động viên người thân đi xét nghiệm tìm HP nếu như trong nhà có người bị nhiễm HP để điều trị đồng thời cho cả gia đình, nhằm cắt đứt nguồn lây.

 
Đút cơm mà không mớm, không thổi sẽ an toàn hơn cho bé
Ảnh: internet
 

Bạn đọc Đồng Minh Khoa thì băn khoăn: làm sao để biết bé nhà mình đã bị viêm dạ dày do vi khuẩn HP? Với kinh nghiệm dày dạn trong việc khám chữa bệnh cho trẻ nhỏ, BS-CK1 Nguyễn Thị Thu Thảo cho biết:

 

Các bé nhỏ bị viêm dạ dày thường không có triệu chứng rõ ràng như trẻ lớn và người lớn, nên thường khó phát hiện bệnh, BS cũng dễ bỏ sót. Bé có thể ho, ói, sụt cân do bệnh kéo dài mà chưa được phát hiện, triệu chứng đau bụng có thể có hoặc không.

 

Các triệu chứng này có thể gặp trong nhiều bệnh lý, do đó, em cần cho bé khám BS để theo dõi và chẩn đoán loại trừ với các bệnh lý khác em nhé. Không phải bé nào có các triệu chứng trên đều bị bệnh viêm dạ dày, muốn chẩn đoán bệnh này đối với bé nhỏ thường làm xét nghiệm tìm kháng nguyên vi trùng HP trong phân.

 

Em không nên quá lo lắng, các bé mắc bệnh này điều trị sẽ tốt nếu gia đình hợp tác tốt với BS, điều trị đúng liều thuốc, đúng thời gian trị liệu bé sẽ khỏi bệnh và lên cân tốt.

 

Nhiều phụ huynh khác thì lo lắng về việc khám chữa bệnh dạ dày cho bé yêu cũng yên tâm hơn khi biết hiện nay có máy nội soi có kích thước phù hợp với trẻ em, kết hợp tay nghề của các BS cao nên ít xảy ra các tai biến, thời gian gây mê chỉ khoảng 5 phút và có nhiều thuốc gây mê loại mới giúp bé tỉnh ngay sau khi nội soi nên không nguy hại cho bé.

 

Còn rất nhiều những thắc mắc xoay quanh vấn đề tiêu hóa như: làm thế nào khắc phục chứng trào ngược dạ dày - thực quản cho bé? Điều trị bao lâu thì bệnh nhân sẽ hết khả năng lây nhiễm vi khuẩn HP cho gia đình? Thuốc trị bệnh đau dạ dày có ảnh hưởng gì đến việc thụ thai?… đều được các bác sĩ khách mời của AloBacsi giải thích cặn kẽ, thấu đáo, giúp mọi người hiểu đúng và an tâm điều trị, tránh được những lo lắng không đáng có về bệnh lý này.

 

Thời gian tới, Alobacsi.vn tiếp tục tổ chức các cuộc giao lưu trực tuyến để bạn đọc có thể có thêm những thông tin hữu ích để bảo vệ sức khỏe bản thân và gia đình, đồng thời, tạo cầu nối cho các bác sĩ giỏi có cơ hội được chia sẻ nhiều hơn với bệnh nhân.

 

Mời quý độc giả BẤM VÀO ĐÂY để xem toàn bộ cuộc giao lưu trực tuyến về bệnh dạ dày.

 

Kim Quy

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X