Hotline 24/7
08983-08983

Làm sao để bảo vệ môi trường sống an toàn, vượt qua đại dịch COVID-19?

Việc giữ gìn môi trường sống sạch sẽ, thoáng khí là rất quan trọng để bảo vệ sức khỏe, vượt qua đại dịch COVID-19. Vậy làm cách nào để có môi trường sống an toàn? Thắc mắc này sẽ được giải đáp qua phần tư vấn của BS.CK2 Nguyễn Vĩnh Phước - Bệnh viện Thống Nhất.

Phần 1: Đối thoại cùng chuyên gia

1. Những mối nguy ẩn chứa trong không khí

Xin chào BS ạ! Đầu tiên, xin được hỏi môi trường sống ẩn chứa những mối nguy nào cho sức khỏe thưa BS? Đặc biệt, trong đại dịch COVID-19 đang bùng phát trong cộng đồng như hiện nay, môi trường sống đưa đến nguy cơ lây nhiễm cho chúng ta như thế nào ạ?

BS.CK2 Nguyễn Vĩnh Phước:

Khói bụi, vi sinh vật (virus, vi trùng, vi nấm) là những yếu tố nguy cơ trong môi trường, đặc biệt, chúng thường xuyên lơ lửng trong môi trường không khí.

Trong đại dịch COVID-19, những hạt nước bắn ra từ cơn nhảy mũi, ho là những nguyên nhân gây nguy cơ lây nhiễm bệnh COVID-19 trong cộng đồng.

2. Virus SARS-CoV-2 tồn tại trong không khí bao lâu?

Thưa BS, virus SARS-CoV-2 tồn tại ngoài môi trường trong bao lâu, nhất là trên các bề mặt và không khí?

BS.CK2 Nguyễn Vĩnh Phước:

Virus SARS-CoV-2 có thể tồn tại ngoài môi trường trong vài giờ, thậm chí kéo dài đến 5 ngày. Ví dụ, trong hạt nước li ti, virus SARS-CoV-2 có thể tồn tại khoảng 3 giờ.

Nếu virus SARS-CoV-2 bám trên bề mặt kim loại, nhựa, nó có thể tồn tại từ 2-5 ngày.

3. Virus SARS-CoV-2 có phát triển trong không khí?

Vừa qua, CDC Mỹ tiếp tục nhấn mạnh chúng ta có thể lây nhiễm virus SARS-CoV-2 khi hít phải các hạt aerosol (hạt khí dung) treo lơ lửng trong không khí, đặc biệt là ở môi trường kín.

- Xin hỏi BS, virus không có nơi “bám víu” và còn sống lơ lửng trong không khí như vậy liệu có khả năng xâm nhập vào cơ thể con người?

BS.CK2 Nguyễn Vĩnh Phước:

Virus ở trong hạt nước lơ lửng trong không khí đều có nguy cơ gây bệnh cho con người. Vì vậy, ngành y tế đã hướng dẫn người dân đeo khẩu trang, nhất là nơi đông người và phải giữ khoảng cách.

- Virus sống trong các hạt khí dung này liệu có thể nhân lên như trong cơ thể chúng ta không ạ, đặc biệt là trong môi trường nhà ở, không gian khép kín?

BS.CK2 Nguyễn Vĩnh Phước:

Trong môi trường sống, virus không thể phát triển. Nó chỉ phát triển khi đã bám vào các tế bào trong cơ thể, đặc biệt là tế bào đường hô hấp.

4. Chung cư và nhà riêng, nơi nào an toàn hơn trong đại dịch COVID-19?

Những không gian sống tập trung như chung cư cao tầng/ căn hộ liệu có kém an toàn hơn nhà riêng khi đại dịch bùng phát như hiện nay?

BS.CK2 Nguyễn Vĩnh Phước:

Chúng ta khó phân định được sống ở chung cư hay nhà riêng sẽ an toàn hơn trong mùa dịch.

Nhưng phải hiểu rằng, chung cư là nơi chúng ta có thể bị lây truyền bởi yếu tố cộng đồng như đi chung thang máy, tay vịn cầu thang, tay nắm cửa.

Ngược lại, ở nhà riêng, chúng ta chỉ tiếp xúc với những người trong gia đình.

Do vậy, sống ở chung cư có vẻ như nguy cơ nhiễm bệnh sẽ nhiều hơn sống ở nhà riêng.

Hiện nay, xu hướng ở chung cư ngày càng nhiều. Song tại các tòa nhà này thường sử dụng máy lạnh trung tâm. Nhiều người lo lắng rằng, hệ thống này sẽ là nguồn đưa virus SARS-CoV-2 lây lan đến các không gian nhà khác. Giả thuyết này liệu có căn cứ không thưa BS? Những gia đình sống trong môi trường này, cần làm gì để tự bảo vệ mình trong đại dịch COVID-19?

BS.CK2 Nguyễn Vĩnh Phước:

Chung cư là nơi tập trung đông người và sử dụng hệ thống công cộng như máy lạnh trung tâm. Điều này đã được CDC cảnh báo nguy cơ lây nhiễm SARS-CoV-2. Do vậy, chúng ta cần phải cẩn thận khi sống ở chung cư.

Bên cạnh đó, mỗi gia đình phải tự tạo môi trường sống trong lành

5. Vệ sinh nhà cửa như thế nào là đúng?

Làn sóng COVID-19 lần thứ 4 quay trở lại, lần này chúng ta đối diện với số ca mắc, Fx nhiều hơn. Nếu một người vừa được xác định là F2, F3 nhưng trước đó có ghé thăm nhà, vậy chúng ta cần vệ sinh nhà cửa, các vật dụng như thế nào để tránh nguy cơ lây nhiễm? Những vị trí nào không được bỏ qua khi dọn rửa?

BS.CK2 Nguyễn Vĩnh Phước:

Khi khách ghé thăm nhà là F2, F3 thì chúng ta phải vệ sinh những vật dụng như sàn nhà, mặt bàn, bồn vệ sinh, bàn phím, điện thoại, tay nắm cửa và một số đồ vật khác mà người này có tiếp xúc.

Nhờ BS hướng dẫn cho khán thính giả biết cách vệ sinh khử khuẩn tại gia đình và cho người cách ly tại nhà?

BS.CK2 Nguyễn Vĩnh Phước:

Đơn giản nhất, chúng ta có thể sử dụng cồn khoảng 70 độ, xà phòng hoặc các dung dịch sát khuẩn thông thường để khử khuẩn. Tuy nhiên, khi xịt dung dịch khử dịch lên vật dụng, chúng ta không nên lau khô liền; phải đợi 3-4 phút cho dung dịch ngấm rồi mới lau sạch.

Để hạn chế khách tiếp xúc với vật dụng trong gia đình, chúng ta có thể mời chai nước suối thay vì tách trà. Sau khi khách về, chúng ta phải vứt những chai nước này vào thùng rác riêng để được xử lý đặc biệt.

6. Phương pháp làm thoáng khí trong nhà

Như BS vừa chia sẻ, việc làm cho không gian trong nhà luôn thoáng khí là điều rất quan trọng trong phòng ngừa COVID-19. Vậy làm thế nào để không khí trong nhà luôn thông thoáng, trong lành?

BS.CK2 Nguyễn Vĩnh Phước:

Để không khí trong nhà luôn thông thoáng, trong lành, chúng ta phải mở hết tất cả cửa. Nếu chúng ta mở cửa trước, đóng cửa sau thì sự thông khí cũng rất hạn hẹp.

Muốn thông khí tốt, không khí trong lành, chúng ta phải mở cửa trước, cửa sau, thông gió.

