Hotline 24/7
08983-08983

Kinh nghiệm tầm soát đột quỵ tại Bệnh viện Đột quỵ Tim mạch Cần Thơ

Câu hỏi

Tầm soát đột quỵ là một trong những dịch vụ nổi bật tại Bệnh viện Đột quỵ Tim mạch Cần Thơ. Trong bài viết dưới đây, AloBacsi xin chia sẻ một số kinh nghiệm về quy trình, lưu ý và chi phí tầm soát đột quỵ tại cơ sở y tế này.

Trả lời

I. Đột quỵ là gì, triệu chứng nhận biết?

Đột quỵ, hay còn gọi là tai biến mạch máu não là tình trạng bệnh lý do tổn thương mạch máu não. Bệnh xảy ra khi việc cung cấp máu lên một phần của não bộ bị ngừng trệ đột ngột.

Đột quỵ có thể xảy ra do 2 nguyên nhân: Do nhồi máu não (tắc mạch) làm ngừng trệ dòng máu lên nuôi não hoặc chảy máu não (vỡ mạch) làm cho máu trong lòng mạch thoát ra bên ngoài tràn vào mô não phá hủy và chép ép mô não.

Bạn đọc cần biết 3 dấu hiệu đột quỵ rất dễ nhớ. Đó là:

- Mặt méo 1 bên.

- Tay chân yếu, đưa lên mà rớt xuống. Chẳng hạn như đang cầm đũa, cầm chén, điện thoại… thì tự nhiên làm rơi xuống, không nhặt lên được.

- Nói khó, ú ớ, một số trường hợp ngất xỉu.

II. Ai cần tầm soát đột quỵ?

Tầm soát đột quỵ không phân biệt ngành nghề và cũng không giới hạn độ tuổi. Thường, từ 40 tuổi trở lên nên tầm soát căn bệnh này.

Ngoài ra, những người có một trong những yếu tố nguy cơ của đột quỵ như gia đình có người thân bị đột quỵ, mắc bệnh tiểu đường, tăng huyết áp, cholesterol cao, người có bệnh lý về tim mạch, hút thuốc lá, rượu bia nhiều, có triệu chứng đau đầu kinh niên, động kinh thì nên tầm soát sớm. Hoặc bạn cũng nên tầm soát đột quỵ nếu xuất hiện các dấu hiệu của cơn thiếu máu não thoáng qua như đột nhiên yếu tay chân, méo miệng… sau đó tự hết trong vòng 24 giờ.

>>> Có thể bạn quan tâm: Đã khám sức khỏe định kỳ, sao còn phải tầm soát đột quỵ?

III. Bao lâu nên tầm soát đột quỵ một lần?

Thời gian tầm soát đột quỵ tùy theo mỗi cá nhân. Sau khi khám với bác sĩ Thần kinh, qua các xét nghiệm bác sĩ sẽ tư vấn cụ thể cho từng trường hợp. Nếu kết quả chụp mạch máu não phát hiện hẹp hay phình thì cần theo dõi định kỳ, còn nếu bình thường thì sau 3 năm hoặc với người dưới 50 tuổi thì sau 5 năm mới cần tái khám.

Tóm lại, ở người khỏe mạnh, không cần theo dõi thường xuyên, có thể 5 năm/ lần. Những người có yếu tố nguy cơ cao như tăng huyết áp, tiểu đường, mỡ máu cao thì cần theo dõi thường xuyên. Lưu ý, theo dõi chứ không phải tầm soát thường xuyên.

Ngoài ra, các chuyên gia về Thần kinh - Đột quỵ nhiều lần nhấn mạnh, khám tầm soát đột quỵ kết quả bình thường không có nghĩa là cho phép chúng ta chủ quan. Vì nếu bạn dưới 40 tuổi các kết quả khám bình thường, nhưng sau đó về “xả láng” ngày gói thuốc lá, rượu bia 5-7 lon thì nguy cơ đột quỵ sẽ còn gia tăng.

IV. Gói tầm soát đột quỵ tại Bệnh viện Đột quỵ Tim mạch Cần Thơ có những gì?

Hiện, nước ta chưa có chiến lược tầm soát đột quỵ trong cộng đồng, vì với tầm soát ngoài việc cần trang thiết bị hiện đại còn đòi hỏi khắt khe về kinh nghiệm của đội ngũ y bác sĩ, đặc biệt về Thần kinh - Đột quỵ.

Do đó, có thể nói, Bệnh viện Đột quỵ Tim mạch Cần Thơ là một trong những cơ sở y tế đầu tiên của Việt Nam xác định mục tiêu tầm soát các yếu tố nguy cơ đột quỵ nhằm dự phòng và giảm thiểu tối đa các biến cố đột quỵ gây tàn phế nặng nề cho người bệnh và gia đình.

Trong gói tầm soát đột quỵ, bạn sẽ được làm các xét nghiệm cận lâm sàng nhằm kiểm tra các nguy cơ, từ đó bác sĩ sẽ tư vấn kịp thời về cách điều chỉnh lối sống, sinh hoạt và đưa ra lộ trình điều trị phù hợp để giảm nguy cơ đột quỵ. Cụ thể gồm có: Kiểm tra hệ thống mạch máu não (MRI 3 Tesla), bệnh lý tim mạch (đo điện tim, điện tim gắng sức, siêu âm tim), siêu âm động mạch cảnh - động mạch cảnh đốt sống, làm các xét nghiệm máu để tìm bệnh lý như mỡ máu cao, tiểu đường, bệnh gout, một số bệnh lý về gan và thận, xét nghiệm nước tiểu...

Đặc biệt, tại Bệnh viện Đột quỵ Tim mạch Cần Thơ bạn sẽ được kiểm tra hệ thống mạch máu não bằng máy cộng hưởng từ MRI 3 Tesla có độ nhạy tối đa và độ chính xác cao, chất lượng sắc nét, có thể quan sát rõ bó sợi thần kinh, không cần dùng thuốc cản từ nên độ xâm lấn bằng 0.

Lấy số thứ tự ngay bên phải cửa ra vào (sảnh tầng trệt), sau đó điền thông tin vào phiếu khám

Quầy tiếp nhận kiểm tra thông tin và thu phí

V. Lưu ý gì trước khi tầm soát đột quỵ tại Bệnh viện Đột quỵ Tim mạch Cần Thơ

1. Có cần đặt lịch hẹn tầm soát đột quỵ?

Để tiết kiệm thời gian chờ cũng như chủ động hơn trong việc thăm khám, bạn đọc có thể liên hệ đặt lịch tầm soát đột quỵ tại Bệnh viện Đột quỵ Tim mạch Cần Thơ qua hotline 1800 1115, cung cấp các thông tin cần thiết như họ và tên; ngày, giờ khám; nhu cầu khám…

Ngoài ra, nếu bạn đọc có nhu tầm soát đột quỵ với TS.BS Trần Chí Cường - Giám đốc bệnh viện thì cũng nên cung cấp thông tin này khi đặt lịch hẹn khám để được sắp xếp thời gian cụ thể.

Sau đó, bộ phận chăm sóc khách hàng của bệnh viện sẽ xác nhận thông tin, đồng thời gửi tin nhắn qua điện thoại về thời điểm khám như bạn yêu cầu. Trước ngày khám, để bạn không quên lịch hẹn, nhân viên bệnh viện cũng sẽ liên hệ lại với bạn để xác nhận.

Bật mí thêm một thông tin với bạn đọc, bệnh viện đã trang bị hệ thống phần mềm lưu trữ hình ảnh của bệnh nhân. Khi bệnh nhân tái khám sau tầm soát đột quỵ (trong trường hợp phát hiện bất thường), không cần lỉnh kỉnh mang nhiều giấy tờ, chỉ cần nói tên là bệnh viện có thể truy xuất được hồ sơ cũ và hình ảnh của bệnh nhân trên máy tính.

2. Tầm soát đột quỵ có cần nhịn ăn uống?

Tốt nhất là bạn nên nhịn ăn sáng để tầm soát đột quỵ. Bởi trong gói tầm soát có xét nghiệm máu. Ngoài ra, một số trường hợp nếu cần chụp MRI có chất cản từ thì cũng cần nhịn ăn sáng.

Bạn đọc có thể mang theo bánh mì, phần ăn sáng nhỏ hoặc nếu ngại mang “túi to, túi nhỏ” thì có thể lên căn tin bệnh viện trên tầng 9 dùng bữa ngay sau khi kết thúc quá trình lấy máu, chờ nhận kết quả. Căn tin bệnh viện được nhiều bệnh nhân đánh giá tương đối tốt, “view đẹp, lộng gió” và món ăn đa dạng, từ bún, phở, hủ tíu đến các loại nước ép, sinh tố, cà phê (có loại dành riêng cho người tiểu đường), giá cả phải chăng.

Bên cạnh đó, đừng quên mang theo các loại thuốc đang sử dụng như thuốc huyết áp, tiểu đường (nếu có).

Trong trường hợp nếu lỡ ăn sáng rồi thì bạn có thể lấy máu sau 6 tiếng.

>>> Có thể bạn quan tâm: Bệnh nhân đột quỵ tái khám không cần mang theo túi hồ sơ to đùng, lỉnh kỉnh

VI. Quy trình tầm soát đột quỵ tại Bệnh viện Đột quỵ Tim mạch Cần Thơ

Bước 1: Đến bệnh viện sớm hơn thời gian hẹn 15 phút, đến bàn chăm sóc khác hàng (bên trái ngay cửa ra vào) sẽ có nhân viên hỗ trợ, tư vấn.

Bước 2: Lấy số thứ tự. Điền thông tin cá nhân (họ và tên, giới tính, ngày tháng năm sinh, số điện thoại người khám, địa chỉ, số điện thoại người cần liên hệ).

Bước 3: Đợi đến số thứ tự, xác nhận thông tin và đóng phí tại quầy tiếp nhận (tầng trệt).

Bước 4: Nộp hồ sơ, đo huyết áp, chiều cao, cân nặng tại tầng trệt.

Bước 5: Nhân viên y tế sẽ hướng dẫn bạn lên lấy máu, nước tiểu làm xét nghiệm tại phòng 12 (tầng 2). Sau khi lấy mẫu máu, kỹ thuật viên sẽ cung cấp cho bạn lọ đựng mẫu nước tiểu, có dán tên, mã số. Nếu bàng quang chưa đầy nước và sẵn sàng cho việc lấy mẫu thì bạn nên uống nhiều nước. Trung bình thời gian nhận kết quả khoảng 1 giờ đồng hồ.

Bước 6: Đo điện tâm đồ tại Phòng điện tim ECG (phòng số 13, tầng 2). Trong phòng đo điện tâm đồ, có giỏ nhỏ đặt tại cuối giường để người đến khám đựng các vật dụng cá nhân như đồng hồ, ví, thẻ từ… tránh nhiễu sóng, ảnh hưởng kết quả.

Sau đó, bạn đến khoa Chẩn đoán Hình ảnh (tầng trệt) để chụp X-quang, siêu âm, chụp MRI.

Khoa Chẩn đoán hình ảnh - Thăm dò chức năng đặt ở tầng trệt, bên cạnh quầy tiếp nhận

Bước 7: Chụp X-quang tim phổi thẳng. Thời gian nhận kết quả khoảng 15-30 phút.

Bước 8: Siêu âm tại phòng 19 - 20 (ngay tại cửa ra vào khoa Chẩn đoán Hình ảnh). Trước tiên, bạn sẽ được siêu âm động mạch cảnh, siêu âm tuyến giáp, siêu âm bụng tại phòng 20. Sau đó, siêu âm tim tại phòng 19. Thời gian nhận kết quả siêu âm khoảng 5 - 10 phút.

