Khốn khổ vì bệnh… hoảng sợ
Ngày càng có nhiều người mắc chứng sợ máu, kim tiêm, các cơn lo sợ vô cớ không giải thích được. Theo các chuyên gia, có thể họ đã mắc căn bệnh rối loạn hoảng sợ.
101 kiểu sợ
Đã 30 năm nay, anh Nguyễn Văn Th., ở quận 6, TPHCM không dám bước chân vào bệnh viện. "Cứ gặp bác sĩ, thấy bệnh nhân băng bó là tôi xỉu ngay", anh Th.nói.
Cách đây 3 tháng, khi hay tin bố mình viêm ruột thừa phải vào BV Nguyễn Tri Phương để mổ, anh Th. chạy tới, nhưng mới nhìn thấy bố đang được y tá lấy máu xét nghiệm thì lăn đùng ra xỉu. Vậy là cả bố và con đều phải cấp cứu. Từ đó đến nay, anh không dám bước chân tới bệnh viện, cho dù người thân đang điều trị ở đó.
Chị Hồ Thị L, 29 tuổi, ở quận Tân Phú, TPHCM chưa bao giờ dám đến bệnh viện để thăm khám vì bị hội chứng sợ máu. "Thấy máu, dù là trên phim ảnh thôi, tôi cũng toát mồ hôi, tim đập nhanh và tay chân có lúc run lên. Vì vậy, nhiều năm nay, tôi không thể đi khám sức khỏe được", chị L. kể.
Trong khi đó, anh Lê Minh T., 42 tuổi ở quận 7, TPHCM có công việc ổn định và cuộc sống khá giả, nhưng nhiều năm nay anh T bỗng dưng thấy người khác lạ, hay lo lắng, hồi hộp và hoảng sợ không lý do.
Những người mắc bệnh rối loạn sợ hãi cần phải học cách thay thế nỗi ám ảnh
Anh T. cho biết, thỉnh thoảng trên đường đi làm về, cảm thấy có gì đó lo sợ rất mơ hồ. Đến khám ở BV Nguyễn Tri Phương, các bác sĩ cho biết sức khỏe anh T. ổn định, tim mạch không có vấn đề.
Tuy nhiên, do một năm qua anh T. có biểu hiện hoảng sợ vô cớ, nên anh được hội chẩn với các bác sĩ Khoa Nội thần kinh. BS Nguyễn Bá Thắng, Khoa Nội thần kinh - BV Nguyễn Tri Phương, cho biết, anh T. mắc chứng rối loạn hoảng sợ và phải điều trị bằng thuốc.
Học cách thay thế nỗi ám ảnh
Hội chứng sợ máu, sợ tiêm… xuất hiện ngày càng nhiều, thường làm người bệnh hạ huyết áp và rối loạn nhịp tim, có thể dẫn tới ngất xỉu hoặc tím tái, hoảng loạn.
BS Hải Vân, Khoa xét nghiệm - BV Phạm Ngọc Thạch, cho biết, chảy máu là một dấu hiệu cho thấy có điều gì đó không ổn với cơ thể, nên khi nhìn thấy máu của chính mình, nhiều người có thể lo lắng thái quá về sức khỏe.
Theo bác sĩ Thắng, chứng sợ máu, kim tiêm… gây ra nhiều hậu quả cho người bệnh. Rất nhiều người sợ các thứ trên không muốn tiếp cận điều trị.
Một số người thậm chí không khám sức khỏe và làm các xét nghiệm cần thiết hoặc sợ máu, kim tiêm đến nỗi khi con cái của họ gặp một vấn đề gì như bị thương, tai nạn,họ khó tiếp cận để sơ cứu ban đầu.
Theo các chuyên gia, rất nhiều người mắc hội chứng này thường giới hạn hoạt động ngoài trời hoặc tham gia các vấn đề xã hội khác vì họ lo sợ có nguy cơ gây tổn thương. Từ đó, họ mắc luôn hội chứng sống khép kín, sợ đám đông…
Để điều trị hội chứng này, các bác sĩ cho biết một trong những phương pháp phổ biến nhất là liệu pháp nhận thức hành vi. Những người mắc bệnh này sẽ được học cách thay thế nỗi ám ảnh do sợ hãi của mình bằng các phản ứng mạnh mẽ hơn khi nhìn thấy máu.
Trong trường hợp nghiêm trọng, theo bác sĩ Vân, có thể dùng thuốc giúp kiểm soát lo lắng. Với hội chứng rối loạn hoảng sợ, bác sĩ Thắng cho rằng, khi bệnh nhân gặp cơn hoảng sợ vô cớ thì không nên di chuyển nhiều, mà tốt nhất là ngồi yên một chỗ, rồi cố gắng thở chậm và thư giãn trong trạng thái thoải mái. Đừng nên quan trọng hóa vấn đề, cho rằng mình bị một căn bệnh khó chữa nào đó trong cơ thể vì làm như vậy thì bệnh cứ kéo dài.
Theo BS Nguyễn Bá Thắng, Khoa Nội thần kinh BV Nguyễn Tri Phương, người mắc rối loạn hoảng sợ thường có triệu chứng như chóng mặt, đau ngực và thở nhanh.
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình