Hotline 24/7
08983-08983

Lõm ngực bẩm sinh ảnh hưởng đến thẩm mỹ và sự tăng trưởng của trẻ

Lõm ngực là một dị tật bẩm sinh, không chỉ gây mất thẩm mỹ cho khuôn ngực mà còn gây ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ. BS Trương Hữu Khanh - Phó Chủ tịch Thường trực LCH Truyền nhiễm TPHCM cho biết, tỷ lệ trẻ bị lõm ngực bẩm sinh tại nước ta không nhiều và tình trạng cần thiết phải can thiệp cũng không quá phổ biến.

1. Tình trạng lõm ngực bẩm sinh có phổ biến trẻ em Việt Nam?

Lõm ngực bẩm sinh có phổ biến trên trẻ em Việt Nam, thưa BS? Những trẻ nào có nguy cơ gặp tình trạng này hơn ạ?

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Tình trạng lõm ngực bẩm sinh ở trẻ em tại Việt Nam có tỷ lệ không nhiều, không liên quan đến các vấn đề dinh dưỡng và hoàn toàn là do bẩm sinh, khi sinh ra đã có.

Cấu trúc của lồng ngực khi mới sinh ra sẽ hơi lõm và ngày một lõm sâu vào hơn. Ở một số trẻ, cơ thể sẽ tự điều chỉnh lại sau một khoảng thời gian, nhưng sẽ có những trẻ ngày một lõm vào.

Nếu tình trạng lõm ngực liên quan đến một dạng bất thường trong nội tạng như phổi hay tim, lúc này trẻ sẽ có những biểu hiện bất thường về sức khỏe. Ở một số trẻ có tình trạng lõm ngực thông thường, không có bất kỳ biểu hiện nào bên trong.

Tỷ lệ trẻ nhỏ bị lõm ngực bẩm sinh tại nước ta không nhiều và những tình trạng cần thiết phải can thiệp cũng không quá phổ biến.

2. Biến chứng của lõm ngực bẩm sinh khi không được phát hiện và điều trị kịp thời là gì?

Lõm ngực bẩm sinh nguy hiểm như thế nào? Các biến chứng nào có thể xảy ra nếu lõm ngực không được phát hiện và điều trị kịp thời?

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Thông thường, tình trạng lõm ngực bẩm sinh sẽ khiến cơ thể xấu đi, tạo sự mặc cảm ở trẻ. Tuy nhiên, không phải tất cả các dạng lõm ngực bẩm sinh đều ảnh hưởng đến sức khỏe.

Ở một trẻ bị lõm ngực bẩm sinh, nếu bị lõm nhiều sẽ gây hạn chế cho các cơ quan ở bên trong vùng ngực. Ví dụ như phổi hay tim, làm cho đứa trẻ vận động yếu đi, tim bị chèn ép, chức năng thở sẽ không giống như những trẻ có lồng ngực bình thường khác. Cả 2 yếu tố này đều có thể ảnh hưởng đến sự tăng trưởng ở một đứa trẻ.

3. Từng giai đoạn tiến triển của lõm ngực bẩm sinh như thế nào?

Cụ thể hơn, lõm ngực bẩm sinh sẽ tiến triển ra sao theo từng giai đoạn, độ tuổi của trẻ, thưa BS?

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Thông thường, có thể phát hiện tình trạng lõm ngực bẩm sinh từ khi trẻ còn rất nhỏ, tuy nhiên, khoảng thời gian này vẫn chưa thể đánh giá chính xác được mức độ lõm ngực. Khi trẻ vào giai đoạn bắt đầu từ 7 - 8 tuổi hoặc tiền dậy thì, tình trạng lõm ngực sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của cấu trúc bên trong lồng ngực, lúc này phụ huynh nên đưa trẻ đi thăm khám để có thể đánh giá xem có cần can thiệp hay không.

Thông thường, khi trẻ có cảm giác mệt và không phát triển theo độ tuổi của mình, phụ huynh cần đưa con đi khám ngay để xem có cần can thiệp phẫu thuật hay chỉ cần tập một vài động tác thể dục hoặc tập một số bộ môn thể thao xem có thể cải thiện được tình trạng lõm ngực. Nếu tình trạng lõm ngực ảnh hưởng nhiều đến các cơ quan bên trong lồng ngực, có thể can thiệp phẫu thuật để điều trị.

4. Tại sao lõm ngực bẩm sinh ở trẻ thường được phát hiện ở độ tuổi muộn?

Căn bệnh này thường được phát hiện trên trẻ từ độ tuổi nào? Nhiều trẻ lớn, thậm chí khi trưởng thành mới phát hiện lõm ngực bẩm sinh. Vì sao bệnh thường được phát hiện ở độ tuổi muộn như vậy ạ?

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Tình trạng lõm ngực bẩm sinh có thể nhận biết được qua sự thay đổi từ hình thể bên ngoài. Nhiều trường hợp được phụ huynh phát hiện sớm, đưa trẻ đi khám và được các bác sĩ nhận định tình trạng chưa cần can thiệp.

Đến khi trẻ lớn lên, tình trạng lõm ngực sẽ ảnh hưởng đến vóc dáng hoặc ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày.

Khi bị lõm ngực bẩm sinh trẻ có thể không hoạt động được nhiều do lồng ngực bị ép lại, không thở được sâu, trẻ sẽ than phiền về tình trạng thường xuyên lên cơn mệt hoặc mất thẩm mỹ ở cơ thể mình, lúc này phụ huynh nên đưa trẻ đi thăm khám để đánh giá và điều trị.

5. Đâu là những dấu hiệu của lõm ngực bẩm sinh?

Nhờ BS chỉ ra, đâu là những dấu hiệu điển của lõm ngực bẩm sinh mà các phụ huynh có thể nhận diện ạ?

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Không quá khó để nhận diện các dấu hiệu của lõm ngực bẩm sinh, phụ huynh có thể cho trẻ đứng thẳng và nhìn nghiêng từ một bên hông thẳng qua phía còn lại của lồng ngực, sẽ thấy được lồng ngực của con lõm xuống, sau đó có thể nhìn thẳng xuống và thấy lõm hơn bình thường, điều này cho thấy và đánh giá được phần ngực của trẻ có bị lõm hay không.

Về vấn đề đánh giá có nguy hiểm hay không, phụ huynh chỉ có thể đưa trẻ đi thăm khám để các bác sĩ nhận định tình trạng lõm ngực ở trẻ đang ở mức độ cần can thiệp hay chỉ cần theo dõi.

6. Nếu phát hiện và điều trị kịp thời, liệu tình trạng lõm ngực bẩm sinh có thể được chữa khỏi hoàn toàn?

Lõm ngực có thể chữa khỏi hoàn toàn nếu được phát hiện và điều trị kịp thời? Những khó khăn mà bệnh nhi và bác sĩ có thể đối diện nếu điều trị lõm ngực ở độ tuổi lớn hơn, phát hiện muộn hơn?

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Lõm ngực bẩm sinh không phải là một tình trạng cần điều trị cấp cứu, do cơ thể mỗi người trong chúng ta có thể tự điều chỉnh được. Nhưng đến khi cơ thể không tự điều chỉnh được, lúc này có thể can thiệp bằng phương pháp phẫu thuật.

Hiện nay, ở những trẻ gặp tình trạng lõm ngực bẩm sinh nặng, phương pháp can thiệp duy nhất là phẫu thuật.

Để phẫu thuật cho một trường hợp lõm ngực bẩm sinh nặng, cần lên chương trình, xem xét, đánh giá về tình trạng bệnh như thế nào, sau đó mới tiến hành phẫu thuật và đây không phải là một cuộc phẫu thuật cấp cứu.

7. Những giải pháp điều trị lõm ngực hiện nay là gì?

Vậy đâu là độ tuổi tối ưu nhất để điều trị lõm ngực bẩm sinh, thưa BS? Hiện nay có những giải pháp nào điều trị lõm ngực ạ?

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Theo tôi được biết, thông thường trong một ca phẫu thuật lõm ngực ở trẻ, các bác sĩ sẽ dùng nẹp để nâng lồng ngực lên, có thể là một hoặc hai miếng nẹp, một miếng dùng ở trên và một miếng ở dưới. Khi thực hiện phẫu thuật, các bác sĩ sẽ luồn nẹp vào để đỡ phần lồng ngực bị lõm lên phía trên, lúc này ngực sẽ đầy trở lại, chức năng bên trong và hít thở sẽ trở nên tốt hơn.

Tuy nhiên, đây là một cuộc phẫu thuật chuyên khoa sâu, bác sĩ thực hiện phải được đào tạo, huấn luyện và có kinh nghiệm để có thể thực hiện phẫu thuật cho một ca lõm ngực bẩm sinh.

Hiện nay, đối với chuyên khoa chấn thương chỉnh hình, phương pháp phẫu thuật cho trường hợp lõm ngực bẩm sinh gần như là khá hoàn hảo.

8. Hiệu quả, tính an toàn và thời gian hồi phục của phương pháp Ravitch và Nuss như thế nào?

Hai phương pháp phẫu thuật lõm ngực phổ biến nhất là Ravitch và Nuss. Nhờ BS có thể điểm qua những ưu điểm và nhược điểm của mỗi phương pháp này? Hiệu quả, an toàn và thời gian hồi phục của 2 phương pháp này ra sao ạ?

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Theo tôi, cách gọi của 2 phương pháp này tuy khác nhau nhưng về phương thức vẫn sẽ sử dụng nẹp cho việc phẫu thuật. Có thể sử dụng một hoặc hai nẹp để kéo vùng ngực lõm của trẻ căng lên. Nếu dùng hai nẹp để kéo căng và cố định vùng ngực lõm sẽ tốt hơn so với dùng một nẹp.

9. Cần lưu ý những gì trong sinh hoạt sau phẫu thuật lõm ngực?

Sau phẫu thuật lõm ngực, cần lưu ý những gì trong sinh hoạt, thưa BS? Kế hoạch tái khám, theo dõi theo phẫu thuật ra sao ạ?

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Thông thường, tất cả các cuộc phẫu thuật để điều chỉnh tình trạng lõm ngực bẩm sinh ở trẻ đều cần một khoảng thời gian để theo dõi, tái khám, tập luyện đúng như hướng dẫn của bác sĩ để đạt được hiệu quả hồi phục thật tốt.

Theo tôi nhận thấy ở những phụ huynh buộc phải chọn phương pháp phẫu thuật lõm ngực cho trẻ đều sẽ rất hợp tác, họ luôn nhận thức được cần cả một quá trình điều trị và theo dõi lâu dài cho tình trạng của con mình. Chính vì vậy, những phụ huynh có con bị lõm ngực bẩm sinh thường cho trẻ đi tái khám rất đều đặn.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X