Hotline 24/7
08983-08983

Mất cả trăm triệu đồng điều trị vết xước chân

Những vết thương từ bật móng đến bùn đất trong khe chân hay vết xướt nhỏ đến mức không để ý tới đều có thể là "mầm họa" đe dọa tính mạng và phải điều trị lâu dài...

3 ca uốn ván nhập viện trong một đêm

Ngày 15/3, khoa Cấp cứu (BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương) tiếp nhận liền lúc 3 ca uốn ván trong tình trạng toàn thân co cứng, tăng trương lực cơ, xuất hiện cơn co giật, phải cấp cứu mở nội khí quản, thở máy.

Nằm trên giường bệnh, xung quanh là máy móc, dây thở… bệnh nhân Đ.T.T (57 tuổi, Vũ Thư, Thái Bình) vẫn đang trong cơn co giật, toàn thân co cứng. Bệnh nhân này được đưa đến viện sau 3 ngày xuất hiện hiện tượng trên.

Mất cả trăm triệu đồng điều trị vết xước chân
Bệnh nhân uấn ván thường phải trải qua 4 tuần điều trị vì co giật, phải thở máy... với chi phí lên đến cả trăm triệu đồng. Ảnh: H.Hải

Người nhà bệnh nhân cho biết, trước đó 9 ngày, khi đi chân đất trên đường làng, bà T dẫm phải đinh. Đinh đâm vào ngón chân cái bàn chân phải nhưng nông, không quá đau đớn nên bà tự mua oxy già về rửa. Sau vài ngày, vết thương cũng đã se miệng, bà ăn uống bình thường, sức khỏe không có dấu hiệu gì đặc biệt. Tuy nhiên, đến ngày thứ 6, các triệu chứng cứng hàm, co cứng toàn than bỗng dưng xuất hiện. Sau 3 ngày điều trị cảm mạo, trị gió theo dân gian không đỡ, bệnh nhân được đưa vào bệnh viện tỉnh và chuyển ngay lên BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương cấp cứu.

Theo BS Nguyễn Trung Cấp, Phó trưởng khoa Cấp cứu (BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương), với những người nông dân, lao động chân tay, uốn ván không phải là căn bệnh quá xa lạ, họ đều biết tuy nhiên không ai nghĩ mình bị vì chuyện xước xát chân tay là thường xuyên, vết thương rất nhỏ thậm chí họ còn không để ý đến.

Một bệnh nhân khác, anh L.T.N ( 47 tuổi Thuận Thành, Bắc Ninh) cũng đang trong tình trạng nguy kịch vì cái vết thương nhỏ mà chính bệnh nhân cũng không nhớ tới. Chị H, vợ bệnh nhân cho biết, khi dựng xe máy, xe đổ vào mu bàn chân, chỉ hơi sưng với một vết xước da nhỏ khoảng 2cm. Vết thương nhỏ đến mức anh N chẳng bận tâm, không băng rửa, vẫn rửa chân, đi lại bình thường để rồisau 1 tuần, các triệu chứng khó há miệng, rồi co cứng toàn thân, co giật đột ngột xuất hiện, gia đình vội đưa đi cấp cứu.

Theo BS Cấp, trung bình mỗi năm bệnh viện tiếp nhận khoảng trên dưới 100 ca uốn ván, hầu hết là am giới ở độ tuổi lao động và phụ nữ cao tuổi vì không được tiêm phòng, tiêm phòng đã lâu.

"Đáng nói, qua thực tế điều trị, khai thác tiền sử thì có đến 1/3 ca bệnh do những tổn thương không đáng kể, thậm chí người ta không để ý đến như bị sâu răng, bị bùn đất nhét vào kẽ chân, sưng tấy. Chính vì những tổn thương nhỏ không đáng kể nên người dân chủ quan. Còn với những người bị chấn thương lớn lại ý thức đi tiêm phòng uốn ván nên không bị bệnh", BS Cấp cho biết.

Mất cả trăm triệu đồng điều trị uốn ván

BS Cấp cho biết, trước đây, bị uốn ván tỉ lệ tử vong rất cao, lên tới 30%. Hơn chục năm trở lại đây, nhờ những tiến bộ trong điều trị nên tỉ lệ tử vong giảm xuống còn dưới 5%. Tuy nhiên, để cứu được một bệnh nhân bị uốn ván phải điều trị tích cực ít nhất 4 tuần, với chi phí cả trăm triệu đồng, chưa kể chi phí, nhân lực mà gia đình bệnh nhân phải bỏ ra trong quá trình chăm sóc bệnh nhân tại viện.

Đặc biệt trong dịp này, việc điều trị cho bệnh nhân uốn ván gặp nhiều khó khăn bởi một loại thuốc gây mê chỉ định dùng cho những trường hợp uốn ván nặng không được các công ty dược cung ứng, do loại thuốc này có trong danh mục các loại thuốc dùng trong tử hình tử tù. Vì thế, việc không chế cơn co giật của bệnh nhân gặp nhiều khó khăn.

"Thay vì 30 ngày nằm viện điều trị nguy kịch với chi phí cả trăm triệu đồng, kéo theo cả tốn kém trong chi phí người nhà chăm nom thì bệnh uốn ván hoàn toàn giải quyết được bằng tiêm phòng, với số tiền chưa đến 100 ngàn đồng. Bệnh nhân nào cũng suýt xoa, giá mà họ không chủ quan, đi tiêm phòng thì đã không phải trải qua quá trình điều trị lâu dài, nguy hiểm và tốn kém", BS Cấp nói.

BS Cấp cho biết,vi khuẩn uốn ván có sức sống rất mãnh liệt, từ đun sôi đến phơi nắng đều không chết. Khi xâm nhập vào vết thương, đặc biệt vết thương dập nát nhiều, môi trường thiếu ô xy (kị khí) thì nha bào uốn ván thoát vỏ phát triển thành vi khuẩn uốn ván, nhân lên tiết ra các độc tố mà không hề gây sưng nề.Đó là lý do vết thương có thể khô, đóng kín miệng nhưng độc tố vẫn phát triển và gây bệnh.

Trong khi đó, vi khuẩn nha bào uốn ván có nhan nhản ở mọi nơi, từ đất, cát, môi trường có nhiều phân súc vật. Vì thế, khi bị những tổn thương dù nhỏ như bong dập móng chân do vấp ngã, do ngã sát tay, chân, do rơi vật nặng vào chân… dù vết thương không nặng nề, nhưng người bệnh phải xử lý vết thương bằng cách giải phóng hết dị vật trong vết thương, cắt lọc hết phần dập nát, rửa sạch bằng dung dịch sát trùng. Nếu vết thương có nguy cơ nhiễm trùng phải dùng kháng sinh.

Bên cạnh việc xử lý vết thương, bệnh nhân nên đi tiêm vắc xin để phòng nguy cơ uốn ván, tốt nhất tiêm cả huyết thanh phòng uốn ván (tức là kháng thể có sẵn, bảo vệ ngay trong 7 ngày đầu) và vắc xin phòng uốn ván (sau khoảng 1 tuần mới có tác dụng, tiếp tục bảo vệ cơ thể thay cho hiệu quả của huyết thanh cũng vừa hết).

AloBacsi.vn
Theo Hồng Hải - Dân trí

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X