7. Làm sao để mở cửa vừa thoáng khí vừa không ô nhiễm?

Khuyến cáo thường gặp nhất trong mùa dịch này là mở cửa đón nắng vào nhà. Nhưng ô nhiễm không khí cũng là vấn đề cấp bách hiện nay. Nếu mở cửa không khí ô nhiễm có thể tràn vào nhà. Có cách nào để “vẹn đôi đường” trong trường hợp này, thưa BS?

Nếu chúng ta mở cửa để thông thoáng không khí thì bụi bẩn cũng có thể tràn vào nhà. Vậy làm sao để “vẹn đôi đường”?

BS.CK2 Nguyễn Vĩnh Phước:

Chúng ta có thể thấy, khi chà vôi hay bơm mực, người ta thường dùng máy để hút bụi bẩn hoặc không cho bụi bay ra bên ngoài. Đối với không khí trong gia đình cũng vậy, chúng ta cũng nên sử dụng máy để hút bụi bẩn.

Nếu không có điều kiện sử dụng máy hút bụi thì thông khí vẫn là yếu tố quan trọng.

8. Máy lọc không khí có giúp hạn chế lây lan virus SARS-CoV-2?

Ngoài việc giữ không gian sống luôn sạch sẽ, thực hiện rửa tay, đeo khẩu trang…nhiều người băn khoăn, sử dụng máy lọc không khí trong nhà có hiệu quả không? Máy lọc không khí có giúp tiêu diệt vi khuẩn, virus, hạn chế lây lan COVID-19?

BS.CK2 Nguyễn Vĩnh Phước:

Nếu chúng ta sử dụng máy đạt tiêu chuẩn và dùng đúng cách thì có thể hạn chế bớt sự lây lan của virus.

Máy lọc không khí phải đủ thành phần lọc như lực hút không khí vào trong máy lọc và bộ lọc phải tốt.

BS.CK2 Nguyễn Vĩnh Phước - Trưởng khoa Tai mũi họng, Bệnh viện Thống Nhất

Phần 2: Giải đáp thắc mắc bạn đọc

1. Xin chào BS, em nghe BS tư vấn từ đầu chương trình. Trong đó thông tin về việc có thể lây nhiễm SARS-CoV-2 nếu hít phải các hạt khí dung treo lơ lửng trong không khí của người bệnh.

Vậy các hạt khí dung này tồn tại bao lâu trong không khí? Làm sao để “tiêu diệt” mầm bệnh này từ sớm, không để nó xâm nhập cơ thể ạ? Máy lọc không khí có “bắt” được các hạt li ti từ giọt bắn chứa virus này?

BS.CK2 Nguyễn Vĩnh Phước:

Như đã chia sẻ, hạt li ti trong không khí có thể tồn tại 3 giờ, thậm chí kéo dài cả ngày. Nếu nó bám được ở những bề mặt kim loại, thủy tinh, nhựa thì có thể tồn tại từ 2-5 ngày.

Nếu virus xâm nhập vào nhà, chúng ta phải vệ sinh tất cả bề mặt như sàn nhà, mặt bàn, bồn vệ sinh, tay nắm cửa, … những nơi thường xuyên tiếp xúc. Chúng ta có thể vệ sinh 2-3 lần/ngày.

Đặc biệt, khi đeo khẩu trang, chúng ta phải tuân thủ đúng quy tắc, tay không được sờ vào mắt, mũi nếu đã tiếp xúc với mặt trước của khẩu trang.

Đối với những gia đình sử dụng máy lọc không khí, tùy theo bộ lọc của từng loại máy sẽ quyết định loại máy đó có bắt được những hạt li ti hay không.

Trước khi lựa chọn loại máy lọc không khí, chúng ta phải nghiên cứu kỹ công nghệ của từng loại máy.

Khi chọn máy lọc không khí, chúng ta cần lưu ý, hệ thống lọc gồm bộ lọc thô để lọc hạt bụi lớn, lơ lửng trong không khí; bộ lọc chứa cacbon hoạt tính để lọc chất có mùi, chất độc hại; màng siêu lọc HEPA.

