Lợi ích của vận động thể lực
Phong trào tập thể dục của nước ta ngày càng phát triển do nhận thức của người dân về việc vận động thể lực ảnh hưởng tốt đến sức khỏe đã tăng lên rất nhiều.
Tuy nhiên, để hiểu rõ sự ảnh hưởng của vận động thể lực lên sức khỏe và áp dụng chúng hiệu quả thì có lẽ nhiều người chưa được phổ cập bài bản bởi những nhà chuyên môn và quản lý liên quan.
Ở các nước phát triển, vấn đề vận động thể lực nâng cao sức khỏe của người dân rất được chú trọng. Các nhà khoa học và quản lý phối hợp với nhau đưa ra những chương trình xã hội khuyến khích và kể cả bắt buộc các công ty, trường học hay các tổ chức xã hội áp dụng việc vận động thể lực nâng cao sức khỏe cho toàn dân. Họ xây dựng những hướng dẫn chi tiết cho nhà quản lý các cấp và người dân về vấn đề này.
"Vận động thể lực có tác dụng nâng cao sức khỏe được coi là những hoạt động với cường độ cao hơn hoạt động thể lực cơ bản" |
Tập thể dục thể thao được coi là vận động thể lực có tác dụng nâng cao sức khỏe và khác với những hoạt động thể lực cơ bản.
Hoạt động thể lực cơ bản như đứng, đi bộ chậm, leo không nhiều bậc cầu thang và tốc độ không nhanh, mang xách vật nhẹ. Đây là những hoạt động với cường độ nhẹ tới vừa trong thời gian hoặc đoạn đường ngắn nên không có tác dụng nâng cao sức khỏe.
Vận động thể lực có tác dụng nâng cao sức khỏe được coi là những hoạt động với cường độ cao hơn hoạt động thể lực cơ bản. Ví dụ như đi bộ nhanh, nhảy dây, cử tạ, khiêu vũ, chạy, yoga... Và ở tuổi 18-60, yêu cầu tối thiểu phải vận động thể lực sức bền với cường độ vừa tối thiểu 150 phút mỗi tuần hoặc cường độ cao tối thiểu 75 phút mỗi tuần. Mỗi ngày ít nhất 10 phút và rải đều trong tuần.
Vận động thể lực mức độ vừa: đi bộ nhanh 4-5km trong một giờ, làm vườn, khiêu vũ, bơi đều, đánh tennis đôi, đạp xe vận tốc dưới 16km/giờ.
Vận động thể lực mức độ cao: làm vườn nặng, chạy bộ, đạp xe trên 10km/giờ, leo núi, bơi nhanh, đánh tennis đơn, nhảy dây, nhảy aerobic, leo núi.
Vận động thể lực có ích lợi với từng lứa tuổi như sau:
Với trẻ em và thiếu niên: cải thiện sức khỏe cơ bắp và tim mạch - hô hấp, cải thiện sức khỏe xương khớp, cấu trúc cơ thể hợp lý, giảm triệu chứng trầm cảm.
Với thanh niên và người già: làm giảm các nguy cơ chết sớm, bệnh mạch vành, đột quỵ, cao huyết áp, tăng mỡ xấu trong máu, đái tháo đường type 2, rối loạn chuyển hóa, ung thư đại tràng, ung thư vú, ngăn ngừa tăng cân, làm giảm cân, đặc biệt khi phối hợp với ăn kiêng, cải thiện sức khỏe cơ bắp và tim mạch - hô hấp, ngăn ngừa té ngã, làm giảm trầm cảm, cải thiện chức năng nhận thức ở người già, giảm mỡ bụng, làm tăng chất lượng xương, giấc ngủ.
AloBacsi.vn
Theo BS Nguyễn Trọng Anh - Tuổi trẻ
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình