Hotline 24/7
08983-08983

Mẹ hiến tử cung cho con gái

Bà Eva Ottosson, 56 tuổi, người Anh đã đi vào lịch sử khi trở thành người đầu tiên trên thế giới hiến tử cung để ghép cho cô con gái 25 tuổi.

Nếu thành công, đây sẽ là ca ghép mang tính đột phá trong nền y học thế giới. Trường hợp duy nhất được ghép tử cung trước đó là tại Saudi Arabia vào năm 2000. Một phụ nữ 26 tuổi mất tử cung do xuất huyết đã được nhận tử cung hiến tặng từ một phụ nữ 46 tuổi. Tuy nhiên, ca ghép này đã không thành công. Sau 99 ngày các bác sĩ đã phải phẫu thuật lấy tử cung này ra.
 
Kể từ đó, ngành y học đã có nhiều tiến bộ và một nhóm các bác sĩ ở Gothenburg, Thụy Điển tin rằng họ có thể tiến hành ca ghép tử cung thành công."Con gái tôi cần tử cung và có lẽ tôi là người hiến phù hợp nhất với con bé. Nó cần tử cung hơn tôi, tôi đã có hai cô con gái", bà Ottosson nói.
 
Bà Eva Ottosson và con gái Sara - Ảnh: Telegraph
 
Theo Telegraph, con gái bà, Sara, 25 tuổi, sống và làm việc ở Stockholm, Thụy Điển, mắc một bệnh được gọi là Mayer Rokitansky Kuster Hauser. Chỉ có khoảng 1 trong 5.000 người trên thế giới sinh ra bị chứng bệnh này, điều đó có nghĩa cô sinh ra không có tử cung và một số bộ phận ở âm đạo. Đến nay các nhà khoa học vẫn chưa biết nguyên nhân của bệnh là do đâu. Giống như những bệnh nhân khác, Sara chỉ nhận ra sự khác biệt của mình khi bước vào tuổi dậy thì mà không có kinh nguyệt.
 
"Tôi là một giáo viên dạy sinh học và tôi nghĩ tử cung cũng chỉ là một cơ quan như bao cơ quan khác. Nhưng mẹ tôi không đồng ý và nhất quyết rằng sẽ cho tôi tử cung. Tôi không sợ nếu ca ghép không thành công nhưng việc mẹ tôi sẽ phải trải qua một cuộc phẫu thuật lớn khiến tôi lo lắng nhiều hơn", Sara nói.Các bác sĩ hy vọng ca cấy ghép thành công sẽ giúp Sara có bầu.
 
Tiến sĩ Mats Brannstrom, người đứng đầu nhóm các chuyên gia sẽ thực hiện phẫu thuật, cho biết, ghép tử cung vẫn là một trong những những phẫu thuật phức tạp nhất trong y học."Về mặt kỹ thuật, nó không khó hơn so với việc ghép thận, gan hay tim. Tuy nhiên, cái khó ở đây là tránh xuất huyết và đảm bảo rằng có các mạch máu đủ dài để kết nối với tử cung. Và cũng có nghĩa đó là một phẫu thuật can thiệp sâu ở khu vực xương chậu và nó giống như làm việc trong một cái phễu, điều này thật sự gây khó khăn", tiến sĩ Mats cho biết.Ca cấy ghép phức tạp này có thể được thực hiện sớm nhất vào năm tới tại Thụy Điển.
 
Theo Phương Trang - VnExpress

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X