Đo điện tâm đồ

Phòng siêu âm

Bước 9: Chụp MRI 3 Tesla (gần phòng chụp X-quang). Bạn sẽ được kỹ thuật viên hướng dẫn, tư vấn một số lưu ý khi chụp MRI. Bạn cần thông báo với kỹ thuật viên nếu có: bất cứ vật liệu cấy ghép hoặc thiết bị trong cơ thể có thể sản sinh ra từ trường, bằng kim loại hoặc thiết bị điện tử; bạn có tiếp xúc với bụi kim loại từ các hoạt động như mài, cắt trong quá trình làm việc; bạn đang có các vật liệu kim loại trong cơ thể do chấn thương; bạn đang có các vật thể có chứa kim loại hoặc các bộ phận từ kim loại (điện thoại di động, kéo, đồng hồ, thiết bị trợ thính, các dụng cụ hoặc chìa khóa).

Bạn sẽ cần thay đồ do bệnh viện cung cấp (sạch sẽ và mới nên các bạn có thể yên tâm sử dụng). Các vật dụng cá nhân có thể cất trong tủ có khóa ngay tại phòng thay đồ. Chìa khóa này bạn sẽ móc ngay phía trước cửa vào phòng chụp MRI.

Nên đi tiểu trước khi vào chụp MRI, vì nhiệt độ phòng tương đối thấp, thời gian chụp lâu có thể khiến bạn có nhu cầu đi vệ sinh trong khi chụp.

Thời gian chụp MRI khoảng 15-20 phút (có thể thay đổi tùy thuộc vào tình trạng của bạn). Máy MRI 3 Tesla độ nhạy cao, do đó trong quá trình chụp đầu bạn cần cố gắng giữ nguyên, không động đậy để hình ảnh rõ nét. Bạn sẽ được nghe nhạc trong khi chụp MRI và nếu khó chịu hãy bóp bóng ngay tay để được kỹ thuật viên hỗ trợ.

Tất cả những vấn đề này, bạn sẽ được kỹ thuật viên tư vấn kỹ trước khi vào chụp MRI. Thời gian nhận kết quả khoảng 30 - 60 phút (nếu hội chẩn cần 60 - 120 phút).

Phòng chụp X-quang

Phòng chụp MRI kế bên phòng chụp X-quang, đều ở trong khoa Chẩn đoán Hình ảnh

Bước 10: Chờ nhận kết quả. Thông thường, giấy hẹn và thời gian cụ thể nhận kết quả sẽ được ghim trên hồ sơ. Nếu có thay đổi, nhân viên sẽ thông báo trực tiếp cho bạn. Như AloBacsi đã nói ở trên, trong quá trình chờ đợi nếu muốn bạn có thể ghé căn tin tầng 9 của bệnh viện.

Bước 11: Theo thời gian hẹn ban đầu khi đặt lịch khám, bạn đến phòng khám số 10, tầng 2 gặp bác sĩ Thần kinh - Đột quỵ (kết quả sẽ được nhân viên trả về phòng khám này) để được giải thích các kết quả, hướng dẫn cụ thể.

Bước 12: Lấy thuốc (nếu có) và ra về.

Tổng thời gian khám tầm soát đột quỵ trung bình khoảng 3 giờ đồng hồ. Nên đi sớm để không bị dời sang buổi chiều.

VII. Chi phí gói tầm soát đột quỵ

Chi phí tầm soát đột quỵ tại Bệnh viện Đột quỵ Tim mạch Cần Thơ khoảng 9 triệu đồng. BHYT không chi trả cho dịch vụ này.

VIII. Địa chỉ và số điện thoại liên hệ Bệnh viện Đột quỵ Tim mạch Cần Thơ

Bệnh viện Đột quỵ Tim mạch Cần Thơ (hay còn gọi là Bệnh viện Đa khoa Quốc tế S.I.S Cần Thơ)
397 Nguyễn Văn Cừ nối dài, An Bình, Ninh Kiều, Cần Thơ
ĐT: 1800 1115

Có thể bạn quan tâm: Những bệnh viện cấp cứu và điều trị đột quỵ tốt ở Việt Nam?

Phương Nguyên - Ảnh: Viết Hưởng - AloBacsi.com

Tìm câu hỏi dịch vụ y

Được tìm nhiều:

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X