Hotline 24/7
08983-08983

Lạnh tay chân: Nguyên nhân do đâu?

Lạnh tay chân là căn bệnh khá phổ biến ở nhiều người. Tình trạng này kéo dài có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe cũng như các hoạt động sinh hoạt thường ngày của người bệnh. Trong bài viết dưới đây, ThS.BS.CK2 Mai Duy Linh - Giảng viên Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, TPHCM sẽ nêu rõ nguyên nhân dẫn đến lạnh tay chân và các thông tin về vấn đề này.

1. Đâu là nguyên nhân khiến tay chân thường xuyên bị lạnh?

Xin BS cho biết những nguyên nhân khiến tay chân thường xuyên bị lạnh?

ThS.BS.CK2 Mai Duy Linh trả lời: Vấn đề lạnh tay chân được chia thành 2 nhóm: Thứ nhất, một nhóm lạnh tay chân kèm theo các biểu hiện khác, nghĩa là người này có bệnh khiến tay chân bị lạnh. Thứ hai, đó là cơ địa tay chân dễ bị lạnh.

Trong bệnh lý tay chân, tổn thương thần kinh ngoại biên như hội chứng ống cổ tay, hội chứng ống cổ chân, bệnh thần kinh do đái tháo đường hoặc các bệnh thần kinh ngoại biên khác dẫn đến tổn thương thần kinh và rối loạn đoạn mạch, co mạch ngoại biên khiến tay chân lạnh.

Nhóm thứ nhất, tay chân lạnh do rối loạn thần kinh thực vật. Người bị căng thẳng quá cũng dễ bị tay chân lạnh. Trong trường hợp đó, họ bị chảy mồ hôi trên tay. Đó là do hệ thần kinh thực vật gây ra.

Nhóm thứ hai, do mạch máu, việc co mạch ngoại biên ở tay hoặc chân khiến chúng ta bị lạnh. Đối với trường hợp này, nó xảy ra trong nhiều bệnh lý. Trong trường hợp, thiếu máu hoặc mất máu nặng do tai nạn giao thông, xuất huyết tiêu hóa, tán huyết, suy tim nặng, bị sốc khiến họ bị thiếu máu nặng. Khi bị thiếu máu, cơ thể phản ứng bằng cách dồn máu về các cơ quan quan trọng như: thận, tim, não. Như vậy, mạch sẽ co lại để dồn máu về các cơ quan quan trọng khiến tay chân bị lạnh.

Tuy nhiên, một số bệnh lý khiến tay chân bị co lại bất ngờ. Đó là hội chứng Raynaud, mạch tay chân co do cảm lạnh. Người bị mắc bệnh này khiến mạch máu bị co kéo dài so với bình thường khiến tay chân lạnh kèm theo thay đổi màu sắc móng tay. Một số bệnh lý gây xơ vữa mạch máu như rối loạn mỡ máu kéo dài, xơ vữa động mạch ngoại biên, đái tháo đường gây xơ vữa mạch máu ở vùng tay chân dẫn đến tắc mạch.

Nhóm thứ ba, giảm chuyển hóa toàn thân, trường hợp này thường gặp ở bệnh suy tuyến giáp. Suy giáp là toàn thân cảm thấy lạnh vì cơ thể giảm đi khả năng chuyển hóa. Nhiều người trở nên chậm chạp, sợ nóng, sợ lạnh đến mức không muốn đi tắm. 

Trong một số trường hợp lạnh là do cơ địa, môi trường tức là tay chân của họ lạnh thường xuyên nhưng chỉ hơi lạnh và không kèm theo rối loạn màu sắc ở tay chân, không có cảm giác tê tay chân.

2. Làm sao phân biệt hiện tượng lạnh tay chân do bệnh lý, môi trường hay cơ địa?

Làm sao để phân biệt được hiện tượng lạnh tay chân mà người bệnh mắc phải do bệnh lý, cơ địa hay môi trường bình thường thưa BS?

ThS.BS.CK2 Mai Duy Linh trả lời: Ngoài cảm giác lạnh, người bệnh còn có một số biểu hiện khác như cảm giác tê tay chân, giảm cảm giác, tay chân bắt đầu đổi máu.

Ví dụ, tay chân bị trắng bệch rồi chuyển sang màu tím sậm hoặc màu xanh. Khi đo huyết áp, chúng ta thấy huyết áp tụt và nhịp tim tăng lên. Người bệnh cảm thấy choáng váng, chóng mặt, xây xẩm và mệt mỏi.

Biểu hiện mới xuất hiện gần đây một cách đột ngột, là nguyên nhân khiến nhiều người suy nghĩ do bệnh lý nào đó. Nếu biểu hiện đó chỉ là cảm giác tay chân xảy ra một cách thường xuyên hoặc do yếu tố môi trường thì không liên quan đến bệnh lý.

3. Tay chân lạnh thường xuyên là do sinh lý, liệu có ảnh hưởng sức khỏe?

Nếu đó là do sinh lý bình thường của người bệnh, để lâu có gây ảnh hưởng đến sức khỏe không thưa BS?

ThS.BS.CK2 Mai Duy Linh trả lời: Thực ra, đó là phản ứng bình thường của cơ thể. Tình trạng này kéo dài cũng không gây ảnh hưởng đến sức khỏe. Tuy nhiên, chúng ta cần giữ ấm bản thân khi gặp môi trường lạnh để tránh biến chứng cảm lạnh, gây ảnh hưởng đến mạch máu tay chân khi trời lạnh kéo dài.

4. Với những người có cơ địa dễ bị lạnh, làm thế nào để giữ ấm cơ thể?

Xin BS chia sẻ cách giữ ấm cho người có cơ địa dễ bị lạnh?

ThS.BS.CK2 Mai Duy Linh trả lời: Để giữ ấm, chúng ta cần mang găng tay, vớ, xoa tay, xoa chân, vận động nhiều hơn. Các cách trên có thể giảm cảm giác lạnh khi gặp mùa đông hoặc đi vào nơi có thời tiết lạnh.

5. Lạnh tay chân và đau nhức có mối liên hệ nhứ thế nào?

Xin BS cho biết mối liên hệ giữa lạnh tay chân và đau nhức?

ThS.BS.CK2 Mai Duy Linh trả lời: Khi trời lạnh, mạch máu ở tay chân sẽ co lại khiến người bệnh bị đau. Tình trạng đau nhức này gây ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe. Do đó, chúng ta cần phải có biện pháp giữ ấm. Trong một số trường hợp, người bệnh bị đau cả người, đau cổ.

Ngủ trời lạnh, ngủ máy lạnh hoặc ngủ bật quạt và máy lạnh cùng lúc có thể khiến chúng ta bị cứng cổ hoặc đau cổ vào sáng hôm sau. Trường hợp đó là do co mạch máu có co cơ đi kèm. Khi cơ thể bị lạnh, cần có co cơ để tạo nhiệt. Co cơ sẽ khiến bệnh nhân bị đau nhức vào sáng hôm sau. Tình trạng lạnh này gây ảnh hưởng đến sức khỏe và chúng ta cần giữ ấm để giảm tác động xấu của thời tiết lạnh gây ra.

6. Loại thuốc nào gây tình trạng tay chân bị lạnh?

Xin BS cho biết loại thuốc nào có thể khiến tay chân bị lạnh?

ThS.BS.CK2 Mai Duy Linh trả lời: Một số loại thuốc gây ra tình trạng co mạch, tê tay chân và cảm giác lạnh. Nhìn chung, các loại thuốc này có thể khiến tay chân bị lạnh. Tuy nhiên, hiện tượng này không nhiều. Thuốc điều trị sổ mũi, thuốc nhỏ và thuốc uống có thể gây co mạch ở vùng mũi. Đôi khi thuốc cũng gây co mạch ở vùng ngoại biên.

Một số loại thuốc dành cho người đái tháo đường như thuốc hạ đường huyết. Loại thuốc này không gây ra tình trạng co mạch, nhưng thuốc dẫn đến biểu hiện của thần kinh tự chủ và khiến bệnh nhân bủn rủn, tê, lạnh tay chân.

Đôi khi một số thuốc khác hạ huyết áp mạnh có thể khiến bệnh nhân có tiền sử huyết áp thấp bị rung tay chân. Tóm lại, thuốc hạ đường huyết, thuốc điều trị sung huyết sổ mũi, thuốc hạ huyết áp cũng khiến tay chân bị lạnh.

7. Thường xuyên lạnh tay chân nên khám chuyên khoa nào?

Khi gặp vấn đề thường xuyên lạnh tay chân, bệnh nhân cần đến chuyên khoa nào để khám, thưa BS?

ThS.BS.CK2 Mai Duy Linh trả lời: Nếu bệnh nhân tay chân lạnh kèm theo các bệnh khác sẽ rất nguy hiểm. Họ cần phải đi khám, thay đổi màu sắc ở tay chân. Người bệnh bắt đầu tê tay, tê chân hoặc mất, giảm cảm giác. Bệnh nhân có biểu hiện sốt, mệt mỏi, chóng mặt, tay chân bủn rủn cần được đi khám ở các bác sĩ nội để tìm nguyên nhân.

Có rất nhiều nguyên nhân như nội tiết, tim mạch đều có thể gây ra tình trạng này.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X