Hotline 24/7
08983-08983

Lọc màng bụng: Cơ hội của người bệnh thận mạn giai đoạn cuối trong mùa dịch bệnh

Phương pháp lọc màng bụng chính là cơ hội giúp người bệnh thận mạn giai đoạn cuối chủ động bảo vệ sức khỏe ngay tại nhà.

Làn sóng dịch bệnh COVID-19 tràn hết tỉnh thành này qua thành phố khác… Từ ngày 27/4/2021, TPHCM bước vào đợt dịch thứ 4 và tính đến hết ngày 15/10/2021 đã có hơn 400.000 ca bệnh. Trong đợt dịch lần này, thành phố và nhiều tỉnh thành trên cả nước đã áp dụng các biện pháp hạn chế di chuyển nghiêm ngặt, với những yêu cầu khắt khe về giấy xét nghiệm, giấy thông hành… Ở các bệnh viện, người bệnh phải có kết quả xét nghiệm COVID-19 âm tính mới được điều trị. Lúc này, những người bệnh thận  càng rơi vào cảnh khốn cùng hơn. Họ thậm chí phải nhịn chạy thận để tiết kiệm tiền và ngày đêm đau đáu với câu hỏi: “Làm sao mình có thể tiếp tục điều trị đây?”.

Phương pháp lọc màng bụng là cơ hội của người bệnh thận mạn giai đoạn cuối

Đứng trước rủi ro sức khỏe lây nhiễm COVID-19, Bộ Y tế đã khuyến nghị người bệnh nên cân nhắc phương pháp lọc màng bụng như một giải pháp giúp bảo vệ sức khỏe trong mùa dịch. Đây thực sự là cơ hội cho người bệnh thận mạn giai đoạn cuối khi tiếp tục quá trình điều trị một cách chủ động ngay tại nhà.

Phương pháp lọc màng bụng là gì?

Lọc màng bụng hay còn gọi là thẩm phân phúc mạc, tên tiếng Anh là Peritoneal Dialysis (viết tắt là PD). Là phương pháp sử dụng dung dịch lọc và lớp niêm mạc trong ổ bụng của người bệnh như một bộ lọc thay cho chức năng thận dựa trên nguyên tắc thẩm thấu để thải chất độc ra khỏi cơ thể.

Người bệnh thận có thể nhờ người thân hỗ trợ khi lọc màng bụng tại nhà (Ảnh minh họa: Nguồn internet)

Phân loại các phương pháp lọc màng bụng

Hiện nay, có hai phương pháp lọc màng bụng phổ biến nhất là lọc màng bụng bằng tay và lọc màng bụng bằng máy. Người bệnh có thể chọn một trong hai phương pháp hoặc kết hợp cả hai.

1. Lọc màng bụng bằng tay:

Lọc màng bụng bằng tay là người bệnh hoặc người hỗ trợ tự thực hiện việc đưa dịch vào ổ bụng và xả dịch ra khi đến lần thay dịch mới. Thời gian làm thường kéo dài khoảng 20 phút/lần. Mỗi ngày người bệnh có thể thực hiện 3-5 lần tùy theo chỉ định của bác sĩ.

Lọc màng bụng bằng tay. (Ảnh minh họa: Nguồn internet)

●           Cách lọc màng bụng bằng tay tại nhà[1]:

Cách thực hiện phương pháp lọc màng bụng bằng tay bao gồm các bước sau đây:

✔         Bước 1: Đưa Dịch Vào Ổ Bụng

Dịch lọc được cho vào ổ bụng qua ống thông (catheter).

✔         Bước 2: Ngâm Dịch

Tùy theo nồng độ mà dịch lọc được ngâm trong ổ bụng từ 4-8 tiếng

✔         Bước 3: Xả Dịch

Dịch được xả ra ngoài ổ bụng.

2.          Lọc màng bụng bằng máy

●           Lọc màng bụng bằng máy sử dụng máy chu kỳ để đưa dịch lọc vào ổ bụng nhằm loại bỏ độc tố ra khỏi cơ thể. Thông thường, người bệnh chỉ cần kết nối với máy chu kỳ trong khoảng 10-12 tiếng vào mỗi buổi tối[2] và trở lại sinh hoạt bình thường vào sáng hôm sau

Lọc màng bụng bằng máy (Ảnh minh họa: Nguồn internet)

●           Cách lọc màng bụng bằng máy:

Lọc màng bụng bằng máy thường được thực hiện vào buổi tối khi bệnh nhân đang ngủ. Mỗi đêm, từ 3 đến 10 lần dịch lọc được đưa vào ổ bụng qua một thiết bị trao đổi dịch với chu kỳ tự động. Vào ban ngày, ổ bụng người bệnh có thể được lưu một lượng dịch hoặc không, tùy theo chỉ định của bác sĩ

Ưu điểm của phương pháp lọc màng bụng: là người bệnh có thể tự thực hiện tại nhà bằng tay hoặc bằng máy. Đối với các trường hợp người bệnh không thể đến được bệnh viện để lọc máu thì đây được xem là một trong những giải pháp tối ưu và được Bộ Y tế khuyến khích lựa chọn[3].

Tại sao người bệnh thận nên lọc màng bụng tại nhà trong mùa dịch?

Phương pháp lọc màng bụng giúp người bệnh cảm thấy tự do hơn (Ảnh minh họa: Nguồn internet)

Phương pháp lọc màng bụng không những hỗ trợ người bệnh thận bảo vệ sức khỏe mà còn mang đến cảm giác thoải mái hơn khi chủ động lọc máu tại nhà trong mùa dịch bệnh COVID-19.

Đảm bảo thực hiện giãn cách xã hội để chống dịch

Trong bối cảnh dịch bệnh đang bùng phát mạnh trên phạm vi toàn quốc, việc đến bệnh viện định kỳ 12 lần/tháng để lọc máu thật sự là một khó khăn vì các phương tiện di chuyển bị giới hạn rất nhiều. Bên cạnh đó, việc để những người có bệnh lý nền suy thận mạn giai đoạn cuối lưu lại bệnh viện từ 4-6 tiếng cùng hàng chục người khác là rất mạo hiểm. Họ có thể đối diện với tình huống nhiễm trùng bệnh viện và nghiêm trọng hơn cả là nguy cơ nhiễm COVID-19 và dẫn đến tử vong như trường hợp bệnh nhân thứ 35 qua đời ở Đà Nẵng, khi sức khỏe vốn đã suy kiệt.

Đảm bảo cho việc lọc máu không bị gián đoạn

Theo khuyến cáo của Bộ Y tế, chỉ định lọc màng bụng được thực hiện trong các trường hợp dưới đây để đảm bảo cho việc lọc máu của người bị suy thận mạn được liên tục, giảm thiểu nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe:

- Đối với những trường hợp lọc máu mới, nếu không có chống chỉ định tuyệt đối.

Nếu người bệnh chạy thận nhân tạo được cho là có nguy cơ cao mắc COVID-19 và điều trị tại nhà có lợi cho người bệnh, thì cân nhắc đổi sang phương pháp lọc màng bụng.

- Đối với người bệnh chạy thận nhân tạo nghi ngờ hay xác định mắc COVID-19 phải lọc máu cách ly, nhưng nếu Đơn vị lọc máu không đủ điều kiện để tiến hành lọc máu cách ly, thì cân nhắc đổi sang phương pháp lọc màng bụng.

Giúp người bệnh tiết kiệm một số chi phí

Trong bối cảnh tình hình kinh tế đang gặp nhiều khó khăn như hiện nay, việc tiết kiệm chi phí để cân đối ngân sách gia đình được đặt lên hàng đầu. Do đó, khi có thể lọc màng bụng tại nhà, người bệnh sẽ tiết kiệm được một khoản không nhỏ cho chi phí đi lại, khám chữa bệnh. Đặc biệt, khi thực hiện lọc màng bụng tại nhà, người bệnh tiết kiệm được 238.000 đồng/mẫu[4] xét nghiệm COVID-19, đồng thời tránh ảnh hưởng đến công việc của bản thân cũng như người chăm sóc.

So với chạy thận nhân tạo, phương pháp lọc màng bụng ít tổn thương về mặt sinh lý và thuận tiện với các thao tác đơn giản nên người bệnh có thể chủ động thực hiện tại nhà. Trong mùa dịch COVID-19, đây chính là “chiếc phao” giúp bảo vệ người bệnh suy thận mạn giai đoạn cuối để giảm nguy cơ lây nhiễm và tăng cơ hội kéo dài thời gian tận hưởng cuộc sống.

 

Nguồn tham khảo:

[1] American Kidney Fund | Peritoneal Dialysis

[2] Mayo Clinic | Peritoneal dialysis

[3] Bộ Y tế | Hướng dẫn  điều trị, quản lý bệnh thận mạn giai đoạn cuối trong dịch COVID-19

[4] Bộ Y tế| https://ncov.moh.gov.vn/vi/web/guest/-/6847426-5408

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X