Màng lọc HEPA phải đạt tiêu chuẩn MERV 17 đến trên MERV 20 mới mang lại hiệu quả.
Ngoài ra, phải chọn loại máy của nhà sản xuất lớn, có uy tín, có giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn.

2. Thưa BS, tôi đọc được một nghiên cứu từ Đại học Weber State (Mỹ) cho thấy tinh dầu như quế, cam, chanh sả, hương thảo, húng tây, chanh bưởi, đinh hương... có thể tiêu diệt vi khuẩn trong không khí. Điều này liệu có ích đối với virus hay không, đặc biệt là trong bối cảnh COVID-19 phức tạp như hiện nay ạ?

BS.CK2 Nguyễn Vĩnh Phước:

Phần lớn các loại tinh dầu có khả năng hạn chế sự phát triển của virus. Một số loại tinh dầu thông dụng ở Việt Nam như tràm, chanh sả, cam,... còn có lợi cho sức khỏe con người.

3. Tôi nhận thấy dường như người mắc bệnh hô hấp nhạy cảm hơn trước đại dịch COVID-19. Vậy môi trường sống của họ có khắt khe hơn so với người bình thường?

Xin BS cho lời khuyên, môi trường sống của người bệnh hô hấp cần đặc biệt lưu ý những gì? Máy lọc không khí liệu sẽ ảnh hưởng hay mang lại lợi ích hơn cho những trường hợp này ạ?

BS.CK2 Nguyễn Vĩnh Phước:

Đối với người mắc bệnh hô hấp, đặc biệt người lớn tuổi, không khí trong lành luôn là liều thuốc bổ tốt nhất. Do vậy, môi trường không khí trong lành là điều kiện tốt nhất để người bệnh hô hấp chống chọi với đại dịch COVID-19.

Nếu gia đình có người mắc bệnh hô hấp, chúng ta phải luôn giữ không khí trong nhà thông thoáng, sạch sẽ, mát mẻ.

Nếu có thể sử dụng máy lọc không khí để giúp người bệnh có môi trường sống trong lành hơn là điều rất tốt. Nhưng phải sử dụng loại máy lọc không khí đạt tiêu chuẩn, nhiều loại máy không đạt chuẩn còn có thể gây hại đến sức khỏe.

4. Thưa BS, nhiều người lo lắng việc sử dụng máy lọc không khí thường xuyên sẽ làm khô niêm mạc mũi điều này khiến virus, vi khuẩn dễ dàng xâm nhập hơn. Nỗi lo này có đúng không ạ? Nếu sử dụng máy lọc không khí thì có nên bật thường xuyên hay có khoảng thời gian cố định ạ?

BS.CK2 Nguyễn Vĩnh Phước:

Máy lọc không khí phải đơn thuần lọc không khí, gồm có 3 màng lọc và hệ thống hút, sẽ không làm không khí khô, vẫn đảm bảo độ ẩm. Vì vậy, chúng ta không phải lo không khí khô đi vào cơ thể.

Ngoài ra, mũi của chúng ta có tác dụng làm sạch, làm nóng và ẩm không khí trước khi đi vào cơ thể. Tuy nhiên, nếu không khí quá khô, mũi không còn đủ khả năng cung cấp độ ẩm cho không khí, sẽ làm ảnh hưởng cơ thể.

Nếu chúng ta sử dụng máy lạnh thường xuyên, không khí có thể bị khô.

Nếu sử dụng máy lọc không khí, chúng ta có thể bật thường xuyên mà không làm ảnh hưởng đến cơ thể. Tuy nhiên, phải dùng loại máy lọc không khí đạt tiêu chuẩn mới mang lại hiệu quả.

5. Dịch COVID-19, trong gia đình có cần lắp đèn UV để khử trùng và diệt virus không thưa BS? Nếu sử dụng thì cần lưu ý gì ạ?

BS.CK2 Nguyễn Vĩnh Phước:

Đèn UV (đèn cực tím) là công nghệ không mới. Theo nghiên cứu, đèn UV có thể diệt được một số loại vi khuẩn, virus. Nếu bạn có điều kiện có thể lắp đèn UV, nhưng phải lắp loại đèn đạt tiêu chuẩn.

Chúng ta có thể bật đèn UV khoảng 20-30 phút. Chúng ta không được vào phòng đang bật đèn UV, bởi nó gây hại cho sức khỏe.

Khi lắp đèn UV, công tác đèn không được lắp trong phòng hoặc sử dụng điều khiển từ xa.

6. Trên thị trường có nhiều máy lọc không khí quá ạ. Em muốn mua loại để có thể bảo vệ được gia đình trong mùa dịch này. Rồi sau đó hết dịch thì bảo vệ trước các tác nhân khác của môi trường ô nhiễm. Dưới góc nhìn của BS, em nên lựa chọn dòng máy như thế nào, dựa trên những yếu tố, tiêu chuẩn ra sao?

BS.CK2 Nguyễn Vĩnh Phước:

Khi chọn máy lọc không khí, bạn phải nắm vững những nguyên tắc sau:

  • Máy phải có bộ lọc cơ bản gồm bộ lọc thô, bộ lọc chứa cacbon hoạt tính và màng siêu lọc HEPA đạt chuẩn từ MERV 17 đến MERV 20
  • Hệ thống hút không khí phải đủ mạnh để hút và thải không khí
  • Máy lọc không khí có giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn HEPA
  • Nhà sản xuất uy tín và chính sách bảo hành đáng tin cậy

7. Trước tình hình ngày càng căng thẳng của dịch COVID-19, nhiều gia đình, công ty đã tìm đến dịch vụ phun thuốc khử trùng để vệ sinh nhà cửa. Điều này có cần thiết không thưa BS? Lưu ý gì khi phun thuốc khử trùng (sau bao lâu mới được vào nhà, bao lâu nên làm một lần…)?

BS.CK2 Nguyễn Vĩnh Phước:

Nếu gia đình có người bị mắc COVID-19 đến chơi thì hãy phun thuốc khử khuẩn. Nếu chúng ta chỉ nghi ngờ và muốn khử khuẩn để tạo cảm giác yên tâm hơn thì tôi nghĩ không cần thiết sử dụng dịch vụ này.

Chúng ta chỉ cần làm không khí thông thoáng, mát mẻ, vệ sinh nhà cửa, các vật dụng thường xuyên sử dụng là đủ an toàn, không cần phải dùng cách thuê dịch vụ phun thuốc khử trùng.

Nếu sử dụng dịch vụ phun khử khuẩn, chúng ta cần lưu ý lựa chọn hóa chất an toàn cho sức khỏe, phun mọi ngóc ngách trong nhà. Sau khi phun thuốc khử khuẩn ít nhất 30 phút, chúng ta mới quay lại môi trường phun thuốc đó.

Sau khi phun thuốc khử khuẩn, chúng ta phải mở cửa, sử dụng quạt và máy lọc không khí để thông thoáng môi trường sống.

8. Cuối chương trình, BS có lời khuyên hay lưu ý gì cho khán thính giả để bảo vệ môi trường sống an toàn trong đại dịch COVID-19?

BS.CK2 Nguyễn Vĩnh Phước:

Trong đại dịch COVID-19, các bạn nên tuân thủ theo hướng dẫn 5K của ngành y tế.

Ngoài ra, chúng ta không quên bổ sung dinh dưỡng, ăn đủ chất, môi trường sống phải được vệ sinh sạch sẽ.

Hy vọng rằng, chúng ta sẽ vượt qua đạt dịch an toàn và không để lại hậu quả nặng nề.

Minh Huy

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X