Hotline 24/7
08983-08983

Khô mắt, cộm xốn, chảy nước mắt sau mổ tật khúc xạ, bao lâu mới hết và cách khắc phục?

Sau mổ tật khúc xạ bạn có thể gặp bị cộm xốn, khô mắt, chảy nước mắt. Tình trạng này là do đâu và kéo dài đến khi nào? Làm sao để ứng phó? BS.CK2 Võ Thị Thu Thảo - Giám đốc chuyên môn Bệnh viện Mắt Quốc tế Hoàn Mỹ TPHCM đã giải đáp các thắc mắc này trong bài viết dưới đây.

1. Tật khúc xạ là gì?

Nếu đục thủy tinh thể là vấn đề về mắt thường gặp ở tuổi già thì ở người trẻ lại là tật khúc xạ. Trước tiên, xin hỏi BS tật khúc xạ là gì ạ?

BS.CK2 Võ Thị Thu Thảo trả lời: Tật khúc xạ là một rối loạn ở mắt rất phổ biến. Đó là tình trạng khi chúng ta nhìn, ánh sáng đi qua nhãn cầu không hội tụ được đúng trên võng mạc làm cho hình ảnh nhìn thấy bị mờ.

2. 50 - 60% thanh thiếu niên ở thành thị mắc tật khúc xạ

Thưa BS, mức độ phổ biến của các tật khúc xạ hiện nay ở nước ta như thế nào và những nguyên nhân nào khiến tật khúc xạ ngày càng gia tăng?

BS.CK2 Võ Thị Thu Thảo trả lời: Hiện nay, ngày càng nhiều người bị các tật khúc xạ ở mắt.

Trước đây, khi các thiết bị công nghệ điện tử chưa phổ biến, tỷ lệ người mắc tật khúc xạ rất ít. Tuy nhiên, tính đến thời điểm hiện tại, tỷ lệ người mắc tật khúc xạ đã chiếm từ 30 - 40% dân số. Tỷ lệ này càng cao hơn ở lứa tuổi thanh thiếu niên.

Ở những vùng thành thị, đặc biệt là ở những đô thị lớn như TPHCM hay Hà Nội, tỷ lệ tật khúc xạ ở trẻ thanh thiếu niên ngày càng nhiều, thậm chí có thể lên đến 50 - 60%.

Hiện nay, với sự phát triển của khoa học công nghệ, việc sử dụng liên tục các thiết bị như điện thoại, máy tính, đặc biệt là với công việc đặc thù của dân văn phòng, khiến cho tỷ lệ người mắc tật khúc xạ ngày càng gia tăng.

Hơn nữa, trong thời gian giãn cách xã hội bởi đại dịch COVID-19, các hoạt động vui chơi, giải trí, thể dục thể thao bị hạn chế. Người lớn thì tập trung ở nhà để làm việc, trẻ em thì đối diện với màn hình điện thoại, máy tính để hoc online. Chính những lý do này đã khiến cho tình trạng tật khúc xạ gia tăng rất nhanh trong thời gian này.

BS.CK2 Võ Thị Thu Thảo có hơn 16 năm kinh nghiệm, thực hiện hơn 20.000 ca Lasik, Femto và Relex Smile và hơn 4.000 ca Phaco

3. Những thói quen nào dẫn đến tật khúc xạ?

Tật khúc xạ thường gặp ở những ai, độ tuổi nào? Những thói quen sinh hoạt nào khiến tật xúc xạ dễ xảy ra hơn thưa BS?

BS.CK2 Võ Thị Thu Thảo trả lời: Đối với người lớn, khi làm việc hay sử dụng điện thoại, chúng ta thường rất chăm chú mà không để cho mắt nghỉ ngơi. Chính vì vậy, mắt bị điều tiết quá sức gây ra hiện tượng tăng độ hay xuất hiện tật khúc xạ.

Đối với trẻ em, khi quấy khóc hoặc không chịu ăn uống, các bậc phụ huynh thường dỗ trẻ bằng cách cho sử dụng điện thoại, xem tivi. Hoặc trong những lúc phụ huynh bận làm việc thì cứ bỏ mặc cho trẻ xem tivi hoặc dùng điện thoại. Việc tiếp xúc quá sớm với các thiết bị điện tử khiến trẻ dần bị phụ thuộc, cứ mải mê, tập trung nhìn vào màn hình khiến mắt phải điều tiết nhiều. Từ đó, tật khúc xạ xuất hiện hoặc trẻ bị tăng độ nếu đã có sẵn tật khúc xạ.

4. Triệu chứng cảnh báo bạn bị tật khúc xạ?

Những triệu chứng của tật khúc xạ là gì? Trong đó dấu hiệu nào là phổ biến hoặc điển hình nhất mà chúng ta có thể nhận diện ạ?

BS.CK2 Võ Thị Thu Thảo trả lời: Đối với người lớn, khi làm việc, nếu cảm thấy mắt mờ hơn lúc trước, khả năng cao là đang có một bệnh lý nào đó về mắt. Trong đó, tật khúc xạ là một trong những gợi ý mà chúng ta có thể chẩn đoán đầu tiên.

Đối vớ trẻ em, cha mẹ quan sát những biểu hiện sau để phát hiện trẻ bị tật khúc xạ:

  • Trẻ than vãn với bố mẹ về tình trạng mờ mắt.
  • Khi xem tivi, trẻ phải đến gần màn hình mới xem được. Bên cạnh đó, trẻ có thể bị chảy nước mắt, dụi mắt, mắt bị kích thích đỏ hoặc nghiêng đầu để nhìn.
  • Một số trẻ có biểu hiện bị lé, nheo mắt, giật mắt.

Ngoài ra, tật khúc xạ ở trẻ có thể được phát hiện bởi giáo viên. Theo đó, khi đi học, trẻ chép bài sai, học tập ngày càng sa sút. Nhiều người thường nghĩ do trẻ không phát triển tốt trí não nhưng thực tế là do mắt trẻ nhìn không rõ nên chép bài sai, học sai và học kém đi.

5. Tật khúc xạ, khi nào nên đeo kính và khi nào nên mổ?

Vậy đối với tật khúc xạ, khi nào nên điều chỉnh bằng kính, khi nào nên mổ ạ?

BS.CK2 Võ Thị Thu Thảo trả lời: Để điều chỉnh tật khúc xạ, phương pháp đơn giản nhất đó là đeo kính: kính gọng hoặc kính áp tròng.

Khi phát hiện tật khúc xạ ở trẻ em, việc đầu tiên phụ huynh cần làm là đưa trẻ đến bệnh viện có chuyên khoa mắt để khám và đo độ cận. Qua đó, BS sẽ tư vấn với độ cận này thì trẻ có cần đeo kính hay không. Với trường hợp cận nhẹ, có thể trẻ chỉ cần theo dõi. Đối với trường hợp cận ảnh hưởng đến thị lực, bắt buộc trẻ phải đeo kính để giúp thị lực tăng lên.

Đối với phẫu thuật, phải trên 18 tuổi và áp ứng một số điều kiện thì mới có thể tiến hành thực hiện phương pháp này.

6. Các phương pháp phẫu thuật tật khúc xạ?

Ở Việt Nam hiện đã ứng dụng các phương pháp phẫu thuật tật khúc xạ nào? Kỹ thuật nào chiếm ưu thế nhất và được lựa chọn nhiều hơn cả, thưa BS?

BS.CK2 Võ Thị Thu Thảo trả lời: Hiện nay, phẫu thuật tật khúc xạ bao gồm: phẫu thuật laser, phẫu thuật phaco hoặc phẫu thuật RCL.

Phẫu thuật laser gồm các loại như: phẫu thuật Laser bề mặt, phẫu thuật Lasik, phẫu thuật Femto Lasik hoặc phẫu thuật Smile. Trong đó, phẫu thuật được xem là hoàn hảo nhất hiện nay là phẫu thuật Smile. Bởi dù là phẫu thuật laser nhưng đường mổ rất nhỏ (khoảng 2mm) và bảo tồn cấu trúc của giác mạc rất tốt.

7. Những triệu chứng thường gặp sau phẫu thuật tật khúc xạ?

Sau phẫu thuật, người bệnh thường sẽ gặp những vấn đề, triệu chứng nào? Liệu khi chọn phương pháp mổ tốt nhất, hiện đại nhất có tránh khỏi hoàn toàn những vấn đề này?

BS.CK2 Võ Thị Thu Thảo trả lời: Phẫu thuật tốt nhất là phẫu thuật phù hợp với mắt bệnh nhân.

Ví dụ, sau khi khám mắt, với thông số đo được, BS sẽ đưa ra lời khuyên về phương pháp phẫu thuật tốt nhất cho bệnh nhân. Chẳng hạn bệnh nhân nhân có sẹo giác mạc hoặc có những cấu trúc mắt không phù hợp để phẫu thuật bằng laser hoàn toàn, BS sẽ khuyên bệnh nhân nên sử dụng phương pháp Lasik. Hoặc trong trường hợp bệnh nhân có giác mạc mỏng, BS sẽ tư vấn bệnh nhân nên điều trị bằng phương pháp phẫu thuật Femto Lasik hoặc phẫu thuật Smile.

Vì vậy, có thể thấy rằng, không có bất cứ phương pháp phẫu thuật nào là hoàn hảo cho tất cả mọi người mà tốt nhất chính là phương pháp phẫu thuật phù hợp với mắt của bệnh nhân nhất.

Sau phẫu thuật laser (quá trình diễn ra rất nhanh, khoảng 5 - 7 phút), bệnh nhân không cần băng bó gì và vẫn sẽ được mở mắt đi ra ngoài thoải mái. Tuy nhiên, bệnh nhân cần phải lưu ý một số điều sau:

  • Trong vòng 4 tiếng đầu sau phẫu thuật, bệnh nhân sẽ có cảm giác mắt bị kích thích, hơi cộm xốn, chảy nước mắt. Do đó, trong khoảng thời gian này, bệnh nhân nên nhắm mắt nghỉ ngơi, tốt nhất là nên ngủ một giấc dài. Như vậy, sau khoảng thời gian đó, mắt bệnh nhân sẽ ổn định trở lại và những triệu chứng khó chịu trên mắt cũng biến mất.
  • Sau khi mổ, bệnh nhân không thể nhìn rõ ngay lập tức mà sẽ thấy hơi mờ như có sương. Tình trạng này có thể kéo dài trong vòng 4 tiếng đến 1 ngày, sau đó sẽ dần hồi phục.
  • Khi đã dần hồi phục, thỉnh thoảng mắt vẫn sẽ có biểu hiện bị kích thích, cộm xốn, đó là tình trạng khô mắt sau phẫu thuật. Theo đó, BS luôn kê thêm nước mắt nhân tạo để giúp bệnh nhân phục hồi tuyến nước mắt, dễ chịu hơn và mắt ổn định hoàn toàn trong thời gian dài.

8. Triệu chứng khó chịu sau mổ tật khúc xạ khi nào mới hết?

Bao lâu các triệu chứng này sẽ chấm dứt thưa BS? Có phải ai cũng phải trải qua sự khó chịu này hay nhóm bệnh nhân nào thì dễ gặp hơn sau khi mổ ạ?

BS.CK2 Võ Thị Thu Thảo trả lời: Tất cả những bệnh nhân mới mổ xong đều sẽ có cảm giác hơi khó chịu một chút và không có bất kỳ ai sau mổ mà mắt bình thường cả. Trong lúc phẫu thuật, bệnh nhân sẽ không cảm thấy đau vì đã có thuốc tê. Tuy nhiên, sau khi kết thúc cuộc phẫu thuật, bệnh nhân sẽ cảm thấy mắt hơi cộm xốn và khó chịu một chút. Những triệu chứng này sẽ ít hơn và phục hồi nhanh hơn đối với người áp dụng phương pháp phẫu thuật Smile bởi đường mổ rất nhỏ.

Nói tóm lại, mỗi bệnh nhân đều sẽ trải qua giai đoạn khó chịu sau phẫu thuật, triệu chứng có thể kéo dài trong 3 - 4 giờ hoặc đến ngày hôm sau. Tuy nhiên, với những bệnh nhân có tình trạng khô mắt trước đó, sau khi phẫu thuật triệu chứng khó chịu có thể kéo dài hơn so với những người bình thường. Tình trạng khó chịu cũng có thể kéo dài hơn ở những người sau:

  • Bệnh nhân có bệnh lý ở mắt như viêm bờ mi.
  • Người đang điều trị bệnh lý tuyến giáp gây ra khô mắt.
  • Người sử dụng thuốc chống trầm cảm.

9. Sau mổ tật khúc xạ, triệu chứng nào cần phải đi khám ngay?

Những dấu hiệu nào cho thấy người bệnh cần phải đi khám ngay?

BS.CK2 Võ Thị Thu Thảo trả lời: Thông thường bệnh nhân sẽ có cảm giác khó chịu như đã mô tả ở trên. Tuy nhiên, sẽ có những trường hợp bệnh nhân có triệu chứng khó chịu không giảm dần mà lại tăng lên. Ví dụ, bên cạnh cảm giác cộm xốn, bệnh nhân còn bị đau nhức mắt và sưng mi, đến nổi không thể mở mắt được. Khi đó, bắt buộc bệnh nhân phải liên hệ ngay với bệnh viện và BS để được tư vấn.

Một số tình huống sau bệnh nhân cần phải quay lại bệnh viện ngay để được BS kiểm tra:

  • Bệnh nhân dụi mắt.
  • Trầy mắt.
  • Có dị vật rơi vào mắt.

10. Chăm sóc mắt sau mổ tật khúc xạ như thế nào?

Chăm sóc mắt sau mổ tật khúc xạ như thế nào, các bước thực hiện ra sao thưa BS?

BS.CK2 Võ Thị Thu Thảo trả lời: Ngay sau khi mổ xong, bệnh nhân cần phải được nghỉ ngơi mắt bằng cách nhắm mắt, thư giãn và nhỏ thuốc theo đơn BS. Trong trường hợp cộm xốn, sau mỗi 30 phút, bệnh nhân nên nhỏ nước mắt nhân tạo để mắt dễ chịu hơn.

Trong vòng 1 tuần đầu sau khi mổ, bệnh nhân không nên dụi tay vào mắt, không để mắt tiếp xúc với nước dơ hoặc bụi bặm.

Thông thường, với phẫu thuật Lasik hoặc Femto Lasik, bệnh viện thường cấp kính bảo hộ cho bệnh nhân đeo. Bởi các phẫu thuật này sẽ có đường mổ khá lớn nên bệnh nhân cần phải mang kính bảo hộ 24/24 trong vòng 7 ngày kể cả lúc ngủ.

Đối với phẫu thuật Smile, đường mổ sẽ rất nhỏ nên việc đeo kính không cần phải nghiêm ngặt. Theo đó, bệnh nhân chỉ cần đeo khi ra đường hoặc đề phòng những tình huống có thể va chạm vào mắt.

Ngoài ra, bệnh nhân cũng cần phải tránh những hoạt động mạnh như chơi thể thao.

  • Sau một tháng đối với bệnh nhân phẫu thuật Lasik hay Femto Lasik
  • Sau 2 tuần đối với bệnh nhân phẫu thuật Smile.

Riêng bơi và tắm biển, tốt nhất bệnh nhân nên kiêng sau 3 tháng. Bởi đối với người bình thường, việc bơi và tắm biển đã có thể gây ra tình trạng viêm nhiễm, do đó những người mổ mắt nên tránh để mắt có đủ thời gian hồi phục.

Cảm ơn Công ty TRB Chemedica Việt Nam đã đồng hành cùng chương trình!

Phần 1: Khô mắt sau phẫu thuật tật khúc xạ, làm sao khắc phục?

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X