Bất ngờ phát hiện nhiễm trùng máu từ triệu chứng sốt cao vào chiều tối
Ngày 29/3/2025, Bệnh viện Đa khoa Medlatec thông tin đã tiếp nhận người phụ nữ có biểu hiện sốt cao, rét run, kèm theo đó là tiểu buốt, tiểu rắt… qua xét nghiệm phát hiện mắc bệnh nhiễm khuẩn huyết.
Khoảng 1 tuần trước, bà N.T.H.L. (50 tuổi, quận Long Biên, TP Hà Nội) xuất hiện triệu chứng tiểu buốt, tiểu rắt. Bà L. tự mua thuốc về nhà uống (không rõ loại) thì triệu chứng có cải thiện nhưng không khỏi dứt điểm.
Khoảng 3 ngày nay, bà L. đột ngột sốt cao 39,5 độ C, rét run, thường sốt về chiều tối, đau tức nhẹ vùng hông lưng, mệt nhiều, tiểu buốt, tiểu rắt và phải rặn ở cuối dòng, nước tiểu màu vàng đậm... Bên cạnh đó, bà còn có tiền sử bệnh tăng huyết áp, đái tháo đường type 2 đang uống thuốc theo đơn của bác sĩ.
Kết quả xét nghiệm cho thấy, bà L. không mắc cúm AB hay sốt xuất huyết Dengue. Một số kết quả xét nghiệm khác như: CRP (chỉ số đánh giá viêm) tăng rất cao, số lượng bạch cầu trung tính tăng, bạch cầu và hồng cầu trong nước tiểu đều dương tính…

Nghi ngờ bệnh nhân sốt là do nhiễm khuẩn tiết niệu, chưa loại trừ khả năng nhiễm khuẩn huyết nên bác sĩ tư vấn bà L. qua Bệnh viện Đa khoa Medlatec để được thăm khám trực tiếp.
Tại Khoa Nội bệnh viện, ThS.BS Phạm Duy Hưng - Phó trưởng khoa Nội, chẩn đoán bệnh nhân mắc nhiễm khuẩn huyết do nhiễm khuẩn tiết niệu, bệnh nền là đái tháo đường type 2 và tăng huyết áp.
Bệnh nhân được xử trí nhập viện để điều trị. Sau 2 ngày dùng kháng sinh, bệnh nhân đã hết các triệu chứng ban đầu và tiếp tục được điều trị theo phác đồ.
Nhiễm khuẩn huyết là gì?
ThS.BS Phạm Duy Hưng cho biết, nhiễm khuẩn huyết hay còn gọi là nhiễm trùng máu, đây là tình trạng nhiễm trùng cực kỳ nghiêm trọng. Các vi sinh vật sẽ từ ổ nhiễm trùng nguyên phát theo đường máu để đi khắp nơi trong cơ thể.
Nguyên nhân gây ra nhiễm khuẩn huyết chủ yếu là do vi khuẩn, tuy nhiên virus hay nấm cũng có thể gây ra nhiễm khuẩn huyết. Hầu hết bệnh nhân nhiễm khuẩn huyết đều có ổ nhiễm trùng tiên phát. Trong đó, nhiễm khuẩn huyết do Escherichia coli chủ yếu gặp ổ tiên phát từ nhiễm khuẩn tiết niệu và đường mật.
Một số đối tượng có nguy cơ mắc nhiễm khuẩn huyết như:
- Người già, trẻ sơ sinh/ đẻ non.
- Người sử dụng thuốc ức chế miễn dịch như: sử dụng corticoid kéo dài, các thuốc chống thải ghép, hoặc đang điều trị hóa chất và tia xạ.
- Người bệnh có bệnh lý mạn tính như: tiểu đường, HIV/AIDS, xơ gan, bệnh van tim và tim bẩm sinh, bệnh phổi mạn tính, suy thận mạn.
- Người bệnh cắt lách, nghiện rượu, có bệnh máu ác tính, giảm bạch cầu hạt.
- Người bệnh có đặt các thiết bị hoặc dụng cụ xâm nhập như: đinh nội tủy, catheter, đặt ống nội khí quản…
- Nhiễm các vi khuẩn độc tính cao: N.meningitidis, S.suis.
Người bệnh khi bị nhiễm khuẩn huyết sẽ có các triệu chứng đặc trưng như: sốt cao, rét run, tim đập nhanh, nhịp thở nhanh, lượng nước tiểu giảm mạnh, tiểu cầu giảm, khó thở, đau vùng bụng…
Người mắc nhiễm khuẩn huyết sẽ gặp nguy hiểm nếu không được phát hiện và xử trí kịp thời. Các biến chứng nguy hiểm của bệnh như: rối loạn tri giác, viêm đau khớp và cơ, suy nội tạng, nhiễm trùng tái phát…, nặng nhất là tử vong.
Để ngăn ngừa nguy cơ mắc bệnh, các bác sĩ khuyến cáo người dân nên thực hiện kiểm tra sức khỏe định kỳ mỗi năm, đặc biệt là những đối tượng thuộc nhóm nguy cơ cao. Khi thấy các triệu chứng của bệnh, người dân hãy đến ngay cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị.
Bài viết có hữu ích với bạn?
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình